Paramotor, là sự kết hợp của các từ nhảy dù và động cơ. Hình thức này phù hợp với những địa hình không có điểm cao, độ dốc, ít gió. Chính vì vậy nó phù hợp với những vận động viên chơi tại các khu vực thành phố lớn hay đồng bằng. Paramotor sử dụng một đông cơ hạng nhẹ và cánh quạt gắn ở phía sau, cùng khoảng sáng gầm được kết nối trực tiếp với phi công trong quá trình bay, có thể đạt độ cao cách mặt đất 5 km. Trọng lượng động cơ của Paramotor vào khoảng 20 đến 25 kg. Vì thế, phi công cần phải luyện tập mang vác loại động cơ này để quen với trọng lượng sau đó mới có thể tập chạy đà cất cánh.
Đối với dịch vụ bay đôi Paramotor, du khách sẽ được bay cùng phi công trên 1 loại động cơ dạng xe 3 bánh. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm ngày càng tăng của người trẻ, có nhiều điểm bay cung cấp dịch vụ này ở Tây Ninh, TP.HCM, Đà Lạt, Hòa Bình,...
Trải nghiệm môn thể thao mới lạ
"Khi ngồi vào xe chạy đà mình cảm thấy hơi hồi hộp, rồi tới lúc xe cất cánh mình cảm thấy mọi thứ thật nhẹ nhõm", Tuyết Ngân, nhân viên văn phòng tại Đà Lạt chia sẻ với Travellive.
Tuyết Ngân biết đến dù lượn lần đầu tiên trong bộ phim Hàn Quốc nổi tiếng Hạ Cánh Nơi Anh. Chứng kiến diễn viên thần tượng bay lượn trên bầu trời, chị mong muốn bản thân được trải nghiệm cảm giác tương tự. Sau đó, Tuyết Ngân đã sử dụng dịch vụ dù lượn và dù lượn gắn động cơ tại Đà Lạt. Chị miêu tả cảm xúc lần đầu tiên trên không rằng "lúc đầu hồi hộp, sau đó thân thể nhẹ tênh".
"Mình cảm thấy yên tâm khi trải nghiệm dịch vụ này vì trước khi bay họ đã dặn dò và chuẩn bị đồ bảo hộ kĩ càng cho mình", Tuyết Ngân nói.
Kim Lan, bạn trẻ sinh sống tại TP.HCM cho rằng chơi dù lượn gắn động cơ là trải nghiệm xứng đáng với số tiền bạn bỏ ra. Lan mới biết đến bộ môn này vào năm ngoái, sau đó chị thử đăng ký bay trải nghiệm dù lượn gắn động cơ. Tự nhận bản thân là người sợ độ cao, lúc bước chân lên chiếc xe dù lượn Kim Lan cảm thấy rất lo lắng.
"Lần đầu tiên mình được bay dù lượn có động cơ là khi bay cùng thầy huấn luyện, ngay sau chuyến bay đó mình đã hết sợ độ cao và bắt đầu yêu hơn những chiếc dù", Kim Lan chia sẻ.
Trước khi bay, Kim Lan không cần phải chuẩn bị gì nhiều. Chị khuyên rằng các bạn bay đôi với phi công nên chuẩn bị quần áo thể thao thoải mái. Bên cạnh đó, khi tham gia bay dù cùng phi công thì chỉ cần lưu ý những điều hướng dẫn viên nói trước khi thực hiện bay là được. Theo Kim Lan, dịch vụ bay đôi với phi công có giá khoảng 3 triệu VND/ 20 phút bay.
"Tuy nhiên, đối với các bạn có bệnh nền liên quan tới tim mạch, cao huyết áp thì nên cân nhắc dịch vụ này vì sự thay đổi độ cao đột ngột có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe", Tuyết Ngân nói thêm về những lưu ý trước khi bay dù lượn gắn động cơ.
Từ sở thích đến đam mê
Vì qua đam mê bộ môn thể thao mạo hiểm này, Kim Lan đã đăng ký khóa học phi công dù lượn của Liên đoàn dù lượn thể thao Thành phố Hồ Chí Minh. Chị đã tham gia huấn luyện bay dù lượn cách đây 3 tháng và đã bay tốt nghiệp chuyến đầu tiên.
Kim Lan bỏ ra khoảng 12 triệu VND cho bộ môn dù lượn. Để tập dù lượn động cơ, du khách cần bỏ ra khoảng 25 triệu VND. Tuy nhiên, chị được miễn khoản này vì đi theo hỗ trợ và luyện tập cùng ekip bay. Tiếp theo, Kim Lan tiêu khoảng 60-100 triệu VND để mua động cơ cánh quạt vác vai.
"Nếu học bay máy để bay đôi như các bạn khách trải nghiệm thì 1 chiếc máy tầm 200 triệu đến 300 triệu", chị chia sẻ.
Theo Kim Lan, kiến thức lý thuyết về bộ môn này rất dễ tiếp thu và nhờ vào sự hướng dẫn của các thầy, chị có thể dễ dàng thuộc nằm lòng. Mặt khác, bộ môn này đòi hỏi kỹ năng cao nên cách tốt nhất để hiểu kiến thức là bản thân nên chăm chỉ thực hành và tỉnh táo tuân thủ nội quy khi bay.
"Kỉ niệm đáng nhớ nhất của mình đến giờ phút này trong việc luyện tập dù lượn có động cơ là việc mình vác chiếc máy 20kg lên vai, bóp ga và chạy, cảm giác mà trước đây mình nghỉ 1 đứa con gái như mình không thể làm được", Kim Lan nói về kỉ niệm lần đầu trải qua buổi huấn luyện đầu tiên. Chị cho rằng tuy bả vai có chút đau nhức nhưng bản thân lại cảm thấy mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Trả lời Travellive, khó khăn lớn nhất khi tập luyện dù lượn xuất phát từ hoàn cảnh gia đình của chị. Vợ chồng Kim Lan có 3 đứa con nhỏ, gia đình lại ở rất xa các điểm tập bay. Vì thế, việc sắp xếp chăm sóc các bé và thời gian di chuyển để được tập luyện chiếm không ít công sức của chị.
"Chính khó khăn đó cũng là động lực để cho mình cố gắng. Vợ chồng mình cùng tham gia huấn luyện dù lượn và chồng mình đã tốt nghiệp dù lượn có động cơ. Mình cũng nhận được sự ủng hộ lớn từ chồng", Kim Lan cho biết.