Nếu được hỏi về sân bay bận rộn nhất tại Tây Ban Nha trong thời điểm dịch Covid-19, chắc hẳn những cái tên như Madrid hay Barcelona sẽ hiện lên trong tâm trí. Thế nhưng sự thật là chỉ có sân bay Teruel Airport ở Aragon, Tây Ban Nha mới được xác nhận là nơi bận rộn nhất trong bảng xếp hạng hoạt động hàng không của nước này, bất chấp dịch Covid-19 đang hoành hành.
Vậy tại sao Teruel Airport - một sân bay không có một hành khách nào lại là sân bay bận rộn nhất và hoạt động hết công suất bất chấp mùa dịch?
Sân bay không hành khách
Không giống như những vùng hút khách du lịch khác của Tây Ban Nha, hàng chục triệu khách du lịch đến thăm quốc gia này mỗi năm chẳng biết mấy về vùng quê hẻo lánh Teruel. Thậm chí với cả những người Tây ban Nha, Teruel chỉ là một vùng quê chẳng mấy người muốn đến vì hầu như không có hoạt động du lịch gì tại đó.
Dẫu vậy, sân bay Teruel vẫn vô cùng bận rộn dù không hề có lấy một hành khách bởi đối tượng sử dụng chính của nơi này là chính bản thân máy bay chứ không phải các du khách. Hay nói một cách khác, nơi đây chính là Khu nghỉ dưỡng dành cho máy bay!
Thời tiết của vùng Teruel có đặc trưng là khô ráo và không quá nóng, điều này khiến vùng đất này trở thành nơi nghỉ dưỡng lý tưởng cho các máy bay mà không sợ bị hỏng hóc hay phải tốn quá nhiều tiền bảo trì trong thời gian dài. Thông thường, những hãng hàng không bị dư thừa công suất không thể để máy bay tại các sân bay trung tâm quá lâu do phí lưu sân và bảo trì thường rất lớn và cũng không có đủ công suất chứa. Do vậy, các hãng máy bay cần cho máy bay đỗ dài hạn tại các địa điểm nhất định như một "kho chứa" và Teruel chính làm điểm đến được lựa chọn nhiều nhất tại Tây Ban Nha.
"Thời tiết của Teruel là cực kỳ thích hợp cho việc ‘nghỉ dưỡng’ những chiếc máy bay. Tại đây, máy bay có thể đỗ trong thời gian dài mà không cần phải bảo trì. Hơn nữa nó cũng sẽ ở trạng thái tốt nhất cho đến khi hãng bay muốn dùng hoạt động trở lại" - người phát ngôn của Hãng hàng không Lufthansa cho biết.
Hiện Teruel đang là nơi đặt nhà xưởng của hãng Tarmac Aerosave - một công ty hàng không chuyên cung cấp dịch vụ bảo trì, lưu kho và tái sửa chữa máy bay cho các hãng hàng không.
Do vậy, với tình trạng dịch Covid-19 đang tàn phá ngành hàng không thì hàng loạt máy bay không được sử dụng đã được đưa đến Teruel để bảo trì hoặc "nghỉ dưỡng" chờ ngày hoạt động trở lại. Điều này khiến Teruel Airport hoạt động hết công suất đến mức hết chỗ chứa và trở thành sân bay bận rộn nhất Tây Ban Nha bất chấp mùa dịch Covid-19.
Luôn trong tình trạng quá tải
Một trong những hãng hàng không có đặt máy bay ở Teruel chính là Air France. Với tình hình dịch bệnh phức tạp tại Pháp, hãng hàng không này đã cho nghỉ dưỡng 180 trên tổng số 224 chiếc máy bay của mình. Phần lớn chúng được để ở các sân bay Paris hay Toulouse nhưng rất nhiều chiếc A380 cũ được đưa đến Teruel để nghỉ dưỡng theo đùng tiêu chuẩn nhằm giữ được trạng thái tốt nhất khi khai thác trở lại.
Trong khi đó, Hãng hàng không Lufthansa lại vận chuyển toàn bộ đội bay từ A340 đến A600 của hãng hạ cánh tại Teruel nhằm nghỉ dưỡng trong vòng 2 đến 3 tháng cho đến khi dịch Covid-19 đã dần trôi qua và hoạt động của hãng được khôi phục trở lại.
Công suất sân bay Teruel ước tính vào khoảng 125 chiếc trong cùng thời điểm nhưng nhiều máy bay sẽ được kéo vào kho để bảo dưỡng hay sửa chữa nên công suất thực tế có thể nhỉnh hơn đôi chút. Nếu như không có dịch Covid-19 thì lần cuối cùng sân bay này phải hoạt động hết công suất là vào năm 2015 khi hãng hàng không lớn thứ 2 của Nga là Transaero bị phá sản và buộc phải gửi hàng loạt máy bay tại Teruel cho đến khi có thể thanh lý.
Pedro Saez - Giám đốc phụ trách ở sân bay Teruel của Hãng bảo dưỡng máy bay Tarmac Aerosave cho biết thông thường hãng chỉ có khoảng 66 máy bay nghỉ dưỡng tại đây nhưng đến mùa dịch Covid-19 thì đã lên tới 109 chiếc.
Bảo dưỡng tài sản triệu USD
Việc bảo trì, bảo dưỡng hay sửa chữa những chiếc máy bay có giá đến hàng trăm triệu USD sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian lẫn công sức. Theo hãng hàng không Air France, một chu trình bảo dưỡng từ 1 đến 3 tháng sẽ tiêu tốn khoảng 150 tiếng đồng hồ làm việc của các chuyên viên. Đó là chưa kể đến những chu trình bảo dưỡng riêng biệt cho các dòng máy bay cũ hay từng gặp hỏng hóc.
Công việc bảo trì máy bay cũng rất kén chọn lao động bởi chúng cần những chuyên gia có trình độ để có thể xử lý công việc. Thông thường giai đoạn đầu trước khi bảo dưỡng, những phần như động cơ, lỗ thông hơi hay các khu vực quan trọng của máy cần được che chắn bảo vệ rất kỹ nhằm giữ cho chúng tránh bị tổn hại trong quá trình bảo trì.
Tiếp đó là phần kiểm tra định kỳ như di chuyển máy bay nhằm giảm áp suất cho lốp xe, khởi động lại động cơ hay cấp điện thường xuyên nhằm duy trì hệ thống. Khi máy bay được yêu cầu trở lại phục vụ, chúng sẽ cần tốn 2 ngày để xưởng tháo các thiết bị bảo hộ cũng như thực hiện hàng loạt bài kiểm tra trước khi xuất xưởng.
Rõ ràng, công việc bảo trì máy bay không hề đơn giản và với việc ngày càng nhiều hãng hàng không lựa chọn Teruel, thì sân bay này lại thực sự đang trở thành một trường hợp hiếm hoi trong ngành hàng không khi đang sống "rất khỏe" nhờ Covid-19.