Sau giai đoạn ổn định cấu trúc và giữ an toàn, cùng với nhiều tháng bị gián đoạn công việc bởi đại dịch, tất cả gỗ bị cháy trên mái nhà đã được dỡ bỏ và hàng nghìn giàn giáo bị cháy rụi cũng đã được thay mới bên trong Nhà thờ.
Cơ quan nhà nước đứng đầu công trình xây dựng Nhà thờ Đức Bà cho biết, giai đoạn cuối cùng trong nỗ lực nhằm bảo đảm cấu trúc của Nhà thờ bao gồm việc gia cố các căn hầm bị hư hại do hỏa hoạn bằng các mái vòm gỗ. Nhà thờ sẽ được khôi phục lại nguyên trạng, bao gồm ngọn tháp cao 96 m do kiến do kiến trúc sư Eugene Viollet-le-Duc thiết kế vào giữa những năm 1800.
Việc tái thiết bằng gỗ cần một thời gian dài để tìm kiếm những cây sồi hàng trăm tuổi trong các khu rừng của Pháp: ước tính cần phải có 1.500 cây. Sau khi được đốn hạ, các thân cây có kích thước xác định, phải được phơi khô từ 12 đến 19 tháng trước khi có thể được sử dụng. Hiện tại, có khoảng 1.000 cây đã được thu thập và vào tháng 3/2022 sẽ đốn hạ tiếp số còn lại.
Công việc khôi phục dự kiến sẽ bắt đầu trong những tháng tới sau quá trình đấu thầu để lựa chọn công ty phụ trách dự án. Trước đó, các hoạt động dọn dẹp bên trong Nhà thờ sẽ được thực hiện vào tháng này.
Được xây dựng từ thế kỷ 12, Nhà thờ Đức Bà Paris là một trong những biểu tượng văn hóa nổi tiếng với kiến trúc Gothic đồ sộ, lộng lẫy của nước Pháp. Trải qua 9 thế kỷ, đi qua những thăng trầm trong lịch sử của đất nước Pháp, công trình này đã trở thành một trong những niềm tự hào của người dân nơi đây. Trận hỏa hoạn xảy ra vào tháng 4 năm 2019 đã khiến cho người dân Pháp và cả thế giới bàng hoàng khi chứng kiến biểu tượng vĩ đại này chìm trong biển lửa.