Trong nhiều thế kỷ, dù "vật đổi sao dời" nhưng những chú mèo hoang vẫn cứ lang thang khắp thành phố Istanbul. Chúng hoang dã nhưng mặt khác lại không hề cư xử như động vật hoang dã. Thay vào đó, chúng cùng chung sống hòa bình với người Istanbul. Đây cũng là loài vật duy nhất được phép bước vào đại thánh đường Mecca - thánh địa của người Hồi giáo.
Để thấy, dù các đế chế Byzantine và Ottoman đã lần lượt sụp đổ, mèo vẫn ngày ngày đi dạo qua chợ Grand Bazaar và nhà thờ Hồi giáo Hagia Sophia nổi tiếng, như thể là minh chứng cho sự bất biến và vị thế không thể thay thế của một "biểu tượng dân gian".
NHỮNG GIAI THOẠI VỀ MÈO
Trong Kinh Koran của người Hồi giáo có khá nhiều những câu chuyện liên quan đến Nhà Tiên tri Muhammad và những chú mèo. Một mẩu chuyện kể rằng một con mèo đã nằm cuộn tròn trên áo choàng của Muhammad để ngủ trưa, vì vậy Ngài đã tự cắt tay áo khoác của mình để không làm phiền chú mèo. Trong một câu chuyện khác, chú mèo cưng của Abu Hurayrah đã cứu Muhammad khỏi cuộc tấn công chết người của một con rắn. Muhammad đã ban phước cho con mèo trong lòng biết ơn và cho loài mèo khả năng luôn hạ cánh trên đôi chân của chúng. Mèo được coi là những người bảo vệ trong thế giới Hồi giáo: chúng bảo vệ các thư viện khỏi sự phá hủy của chuột và có thể đã giúp bảo vệ dân cư thành phố khỏi các bệnh dịch từ chuột.
Nhìn qua các cuốn sách lịch sử về đạo Hồi, nhiều tác giả đề cập đến tình yêu của Nhà Tiên tri với mèo và cho dù có bao nhiều biến thể xuất hiện đi chăng nữa, tình cảm mà Ngài Muhammad dành cho mèo vẫn luôn nhất quán.
Tại Cairo vào những năm 1830, cứ mỗi buổi chiều, một số lượng lớn mèo lại tập trung trong khu vườn của Tòa án Tối cao và được rất nhiều người mang giỏ đầy thức ăn tới cho chúng. Điều này bắt nguồn từ thời vua (sultan) Mamluk sultan al-Zahir Baybars, tức từ thế kỷ 13. Vị vua yêu mèo này đã ban tặng cho những chú mèo ở Cairo một khu vườn, nơi chúng có thể tìm thấy mọi thứ chúng cần. Theo thời gian, nơi này đã thay đổi và được xây dựng lại nhiều lần; tuy nhiên, luật pháp yêu cầu rằng người tiếp nhận toà kiến trúc này sẽ phải tiếp tục thực hiện mong muốn của sultan là chăm sóc những chú mèo.
mèo ở istanbul
Ở Thổ Nhĩ Kỳ có một câu ngạn ngữ nổi tiếng rằng: "Nếu bạn giết một con mèo, bạn cần xây dựng một nhà thờ Hồi giáo để được Chúa tha thứ". Dạo quanh những con phố ở Istanbul, người ta có thể nhìn thấy rất nhiều container đặt bên cạnh các toà nhà, kèm với đó là những khẩu phần thức ăn nho nhỏ mà người dân trong phố mang đến. Khi chúng ta cảm thương cho những chú mèo lang thang không được ai nhận nuôi, hoá ra chúng lại được chăm sóc bởi tất cả mọi người dân ở nơi đây. Ngay cả giải vô địch bóng rổ thế giới cũng lấy mèo làm linh vật, đó là hình ảnh giống mèo Bascat lông dài màu mắt xanh dương và xanh lá cây nổi tiếng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Mùa đông năm 2016, một lãnh đạo Hồi giáo tiếng tăm tại Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp nơi trú ẩn cho những chú mèo đi lạc ở Istanbul. Và cần lưu ý rằng, thành phố này là nơi sinh sống của hơn 30.000 con mèo đi lạc.
Trong các lối đi hẹp của Istanbul, những con mèo đậu trên mái nhà và bệ cửa sổ, cúi mình trước cửa và nghỉ ngơi ở gần như mọi ngóc ngách. Dù đi lang thang dưới ánh sáng mặt trời, chải chuốt bản thân hay đi lang thang vào các cửa hàng để tìm kiếm thức ăn, mèo đã trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống hàng ngày ở thành phố lớn nhất châu Âu.
Chúng có mặt ở khắp nơi nhiều đến nỗi không ai còn tỏ vẻ ngạc nhiên khi một con mèo đang băng qua sảnh của tòa nhà văn phòng cao tầng hay bước chân vào các thánh đường nữa. Chủ cửa hàng và người dân địa phương còn biết hết tên của những con mèo nhà hàng xóm và thậm chí còn trò chuyện với chúng như thể trò chuyện với một người bạn.
Nhiều câu chuyện thú vị về mèo ở Istanbul đã được những người yêu du lịch chia sẻ, nổi tiếng trong số đó là việc một travel blogger đã lén cho chú mèo hoang ăn chiếc cánh gà bỏ dở của mình. Khi người chủ hàng ăn nhìn thấy điều đó, ông bước tới với nụ cười hạnh phúc và cho chú mèo nguyên một chiếc đùi gà mà không hề do dự. Người Thổ dành cả trái tim cho loài mèo, đây là sự thật!
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn đưa ra một đạo luật để trừng phạt những ai ngược đãi, tra tấn hoặc để động vật không có thức ăn hoặc nước uống. Bên cạnh đó, một bộ phim tài liệu năm 2017 mang tên "Kedi" đã ra mắt để phản ảnh một ngày thường nhật trong cuộc sống của những chú mèo lang thang trong thành phố Istanbul. Mặc dù bộ phim có nhiều cảnh quay đáng yêu nhưng nó cũng đưa đến những tiên đoán khá buồn bã, cảnh báo rằng sự hiện đại hóa ở Istanbul đang đẩy lùi cả người và mèo trong thành phố. Đến nay, bộ phim đã thu về hơn 2,7 triệu đô la tại Mỹ, trở thành bộ phim tài liệu tiếng nước ngoài có doanh thu cao thứ ba mọi thời đại.
Trang Facebook của "Mèo ở Istanbul" (Cats of Istanbul) có gần 85.000 người theo dõi. Khi Barack Obama đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2009, ông đã chụp ảnh với một chú mèo nổi tiếng mang tên Gli đã sống ở Hagia Sophia hơn 14 năm nay. Quận Kadiköy thậm chí còn dựng lên một bức tượng bằng đồng của ngôi sao Instagram - chú mèo Tombili.
Một số người yêu mèo mua những ngôi nhà nhỏ để giữ ấm cho những người bạn lông xù của mình vào những đêm giá lạnh, tận dụng mọi nguồn thức ăn để cung cấp cho mèo trong những tháng mùa đông. Một số thậm chí mang mèo về nhà vào những đêm lạnh nhất.
"Tiền không phải là vấn đề đối với một số người khi nói đến mèo", Ozan, một nhân viên cửa hàng thú cưng cho biết.
"Họ nhận nuôi những con mèo bị gãy chân, mù hoặc những con có vấn đề về dạ dày và đưa chúng đến phòng khám. Khi chúng được chữa lành, người ta trả chúng trở lại các con phố".
Có thể nói, ở một quốc gia thường xuyên xung đột về tôn giáo và sắc tộc như Thổ Nhĩ Kỳ, tình yêu dành cho những chú mèo dường như chính là điều hàn gắn mâu thuẫn và giúp con người xích lại gần nhau hơn.