Những người Việt ở lại…

20/03/2020

Trong khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại các nước châu Âu thì cuộc sống của những người Việt khi ở tâm dịch mới của thế giới không còn là việc "ở lại hay đi về” mà là việc phải sống và tự bảo vệ chính mình ra sao?

Ngày 18/3 vừa qua, gần 1.000 hành khách từ châu Âu và 5.700 người từ các nước ASEAN đáp các chuyến bay về đến Việt Nam. Theo đại diện Công an cửa khẩu quốc tế Nội Bài, phần lớn trong số 1.000 hành khách nêu trên là người Việt Nam từ Anh, Pháp, Đức, Nga.... về nước; số ít là khách nước ngoài. Nhưng đó là câu chuyện của những người muốn về nước và đã may mắn về được Việt Nam sau rất nhiều nỗ lực, vậy còn những người Việt ở lại? Có những người rất muốn về nhưng thành phố đã phong toả, có những người không thể mua được vé máy bay, nhưng cũng có những người chọn ở lại.

Kẹt lại ở thành phố đã phong toả

Đó là câu chuyện tại nước Ý khi vào ngày 9/3, Thủ tướng Ý - Giuseppe Conte thông báo toàn bộ nước Ý sẽ được đặt dưới lệnh phong tỏa cho đến đầu tháng 4. Người dân Ý được yêu cầu ở tại nhà và các cuộc tụ tập nơi công cộng cũng như các trận đấu bóng đá thuộc giải Serie A đều bị cấm.

Cảnh tượng vắng vẻ hiếm có tại Ý

Cảnh tượng vắng vẻ hiếm có tại Ý

Khi áp dụng biện pháp chưa từng có này, đất nước vùng Địa Trung Hải đã có số ca tử vong do COVID-19 lên đến 463 ca trên tổng số 9.172 ca nhiễm. Lệnh phong toả này được ban hành sau một chuỗi phản ứng chậm chạp từ chính phủ đã khiến cho rất nhiều du học sinh và người Việt định cư tại Ý không kịp lên kế hoạch trở về Việt Nam.

Như Mai, một du học sinh tại trường Đại học Trieste chia sẻ, cuộc sống giờ đây chỉ gói gọn trong 4 bức tường, mọi nhu cầu về lương thực thực phẩm, hàng hóa đều đặt hàng từ siêu thị và có khi phải 2 tuần mới được giao.

Phương tiện công cộng bị phong toả

Phương tiện công cộng bị phong toả

Sau thời gian đầu bùng nổ nhu cầu khiến siêu thị quá tải thì giờ đây người dân Ý đã không còn tích trữ hàng hoá nên các nhu yếu phẩm đều không bị khan hiếm. Nếu đi mua đồ ăn, các cửa hàng sẽ không cho khách vào quán nữa, thay vào đó, khách sẽ đứng trước cửa hàng và đặt hàng từ bên ngoài, sau đó nhân viên sẽ đưa hàng và thu tiền qua cửa.

Empty
Empty

Được biết, nước Ý cũng đã mở nhiều dịch vụ miễn phí cho sinh viên trong thời gian này để họ có thể yên tâm ở nhà như: mở kho trực tuyến sách điện tử, giao hàng miễn phí cũng như cắt giảm một số chi phí liên quan đến học tập.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Không thể kịp mua vé

Cũng không khác nhiều so với ở Ý, tình hình tại Pháp cũng có rất nhiều biến động tiêu cực. Các cuộc biểu tình với qui mô lớn vẫn diễn ra ở Pháp, mà cụ thể là Paris, đã khiến cho nhiều nỗ lực ngăn ngừa dịch bệnh trở nên vô nghĩa. Băng Thanh, một du học sinh học thạc sĩ tại Paris cho biết: “Đến ngày 16/3 vừa qua, công dân Pháp vẫn xuống đường biểu tình mà không hề dùng khẩu trang hay bất cứ biện pháp bảo vệ nào. Chính bởi những cuộc biểu tình như vậy khiến cho các ca lây lan tại Paris tăng lên nhanh chóng và buộc chính quyền phải ra lệnh phong toả”.

Cuộc biểu tình đông đúc vào cuối tuần trước khiến các nhiễm Covid-19 tăng mạnh tại Paris

Cuộc biểu tình đông đúc vào cuối tuần trước khiến các nhiễm Covid-19 tăng mạnh tại Paris

Như bao du học sinh khác, Thanh đã lên kế hoạch trở về Việt Nam: “Theo thông báo lúc đầu, Vietnam Airlines sẽ có chuyến bay cuối cùng vào ngày 25/3, nên em mua vé về vào 22/3 bởi nếu đi sớm thì sẽ rất đông, dễ gây ra nguy cơ nhiễm chéo”. Dự định ban đầu là vậy nhưng sau cùng, do lệnh phong toả ban hành quá gấp rút, chuyến bay cuối cùng về Việt Nam phải cất cánh vào ngày 17/3, khiến cho Thanh lỡ mất cơ hội về nước dù đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ.

Người dân phải trình báo giấy thông hành mỗi khi ra khỏi nhà

Người dân phải trình báo giấy thông hành mỗi khi ra khỏi nhà

Nhiều du học sinh khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự và phải xoay sở để tự bảo vệ mình trước hệ thống y tế có phần quá tải tại Pháp lúc này. Sau khi có lệnh phong toả, toàn bộ người dân Pháp đều không được phép ra đường nếu không có giấy thông hành của chính quyền sở tại cấp thông qua hệ thống trực tuyến. Bất kì hoạt động di chuyển nào cũng bị giám sát bởi cảnh sát ngay trên đường phố. Các hoạt động mua sắm tại siêu thị cũng được kiểm soát khi chỉ được phép vào mua hàng theo tốp 10 người một và đứng cách nhau 2 m khi thanh toán.

Đường phố vắng vẻ...

Đường phố vắng vẻ...

Và phải xếp hàng để vào siêu thị

Và phải xếp hàng để vào siêu thị

Việc học online cũng được mở ra để sinh viên và giáo viên tiếp tục hoàn thành chương trình học bởi hệ thống giáo dục tại Paris đang rơi vào tình trạng chậm tiến độ rất nhiều sau những đợt biểu tình kéo dài từ cuối năm ngoái đến hết tháng 1 năm nay và giờ đây là dịch Covid-19.

Chủ động chọn ở lại

Bên cạnh những người ở lại bất đắc dĩ thì nhiều người cũng chủ động chọn ở lại vì rất nhiều lý do. Phạm Hà My, một nghiên cứu sinh tại Đại học Cambridge cho biết thực tế cuộc sống của My tại Anh vẫn ổn và dù đi về hay ở lại thì cũng đều cần cách li trong phòng như nhau nên việc tất cả cùng ùa ra sân bay không phải phương án an toàn.

Người dân Anh ra đường đã bắt đầu đeo khẩu trang

Người dân Anh ra đường đã bắt đầu đeo khẩu trang

Nói về tình hình cuộc sống của mình, My chia sẻ rất tỉ mỉ về quan điểm và suy nghĩ của bản thân: “Gần đây mình đọc được nhiều bài chia sẻ về việc "thích đi cách li" hay "đi cách li vui lắm" thì trong đầu mình chỉ băn khoăn mỗi chuyện liệu Việt Nam sẽ lo được đến bao giờ. Số ca bệnh ở nhà tăng lên từng ngày mà chủ yếu là từ người ở nước ngoài ùn ùn quay về. Đến một lúc nào đó, nguồn lực cạn kiệt, lòng tốt hay sự bao dung bị coi là mặc định thì sự biết ơn cũng sẽ không còn nữa.”

Hà My cũng cho biết thêm, hiện tại chính phủ Anh đã yêu cầu mọi người làm việc tại nhà, tránh tụ tập đông người, đóng cửa trường học. Các bệnh viên đang liên hệ với các viện nghiên cứu để huy động thêm nhiều kit hoá chất sinh phẩm. Một số khoa y nằm trong bệnh viện cũng đang dần được chuyển thành khu giường bệnh nên không có tình trạng thả dịch hay kệ người dân mắc bệnh. Các hộ kinh doanh cá thể cũng được nhà nước hỗ trợ vốn duy trì kinh doanh trong giai đoạn khó khăn. Mọi người cũng bắt đầu tích trữ đồ ăn, siêu thị có riêng quỹ thời gian ưu tiên cho người lớn tuổi tới mua đồ.

Phố xá gần như không một bóng người

Phố xá gần như không một bóng người

“May mắn là mọi thứ ở Cambridge nơi mình ở được thu xếp khá nhanh. Mới hôm qua với hôm nay thôi ,ra đường đã không còn bóng người. Đại học Cambridge hôm nay đã chuyển sang giai đoạn báo động đỏ. Mọi công tác giảng dạy đều dưới hình thức online. Trường khuyến khích sinh viên về nước nhưng cũng vẫn hỗ trợ nếu chọn ở lại. Do mình làm đề tài nghiên cứu, dùng máy tính là chủ yếu nên cũng không có nhiều xáo trộn như các bạn phải lên giảng đường. Dù thế nào, mình cũng mong mọi chuyện sẽ sớm qua đi!” – Hà My chia sẻ.

Hệ thống y tế đã vận hành gấp rút hơn

Hệ thống y tế đã vận hành gấp rút hơn

Dù chỉ là 3 câu chuyện nhỏ bé của 3 du học sinh Việt Nam tại châu Âu nhưng cũng đủ mang lại một cái nhìn thật khác về những người Việt ở lại. Dù chủ động hay bị động cho việc ở lại này thì những người Việt ấy vẫn luôn cố gắng tự bảo vệ mình và cùng hướng về đất nước.

My Tống
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES