Cảm hứng chu du dưới góc nhìn nghệ sĩ trẻ
Với chủ đề Chu Du – cảm hứng sáng tạo từ những chuyến đi, những hành trình trải nghiệm; hai nữ họa sĩ mang tới những bức tranh hoàn toàn khác biệt thậm chí có phần đối lập. Đối với Camelia Phạm, cảm hứng sáng tác tới từ trạng thái tự do trong tâm tưởng, khi cô đặt chân tới những đồng cỏ mát xanh bất tận, nơi những rặng núi điệp trùng và kì vĩ nơi tầm mắt. Cảm giác thoải mái và dễ chịu từng bước chân trần đặt lên bề mặt cỏ xanh mướt của thảo nguyên là thứ cô hằng mơ ước.
Ở cảnh trí thiên nhiên rộng lớn ấy, có những áng mây trôi hững hờ trên nền trời cao, có làn nước mát róc rách chảy qua khe suối nhỏ, những cánh chim trắng nhịp nhàng chuyển động và cả bát ngát những sắc màu từ cây cỏ. Đối lập với sự kì vĩ, khoáng đạt của Tầm Phương (dòng sản phẩm với thiết kế minh họa từ Camelia Phạm) là sự sinh động, náo nhiệt của phố, những thanh âm hào sảng của phường, của đô thị huyên thiên trong thiết kế minh họa của Lys Bui (dòng sản phẩm mang tên gọi Thong Dong).
Tầm nhìn mới cho những giá trị thủ công xưa
Hai nữ họa sĩ chia sẻ, sự kết hợp với Hanoia lần này cũng ghi dấu lần đầu tiên cả hai được tiếp cận với chất liệu sơn mài. Nhờ những lần làm việc cùng đội ngũ sản xuất của Hanoia, Camelia Pham đã có thêm cảm nhận sâu sắc hơn về chất liệu sơn mài để hình thành ý tưởng cho bức tranh Tầm Phương. Với tạo hình khung cửa sổ, cô muốn truyền tải cảm giác phiêu du khi được khám phá và hòa mình vào thiên nhiên, từ ấy họa lại khung cảnh những chú ngựa phi nước đại trên thảo nguyên xanh ngút, phía xa là những rặng núi bao quanh lối nhỏ dẫn đến đóa hoa tươi – thông điệp giàu tính tượng hình của nữ họa sĩ: ở mỗi chuyến đi, sau mỗi cuộc hành trình, thứ ta nhận được không chỉ là những cảm xúc nhất thời mà còn cả những chiêm nghiệm đáng quý luôn nở hoa, kết trái.
Với nền sơn mài bóng bẩy cùng sắc đỏ tươi giàu năng lượng, Camelia Phạm đã có những trải nghiệm vô cùng thú vị. Sự lựa chọn kỹ lưỡng các tông màu tươi sáng không chỉ giúp nổi bật những chi tiết nhỏ như bàn tay, đôi mắt... mà còn là ấn tượng thị giác lôi cuốn ánh nhìn, giúp người xem dễ dàng hòa vào bức tranh và đồng cảm.
Ở một cách tiếp cận khác có phần thân thuộc hơn, trong khung cảnh phố phường với 2 phiên bản Hà Nội – Sài Gòn, Lys Bui cũng sáng tạo thêm một chi tiết mới dựa trên từng thiết kế bình hoa, hộp đựng của Hanoia. Len lỏi giữa những con hẻm nhỏ nhộn nhịp dòng người, họa tiết cột điện đặc trưng của thành phố chính là điểm kết nối đầy mới lạ giữa các khối hình, tạo sự dịch chuyển sống động quanh bức họa Thong Dong.
Nhưng cái khó với người họa sĩ trẻ tuổi nằm ở việc cô chưa từng được làm việc trực tiếp với kỹ thuật sơn mài. Bởi vậy, khi bắt tay vào thiết kế cho chất liệu hội họa vốn cầu kì, phức tạp này, nữ họa sĩ đã phải nghiên cứu và đưa ra phương pháp phù hợp để có thể tô đậm nét kiến trúc đặc trưng của thành phố qua những chi tiết tối giản nhất. Dù là dòng xe cộ khẽ lướt qua hay những ly cà phê mát lạnh trên đôi ghế nhựa nhỏ, tất cả đều được khéo léo sắp đặt và thiết kế sao cho giữ được vẹn nguyên nét thảnh thơi trong không gian phố cổ.
Đồng điệu nét cổ điển trong nhịp sống đương đại
Tựu chung ở mỗi dòng sản phẩm là tinh thần sáng tạo không giới hạn hiện hữu trên từng nét vẽ của 2 nữ họa sĩ. Nhưng để làm nổi bật các bức họa sinh động ấy chắc chắn phải kể đến loạt kỹ thuật thủ công được ứng dụng thành thục dưới bàn tay đội ngũ nghệ nhân từ Hanoia.
Trong mỗi BST, nhà chế tác sơn mài vẫn luôn để lại dấu ấn bằng hàng loạt thể nghiệm mới mẻ trên các chủ thể của mình. Ở Thong Dong, Hanoia làm mới lớp nền của thành phố bằng việc ứng dụng hiệu ứng màu sắc ấn tượng, đem đến vẻ ngoài bắt mắt cho dòng sản phẩm. Dựa trên tông màu vàng và hồng mà Lys Bui đã lựa chọn để lột tả bức tường vôi cổ kính nơi phố thị, những dãy nhà cổ được khoác trên mình sự biến chuyển đầy mộng mơ của ánh nắng, khơi gợi nguồn cảm xúc không chỉ với riêng nữ họa sĩ Lys Bui mà cả với bất cứ ai ngắm nhìn bức tranh thân thuộc ấy.
Đặc biệt, minh họa trên hai dòng sản phẩm còn được Hanoia đặc tả bằng kỹ thuật vẽ tay và khắc vào màu tinh xảo để vừa giữ gìn những nét đặc trưng của thương hiệu, vừa nêu bật được nét vẽ tài hoa của hai nghệ sĩ trong không gian sống. Đó là cả một quá trình kỳ công, lặp đi lặp lại mà bất cứ nghệ nhân nào cũng phải trải qua, đòi hỏi ở họ sự cần mẫn, tỉ mẩn để mang lớp sơn mài hoàn thiện bóng mượt tới người sử dụng.
Sự cộng hưởng hài hòa giữa hai thế hệ
Làm việc với Hanoia, các họa sĩ trẻ đã cùng gắn kết với những giá trị truyền thống, đồng thời tiếp cận đến một loại hình nghệ thuật tinh xảo, chứa đựng nhiều tinh hoa mỹ nghệ Việt. Bén duyên với sơn mài, Lys Bui và Camelia Pham đã thể hiện những nét cá tính riêng biệt của mình, mang đến sự đa dạng thông qua việc lan tỏa vẻ đẹp của chất liệu truyền thống ấy tới đông đảo thế hệ khách hàng hơn nữa.
Về phía Hanoia, thương hiệu cũng có cơ hội thể nghiệm để tự làm mới mình từ việc tiệm cận gần hơn với những tài năng trẻ, qua đó mang đến vẻ đẹp đậm chất đương đại, bền đẹp theo năm tháng cho chất liệu sơn mài. Với sự phối hợp đồng điệu trong ứng dụng sơn mài và những kỹ thuật thủ công tiêu biểu, Hanoia đã cùng Lys Bui, Camelia Pham biến bức họa Tầm Phương và Thong Dong thành điểm sáng đầy mới mẻ cho chuyến đi xa tràn ngập âm hưởng tự do mang tên Chu Du.