Đi thăm đại ngàn qua cuốn sách "Các dân tộc Tây Nguyên"

19/02/2019

Nhân dịp đầu Xuân năm mới 2019, Nhà xuất bản Thế Giới đã cho ra mắt cuốn sách ảnh đặc biệt có tên gọi "Các dân tộc Tây Nguyên" - một công trình nghiên cứu kỹ lưỡng về miền đất đại ngàn của Việt Nam mà các tác giả Nguyễn Văn Kự (chủ biên), Lưu Hùng, Lê Văn Thao và Lương Thanh Sơn đã dày công xây dựng, thu thập trong nhiều năm.

"Các dân tộc Tây Nguyên" là một cuốn ấn phẩm với hình ảnh và nội dung được phân bổ một cách khoa học, công phu và vô cùng cẩn trọng về 11 dân tộc sinh tụ tại Tây Nguyên lâu đời bao gồm: Ba Na, Brâu, Chu Ru, K'ho, Ê Đê, Gia Rai, Gié, Triêng, Mạ, M'Nông, Rơ Măm và Xơ Đăng đang sinh sống ở 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng tại Việt Nam. Được biết, đây là cuốn sách nối tiếp hai công trình trước đó của chủ biên Nguyễn Văn Kự và TS. Lưu Hùng là: Nhà mồ Tây Nguyên (Nxb. Thế giới, 2003) và Nhà rông Tây Nguyên (Nxb. Thế giới, 2006, 2017).

Bìa cuốn sách

Bìa cuốn sách "Các dân tộc Tây Nguyên"

Với 475 bức ảnh cùng những lời dẫn giải, giới thiệu về văn hóa cổ truyền, thiên nhiên và đời sống tập tục đặc trưng (mỗi dân tộc sẽ có một bài giới thiệu tổng quan riêng), cuốn sách được coi là một nguồn tài liệu tổng hợp vô cùng quý báu về miền sơn nguyên rộng lớn của Việt Nam mà bốn tác giả đã dày công biên dựng.

Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Kự - nhiếp ảnh gia, nguyên Cán bộ Viện Khoa học Xã hội - đã từng dành thời gian gắn bó suốt nhiều năm với mảnh đất đại ngàn huyền diệu còn nhiều bí ẩn Tây Nguyên để sinh sống và thực hiện những nghiên cứu, nhờ đó mà cùng đồng đội tập hợp được hàng trăm tư liệu phong phú, đầy chân thực và quý báu để chọn lọc đặt vào cuốn sách ảnh vô cùng tâm huyết này. Mỗi người sẽ có những cái nhìn khác nhau về văn hóa và câu chuyện của vùng đất hoang nguyên, song tất cả đều cùng chung mục đích tạo nên một ấn phẩm chất lượng với nội dung mang đậm bản sắc vùng miền, và cung cấp tới người đọc những xúc cảm cũng như cái nhìn chân thực nhất về Tây Nguyên nắng gió, hiền lành và còn nhiều điều lạ lùng.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Bên cạnh những sản phẩm hình ảnh do 17 tác giả chính thực hiện, cuốn sách còn bao gồm một số ảnh được đóng góp từ nhiều tác giả công tác ở các lĩnh vực khác nhau, hay từ các nguồn tài liệu lưu trữ từ xưa, bao gồm cả ảnh đen trắng. Mỗi hình ảnh đều bao gồm những thông tin như: địa chỉ, thời điểm chụp và người chụp rất rõ ràng.

Bên cạnh những sản phẩm hình ảnh do 17 tác giả chính thực hiện, cuốn sách còn bao gồm một số ảnh được đóng góp từ nhiều tác giả công tác ở các lĩnh vực khác nhau, hay từ các nguồn tài liệu lưu trữ từ xưa, bao gồm cả ảnh đen trắng. Mỗi hình ảnh đều bao gồm những thông tin như: địa chỉ, thời điểm chụp và người chụp rất rõ ràng.

Bên cạnh việc phản ảnh những khía cạnh, hiện trạng cuộc sống và văn hóa của các dân tộc nói chung, cuốn sách "Các dân tộc Tây Nguyên" còn như một phương tiện hữu ích giúp độc giả có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cổ truyền trong thực tế, đồng thời là nguồn tài liệu quý báu cho những cá nhân đặc biệt quan tâm đến văn hóa các tộc người ở Tây Nguyên, mang ý nghĩa như một đòn bẩy hữu hiệu trong việc nghiên cứu và học tập. Bởi lẽ đó, cuốn sách ảnh thích hợp cho mọi đối tượng, từ độc giả phổ thông cho đến những ai lưu tâm sâu sắc đến các vấn đề dân tộc và văn hóa Việt Nam.

TS. Lưu Hùng trong bài tổng quan “Các dân tộc Tây Nguyên và văn hóa cổ truyền” đã nêu rõ: “Các dân tộc Tây Nguyên đang đứng trước thách thức đáng quan ngại trong việc giữ gìn vốn văn hóa đặc sắc lâu đời của mình. Tuy nhiên, “cái mới” và “cái cũ” đan xen cài nhau, trong cuộc sống mới vẫn hiện hữu không ít yếu tố cổ truyền, cho dù có thể đã ít nhiều biến đổi, pha tạp, “hiện đại hóa”, thậm chí có những trường hợp chỉ còn mang tính hình thức hay ở dạng tàn dư, hồi quang. Trong bối cảnh như vậy, những di sản của người Tây Nguyên giữ gìn được đến nay đều vô cùng quý giá và đáng trân trọng, với Tây Nguyên cũng như cả nước, cần được bảo tồn, tích cực tiếp nối và khai thác, phát huy cho các thế hệ mai sau.”

"Các dân tộc Tây Nguyên" mang tới cái nhìn trung thực thông qua những tư liệu phong phú và chi tiết, giúp người đọc nhận biết về văn hóa cũng như cuộc sống của các dân tộc Tây Nguyên trong sự vận động và biến đổi của xã hội chung.

Tây Nguyên - mảnh đất đỏ nhiều nắng gió, vẫn đang bao chứa vẻ hoang nguyên cằn cỗi như nó vốn có, cùng rừng già rậm dày, động vật hoang dã và con người khô cằn, tất cả đã hòa chung làm một, tạo nên mảnh đất đậm đà những điều kỳ ảo và sinh ra những nét văn hóa bản địa không thể nhầm lẫn. Những ngôi nhà rông, tập tục uống rượu cần, nghề nuôi voi, nếp cư trú nhà sàn, tập quán canh tác, phong tục hôn nhân... tất cả đều được tái hiện rõ nét trong hơn 260 trang sách với phần nội dung cô đọng, chỉn chu đi cùng hình ảnh chất lượng và chân thực.

Cụ bà Nàng Bun - 90 tuổi, nhân chứng còn lại về tập tục xăm mặt. Ảnh: Nguyễn Văn Kự, 2006

Cụ bà Nàng Bun - 90 tuổi, nhân chứng còn lại về tập tục xăm mặt. Ảnh: Nguyễn Văn Kự, 2006

"Các dân tộc Tây Nguyên" hiện đã có mặt tại các nhà sách trên toàn quốc. Già bìa: 456.000 VNĐ/cuốn.

Về chủ biên Nguyễn Văn Kự:

Nguyễn Văn Kự sinh năm 1940, quê tại xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông hiện sinh sống tại Hà Nội. Ông từng học khoa Lịch sử thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội & nguyên là cán bộ Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Hội viên Hội Khảo cổ học Việt Nam, Hội Dân tộc học Việt Nam, Hội Sử học Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, thành viên Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật Quốc tế (FIAP).

Ông cũng là tác giả và đồng tác giả các cuốn sách viết về phong tục tập quán và các dân tộc ở Việt Nam đã xuất bản gồm:
- Di sản Văn hóa Chăm (Nxb thế giới, Hà Nội 2007, 2008, 2012)
- Điêu khắc Chăm (Nxb Khoa học Xã hội, 1987 với Phạm Huy Thông, Cao Xuân Phổ, Phạm Ngọc Long)
- Du khảo văn hóa Chăm (Nxb Khoa học Xã hội Hà Nội 2005 với Ngô Văn Doanh và Andew Hardy)
- Chùa Việt Nam (Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1993 với Hà Văn Tấn và Phạm Ngọc Long; Nhà xuất bản thế giới 2008, 2009, 2010 và 2013)
- Đình Việt Nam (Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1998 với Hà Văn Tấn)
- Le Đình Việt Nam ( Nxb Thế Giới 2002 với Hà Văn Tấn)
- Nhà mồ Tây Nguyên (Nxb Thế Giới, Hà Nội 2003 với Lưu Hùng)
- Nhà Rông Tây Nguyên (Nxb Thế Giới 2006 với Lưu Hùng)
- Người Xơ Đăng ở Việt Nam (nhiều tác giả, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia - UNESCO, 1998).

Thông tin liên hệ:
- Email: nguyenvanku@gmail.com.
- Điện thoại: 0903265331 - 84.4.38521820

Quỳnh Anh
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES