Ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển, phố cổ Đồng Văn hiện ra trong sương mù với vẻ bảng lảng, huyền ảo đến lạ kỳ. Nếu so sánh với phố cổ Hội An, phố cổ Hà Nội thì phố cổ Đồng Văn không phải là cổ nhất, về quy mô cũng không lớn. Nhưng đặc biệt, phố cổ Đồng Văn có những sắc thái riêng biệt độc đáo và mang bản sắc riêng của cư dân vùng cao nguyên đá.
Phố cổ Đồng Văn đông vui tấp nập trong sắc màu thổ cẩm
Các công trình kiến trúc độc đáo như khu chợ được tạo nên từ những phiến đá được tạc đẽo công phu. Khu phố chợ bề thế, vững chãi giữa lòng chảo thung lũng cao nguyên như một nét chấm phá đầy ấn tượng.
Công trình chợ Đồng Văn được xây dựng trong khoảng thời gian từ 1925-1928 mang dáng vẻ thâm trầm trên cao nguyên đá Đồng Văn. Đối diện khu chợ ta sẽ thấy một dãy nhà dân san sát nối tiếp nhau dẫn sâu vào trong những con đường nhỏ chạy ven núi hợp thành một quần thể khu phố hiện hữu giữa đất trời cao nguyên.
Mái lợp ngói âm dương, nền lát đá, tường trình đất là những gì ta có thể thấy được về một hình thức kiến trúc, xây dựng truyền thống của người dân nơi đây. Trong nhà, cột được làm bằng gỗ nghiến, những hoa văn được trạm trổ công phu trên cột.
Một ngôi nhà cổ ở phố cổ Đồng Văn
Được ngồi trong ngôi nhà, chiêm ngưỡng những nét tài hoa của người dân nơi sơn cước như được hòa mình vào một không gian sống vừa bình dị, thô sơ mà cũng rất thơ mộng.
Đứng từ trên cao nhìn xuống, với khoảng 18 ngôi nhà trên dưới 100 tuổi, khu phố cổ chạy dọc theo khu chợ tạo thành nét hài hòa mờ tỏ trong sương và núi đá tai mèo. Rất nhiều ngôi nhà cổ lần lượt được thợ người địa phương, thợ người Tứ Xuyên (Trung Quốc) hoàn thành vào hồi đầu thế kỷ 20, tạo nên diện mạo cơ bản của khu phố cổ Đồng Văn hiện nay.
Nhìn tổng thể, phong cách kiến trúc của phố cổ Đồng Văn có sự giao thoa giữa kiến trúc truyền thống của cư dân bản địa với kiến trúc của cư dân Trung Quốc. Cư dân phố cổ sống bằng nghề làm nương rẫy và buôn bán vặt, cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả thế nhưng cứ đến những ngày chủ nhật và các ngày lễ, Tết âm lịch trên phố nhà nào cũng treo đèn lồng.
Tiếng bước chân về phố của các chàng trai, cô gái đi chợ, tiếng nói cười, tiếng khèn, tiếng hát đã mang đến một không gian ngày hội cho cả khu phố.
Ngẫu hứng với điệu khèn Mông
Du khách ngỡ ngàng, thích thú với tiếng hát, sắc màu cuộc sống, rồi các sản vật địa phương như thổ cẩm, khèn, mật ong được bày bán trước cửa mỗi nhà như níu bước chân du khách dạo chơi mua sắm.
Quần thế phố cổ với những nét kiến trúc và sinh hoạt văn hóa đặc sắc giống như một nét chấm phá của người họa sỹ tài hoa trên bức tranh muôn trùng về đá.