Cơ quan địa chất Indonesia cho biết, vụ phun trào kéo dài khoảng 7 phút, khiến chính quyền địa phương buộc phải yêu cầu các cư dân ở bên ngoài khu vực cấm đi bộ 3 km quanh miệng núi lửa đang rung chuyển gần thủ đô văn hóa Yogyakarta của Indonesia. Cơ quan này đã không nâng cao trạng thái cảnh báo sau khi núi lửa phun trào, nhưng khuyến cáo các máy bay thương mại nên thận trọng khi bay trong khu vực.
Truyền thông địa phương cho biết, người dân ở các khu vực lân cận bao gồm Sleman và Klaten đã nghe thấy những âm thanh lớn và ồn ào sáng 21/6.
Nằm trên đảo chính Java, núi lửa Merapi cao khoảng 2.930 m, là một trong 129 núi lửa còn hoạt động tại Indonesia và bắt đầu hoạt động thường xuyên từ năm 1548. Từ tháng 9 năm ngoái đến nay, núi lửa này đã phun trào 14 lần. Lần gần đây nhất núi lửa hoạt động là hồi tháng 4, dẫn đến cảnh báo hàng không màu cam (mức cao thứ hai).
Vụ phun trào lớn gần đây nhất của núi lửa Merapi trong năm 2010 đã cướp đi sinh mạng hơn 300 người và khiến khoảng 350.000 cư dân phải sơ tán khỏi các khu vực xung quanh. Đó cũng là vụ phun trào mạnh nhất của ngọn núi này kể từ năm 1930, đã khiến khoảng 1.300 người chết. Một vụ phun trào khác của Merapi năm 1994 đã cướp đi khoảng 60 sinh mạng.
Indonesia có hơn 17.000 hòn đảo lớn, nhỏ và gần 130 ngọn núi lửa đang hoạt động. Quốc gia quần đảo Đông Nam Á này nằm trên "vành đai lửa" Thái Bình Dương, một vùng bất ổn địa chất rộng lớn, nơi sự va chạm của các mảng kiến tạo gây ra các trận động đất thường xuyên và hoạt động núi lửa.