Vừa qua, thành phố Hà Nội đã cho phép phố đi bộ Trịnh Công Sơn đón khách tham quan sau một khoảng thời gian dài vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hàng nghìn du khách đã đổ về các tuyến đường xung quanh khu vực này để đi dạo, chụp ảnh check-in, tham gia các hoạt động vui chơi,...
Trước đó, phố đi bộ Trịnh Công Sơn tạm thời dừng hoạt động để tu sửa. Nhân viên thi công hệ thống chiếu sáng tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn cho biết khoảng 8.000 bóng led và hàng chục mét dây chiếu sáng được trang trí trên tất cả các cây trên phố đi bộ, tạo không gian huyền ảo cho con phố vào buổi tối.
Bên cạnh đó, UBND quận Tây Hồ quyết định tổ chức hàng loạt sự kiện văn hóa, nghệ thuật tại khu vực sân khấu chính vườn hoa Trịnh Công Sơn. Chuỗi sự kiện này dự kiến mở rộng phạm vi tổ chức các hoạt động từ phố Trịnh Công Sơn đến đường dạo Hồ Tây.
Tối thứ 7 hàng tuần, các sự kiện văn hóa truyền thống sẽ diễn ra như âm nhạc cổ điển, giao hưởng thính phòng, hát xẩm, ca trù, hát văn, hòa tấu nhạc dân tộc. Về phía nghệ thuật đương đại, có nhiều sự kiện trình diễn như nhạc jazz, rap, hiphop các hoạt động biểu diễn khiêu vũ cổ điển, nhảy dân vũ, nhảy hiện đại.
Đặc biệt, phố đi bộ Trịnh Công Sơn còn triển lãm sách, tranh, ảnh, tác phẩm nghệ thuật, nghệ thuật sắp đặt, sản phẩm thủ công. Đồng thời, khu vực còn tổ chức các trò chơi dân gian, truyền thống như nặn tò he, thư pháp, xiếc, tạp kỹ. Không gian phố đi bộ Trịnh Công Sơn cũng là nơi tổ chức các lễ hội văn hóa, du lịch, ẩm thực, festival, trình diễn thời trang...
Bên cạnh các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, UBND quận Tây Hồ sẽ tổ chức các không gian biểu diễn, giới thiệu về nghệ thuật ẩm thực, văn hóa ẩm thực đường phố, giới thiệu các sản phẩm làng nghề, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của địa phương.
Phố đi bộ Trịnh Công Sơn là không gian đi bộ thứ hai ở Hà Nội, tuyến phố này đi vào hoạt động từ ngày 11/5/2018. Khu vực kéo dài khoảng 900 m và nằm liền kề khu đầm sen, công viên nước Hồ Tây. Không gian đi bộ bao gồm một phần ngõ 431 Âu Cơ, ngõ 612 Lạc Long Quân và "con đường tình yêu".