Riga - Berlin của Latvia

20/03/2015

Nếu làm một phép so sánh, Riga không hề thua kém Paris diễm lệ, Rome giàu tính lịch sử hay Berlin cổ kính về các kiến trúc Renaisance, Gothic, Barocque được bảo tồn cho đến ngày nay. Đặc biệt, Riga như là một bảo tàng mở về kiến trúc Art Nouveau của vùng biển Baltic.

Bài và ảnh: Nguyễn Chí Linh

Buổi chiều lên, khi nắng thu vàng óng len lỏi qua từng con phố nhỏ, thủ đô Riga cổ kính của đất nước Latvia vươn mình thức giấc sau buổi sáng đầy mưa. Những viên gạch màu đỏ đặc trưng theo kiến trúc Art Nouveau của Đức như nhảy múa sôi động cùng những tia nắng. Tôi lang thang qua từng con ngõ hẹp rêu phong đá cuội ngắm nhìn những kiến trúc còn sót lại cùng thời gian trong tiếng chuông nhà thờ St. Peter trầm ấm vang xa. 

 

Riga ngày nay được chia làm 2 khu: phố mới và phố cũ, mỗi khu đều có nét hấp dẫn riêng về kiến trúc. Cũng như bao du khách đến đây, mỗi khi chiều lên, khi nắng phủ vàng ngõ phố, tôi thích bước chân trong những con ngõ hẹp tưởng chừng như không thể hẹp hơn trong khu phố cũ để ngắm nhìn những côn trình kiến trúc Renaisance, Gothic, Barocque đang chất chồng lên nhau theo theo dòng trôi lịch sử. 

 

Nếp tầng văn hóa trên một kiến trúc 

 

 

Liên minh Hanseatic hay liên minh Hanse được thành lập vào năm 1159 tại thành phố Lübeck – Đức với mục đích chung đại diện quyền lợi kinh tế trong hàng hải, đặc biệt đối với nước ngoài. Vào thế kỷ 14, Liên minh Hanse đã mở rộng và liên kết khoảng 200 thành phố và cảng biển ở khu vực Bắc Âu và vùng biển Baltic tham gia. Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, liên minh Hanse còn mở rộng sang lĩnh vực chính trị và văn hóa. Anh Andris, một công dân thành phố Riga, đã kể cho tôi nghe câu chuyện lịch sử của thành phố khi chúng tôi trò chuyện cùng nhau ở quảng trường trung tâm.

 

 

Riga được thành lập vào năm 1201 bởi cha xứ Albert và đóng vai trò là thành phố đầu tàu của vùng đất phía Tây biển Baltic trong liên minh Hanseatic, đồng thời Riga cũng đóng vai trò trung tâm cho đoàn quân “Thập tự chinh” ở vùng đất phía Bắc. Vốn dĩ Albert là người con của vùng phía Bắc nước Đức, nên Riga mang phảng phất kiến trúc “Brick Gothic” ngay khi mới thành lập. Những viên gạch hình chữ nhật “màu đỏ đậm” trên từng kiến trúc ở trung tâm là hình ảnh đặc trưng của phố.

 

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Brick Gothic là tên gọi chung trong kiến trúc xây dựng thịnh hành từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 16 ở các thành phố thuộc khu vực Bắc Âu và các thành phố khác nằm quanh biển Baltic để thay thế cho những kiến trúc Romannesque vốn không còn thịnh hành trước đó. Đến thế kỷ 16, kiến trúc Brick Gothic lại được thay thế bằng kiến trúc Phục Hưng (Renaissance). Vẫn còn yêu chuộng “Brick Gothic” nên các kiến trúc khác được xây dựng sau này vẫn lấy trên nền Brick Gothic phối hợp với các kiến trúc khác.

 

 

Theo tay anh Andris, tôi ngắm nhìn ngôi nhà Balckheads nằm ngay quảng trường trung tâm khu phố cổ. Những viên gạch màu đỏ như nhảy múa và reo ca dưới những tia nắng vàng cuối ngày. Ngôi nhà không chỉ mang kiến trúc đặc trưng “Brick Gothic” mà còn chứa đựng cả những nét điêu khắc tinh xảo của kiến trúc Renaisance. Ngôi nhà từng là trung tâm thương mại lớn của vùng đất Riga được xây dựng vào thế kỷ 14 bởi một quý cô giàu có đến từ nước Đức. Trải qua nhiều cuộc chiến sau đó, dù bị phá hủy rất nhiều, nhưng chính quyền Riga cố gắng trùng tu Blackheads để giữ gìn di tích.

“Tôi ngắm nhìn ngôi nhà Balckheads nằm ngay quảng trường trung tâm khu phố cổ. Những viên gạch màu đỏ như nhảy múa và reo ca dưới những tia nắng vàng cuối ngày.”

 

 

Theo chân Andris, tôi len lỏi qua một vài con ngõ hẹp để đến nhà thờ St. Peter, nơi đan xen giữa các kiến tầng văn hóa. Vẫn là những viên gạch màu đỏ đậm của kiến trúc Brick Gothic trên các bờ tường, nhưng toàn bộ những điêu khắc bằng đá trên các bờ tường ấy lại là kiến trúc đặc trưng Gothic, Romannesque và Baroque từng thịnh hành trong quá khứ. Andris cho biết, nhà thờ được xây dựng nhằm tôn vinh Thánh Peter, một trong 12 tín đồ của Chúa, đã bảo hộ cho thành phố. Kiến trúc chủ đạo ban đầu của nhà thờ là Gothic và Brick Gothic. Tuy nhiên, những cuộc chiến sau đó với người Đức, Ba Lan và người Nga đã bị phá hủy khá nhiều. Mỗi lần trùng tu, người ta lại xây dựng một kiến tầng mới trên kiến tầng cũ. Phía trước nhà thờ vẫn còn tạc tượng cha xứ Albert, người đã khai sinh ra thành phố. Tôi cũng không bỏ qua cơ hội vuốt bàn tay con heo mẹ cùng với đàn con được làm bằng đồng đặt xéo về bên tay phải nhà thờ. Với những người Bắc Âu hay các thành phố ven biển Baltic, đàn heo là biểu tượng cho sự thịnh vượng và hạnh phúc.

 

Bảo tàng mở về kiến trúc Art Nouveau

Cũng giống các thành phố khác nằm về Bắc bán cầu, buổi sáng trời nhiều tầng mây thấp nằm gối đầu lên nhau. Riga là thành phố có nhiều cây xanh bao phủ nhất trong các thành phố thuộc khối Đông Âu ngày xưa bên cạnh biển Baltic. Mặt hồ trong các công viên như những chiếc gương khổng lồ soi rọi tất cả trời và đất vào đó. Những hàng cây bạch dương, lá phong đã ngã màu từ vàng sang đỏ đậm vào ngày cuối thu. 

Tôi lang thang đến con đường Maza Pils để ghé qua ngôi nhà “Ba anh em – Three Brothers”, một trong những ngôi nhà liền kề nhau được xây dựng ở Riga vào thế kỷ 15 mang kiến trúc khá đặc biệt và được bảo tồn cho đến ngày nay. Ngôi nhà đầu tiên tọa lạc ở số 17 được xây vào khoảng năm 1470 là ngôi nhà cổ nhất mang kiến trúc Gothic, ngôi nhà số 19 xây vào năm 1646 lại mang kiến trúc Manerism của người Hà Lan thịnh hành vào năm 1520, ngôi nhà số 21 được xây dựng vào cuối thế kỷ 16 mang đậm kiến trúc Baroque. Chúng là bức tranh hoàn hảo mô tả những kiến trúc thịnh hành của châu Âu từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17.

 

 

 

Theo Andris, lịch sử Riga là lịch sử của những cuộc chiến, mà sau mỗi giai đoạn của cuộc chiến kiến trúc thành phố lại đổi thay. Cái mới ra đời nằm chồng lên cái cũ và chúng kết nối với nhau tạo thành những nếp tầng văn hóa đa sắc màu. Tôi lại lang thang đến những con đường Audeju, Vaļņu, Smilsu (thuộc khu phố cũ) và Terbatas, Brivibas, Elizabetes, Strelnieku (thuộc khu phố mới) để ngắm nhìn những ngôi nhà được thiết kế theo kiến trúc Art Nouveau, nơi còn gọi là “bảo tàng mở” ngoài trời về kiến trúc Art Nouveau ở Riga. Tổ chức UNESCO công nhận Riga là di sản văn hóa của thế giới trong đó có khía cạnh về nghệ thuật Art Nouveau hay còn gọi là Art Nouveau. Tất cả những ngôi nhà tuyệt đẹp trên các con đường này đều dành cho tầng lớp giàu có nhất ở Riga hoặc các thương gia từ các quốc gia khác đến đây sinh sống (trong đó con đường Strelnieku còn được gọi con đường của những Đại Sứ Quán).

Tổ chức UNESCO công nhận Riga là di sản văn hóa của thế giới trong đó có khía cạnh về nghệ thuật Art Nouveau hay còn gọi là Art Nouveau.

 

Trong tiếng Đức, “Art Nouveau” có nghĩa là “phong cách trẻ” và kiến trúc này bắt nguồn từ thành phố Munich của nước Đức vào những năm cuối thập niên 1890, sau đó lan khắp châu Âu và cả Nhật Bản. Đôi khi “Art Nouveau” còn được gọi là “Art Nouveau” do người Anh sử dụng từ Nouveau của người Pháp và có nghĩa là “nghệ thuật mới”.

Lịch sử phát triển của Art Nouveau được chia làm 2 giai đoạn: những năm đầu của thập niên 1900, Art Nouveau thiên về nghệ thuật tự nhiên với motifs về hoa và cảnh vật. Giai đoạn sau những năm 1950, Art Nouveau không còn giới hạn về chủ đề nghệ thuật, chúng được áp dụng nhiều trong xây dựng nhà cửa cũng như kiến trúc nội thất bên trong. Đỉnh cao của nghệ thuật Art Nouveau giai đoạn này là các kiến trúc “đường cong kim loại” theo trường phái Henry van de Velde hay Victor Horta được áp dụng trên nhiều dãy phố ở thủ đô Brussels của nước Bỉ. Tùy theo những trường phái và việc cảm nhận nghệ thuật Art Nouveau khác nhau, mỗi một quốc gia đều có tên gọi khác nhau dù cơ bản vẫn dựa trên nghệ thuật Art Nouveau đến từ nước Đức như: Japanese Art, Ukiyo e prints, Art and Crafts, Sezessionstil, Stile Floreale, Modernismo…

 

Vốn dĩ là thành phố do người Đức sáng lập nên Riga hấp thu rất nhanh nghệ thuật Art Nouveau của người Đức. Tôi cứ xuyên qua từng con phố và say đắm ngắm nhìn những tòa nhà đầy tính sáng tạo “nghệ thuật mới” qua những tượng điêu khắc trên bức tường nhà hoặc trên các thanh gỗ. Tôi nhớ một ai đó đã từng nói, nếu muốn xem bảo tàng ngoài trời về các kiến trúc xây dựng hãy đến Rome, Paris hay Berline. Và khi bước trên con đường Strelnieku, tôi thầm nghĩ, Riga không thề thua kém bất cứ thành phố cổ kính nào của châu Âu về nghệ thuật xây dựng.

 

Thông tin thêm :

+ Latvia là thành viên chính thức của Liên minh châu Âu vào năm 2007, vì vậy nếu có visa châu Âu hay visa Schengen, du khách có thể đến Riga.

+ Khai thác đường bay trực tiếp từ TP.HCM và Hà Nội đến Riga chỉ có Turkish Airlines. Tuy nhiên các hãng hàng không vẫn có ký hiệp định vận chuyển nên du khách có thể đến Riga từ Frankfurt (Lufthansa vận chuyển) hoặc Paris (Air France vận chuyển).

+ Trước năm 2014, Latvia vẫn sử dụng đồng bản địa của mình là Latu. Từ năm 2014, Latvia đã sử dụng đồng tiền chung châu Âu là Euro.

+ Phương tiện di chuyển để tham quan trong Riga: xe buýt và tàu điện ngầm (thường gọi là Satiksme)

+ Một số điểm tham quan khác tại Riga: Tòa thị chính, bảo tàng lịch sử Latvia, nhà thờ Thánh John, bảo tàng gốm sứ, lâu đài Riga, bảo tàng lịch sử tự nhiên, bảo tàng nghệ thuật nước ngoài, tượng đài tự do…

+ Riga rất nổi tiếng về các mặt hàng thời trang được làm từ da và len đến những vật dụng trong nhà bếp. Các trung tâm thương mại thường áp dụng mức giá tốt gồm: Taste Latvia, Konventa Seta, Central Market, Galerija Istaba và Stock Mann. Giờ mở cửa của các trung tâm từ 10 giờ sáng đến 21:00 giờ đêm.

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES