Sống như người bản địa ở Lào

30/06/2023

8 tháng sống chậm tại Lào giống như người bản địa thực thụ, Mai Di Lao đã khám phá nhiều điều thú vị, trải nghiệm văn hóa, cuộc sống thường nhật của con người ở đất nước Triệu Voi.

"Trước đây mình có suy nghĩ, Lào không có điểm gì thu hút để du lịch. Nhưng khi đến đây thì thấy nơi này thật khác so với tưởng tượng. Đất nước Lào thật sự rất đẹp. Và nếu muốn trải nghiệm nhiều nhất bạn hãy chọn đi tự túc”, Mai chia sẻ với Travellive.

Phạm Hồng Huế (24 tuổi, Hải Phòng) - tên thường gọi là Mai. Sau khi đến Lào, cô quyết định chia sẻ những chuyến khám phá, trải nghiệm văn hóa ở nước bạn trên nhiều nền tảng mạng xã hội, lúc đó tên gọi Mai Di Lao ra đời.

Chuyến đi Lào của Mai bắt đầu sau khi cô lấy chồng. Hai vợ chồng cô sang đây khởi nghiệp bán bò khô chủ yếu cho khách du lịch ở Thủ đô Viêng Chăn. Từ đó cô gắn bó với Lào cho đến hiện tại. 8 tháng được trải nghiệm văn hóa, khám phá du lịch khiến cô gái Hải Phòng thêm yêu đất nước này hơn. Dự định hết năm nay, Mai và chồng sẽ về lại Việt Nam, nhưng cô cho biết bản thân sẽ rất nhớ đất nước Lào và những trải nghiệm ấn tượng tại đây.

8 tháng sống chậm tại Lào giống như người bản địa thực thụ, Mai Di Lao (trái) đã khám phá nhiều điều thú vị, trải nghiệm văn hóa, cuộc sống thường nhật của người dân ở đất nước Triệu Voi

8 tháng sống chậm tại Lào giống như người bản địa thực thụ, Mai Di Lao (trái) đã khám phá nhiều điều thú vị, trải nghiệm văn hóa, cuộc sống thường nhật của người dân ở đất nước Triệu Voi

Sống chậm ở Lào

“Hãy thử tưởng tượng, bạn là khách du lịch đi tour, khi đến Viêng Chăn sẽ được tham quan Patuxay, tháp Thạt Luổng, công viên tượng Phật… sau vài tiếng ngồi xe mệt nghỉ thì đập vào mắt sẽ là những điểm đến cùng với lời của hướng dẫn viên giới thiệu, trời nắng, trên tay cầm chai nước lọc giải khát, vậy thì mình không còn đủ sức để nghe, để hiểu và để cảm nhận.

Ngược lại, khi mình quyết định ở đây, sống chậm cùng người dân thì mình mới có thời gian mở rộng tầm mắt với tất cả mọi thứ mới lạ. Mình thấy các nhà sư đi khất thực trên đôi chân trần buổi sáng, sau đó chia lại cho trẻ em và bọn trẻ được mẹ đón về ngôi nhà nhỏ xíu lụp xụp đằng sau thị trấn. Hay mình được đi chợ mỗi ngày một khu chợ mới, những khu chợ trong nội đô được quy hoạch nhỏ xinh, sắp các quầy hình ô bàn cờ. Còn những khu chợ dưới bản thì bám đầy bụi đường đỏ au với vài chiếc chòi nhỏ yếu ớt bán cá, tôm vừa bắt được dưới suối… Nhiều thứ để kể lắm nhưng để làm người bản địa Lào cũng không dễ đâu”, Mai hào hứng cho hay.

Bức ảnh được chụp từ đỉnh núi Phou Si, toàn cảnh thị trấn bình yên

Bức ảnh được chụp từ đỉnh núi Phou Si, toàn cảnh thị trấn bình yên

Đến phố cổ, du khách nên đi bộ để tận hưởng tình yêu toả ra từ khắp các dãy nhà, con phố. Thi thoảng sẽ bắt gặp các vị sư mặc đồ cam che ô đi bộ trò chuyện trên vỉa hè

Đến phố cổ, du khách nên đi bộ để tận hưởng tình yêu toả ra từ khắp các dãy nhà, con phố. Thi thoảng sẽ bắt gặp các vị sư mặc đồ cam che ô đi bộ trò chuyện trên vỉa hè

Vườn tượng Phật ở thủ đô Viêng Chăn

Vườn tượng Phật ở thủ đô Viêng Chăn

Ở Lào 8 tháng qua, Mai đã được đặt chân đến 3 tỉnh: Viêng Chăn, Vang Vieng và Luang Prabang. Sắp tới cô dự định sẽ đến tỉnh Xiêng Khoảng.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Ở Vang Vieng được xem như một khu rừng vận động thu nhỏ, đón rất nhiều khách nước ngoài. Đến đây, mọi người có thể trải nghiệm tắm hồ Blue Lagoon xanh biếc, đu zipline xuyên rừng, đi Junggle car, leo núi Nam Xay ngắm cảnh núi rừng Vang Viêng bất tận hay bay khinh khí cầu, chơi Tubing trên sông Nam Song…

Trải nghiệm Lễ hội té nước ở Lào

Trải nghiệm Lễ hội té nước ở Lào

“Mình thích nhất ở Vang Vieng bởi có khá nhiều điểm thư giãn ven 2 bên sông, như kiểu nằm dưới tán cây thả chân xuống nước và có thể lội ra giữa dòng suối, cảm giác thư thả như ngày bé vậy”, Mai nói.

Còn ở Luang Prabang, cố đô yên bình và sạch sẽ của Lào thì khó có thể diễn tả bằng lời. Nơi đây được ví như vùng đất chữa lành tâm hồn.

Mai nhấn mạnh: “Giống như Huế ở Việt Nam, bất kể ai, người nào đến với Luang Prabang cũng được cảm nhận nhịp sống chậm lại, yên bình và dịu dàng hơn. Những kiến trúc đông dương hoà với kiến trúc Lào cổ hiện lên trước mắt mình dần dần, những ngôi nhà gỗ mái rộng thấp với khoảng sân thoáng đãng toàn bóng cây, nhìn chỗ nào cũng mê mẩn”.

Đường chính tại khu phố cổ. Đi bộ dọc theo con phố, bạn có thể ghé vài bất cứ hàng quán nào bán những đồ trang sức, đồ trang trí, may mặc... thủ công đủ màu sắc sặc sỡ

Đường chính tại khu phố cổ. Đi bộ dọc theo con phố, bạn có thể ghé vài bất cứ hàng quán nào bán những đồ trang sức, đồ trang trí, may mặc... thủ công đủ màu sắc sặc sỡ

Diện trang phục truyền thống Lào ở Heuan Chan - ngôi nhà gỗ có từ thế kỉ 19 nằm ở vị trí trái tim của cố đô Luang Prabang. Đây là một dinh thự quý tộc đúng nghĩa thời tiền thuộc địa, hiện còn lưu giữ đồ sinh hoạt, bố trí trong các gian phòng và cả trang phục

Diện trang phục truyền thống Lào ở Heuan Chan - ngôi nhà gỗ có từ thế kỉ 19 nằm ở vị trí trái tim của cố đô Luang Prabang. Đây là một dinh thự quý tộc đúng nghĩa thời tiền thuộc địa, hiện còn lưu giữ đồ sinh hoạt, bố trí trong các gian phòng và cả trang phục

Ẩm thực ở Lào có gì đặc sắc?

Các cửa hàng đồ ăn sẵn có mặt trên mọi con đường to, ngõ nhỏ và bán đa dạng thực phẩm. Chủ yếu là đồ nướng, chiên rán và canh (riêng ở Lào than củi chỗ nào cũng bán và túi nilon cũng vậy). Ẩm thực Lào, Mai ấn tượng mình nhất là món xôi ăn với gà nướng và Tam Mak Houng (gỏi đu đủ của Lào). Đồ ăn ở Lào tuy đơn giản nhưng vẫn rất ngon.

Người Lào ít ăn rau, ăn nhiều đồ nướng và không chú trọng phải ăn gì. Bữa sáng, bữa trưa, bữa tối của người đi làm đều có xôi, đồ nướng, chẻo là no, vừa ấm bụng lại còn rẻ. Người Lào ít ăn cơm, lương thực tiêu thụ chủ yếu là xôi, họ có thể ăn kèm với nhiều thứ như rau, thịt nướng, lạp xưởng, canh măng, gỏi đu đủ, lạp lợn, vịt quay….

“Say ua”, “say cooc” đều là tên gọi của lạp xưởng. Ở Lào có rất nhiều loại lạp xưởng với vị và hình thù khác nhau đều nướng ăn với xôi. Du khách đến Lào có thể mua bò khô, trâu khô và lạp xưởng về làm quà

“Say ua”, “say cooc” đều là tên gọi của lạp xưởng. Ở Lào có rất nhiều loại lạp xưởng với vị và hình thù khác nhau đều nướng ăn với xôi. Du khách đến Lào có thể mua bò khô, trâu khô và lạp xưởng về làm quà

Cũng giống như các nước Đông Nam Á, người Lào cũng rất thích các món ăn được chế biến từ côn trùng như trứng kiến, sâu tre, cà cuống…

Cũng giống như các nước Đông Nam Á, người Lào cũng rất thích các món ăn được chế biến từ côn trùng như trứng kiến, sâu tre, cà cuống…

Người Lào rất thích uống bia, các quán bia, lẩu nướng rải rác khắp các con đường

Người Lào rất thích uống bia, các quán bia, lẩu nướng rải rác khắp các con đường

Mai cho biết thêm: “Văn hoá uống bia là thứ mình ấn tượng nhất khi ở Lào. Bia Lào được tạp chí Magazines bình chọn là loại bia ngon nhất châu Á. Vì vậy, người dân Lào uống bia mỗi ngày, quán nhậu có mặt khắp nơi. Cứ 16h30 chiều, các quán bia bắt đầu đông cho tới tối. Cuối tuần cả gia đình, nhóm bạn tụ tập với nhau trên chiếc bàn kê trước cửa nhà, ăn uống và bật loa nhảy múa nhìn yêu đời lắm”.

Bên cạnh đó, ở Lào có rất nhiều trải nghiệm thú vị độc đáo. Ví dụ ở Viêng Chăn khi tham gia giao thông bằng xe 2 bánh: 1 là đội mũ fullface, 2 là không đội mũ bảo hiểm và cảnh sát giao thông cũng rất dễ thương, họ sẽ gọi vào nhắc nhở trước chứ không có phạt ngay. Ngoài ra, ngồi thùng xe bán tải ngắm Viêng Chăn về đêm cũng là một trải nghiệm chắc chắn bạn nên thử.

Đến Lào, Mai gặp gỡ nhiều người bạn mới, từ người Việt, người Thái, người Lào… vì hơi khó hiểu ngôn ngữ nên giao tiếp bằng tiếng Anh thường phổ biến.

Từ trên cao, những nếp nhà mang nét kiến trúc Lào cổ pha với kiến trúc Đông Dương nằm liền kề nhau khiến cố đô Luang Prabang hiện lên thật bình yên, cổ kính

Từ trên cao, những nếp nhà mang nét kiến trúc Lào cổ pha với kiến trúc Đông Dương nằm liền kề nhau khiến cố đô Luang Prabang hiện lên thật bình yên, cổ kính

Cung điện hoàng gia Lào, nơi chứng minh cho sự giàu có xa xưa giờ đây trở thành viện bảo tàng

Cung điện hoàng gia Lào, nơi chứng minh cho sự giàu có xa xưa giờ đây trở thành viện bảo tàng

Một kỉ niệm đáng nhớ nhất với Mai là lúc đi chơi với đội bạn trẻ Lào. Mai kể lại: “Ngồi ăn vặt, uống bia cùng nhau từ lúc 21h, các bạn ấy có nấu loại nước lá thảo mộc siro uống lạ lắm. Hôm đó là ngày cuối năm, cứ mỗi người đến lại xách theo vài lon bia và túi đá, ngồi tới 1h sáng mình xin phép về trước. Sáng hôm sau nghe tin các bạn ngồi nghe nhạc nói chuyện tới tận 6h sáng. Sau đó mình mới biết ở Lào đó là chuyện bình thường, các bạn trẻ hay cả phụ huynh đều tụ họp như vậy mỗi dịp vui vẻ, chứ ở Việt Nam tới 12h đêm chưa về là biết tay với mẹ ngay”.

Tại khuôn viên Wat Xieng Thong

Tại khuôn viên Wat Xieng Thong

Phương Thảo - Ảnh: Mai Di Lao
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES