Những hạt lựu ước vọng ở Bảo tàng Do Thái Berlin

21/03/2013

Bạn có biết đất nước nào có nhiều bảo tàng Do Thái nhất trên toàn thế giới? Câu trả lời thật bất ngờ: tại đất nước đã xảy ra nạn diệt chủng quy mô lớn nhất và khốc liệt nhất trong lịch sử loài người - Cộng hòa liên bang Đức. Một trong số đó - bảo tàng Do Thái ở Berlin - như một “bách khoa thư”, được viết từ sự ăn năn và kính trọng của người Đức, xứng đáng để bất cứ ai yêu chuộng hòa bình đến xem và soi rọi nội tâm.

Bài và ảnh: Kiến trúc sư Nga Vũ

Để tóm lược được lịch sử xuyên suốt thời gian từ giữa trung cổ và cổ đại cho tới hiện tại của một dân tộc; để giúp hình dung và để tạo cảm hứng cho khách tham quan về nền văn hóa của dân tộc ấy chưa bao giờ là việc dễ dàng, đặc biệt khi đó lại là dân tộc Do Thái, một dân tộc không quê hương, luôn bị chối bỏ nhưng sức sống luôn bền bỉ cùng bản sắc văn hóa mạnh mẽ và trường tồn. 

Bảo tàng Do Thái Berlin bao gồm hai khu nhà. Khu nhà cổ (còn gọi là Kollegienhaus) được xây theo phong cách kiến trúc Barrock do kiến trúc sư Phillip Gerlach thiết kế vào thế kỉ 18, giờ là khu vực sảnh vào, mua vé, gửi đồ, cửa hàng lưu niệm… và khu trưng bày theo chủ đề đặc biệt. Khu nhà mới, nơi trưng bày chính của bảo tàng do kiến trúc sư Daniel Libeskind thiết kế theo phong cách Phi Kết Cấu từ năm 1989 nhưng mãi tới tận năm 2001, bảo tàng Do Thái Berlin mới chính thức mở cửa đón khách. Thoạt tiên nhìn vào, có lẽ khu nhà cổ với kiến trúc đặc trưng Châu Âu gợi cho bạn cảm giác ấm áp và được chào đón hơn, nhưng khu nhà mới của Daniel Libeskind mới thực sự gây ấn tượng và đem lại cho bạn nhiều bất ngờ. Bạn sẽ dần cảm nhận được điều đó bằng cả ngôn ngữ bảo tàng lẫn ngôn ngữ kiến trúc ngay khi vừa bước vào khu vực trưng bày.

Tầng hầm: Những lát cắt vội vào lịch sử

Lối đi xuống tầng hầm từ sảnh vào sẽ dẫn bạn tới khu vực trưng bày đầu tiên. Ở tầng này, Daniel Libeskind đã thiết kế mặt bằng từ ba đoạn thẳng cắt chồng lên nhau tạo thành ba trục trưng bày chính: Trục biểu tượng cho tính liên tục (Achse der Kontinuität), trục biểu tượng tha hương (Achse des Exils), trục biểu tượng diệt chủng người Do Thái (Achse des Holocaust). Không gian trưng bày cô đọng, theo từng chủ đề dọc theo ba trục được ví như du khách đi trên đôi hài bảy dặm để ghé thăm chóng vánh gần hai ngàn năm lịch sử người Do Thái trên nước Đức. Điểm mút của mỗi trục là một điểm dừng hoặc điểm đi tiếp có chủ ý. Cuối Achse der Kontinuität là cầu thang dẫn lên các tầng trưng bày phía trên, cuối Achse des Exils du khách sẽ gặp Khu vườn tha hương (Garten des Exils) và cuối Achse des Holocaust là Tháp diệt chủng người Do Thái (Turm des Holocaust).

Khu vườn tha hương là khoảng không duy nhất không có mái che của tầng hầm. Nơi đây hiện diện 49 cột bê tông vuông màu xám cao 6m vươn thẳng tắp đối lập với lối đi nghiêng. Số 49 được lấy từ 7 lần 7 là con số thiêng trong tín ngưỡng Do Thái. Cây liễu gai dầu, biểu tượng cho tự do và hi vọng Do Thái được trồng trên mỗi cột bê tông và vào đầu hè, loại cây này nở hoa li ti như những ngôi sao nhỏ, tỏa thứ hương thơm nhẹ nhõm, để những du khách may mắn đón được vài cánh sao đậu lại thư thái và bình yên.

Đứng giữa trùng trùng những cột xám nặng nề, lạnh lẽo và hun hút vươn cao, bạn sẽ thấy những góc nhìn bị cắt ra, bầu trời bé lại dù trên cao kia vẫn là màu xanh của cây lá và màu xanh da trời. Độ dốc dưới chân khiến bạn có ảo giác bị chao đảo, bấp bênh và những cây cột dường như đang trôi tới, va vào nhau. Kiến trúc sư đã định lấy đất thiêng ở Jerusalem về san nền thành mặt phẳng nghiêng dưới chân những cây cột nhưng ý tưởng này gặp nhiều trở ngại và không thể thực thi. Giữa khu vườn này, nếu nhắm mắt lại, bạn sẽ thoáng gặp những hình ảnh, những ước mơ bay lơ lửng, những khối ác mộng đè nặng và thực tại tàn khốc đã từng vụt qua trong đôi mắt của cô bé Anne Frank khi trốn trong căn nhà sau công ty của bố gần hai năm trời…

Theo chỉ dẫn của bảo tàng, rời tầng hầm, bạn sẽ không lên tầng mặt đất hay tầng một mà đi qua cầu thang lớn lên thẳng tầng hai (tầng cao nhất của bảo tàng) rồi từ từ đi xuống. Từ đây, bạn sẽ lần ngược theo cuộn chỉ thời gian để quay về Trung Cổ và men dần tới hiện tại.

Tầng hai – Sự hình thành văn hóa Do Thái, đấu tranh sinh tồn

Toàn bộ tầng hai mô tả cuộc sống và văn hóa của người Do Thái từ giai đoạn Trung cổ đến trước Chiến tranh thế giới thứ hai. Giữa hai gam màu tối giản màu đen, trắng xuyên suốt trong ý tưởng thiết kế, những mảng màu phong phú, đậm nét văn hóa riêng hiện lên vui tươi, sống động, tràn ngập ánh sáng. Sự hình thành văn hóa Do Thái được mô tả lại từ những mẫu vật trưng bày lấy ra từ cuộc sống khi xưa như mô hình căn nhà cổ, lò nướng, đồ sinh hoạt, phục trang... cho tới những vật thiêng như mảnh da thuộc viết Kinh thánh, cuộn Tora cổ (kinh thánh của người Do Thái), những Tefillin (cuộn dây da để trói tay và đeo lên đầu khi cầu nguyện để tưởng niệm sự kiện Chúa giải phóng những người Do Thái chịu thân phận tôi đòi dưới ách nô lệ của Ai Cập)... Những phong tục, tập quán, nghi lễ tôn giáo của người Do Thái cũng được miêu tả tỉ mỉ bằng tranh, mô hình, tượng, bằng những câu chuyện…  Tất cả đều được treo trên hoặc đặt cạnh tấm trưng bày mô phỏng những vách tường trong Synagoge (giáo đường Do Thái).

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Nếu bạn cẩn thận đi theo những chấm tròn và  mũi tên chỉ dẫn màu đen dưới chân, bạn sẽ xác định được niên đại và hệ thống nội dung cho từng khu trưng bày cũng như xuyên suốt toàn bảo tàng. Ở tầng hai, nếu xem tỉ mỉ bạn sẽ hình dung ra được từ những ngày đầu tiên đầy vất vả của người Do Thái trên vùng đất lạ. Họ sống chủ yếu là nghèo khổ ở những vùng thôn quê cho đến khi tự phải thôi thúc văn minh hóa trong cộng đồng của mình, bằng cách chú trọng hơn về nghiên cứu khoa học, chiêm tinh, triết học thay đổi dần những luật lệ hà khắc để bình đẳng hơn với phụ nữ… rồi tự nắm lấy vận hội để phát triển phồn vinh, để len lỏi và đứng vững trong tầng lớp quý tộc của một trong những đế chế hùng mạnh và thủ cựu nhất Châu Âu.

Theo mạch chỉ dẫn của bảo tàng, đi tiếp xuống tầng một, bạn sẽ hiểu nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ nạn Diệt chủng người Do Thái có quy mô lớn trên toàn Châu Âu và nạn diệt chủng đó diễn ra như thế nào.

Tầng 1 – Nỗ lực giành lấy sự bình đẳng của người Do Thái trong xã hội Đức

Ở tầng 1, vật liệu kiến trúc và cả những tư liệu bảo tàng cũng hiện đại hơn. Trong không gian trưng bày là những bức tranh theo trường phái ấn tượng, những tác phẩm điêu khắc hiện đại, những bức ảnh chụp bằng phim, những quyển sách in, một căn phòng có đàn Piano và cây thông Noel... như hiện thời ta vẫn thường bắt gặp. Những đồ vật bằng bạc, vàng tinh xảo, những mô hình giáo đường đồ sộ, những cái tên nổi tiếng tới tận bây giờ của các nghệ sĩ, nhà tư tưởng, thương gia Do Thái giàu có xuất hiện dày đặc hơn cho thấy từ giữa thế kỉ 18, cộng đồng người Do Thái sống ngày một sung túc hơn, có nhiều quyền lực hơn đồng nghĩa với việc càng dễ dàng gây ảnh hưởng văn hóa rộng rãi hơn.

Bảo tàng có ý đồ trưng bày rất thông minh khi tạo ra một Kinderinzel (đảo dành cho trẻ em) trước khi chuyển từ giai đoạn hưng thịnh của người Do Thái sang giai đoạn đen tối nhất – giai đoạn diệt chủng (Holocaust). Trong khu vực này có các “đảo đa phương tiện” hình tròn có màu sắc vui tươi để người xem có thể ngồi nghỉ và thư giãn. Mỗi đảo có một chủ đề riêng và như một quyển bách khoa toàn thư nho nhỏ hấp dẫn trẻ em và cả người lớn. Đảo cho trẻ em như những ngày nắng đẹp cuối cùng cho phép du khách trải nghiệm lại những giờ phút đầm ấm và hạnh phúc nhất đang sắp sửa đi qua và chuẩn bị đối diện những sự kiện bão tố và khốc liệt nhất.

Phần liên quan tới Holocaust là phần đen tối nhất trong bức tranh toàn cảnh lịch sử người Do Thái cũng như trong toàn bộ ý tưởng thiết kế của Bảo tàng. Tuy nhiên, bảo tàng này chủ yếu nhằm tôn vinh dân tộc và văn hóa người Do Thái nên phần thể hiện Holocaust bảo tàng dùng rất nhiều ngôn ngữ  và biểu tượng ẩn dụ, mang sức gợi và tượng trưng cao thay vì kể tỉ mỉ những con số và công bố những bức ảnh đau lòng.

Những em bé và người lớn đã bỏ lại tất cả của cải, trường học, công việc, bạn bè và thậm chí cả tự do để chạy trốn khỏi những trại tập trung và phòng hơi ngạt nhưng vẫn luôn mang theo một mảnh thương yêu và linh thiêng đối với riêng cá nhân mình, như mang theo một ngôi sao David sáu cánh - không bao giờ nguôi khát vọng được tự do và hồi sinh yêu thương.

Ở đây chỉ có một bức tường màu đen điểm lại và xâu chuỗi những cột mốc lịch sử chính. Còn lại, những nhân vật hầu như vô danh và rất đỗi đời thường như trẻ em, phụ nữ Do Thái, những câu chuyện kể của cá nhân hay của một gia đình lại được Bảo tàng hết sức trân trọng. Mở nắp một chiếc va li có hình một em bé Do Thái, bạn sẽ đọc được một bức thư cô bé, cậu bé ấy được bố hay mẹ gửi lại yêu thương, sẽ gặp một bức ảnh đã hoen ố hay thấy cả một chú gấu bông đã từng là người bạn không thể xa rời của trẻ em Do Thái ngày xưa.

Khép lại không gian trưng bày của tầng 1 là những cuộc đời Do Thái mới hồi sinh, đến nay có khoảng hơn 100.000 người đang sinh sống trong xã hội Đức. Ở nơi đây, họ đã được đón nhận trở lại và tìm được cách để tiếp tục bám rễ và lại vươn lên thật cao.

Tầng mặt đất – Khoảng rỗng của tưởng niệm

Trong bảo tàng có một lỗ thông trần duy nhất xuyên suốt từ mặt đất cho tới mái nhà có tên là Leerstelle des Gedenkens (Khoảng rỗng của tưởng niệm). Trên cao là không gian lờ mờ, yếm sáng và hun hút như ở trong một tháp kín, dưới mặt sàn phủ gần 10.000 khuôn mặt với những biểu cảm khác nhau được đúc bằng sắt dày do Menashe Kadishmann thiết kế. Holocaust được coi như là một khoảng trống không thể lấp đầy trong lịch sử nước Đức. Mỗi khuôn mặt tượng trưng cho một người Do Thái đã ngã xuống do nạn diệt chủng. Nếu du khách lựa chọn đi trên lớp sàn này, những khuôn mặt sẽ va vào nhau và khua lên tiếng động lạo xạo lớn. Đó là chủ ý của nhà thiết kế và Bảo tàng, để những linh hồn Do Thái đã từng bị xua đuổi sẽ được đón nhận trở lại và không bao giờ bị người đời lãng quên.

Kết và những điều đọng lại

Hình ảnh đọng lại mang dư vị ngọt ngào nhất là những quả lựu hồng ửng bằng bìa, trên đó du khách ghi một điều ước của riêng mình rồi treo lên mô hình cây lựu lớn. Vào ngày đầu năm mới, người Do Thái sẽ ăn một quả lựu và hi vọng năm tới sẽ gặt hái được vô số điều tốt đẹp nhiều như hạt lựu.

Hiếm có bảo tàng nào có ý tưởng kiến trúc và ý tưởng sắp đặt bảo tàng thông minh và thống nhất với nhau đến thế. Bạn sẽ  phải dành ít nhất nửa ngày để xem hết bảo tàng này. Bảo tàng Do Thái Berlin rất tiêu biểu cho Bảo tàng hiện đại với tính tương tác cao với người xem. Bạn sẽ thấy mỗi góc bảo tàng đều ẩn chứa một bất ngờ và khoảng không gian thú vị, bạn có thể sờ vào nhiều hiện vật, mở ra, đóng vào, có thể viết tên mình bằng tiếng Do Thái rồi in ra, cùng chơi trò chơi, thậm chí chui vào dưới gầm cầu thang nằm trên chiếc đệm đỏ xem ti vi hay luồn qua một đường hầm…

Nhưng trên hết, hình ảnh đọng lại mang dư vị ngọt ngào nhất trong tôi là những quả lựu hồng ửng bằng bìa, trên đó du khách ghi một điều ước của riêng mình rồi treo lên mô hình cây lựu lớn. Cây lựu đối với người Do Thái là loại quả thiêng, biểu tượng cho sự phồn thịnh và đam mê. Vào ngày đầu năm mới, người Do Thái sẽ ăn một quả lựu và hi vọng năm tới sẽ gặt hái được vô số điều tốt đẹp nhiều như hạt lựu.

Bên cạnh những màn hình tinh thể lỏng đang chiếu hình những chiếc lá rung rinh, bên cạnh những chiếc lá vải xanh sờ được bằng tay, những quả  lựu giả bằng giấy trên đó có ghi điều ước chung một cách tình cờ nhưng rất thật của rất nhiều du khách khắp năm châu bằng đủ thứ tiếng khiến tôi cảm động và thấy mình xiết bao nhỏ bé. Đến đây, tôi đã để lại một thông điệp: Nguyện cho thế giới bình an! 

Thông tin thêm:

  • Thông tin bảo tàng:  Jüdisches Museum Berlin -  Lindenstraße 9-14, 10969 Berlin 
  • Website: www.jmberlin.de 
  • Thời gian mở cửa: Thứ Hai: 10 - 22h / Thứ Ba tới Chủ Nhật: 10 - 20h 
  • Đóng cửa các ngày 15/11, 24/12, 5&6/9 và ngày 14/9
  • Giá vé vào cửa: Người lớn 5Euro 
  • Trẻ em và đối tượng được giảm giá (sinh viên, người lớn tuổi đã nghỉ hưu…): 2,50 Euro 
  • Gia đình: 10Euro (giá vé cho hai bố mẹ và nhiều nhất 4 người con đi kèm)
  • Ngày thứ Bảy đầu tiên của mỗi tháng miễn phí vào cửa cho khách tham quan dưới 18 tuổi.
  • Phương tiện công cộng tới bảo tàng: Đi tàu điện ngầm U1,U6 tới bến Hallesches Tor hoặc U6 tới Kochstrasse. Đi xe buýt M29, M41, 248.

 

RELATED ARTICLES