Số ca nhiễm ở Nga đứng thứ 5 thế giới, Việt Nam có 0 ca nhiễm mới

08/05/2020

Đến sáng 8/5, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu là 3.910.374 ca, trong đó có 270.302 người chết. Hầu hết các "điểm nóng" Covid-19 đang dần "hạ nhiệt", tuy vậy, số ca nhiễm ở Nga bất ngờ tăng nhanh, vượt Pháp và Đức, đứng thứ thế giới.

Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng, thêm 17 ca mới do nhập cảnh nhưng không đáng lo ngại

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19, tính đến sáng 8/5, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Hiện chỉ còn 34 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và Việt Nam đã bước vào ngày thứ 22 không ghi nhận ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.

Tính đến nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng có 148 ca phát hiện mắc bệnh khi nhập cảnh và đã được cách ly ngay lập tức, tránh nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

Empty

Những ca bệnh được phát hiện gần nhất là từ chiều 7/5, với 17 trường hợp mắc bệnh Covid-19 từ nước ngoài trở về và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Trong số 17 hành khách mắc bệnh Covid-19, có 1 gia đình 3 người đã sống cùng 1 bệnh nhân dương tính tại Dubai (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất).

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/4/2020, từ ngày 14/4 đến nay, Việt Nam đã tổ chức đón 1.657 công dân Việt Nam về nước bằng đường hàng không. Tất cả các công dân này sau khi nhập cảnh đều đã được cách ly và giám sát sức khỏe, những người mắc bệnh đều được đưa đi điều trị.

Phương tiện vận tải hành khách hoạt động bình thường trở lại từ 8/5

Chiều ngày 7/5, Bộ Giao thông Vận tải đã thông báo tới các đơn vị kinh doanh vận tải về việc thực hiện khôi phục hoạt động vận tải trong nước của các phương tiện vận tải hành khách (xe buýt, taxi, xe chờ khách, tàu hỏa, tàu bay, tàu thủy...) trở lại bình thường.

Bộ Giao thông Vận tải cũng giao các đơn vị kể trên trong phạm vi quản lý phối hợp với Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương nắm bắt tình hình vận tải hành khách tại địa phương và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh; tiếp tục thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 trên các phương tiện vận tải hành khách trong tình hình mới theo đúng quy định.

Việt Nam mở lại dịch vụ không thiết yếu, không bắt buộc học sinh đeo khẩu trang

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vào sáng 7/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho phép mở các dịch vụ kinh doanh không thiết yếu được mở cửa trở lại bình thường, trừ vũ trường và karaoke, cũng như tổ chức một số hoạt động thể thao, sự kiện tập trung đông người, nhưng phải đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch bệnh. Thủ tướng cũng đồng ý bỏ giới hạn về số chỗ trên các phương tiện giao thông công cộng nhưng yêu cầu bắt buộc hành khách đeo khẩu trang.

q

Đồng thời, đồng ý với đề xuất về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Thủ tướng nêu rõ, không bắt buộc học sinh đeo khẩu trang trong lớp học, giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay, và định kỳ mở cửa sổ, cửa chính để thông thoáng khí. Nhà trường tăng cường các biện pháp lau khử khuẩn bề mặt, vệ sinh phòng, lớp học, nhà vệ sinh; không bắt buộc thực hiện giãn cách trong lớp học…

"Điểm nóng" châu Âu dần hạ nhiệt

Tính đến sáng 8/5 (theo giờ Việt Nam), số ca tử vong vì dịch Covid-19 tại Pháp đã tăng thêm 178 trường hợp, lên tổng cộng 25.987 người. Tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Pháp tới thời điểm này là 174.791 người, tăng 600 ca so với một ngày trước. Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Olivier Véran khẳng định, Pháp đã sẵn sàng triển khai công tác xét nghiệm trên diện rộng. Đối tượng được xét nghiệm trong thời gian trước mắt sẽ là những người có nhiều nguy cơ mắc bệnh, có triệu chứng và đã tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19.

Empty

Tại Anh, trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận 5.614 ca dương tính và 539 trường hợp tử vong vì Covid-19, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2 tới lúc này lên lần lượt 206.715 và 30.615 ca. Ngày 7/5, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho hay, hiện chưa có bất cứ thay đổi nào đối với lệnh phong tỏa của nước Anh trước khi chính phủ nước này xem xét về các biện pháp sẽ được công bố vào ngày 10/5.

Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý công bố, trong một ngày qua, nước này đã ghi nhận 1.401 ca mắc Covid-19, đưa tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 lên 215.858 người. Số ca tử vong vì đại dịch ở Italy cũng tăng thêm 274 trường hợp, lên tổng số 29.958 người. Nhìn chung, diễn biến dịch tại "điểm nóng" Italy đang hạ nhiệt dần những ngày qua. Chính phủ Italy và Hội đồng Giám mục Italy (CEI) đã ký nghị định thư cho phép mở cửa trở lại các nhà thờ và cơ sở tôn giáo trên cả nước kể từ ngày 18/5. Nghị định thư cũng quy định, việc mở cửa trở lại các cơ sở tôn giáo được thực hiện "từng bước" nhằm đảm bảo các nguyên tắc phòng dịch.

Với những biện pháp phòng chống dịch tích cực và hiệu quả cùng hệ thống y tế vững chắc trước đại dịch, Đức đang thận trọng mở cửa trở lại nền kinh tế. Tuy nhiên, trong ngày 7/5, Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm Robert Koch (RKI) của Đức, ông Lars Schaade cảnh báo nước này có thể đối mặt với một đợt tái bùng phát dịch bệnh trước mùa Thu (khoảng từ tháng 9 đến tháng 11). Tới sáng 8/5, Đức ghi nhận tổng cộng 169.430 ca bệnh (tăng 1.268 ca) và 7.392 ca tử vong, tăng 117 ca so với một ngày trước đó.

Tây Ban Nha gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia

Tây Ban Nha ngày 7/5 lại chứng kiến những tín hiệu đáng ngại, khi số ca tử vong có dấu hiệu tăng trở lại. Theo worldometers.info, tính đến sáng 8/5 (giờ Việt Nam), Tây Ban Nha ghi nhận tổng cộng 256.855 bệnh nhân Covid-19, trong đó 26.070 ca tử vong, tăng 213 ca so với một ngày trước đó. Hiện Tây Ban Nha đứng thứ 2 thế giới, sau Mỹ về tổng số ca mắc Covid-19 và đứng thứ 4 thế giới về số ca tử vong, sau Mỹ, Anh, Ý.

Empty

Quốc hội Tây Ban Nha đã thông qua đề xuất của Thủ tướng Pedro Sanchez về việc kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia thêm 2 tuần. Theo đó, lệnh khẩn cấp hết hạn ngày 10/5 sẽ tiếp tục có hiệu lực đến ngày 23/5 tới. Đây cũng là lần thứ 4 Tây Ban Nha gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 2 tuần nhằm củng cố những nỗ lực và bảo vệ thành quả trong phòng chống dịch Covid-19.

2-2,5% dân số Moskva nhiễm COVID-19

Tại Nga, ngày 7/5, nước này đã ghi nhận 11.231 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, mức tăng kỷ lục tính theo ngày, nâng tổng số ca mắc bệnh Covid-19 ở nước này lên 177.160 người - chỉ sau Mỹ, Tây Ban Nha, Italy và Anh trên thế giới.

Lực lượng đặc nhiệm về Covid-19 của Nga cho biết trong một ngày qua đã có 88 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 ở nước này lên 1.625 người. Trong đó, Moskva vẫn là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 6.703 ca nhiễm virus mới ghi nhận.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty

Phát biểu trong chương trình thời sự trực tiếp của kênh truyền hình Russia 24, Thị trưởng Moskva Sergey Sobyanin cho rằng số ca nhiễm Covid-19 thực tế của thủ đô Nga có thể đạt 2-2,5% dân số thành phố, tức là tương đương khoảng 300 nghìn trường hợp.

Mỹ đề nghị viện trợ y tế cho Nga

Nhà Trắng ngày 7/5 cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị viện trợ y tế cho Nga trong cuộc điện đàm cùng ngày với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Điện Kremlin sau đó cũng lên tiếng xác nhận.

"Tổng thống Trump đã nhấn mạnh rằng trong khi Mỹ đang nỗ lực chăm sóc người dân, Mỹ cũng sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ quốc gia nào có nhu cầu, kể cả Nga", thông báo của Nhà Trắng cho biết.

Mỹ thêm 2.674 ca tử vong

Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 1.290.242 ca nhiễm Covid-19, tăng 32.191 ca so với hôm trước. Thêm 2.674 người chết Covid-19, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 76.864.

Dịch bệnh tại Mỹ hiện vẫn bị cho là còn nhiều nguy cơ lây lan trong bối cảnh quốc gia này dần nới lỏng các biện pháp giãn cách để nối lại các hoạt động kinh tế, vấn đề đang gây tranh cãi gay gắt trong dư luận Mỹ.

Tàu điện ngầm New York lần đầu tiên dừng hoạt động trong 115 năm để làm vệ sinh do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và vấn nạn người vô gia cư trú ngụ trên tàu

Tàu điện ngầm New York lần đầu tiên dừng hoạt động trong 115 năm để làm vệ sinh do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và vấn nạn người vô gia cư trú ngụ trên tàu

Trong khi đó, kết quả của một nghiên cứu mới nhất được công bố trong ngày 7/5 cho thấy, New York là nguồn lây nhiễm chính khiến đại dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ, bởi hàng nghìn trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đã di chuyển từ thành phố này và phát tán mầm bệnh tới các bang khác ở nước Mỹ.

Thêm 610 người chết, Brazil vẫn muốn nới lỏng phong tỏa

Bộ Y tế Brazil ngày 7/5 thông báo đã phát hiện thêm 9.942 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, đẩy tổng số ca nhiễm tại quốc gia Nam Mỹ này lên con số 135.160 người. Tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại Brazil cũng tăng lên 9.146 trường hợp sau khi có thêm 610 người chết.

Hơn 20 quan chức chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro đã dương tính với nCoV, bao gồm thư ký báo chí Fabio Wajngarten và Bộ trưởng An ninh Quốc gia Augusto Heleno. Bolsonaro nói rằng ông xét nghiệm âm tính với virus, song không công khai kết quả.

Tổng thống Brazil coi Covid-19 chỉ như cúm mùa, từng tuyên bố tác động tiêu cực của Covid-19 đã bị phóng đại quá mức vì lý do chính trị. Ông cũng thường xuyên thể hiện sự thiếu kiên nhẫn với lệnh hạn chế do thống đốc các bang áp đặt, lên án "sự cuồng loạn" xung quanh Covid-19 và hối thúc lãnh đạo địa phương tái khởi động nền kinh tế.

Brazil hiện đang lâm vào tình trạng thiếu quan tài

Brazil hiện đang lâm vào tình trạng thiếu quan tài

Hiện Brazil là vùng dịch lớn thứ hai của châu Mỹ và lớn nhất ở Nam Mỹ. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm và tử vong ở nước này tăng vọt. Tuy nhiên, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và Bộ trưởng Kinh tế Paulo Guedes vẫn muốn nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Ông Bolsonaro kêu gọi "cứu nền kinh tế bởi vì kinh tế cũng là mạng sống" trong khi ông Guedes cảnh báo nền kinh tế Brazil sẽ sụp đổ "trong vòng 30 ngày" nếu không nới lỏng phong tỏa.

Iran vẫn là vùng dịch lớn nhất Trung Đông

Iran hiện ghi nhận 103.135 ca nhiễm, tăng 1.485 ca trong vòng 24 giờ và 6.486 ca tử vong, tăng 146 ca. Iran đã mở cửa lại các nhà thờ Hồi giáo tại một số vùng được cho là có nguy cơ thấp, sau khi thông qua kế hoạch nối lại hoạt động của doanh nghiệp theo giai đoạn từ hôm 11/4. Tuy nhiên, thành phố Qom, tâm dịch của đất nước, vẫn có "xu hướng gia tăng" số ca nhiễm mới.

Arab Saudi ghi nhận thêm 1.793 ca nhiễm và 10 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 33.731 và 219.

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) báo cáo 502 ca nhiễm mới và thêm 8 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 16.240 và 165.

Empty

Ngày 7/5, Bộ Y tế Ai Cập thông báo quốc gia này đã phát hiện 393 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, đánh dấu mức tăng kỷ lục trong ngày, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 7.981 người. Bên cạnh đó, số người tử vong do căn bệnh nguy hiểm này cũng tăng thêm 13 ca, lên tổng số 482 trường hợp.

Nam Phi tăng ca nhiễm kỷ lục

Bộ Y tế Nam Phi ngày 8/5 thông báo, nước này đã ghi nhận 424 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp mắc Covid-19 lên 8.232 người, trong đó có 161 ca tử vong.

Cũng trong 24 giờ qua, Nam Phi đã xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 12.774 người, nâng tổng số đối tượng được xét nghiệm tại quốc gia 56 triệu dân này lên 292.153 trường hợp. Cho đến thời điểm hiện tại, 3.153 bệnh nhân Covid-19 ở Nam Phi đã khỏi bệnh.

Nam Phi đang thực hiện xét nghiệm virus corona cho toàn dân

Nam Phi đang thực hiện xét nghiệm virus corona cho toàn dân

Chính phủ Nam Phi đã buộc phải tạm đóng cửa các trường học 7 tuần trước để ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 cùng lúc cũng làm gián đoạn chương trình dinh dưỡng quốc gia cung cấp bữa ăn cho 9 triệu học sinh là con em những hộ gia đình nghèo khó.

Hơn 100 người chết/ngày vì COVID-19 ở Ấn Độ

Ấn Độ ghi nhận 3.364 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới, nâng tổng số lên 56.351. Thêm 104 người chết, nâng tổng số ca tử vong lên 1.889.

Ấn Độ áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn quốc từ 25/3, khi mới chỉ ghi nhận 60 ca nhiễm và 10 người chết do Covid-19. Tuy nhiên, ca nhiễm mới và tử vong vẫn tiếp tục tăng ở quốc gia có dân số đông thứ hai thế giới. Một số chuyên gia lo ngại số liệu thực tế ở Ấn Độ có thể cao hơn nhiều so với thống kê, do nhiều người không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế và xét nghiệm.

Nhật Bản cấp phép thuốc kháng virus remdesivir để điều trị COVID-19

Bộ Y tế Nhật Bản cho biết chính phủ nước này đã cấp phép thuốc kháng virus remdesivir do công ty dược phẩm Gilead Sciences (Mỹ) bào chế để điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh Covid-19. Đây là loại thuốc đầu tiên tại Nhật Bản được cấp phép để chữa trị căn bệnh nguy hiểm này.

d

Như vậy, Nhật Bản trở thành nước thứ 2 cho phép sử dụng remdesivir để điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, sau Mỹ hồi tuần trước. Chính phủ Mỹ đưa ra quyết định trên sau khi một cuộc thử nghiệm lâm sàng lớn cho thấy loại thuốc này đã giúp rút ngắn 1/3 thời gian hồi phục ở một số bệnh nhân.

Số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc bật tăng trở lại

Ngày 8/5, Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới quay trở lại mức hai con số. Thời điểm Hàn Quốc ghi nhận có số ca nhiễm cao nhất là ngày 29/2 vừa qua với 909 ca.

Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy, tính tới 10 giờ (giờ địa phương) ngày 8/5, sau 3 ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, nước này đã ghi nhận thêm 12 ca (trong đó có 11 ca nhập cảnh), theo đó nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc lên thành 10.822 ca.

Tất cả địa phương Trung Quốc ở nguy cơ thấp

Empty

Mễ Phong, người phát ngôn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), ngày 7/5 cho biết tất cả địa phương (tính theo cấp huyện) ở Trung Quốc đại lục đã được xếp vào nhóm có nguy cơ thấp với Covid-19. Tính đến hết ngày 7/5, Trung Quốc chỉ có 1 ca nhiễm mới trong nước ở tỉnh Cát Lâm. Ngoài ra, có 3 trường hợp nghi là lây nhiễm từ nước ngoài, đều ở Thượng Hải. Đại diện NHC khẳng định trong vòng 22 ngày qua, đại lục không ghi nhận bất kỳ trường hợp tử vong nào vì Covid-19.

1.805 người chết vì COVID-19 ở Đông Nam Á

Đông Nam Á ghi nhận thêm 1.494 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số trên toàn khu vực lên 54.287, trong đó 1.805 người chết và 13.834 người khỏi bệnh. Trong 24 giờ qua, chỉ có 2 nước Indonesia và Philippines ghi nhận ca tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp, song cũng có 8 nước ở khu vực này thông báo các ca dương tính với SARS-CoV-2.

Indonesia là quốc gia ASEAN ghi nhận số ca tử vong trong vòng 24 giờ qua ở mức cao đáng lo ngại, với 35 ca. Đây là một trong những ngày có số người chết vì Covid-19 nhiều nhất ở nước này. Tới hết ngày 7/5, Indonesia cũng là nước có tổng số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất ở Đông Nam Á, với 930 trường hợp, và đứng thứ 2 trong khu vực về số ca nhiễm, với 12.776 trường hợp.

Empty

Bộ Y tế Singapore cùng ngày cho biết nước này đã ghi nhận 741 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn quốc lên thành 20.939 người, đứng đầu khối ASEAN.

Philippines, vùng dịch lớn thứ ba, ghi nhận 10.343 người nhiễm SARS-CoV-2 và 685 người chết.

Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong nào do Covid-19.

Hà Lê - Nguồn: Tổng hợp
RELATED ARTICLES