Giá trị của nhà cổ trong lòng Hà Nội hiện đại
Hà Nội không chỉ là Thủ đô hay nơi ghi dấu những cột mốc lịch sử trọng đại, mà còn là kho tàng sống động của ký ức đô thị. Giữa lòng thành phố ngày càng mở rộng và hiện đại hóa, vẫn hiện diện những ngôi nhà cổ trầm mặc, như những chứng nhân lặng lẽ của thời gian – mang trong mình giá trị văn hóa và tinh thần mà không tòa cao ốc nào có thể thay thế.

Những căn biệt thự Pháp cổ với mái ngói dốc và lan can sắt uốn cong, những nhà ống thời bao cấp với cầu thang xoắn, gạch hoa, cửa gỗ lim bạc màu - tất cả là những biểu hiện sinh động của kiến trúc, thẩm mỹ và lối sống từng thời kỳ. Mỗi khung cửa sổ, mỗi lớp vữa bong tróc, mỗi bậc thềm mòn dấu chân đều kể những câu chuyện đã cũ nhưng chưa từng mất đi giá trị. Chúng là nơi lưu giữ ký ức của một Hà Nội từng thanh lịch và trầm tĩnh, là nơi gắn bó với bao thế hệ cư dân đô thị từ những gia đình trí thức, nghệ sĩ, công chức cho đến người dân lao động bình dị.


Mò mẫm Hà Nội
Giữa nhịp sống hối hả, những ngôi nhà ấy ngày càng bị lấn át bởi tốc độ đô thị hóa, bởi những công trình bê tông hiện đại và ánh đèn quảng cáo chói lóa. Nhưng cũng chính vì thế, việc nhận diện, tìm kiếm và lưu giữ các công trình kiến trúc cổ của Hà Nội không chỉ là một hành động mang tính hoài niệm mà còn là một nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa trong chính cuộc sống đương đại.
Bởi mỗi khi một ngôi nhà cũ biến mất, không chỉ mảnh kiến trúc bị xóa bỏ, mà còn là một phần ký ức đô thị bị xoá nhoà. Cũng chính nhờ may mắn được trải nghiệm và khám phá những kiến trúc xưa cũ ấy, một nhóm bạn trẻ đã viết nên một hành trình đẹp – khởi đầu cho buổi trưng bày đầu tiên mang tên “Mò mẫm Hà Nội” tại Quán Cầm.






Buổi trưng bày đầu tiên "Mò mẫm Hà Nội" mở tại quán Cầm
Những người trẻ và hành trình bảo tồn ký ức đô thị
Có ba người đàn ông ngày ngày lặng lẽ đi ngược lại dòng chảy là Quốc Quân, Quốc Trung và Quốc Minh - ba người bạn cùng chung một mối quan tâm sâu sắc, tình yêu với vẻ đẹp xưa cũ của Hà Nội. Họ gọi nhóm mình là “thợ săn nhà cổ” - một cái tên thân thương, giản dị, nhưng chất chứa bao nhiêu đam mê và kỳ công của hành trình “mò mẫm” giữa thành phố đang thay da đổi thịt từng ngày.
Với ba anh em "thợ săn nhà cổ", vẻ đẹp của Hà Nội không nằm ở những thứ lộng lẫy, mà tại những gì đang dần bị quên lãng - một căn biệt thự đã nhuốm màu thời gian, một ngôi nhà tập thể với cầu thang sắt xoắn tròn cổ kính, hay một tấm bảng hiệu xi măng chữ đắp nổi bị che lấp bởi bảng quảng cáo hiện đại.
Theo lời Quốc Minh: “Ba anh em có chung sở thích ngắm nhìn những giá trị cũ của Hà Nội, đặc biệt là những căn nhà đã tồn tại từ trước năm 1954. Ban đầu chỉ là nhìn ngắm, kể cho nhau nghe, rồi dần thấy tiếc nếu không chia sẻ với nhiều người hơn. Có những nơi không ngờ lại được bước vào, và biết đâu chẳng thể quay lại lần thứ hai, nên chúng tôi ghi lại tất cả những nơi từng đặt chân tới. Mỗi bậc thang, ô cửa, mảng tường cũ đều khiến chúng tôi thấy đẹp và đầy hứng thú".






Những tấm hình được ghi lại, được ghi nội dung chi tiết bằng viết tay
Hà Nội đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Sự thay đổi, xét trên khía cạnh đô thị học, là tất yếu. Nhưng giữa dòng chảy ấy, không phải ai cũng kịp nhận ra rằng những công trình tưởng chừng cũ kỹ, vô giá trị lại đang chứa đựng một phần rất lớn ký ức tập thể của thành phố - nơi lưu giữ văn hóa, kiến trúc, thẩm mỹ, và cả tâm hồn của những con người từng sống trong đó. Với ba anh em, mỗi lần “mò mẫm” là một lần đi tìm những mảnh ghép của Hà Nội xưa.
Không hô hào rầm rộ, không làm dự án to lớn, họ cứ âm thầm đồng hành cùng nhau. Có căn nhà từng là xưởng vẽ của một họa sĩ thời bao cấp. Có nơi từng là trụ sở của một tổ chức ngoại giao cũ hay là bệnh viện cũ. Có nơi chỉ còn là bức tường trơ trọi, nhưng đủ để ba anh em đoán ra được phong cách kiến trúc, niên đại và cả tinh thần thời đại ẩn sau những lớp vữa tróc lở.






Mò mẫm Hà Nội
Mò mẫm Hà Nội trưng bày của ký ức
Sau một thời gian dài đi cùng nhau, cảm xúc, hình ảnh và tư liệu tích tụ dần khiến nhóm nghĩ đến một điều lớn hơn, chia sẻ hành trình này với nhiều người hơn nữa. Và từ đó, “Mò mẫm Hà Nội” - buổi trưng bày đầu tiên của nhóm thợ săn nhà cổ ra đời.
Kiến trúc ba tầng với tầng tum, khối cầu thang cao vút, cửa sắt kính kéo dài từ trệt lên tum cho thấy tư duy thiết kế hiện đại pha trộn giữa mềm mại và góc cạnh. Những bức ảnh chụp phần ánh sáng xuyên qua ô cửa kính, hay tay vịn cầu thang cong vút màu gỗ sẫm khiến người xem không khỏi xúc động. Không ngờ Hà Nội vẫn còn những công trình đẹp đến thế.
Bên cạnh hình ảnh, trưng bày còn có ghi chép tay, trích đoạn trò chuyện với chủ nhà, bản vẽ lại mặt bằng công trình, và cả những tấm biển hiệu cũ được phục dựng lại từ ký ức. Đối với nhóm thợ săn nhà cổ, “mò mẫm” không phải là việc lãng mạn hóa quá khứ hay chống lại sự phát triển.




Buổi trưng bày trong không gian hạn chế nhưng bao trùm cả Hà Nội xưa cũ
Không gian trưng bày là một căn nhà tập thể cũ. Trên những bức tường là hàng trăm bức ảnh được chọn lọc từ kho tư liệu của ba anh em, từ những khung cửa gỗ kiểu Pháp ở phố Nguyễn Thượng Hiền, đến mái ngói âm dương còn sót lại ở phố cổ; từ một biệt thự kiến trúc Art Déco bị xuống cấp, đến những căn nhà phố bị che khuất bởi các cửa hàng tiện lợi.
Một trong những điểm nhấn trong trưng bày là biệt thự số 14 Nguyễn Gia Thiều - công trình từng làm cả ba anh em sững sờ khi lần đầu phát hiện. Tọa lạc ở góc phố Nguyễn Gia Thiều và Liên Trì, biệt thự là hiện thân tiêu biểu của phong cách Art Déco, thịnh hành vào thập niên 30 - 40.


Đèn chiếu các biểu tượng di sản Hà Nội

“Mò mẫm Hà Nội” có thể chỉ là khởi đầu
Họ hiểu rằng thành phố cần lớn lên, cần hiện đại. Nhưng song song với đó, vẫn có cách để gìn giữ những gì đã làm nên bản sắc của nó. Việc ghi chép, chụp ảnh, trưng bày, kết nối với cộng đồng, đó là cách để các giá trị kiến trúc và văn hóa không bị quên lãng. Là cách để ký ức đô thị không biến mất một cách âm thầm.
Bởi với họ, những căn nhà cũ không chỉ là kiến trúc, đó là ký ức, là văn hóa, là di sản sống của một Hà Nội rất riêng. Buổi trưng bày đầu tiên là dấu mốc quan trọng, tiếp nối hành trình “mò mẫm” để lưu giữ những gì được gọi là di sản cho mai sau.