THẤU HIỂU CHÍNH MÌNH NHỜ NHỮNG CHUYẾN ĐI
Travel Blogger Hà Là Lạ (Bùi Việt Hà) chia sẻ, sau khi trải qua nhiều va vấp trong cuộc đời, cô cần bắt đầu một chuyến đi để làm mới bản thân. Hà quyết định đi Hàn Quốc một mình vào năm 2017. Những khó khăn như rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa ở thời điểm đó cũng không thể ngăn cản nổi bước chân của người phụ nữ tuổi 32.
"Nếu như ngày xuân năm 2017 đó mình không đi Hàn Quốc, chắc mình sẽ không phải là Việt Hà ở thời điểm hiện tại". Chuyến đi bước ngoặt trong cuộc đời này đã giúp cô vượt qua những nỗi sợ để bắt đầu hành trình mới. Hà nghĩ rằng mình sẽ chỉ học thêm được những điều mới mẻ bằng những chuyến đi. Đặc biệt, qua việc khám phá những vùng đất mới, cô thấu hiểu bản thân và những khát khao của mình hơn.
Nữ travel blogger khẳng định, cô không đi du lịch để đếm số quốc gia, để check-in những điểm đến được săn đón. Điều quan trọng nhất Việt Hà luôn tâm niệm với mỗi chuyến đi: "Mình đến với những vùng đất, sống trong môi trường, gặp gỡ những con người khác nhau, để học hỏi, khám phá về văn hóa, kiến trúc, cảnh quan nơi đó".
PHỤ NỮ KHI ĐI DU LỊCH MỘT MÌNH, LIỆU CÓ ĐÁNG SỢ?
Khi được hỏi có từng sợ khi đi du lịch một mình không? Hà Là Lạ chỉ đơn giản trả lời rằng: "Mình cũng thường sợ trước chuyến đi. Nhưng một khi đã quyết định, mình không còn sợ hãi".
Nhiều người cho rằng, phụ nữ đi du lịch một mình là một điều hết sức khó khăn vì nhiều rủi ro rình rập. Cô chia sẻ những cách để "tối thiểu hóa" rủi ro khi đi du lịch một mình cho độc giả Travellive Magazine.
- Không nên đưa mình vào thế khó xử. Ngoài những tình huống bất ngờ, bạn hoàn toàn được lựa chọn về những nơi mình đến, những người mình gặp và thời gian mình đi. Ví dụ như, Hà sẽ không đến một nơi vào lúc trời quá tối hoặc đến điểm nào đó một mình nếu cảm thấy không an toàn. Khi ở hostel hoặc homestay, cô tranh thủ kết nối với những người ở cùng.
- Nên chủ động tìm hiểu về văn hóa, lối sống của người dân bản địa nơi bạn đến. Khi đến những vùng đất "nhạy cảm", bạn không nên ăn mặc quá nổi bật, hoặc quá khác biệt so với người dân bản địa. "Hãy trở nên bình thường nhất có thể để không gây sự chú ý đến nhiều người xung quanh". Trong một số trường hợp, đó là cách để "không tự làm khó mình".
- Đón nhận những điều xảy đến một cách nhẹ nhàng. Nếu xem những vấn đề là cách để bản thân có thêm bài học mới thì chúng ta sẽ biết được khả năng ứng biến linh hoạt và xử lý tình huống của bản thân khéo léo tới đâu. Bạn sẽ "kiểm tra" được sự nhanh nhạy khi ở trong một tình huống khó khăn và bất ngờ.
Việt Hà dẫn chứng, cô đã mất điện thoại trong một chuyến đi tại Lào. Thay vì buồn rầu thì cô chọn cách chấp nhận sự thật và tìm cách giải quyết. Cô liên lạc về Việt Nam để khóa các tài khoản, bảo mật thông tin cá nhân. Tiếp theo, mua điện thoại mới để tiếp tục hành trình. Cô cho rằng, chúng ta không nên vì những vấn đề khó khăn xảy ra trong chuyến đi mà bỏ lỡ những khoảnh khắc đẹp của hành trình phía trước.
Vậy có lời khuyên nào cho một chuyến đi độc hành? Hà Là Lạ chia sẻ rằng: "Hãy chọn cấp độ từ dễ – khó, gần – xa, trong nước – quốc tế,… Bạn có thể bắt đầu trải nghiệm thử ở những nơi có văn hóa tương đồng, ngôn ngữ thuận lợi rồi sau đó thử thách bản thân bằng cách nâng cấp và mở rộng dần dần phạm vi. Cách tốt nhất để nâng cao khả năng xử lý tình huống là sẵn sàng chấp nhận rủi ro nhưng nên ở một mức độ cho phép. Đôi khi để học được những bài học lớn, chúng ta cũng phải đánh đổi bằng một điều gì đó lớn lao".
CÁCH ĐỂ "MỘT MÌNH NHƯNG KHÔNG-MỘT-MÌNH"
Tìm thấy những người có chung sở thích, cùng “gu” đi du lịch là một điều mà Việt Hà cảm thấy rất may mắn trong hành trình. Những cuộc gặp gỡ rất tình cờ cũng có thể khiến Hà có cơ hội tìm hiểu và kết bạn cùng với họ. Dưới đây có thêm ba cách mà Việt Hà đã áp dụng để tìm thấy bạn đồng hành.
- Hãy luôn để ý tới những người đi cùng trên các phương tiện vận chuyển du lịch: Xe khách, xe buýt, tàu điện ngầm, máy bay,... vì họ sẽ có chung điểm đến với mình hoặc chung mục đích chuyến đi.
- Phong cách ăn mặc, tác phong đi đứng nói chuyện, ngôn ngữ: Là một trong những "dấu hiệu" để bạn nhận biết dân đi du lịch bụi chính hiệu. Ví dụ Hà đã bắt chuyện với một anh chàng đang loay hoay với chiếc balo nặng trịch trên vai.
- Chọn ở hostel hay homestay thay vì khách sạn: Khi lựa chọn 2 mô hình này, người đi du lịch một mình dễ dàng bắt gặp những người bạn khác có chung phong cách du lịch, cũng có thể đang tìm một người đồng hành trong chuyến đi.
Với những chuyến đi dài ngày, Việt Hà vẫn có cách để tìm thấy người đồng hành cùng mình. Dù họ có thể không đi cùng mình trong suốt cả hành trình, nhưng có thể bên cạnh mình trên một chặng đường ngắn. Nhờ vậy, Hà đã gặp gỡ không ít người bạn du lịch, cả những người dân địa phương, có thêm nhiều trải nghiệm và câu chuyện đặc biệt mà cô thường chia sẻ trên trang blog của mình.
Chuyến đi trong mơ đối với Việt Hà là luôn có người đồng hành bên cạnh. Cô ví dụ: "Khi vừa tới sân bay, hai người có thể hỗ trợ nhau để khuân vác và thay phiên nhau canh giữ hành lý của mình để người còn lại có thời gian nghỉ ngơi". Dễ thấy hơn, chi phí cho các khoản du lịch sẽ có thể chia sẻ với người bạn đi cùng. Vào cuối ngày, mình cũng sẽ có một người ở bên để tâm sự, chia sẻ về những cảm xúc cá nhân.
ĐẶT ĐỊNH KIẾN XUỐNG, XÁCH BALO LÊN VÀ ĐI
Việt Hà cho biết, cô đã đi Ấn Độ ba lần, mỗi lần kéo dài 1 tháng. Lần đầu tiên vào năm 2019, hai lần sau đó vào tháng 5 và tháng 8 năm 2022. Khi được hỏi lý do tại sao cô lại quyết định tiếp tục đi Ấn Độ chỉ sau 3 tháng, Việt Hà chia sẻ: “Mình đã 3 lần đến với Ấn Độ, đi những vùng miền khác nhau tại đất nước rộng lớn gần gấp 10 lần Việt Nam nhưng chưa khám phá thể hiểu hết được 'tiểu lục địa' này”.
Hà Là Lạ cho biết, không ít người có những định kiến khá tiêu cực về Ấn Độ về vấn đề vệ sinh, an ninh, con người tại đây. Họ cho rằng du lịch ở đất nước hơn một tỷ dân không an toàn cho phụ nữ. Hà không xem những quan điểm đó là đúng mà thường đặt câu hỏi ngược lại, sau đó bắt đầu đi ra thế giới để “kiểm chứng” sự thật bằng chính những trải nghiệm cá nhân của mình.
Nếu không quyết tâm đi ra ngoài kia, cô sẽ không bao giờ biết rằng những định kiến đang bóp méo thế giới quan của mình. Cô cho biết, những người đàn ông có học thức ở Ấn Độ cũng hiểu rằng có một định kiến nào đó đang áp đặt lên số đông, nên họ luôn cố gắng giúp đỡ nhiều người phụ nữ khi tới đất nước này. "Lúc mình bị bệnh ở trên núi, có hai người đàn ông hộ tống đưa mình về thủ đô. Khi đã đến thủ đô rồi, họ vẫn tiếp tục đi thêm một đoạn đường để chăm sóc mình và đưa mình tới tận nơi", Việt Hà xúc động khi nhắc lại câu chuyện.
Đối với Việt Hà, mình sẽ có cái nhìn khách quan nhất khi tự trải nghiệm những tình huống cụ thể. Cô hình thành những mối quan hệ bằng sự tiếp xúc và cảm nghĩ cá nhân của mình, không bị tác động hay ảnh hưởng bởi bất kỳ một ai khác. "Mình sẽ không bỏ đi bất kỳ cơ hội nào để tiếp xúc với một con người và hiểu họ chỉ vì người ta đang có định kiến với họ", Hà chia sẻ.
"Nếu như bạn nhìn ai đó và thấy sợ, bạn sẽ chẳng bao giờ thấy được sự tốt đẹp trong họ". Hà tâm sự, cô nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của hai người đàn ông Ấn Độ vì ngay từ đầu cô đã không đặt ra bất kỳ một định kiến nào. Cũng nhờ gặp những người tốt như vậy, nên những định kiến dần được cởi bỏ bớt.
Có lẽ vì cách suy nghĩ đó, mà Việt Hà đã gặp được những con người tử tế, đáng yêu trong những hành trình khám phá của mình. Tâm sự với phóng viên, Hà Là Lạ cho biết trong tương lai, cô vẫn luôn mong muốn có thể chia sẻ thêm nhiều điều hữu ích, giá trị tích cực tới cho cộng đồng thông qua những hoạt động và câu chuyện của bản thân.