Phú Quý là một huyện đảo thuộc tỉnh Bình Thuận, cách thủ phủ Phan Thiết khoảng 100 km. Nơi đây sở hữu hệ sinh thái nguyên sơ, phong phú, cuộc sống của con người còn giữ được nhiều nét truyền thống, mộc mạc, thay vì cuốn theo vòng xoáy hấp dẫn của ngành du lịch.
Dưới thời Pháp thuộc, Phú Quý được biết đến với tên gọi Poulo-Cécir-de-Mer (Cù lao của biển). Ngày nay, Phú Quý là một cù lao cổ kính với khoảng 30.000 cư dân, là nơi duy nhất ở Việt Nam mà học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông phải đi thuyền vào đất liền để thi đại học.
Bên cạnh những ưu ái về cảnh quan, một trong những điểm độc đáo nhất của Phú Quý còn nằm ở kiến trúc. Dọc theo các con đường trong huyện đảo Phú Quý là những ngôi nhà một tầng nằm cạnh nhau, hầu hết tất cả đều mang đậm nét kiến trúc hiện đại vào giữa thế kỉ 20.
Dấu ấn thế kỉ 20 trong những ngôi nhà
Những căn nhà ở đây tuy được coi là "kiến trúc hiện đại" bởi chúng được làm bằng vật liệu công nghiệp, song lại không cho thấy những nguyên tắc của chủ nghĩa hiện đại. Thay vào đó, chúng dường như được tạo ra dựa trên những quyết định mang đầy... cảm tính. Chính sự tương phản này đã để lộ ra đặc trưng văn hoá Việt Nam trong kiến trúc.
Những ngôi nhà ở Phú Quý sử dụng đá rửa để làm lớp bao phủ bên ngoài các cột chống và mặt tiền, những khối thông gió hình học, cách thiết kế và trang trí mang đậm dấu ấn cá nhân như thành lan can được cách điệu, bồn hoa, lam che nắng, hoa gió, khung cửa sắt, giàn leo,… Tất cả đều là những đặc điểm chung nhất trong phong trào kiến trúc hiện đại của Việt Nam, nhưng mang đậm dấu ấn của đất nước và vượt ra khỏi ranh giới của chủ nghĩa hiện đại toàn cầu.
và những dấu ẩn thẩm mỹ riêng
Dù vậy, những ngôi nhà mang kiến trúc hiện đại trên đảo Phú Quý cũng có những dấu ấn thẩm mỹ riêng của mình. Điểm nổi bật nhất có lẽ nằm ở việc tạo khắc con số trên mặt tiền ngôi nhà, như một cách để ghi nhớ năm xây dựng của công trình. Các con số trải dài từ đầu 1970 đến cuối 1990, mặc dù hầu hết các ngôi nhà này dường như được xây dựng vào những năm 80 và 90 của thế kỉ trước.
Theo ông Phạm Phú Vinh, nhà nghiên cứu và là tác giả cuốn sách phân tích về kiến trúc hiện đại Việt Nam, việc thêm năm trong thiết kế các ngôi nhà có thể hoàn toàn vì lý do thẩm mỹ hoặc tình cảm để kỉ niệm “ngày sinh” ngôi nhà thân yêu của họ.
“Các con số có thể chỉ để trang trí, nhưng tôi nghĩ sự xuất hiện của chúng còn cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của lối kiến trúc hiện đại ở địa phương” - ông nhận định. “Khoảng giữa thế kỉ 20, cư dân Sài Gòn có khả năng tài chính cao hơn cho việc xây nhà, nhưng ở nông thôn thì rất hiếm. Do dó, nhà ở nông thôn càng có giá trị sâu sắc với người chủ bởi họ có lẽ đã phải làm lụng cả đời để xây được một ngôi nhà”.
Phải đến cuối thế kỉ 20, cư dân ở ngoại ô và các vùng nông thôn Việt Nam mới có thể đủ tài chính nghĩ đến việc xây nhà. Vì vậy, những ngôi nhà ở trên đảo Phú Quý cũng có những điểm khác biệt so với những ngôi nhà được xây vào những năm 50, 60. Mặc dù vẫn ảnh hưởng từ lối kiến trúc hiện đại giữa thế kỉ trước nhưng lại có một số biến thể về cấu trúc, chẳng hạn như sự gia tăng các yếu tố trang trí, nhiều vật liệu được đưa vào sử dụng ngoài đá rửa, và việc sử dụng phông chữ serif cho các con số, thay vì sans serif như những thập kỷ trước.
Ông Vinh cho rằng trong giai đoạn này, sự hấp dẫn của chủ nghĩa hiện đại phương Tây giảm dần so với những năm 50, 60 và 70, vì thế nguyên vật liệu bắt đầu có sự biến đổi.
Trên thực tế, không có một bộ quy tắc được biên soạn chính thống nào liên quan đến việc xây dựng nhà ở theo kiến trúc hiện đại. Trong nhiều thập kỉ qua, các nhà thầu hoặc chủ nhà tự thiết kế công trình theo cách mà họ mong muốn, miễn sao sử dụng tốt nhất những nguyên liệu hiện có và thỏa mãn được sở thích cá nhân.
Ở Sài Gòn có một vài khu vực tập trung những ngôi nhà được xây dựng trong cùng thời kỳ, chúng mang phong cách nhất quán hơn và có xu hướng thiết kế giống với khu lân cận. Còn tại những khu vực xa xôi phía Nam, như trên đảo Phú Quý nằm ngoài khơi bờ biển Nam Trung Bộ, các "quần thể" nhà riêng nằm tách biệt nhau lại sở hữu một dấu ấn riêng so với kiến trúc hiện đại Việt Nam từ giữa thế kỉ trước.
Những sự biến chuyển trong lối kiến trúc du nhập vào Việt Nam này đã phản ảnh những giá trị của người Việt Nam mới, người Việt Nam hiện đại. Rằng người Việt Nam đã không chỉ tiếp nhận một thể loại kiến trúc mới một cách bị động, mà còn chủ động biến đổi kiến trúc của mình bằng cách thuần hoá những giá trị mới, với cá tính và bản lĩnh của riêng mình.