NSND Thanh Ngoan: "Hát xẩm dù có làm mới thế nào, vẫn phải giữ lấy gốc..."

04/06/2023

NSND Thanh Ngoan (Nguyễn Thị Bích Ngoan) được biết đến qua hai tác phẩm gắn liền với tên tuổi "Xẩm thập ân" và "Sướng khổ vì chồng". "Xẩm mộc mạc, gần gũi, như một kênh thời sự bằng âm nhạc, là loại hình nghệ thuật quý giá mà cha ông ta để lại, cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy", nữ nghệ sỹ chia sẻ với Travellive.

Xẩm như một kênh thời sự bằng âm nhạc, mà ở đó người nghe có thể thấy được những vấn đề nhức nhối trong xã hội. "Nếu ở thời trước, người ta sử dụng điệu Xẩm để bàn về câu chuyện chống giặc dốt, thì bây giờ vấn đề chống tham nhũng được đưa vào bài Xẩm cho phù hợp với thời cuộc. Xẩm 'đời' và thời sự ở chỗ đó", NSND Thanh Ngoan chia sẻ.

NSND Thanh Ngoan đã gắn bó với những làn điệu dân gian từ khi chỉ mới 9 tuổi.

NSND Thanh Ngoan đã gắn bó với những làn điệu dân gian từ khi chỉ mới 9 tuổi.

Làm mới Xẩm có thực sự cần thiết?

Trong Xẩm thời trước, hệ thống ca từ đa số là ca dao tục ngữ, tích ngôn, hình ảnh ví von ẩn dụ sâu xa, chủ yếu sử dụng chữ Nôm chữ Hán. Hầu như những người nghe Xẩm đều là những người lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm sống mới có thể hiểu được những ca từ trong bài hát. Ở thời điểm hiện tại, sự phức tạp trong hệ thống ca từ được giảm bớt để phù hợp với nhiều đối tượng hơn.

Ngoài sự mới mẻ về mặt nội dung, người nghệ nhân cũng đa dạng hóa các loại nhạc cụ cho những bài Xẩm, không chỉ đàn nhị, trống mảnh hay sênh, mà còn đàn bầu, trống cơm, sáo và thanh la…

Những buổi hát Xẩm thời xưa có thể kéo dài từ buổi sáng đến buổi chiều, là một môn nghệ thuật

Những buổi hát Xẩm thời xưa có thể kéo dài từ buổi sáng đến buổi chiều, là một môn nghệ thuật "dài hơi" cho cả người xem lẫn người nghệ nhân hát Xẩm.

Bước chuyển mình của Xẩm phải kể đến năm 2005, khi nhiều cuộc thi hát Xẩm được tổ chức, Xẩm bắt đầu "thay đổi" để phù hợp với thị hiếu của khán giả. Yêu cầu cơ bản cho một bài Xẩm trước hết phải có bố cục rõ ràng. Người nghệ nhân hát Xẩm cũng cần kể câu chuyện ngắn gọn hơn, không rề rà như trước.

Trong Chung kết cuộc thi giọng hát hay Hà Nội năm 2020, Ngọc Hà Myo mang đến một màn biểu diễn mới lạ dựa trên tác phẩm “Xẩm chợ Đồng Xuân”. Cô đã thể hiện một bản phối mới với tinh thần trẻ trung bằng cách đan xen rap, phối khí với nhạc điện tử, kết hợp cùng sự đa dạng âm sắc của nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Màn thể hiện được xem là một trong những sự kiện đáng chú ý trong loại hình ca hát dân gian.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Nữ ca sỹ trẻ thường xuyên kết hợp Rap, EDM và Xẩm.

Nữ ca sỹ trẻ thường xuyên kết hợp Rap, EDM và Xẩm.

Chia sẻ quan điểm về phần thể hiện của Ngọc Hà Myo, NSND Thanh Ngoan cho biết: "Dưới sự hướng dẫn của Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long, các bạn trẻ phát triển phần trình bày dựa trên bản gốc 'Xẩm chợ Đồng Xuân'. Có thể coi đây là một cách tiếp cận thời thượng, cũng là cầu nối giữa nghệ thuật Xẩm với giới trẻ. Còn về bản chất, đây không hẳn là một bài hát Xẩm".

Cô nhấn mạnh, dù có thay đổi, vẫn phải coi văn hóa Xẩm truyền thống là kim chỉ nam để phát triển. "Nếu người ta chỉ nghe Xẩm theo cách hát mới mà không có sự tìm hiểu kỹ càng về Xẩm gốc, họ sẽ dễ nhầm lẫn về tinh thần căn cốt của những bài Xẩm", cô nói thêm.

Đào Bạch Linh – truyền nhân cuối cùng của nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu.

Đào Bạch Linh – truyền nhân cuối cùng của nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu.

Đồng tình với quan điểm của cô, nghệ nhân Linh Xẩm (Đào Bạch Linh) cho rằng: "Cần phải hiểu được tinh thần căn cốt của Xẩm gốc, xem đó là nền móng vững chắc để ‘tô vẽ’ thêm cho những màn thể hiện. Để khi thưởng thức những tác phẩm này, người xem hiểu đó là tinh thần của Xẩm, chứ không phải là một loại hình hoàn toàn khác".

Để được công nhận, Xẩm nhất thiết phải có đời sống trong cộng đồng

Dù ít làn điệu, nhưng Xẩm vẫn luôn là sự phát triển về mặt nghệ thuật quý giá mà cha ông ta để lại, là một trong những món ăn tinh thần của người yêu loại hình ca nhạc dân gian; đồng thời là cách mưu cầu cuộc sống của những người khiếm thị nghèo ăn xin bằng điệu hát.

Các thành viên CLB thường xuyên tham gia những cuộc thi văn nghệ, những buổi biểu diễn,...

Các thành viên CLB thường xuyên tham gia những cuộc thi văn nghệ, những buổi biểu diễn,...

Chủ nhiệm câu lạc bộ Chiếu Xẩm Hải Phòng, nghệ nhân Linh Xẩm chia sẻ: "Sau 4 năm tìm tòi và theo đuổi đam mê hát Xẩm, tôi quyết định thành lập nhóm Xẩm tại quê hương Hải Phòng vào năm 2009. Hoạt động được một năm, mọi người dần biết đến hát Xẩm nhiều hơn, chính quyền địa phương hỗ trợ và tạo điều kiện để phát triển.

Cuối năm 2012, Chiếu Xẩm Hải Phòng chính thức ra đời. Tôi tìm đến Trường khiếm thị Hải Phòng để trò chuyện cùng hiệu trưởng. Nhận được sự ủng hộ, tôi về thỉnh giảng cho các bạn học viên đều đặn 2 buổi/tuần. Câu lạc bộ có những thành viên đầu tiên là những người khiếm thị. Tới nay, dù đã lập gia đình và có con, họ vẫn hoạt động thường xuyên tại câu lạc bộ".

Hiện nay, nhiều cuộc thi hát Xẩm được tổ chức, nhiều câu lạc bộ hát Xẩm xuất hiện. "Đó là một tín hiệu tích cực, đáng được ghi nhận và cần phải phát huy nhiều hơn nữa”, NSND Thanh Ngoan chia sẻ. Tuy nhiên, cô cũng cho rằng, để gìn giữ được Xẩm, những nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn cũng cần phổ cập cho khán giả về Xẩm gốc, để tránh việc "tam sao thất bản" dẫn đến sự thất truyền.

Nghệ nhân Linh Xẩm cho rằng, cần phải chú trọng vào chất lượng đào tạo của những câu lạc bộ hát Xẩm.

Nghệ nhân Linh Xẩm cho rằng, cần phải chú trọng vào chất lượng đào tạo của những câu lạc bộ hát Xẩm.

Chủ nhiệm CLB Chiếu Xẩm Hải Phòng cho rằng điều quan trọng nhất vẫn phải tập trung vào chất lượng. "Hiện nay nhiều CLB được mở ra ồ ạt, hoạt động dựa trên một số bản thu âm, băng đĩa hiện hành nhưng không hiểu được bản chất, ý nghĩa, cách thể hiện và tinh thần thực sự của Xẩm. Do đó, cần phải có sự truyền dạy và phổ cập kiến thức hát Xẩm từ những nghệ nhân hát Xẩm chân chính để gìn giữ và bảo tồn vẻ đẹp của Xẩm trước khi phát huy và làm mới", Linh Xẩm nhận định.

Theo thông tin, Tỉnh ủy, UBNB tỉnh Ninh Bình có chủ trương phục hồi nghệ thuật hát xẩm của địa phương và đã giao cho Sở VH,TT&DL, Nhà hát Chèo Ninh Bình trực tiếp thực hiện để UNESCO công nhận đây là di sản văn hóa phi vật thể. “Để làm được điều đó, Xẩm nhất thiết phải có đời sống nhất định trong cộng đồng", NSND Thanh Ngoan kết luận.

Bi Lê - Nguồn: Ảnh: NVCC
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES