Ở Iran một ngày cũng có ba bữa ăn vào sáng, trưa và tối. Bữa trưa sẽ ăn từ 1h đến 3h chiều, có nơi đến tận 4h chiều. Tất nhiên do ăn trưa muộn như vậy nên bữa tối thường ăn sau 9h tối đến tận 12h đêm.
Bữa sáng thường rất đơn giản với bánh mì, bơ, mật ong và trứng bác cà chua hoặc trứng rán. Riêng bữa sáng ngày chủ nhật tương tự như bữa điểm tâm muộn, diễn ra vào khoảng 10h sáng, gồm có bánh mì, mứt, mật ong, sữa tươi, hoa quả, trứng luộc, phô mai…
Hãy cùng tìm hiểu những món ăn, thức uống thông dụng được dùng trong hầu hết mọi bữa ăn của người Iran.
Bánh mì
Bánh mì là món không thể thiếu trong các bữa ăn của người Iran, cơm có thể không có nhưng chắc chắn phải có bánh mì. Ở Iran có hơn 40 loại bánh mì (Nan) khác nhau, nhưng phổ biến nhất là bốn loại bánh mì chính: Barbari, Lavash, Sangak, Gandhi.
Barbari bắt nguồn từ thành phố Tabrizi, hình ô van, dày chừng 1 cm, đậm đà, có thể được tẩm vừng, dầu olive hay hương thảo để tăng mùi vị. Đây cũng chính là loại bánh mì tôi thích nhất ở Iran. Lavash hình tròn hoặc ô van mỏng như bánh đa và là loại bánh lâu đời nhất Trung Đông và Trung Á. Sangak hình chữ nhật, được nướng trên đá. Gandhi là bánh mì ngọt, cũng ăn vào bữa sáng hoặc uống với trà…
Những lò bánh mì có ở khắp các khu dân cư ở Iran. Sáng sớm nếu đi qua một lò bánh mì bạn sẽ thấy một khung cảnh rất nhộp nhịp, người dân trật tự xếp hàng, lấy số, trả tiền rồi mua bánh mì. Đặc biệt bánh mì không cần gói hay cho vào túi mà mọi người trực tiếp cầm tay mang về. Và hầu như ở các lò bánh mì người dân tự trả tiền vào máy bằng tiền xu hoặc thẻ chứ nhân viên không thu tiền.
Cơm
Bên cạnh bánh mì thì cơm cũng là món ăn hầu như không thể thiếu trong mọi bữa ăn ở Iran. Cơm ở Iran được nấu từ hạt gạo dài, không quá dẻo. Có ba loại cơm là cơm trắng, cơm vàng - được tạo màu từ Saffron, và cơm hỗn hợp trộn với hoa quả khô cùng các loại hạt. Thường trong bữa ăn mọi người sẽ sử dụng cơm trắng nhưng vẫn trộn một chút cơm vàng để tạo thêm điểm nhấn cũng như sự thu hút cho đĩa cơm.
Cơm thường được ăn kèm với những món nướng hoặc hầm nhưng cũng có khi người Iran nấu chung một nồi cơm mà bên dưới cùng là gạo, bên trên là những lớp rau củ và thịt xen lẫn. Nồi cơm này được đậy kín, không được mở trong khi nấu và được nấu với lửa nhỏ trong nhiều tiếng đồng hồ. Khi ăn họ múc thịt và phần rau ra một đĩa riêng và cơm ra một đĩa riêng.
Salad
Giống như Ý, người Iran ăn salad sau bữa ăn. Salad gồm có rau xà lách, cà chua, dưa chuột, hoa quả tươi và khô, các loại hạt… được ăn kèm với sữa chua không đường hoặc những loại sốt riêng được pha chế từ giấm lựu, muối, dầu olive và các loại thảo mộc. Người Iran đặc biệt thích ăn chua nên sữa chua là một món ăn cũng như nguyên liệu nấu ăn không thể thiếu trong mỗi căn bếp.
Sữa chua chủ yếu là loại không đường, được pha chế thành nước uống chua với muối, thì là, soda hoặc bạc hà…, có tên gọi là Doogh. Ngoài ra họ còn dùng sữa chua để ướp các loại thịt nướng, độ chua tự nhiên trong sữa chua làm thịt mềm, giảm độ ngấy của mỡ và làm miếng thịt ngon hơn nhiều khi được nướng trên lửa.
Tráng miệng
Sau các bữa ăn chính thì các món tráng miệng cũng là một điểm nhấn trong ẩm thực Iran. Cá nhân tôi không quá thích những món pudding hoặc kẹo đường bọc các loại hạt vì hơi ngọt so với khẩu vị của tôi. Các loại pudding được nấu từ gạo, thêm Saffron để tạo màu, có thể nấu cùng sữa hoặc nước với đường, cho thêm một vài bột gia vị như quế, hồi sau đó rắc thêm hạt dẻ cười bên trên.
Ở Yard có một món tráng miệng nổi tiếng mà tôi rất yêu thích là Faloodeh - làm từ bột ngô, tạo thành những sợi nhỏ dài như bún, cảm giác giống ăn chè bánh lọt - được ăn lạnh với siro hoa hồng và hột é.
trà, cà phê
Người Iran không uống nhiều cà phê nhưng lại có thói quen uống trà cả ngày. Cứ có khách đến nhà thì chủ nhà sẽ mời uống trà và bánh kẹo. Trà ở đây là trà đen, khi uống người Iran sẽ ngậm cả cục đường trong miệng rồi nhấm nháp từng ngụm trà nhỏ hoặc dùng những thanh đường phèn có tên là Nabat để tạo độ ngọt cho trà.
Ngoài ra, một thức uống độc đáo khác mà bạn cần biết là Sekanjebin - một loại siro nhẹ được làm từ giấm, bạc hà và đường, thêm một ít nước có ga/không ga hoặc nước hoa hồng. Người Iran uống Sekanjebin được ướp lạnh trong bữa ăn như Doogh vì có độ chua nhẹ từ giấm giúp tiêu hoá đồ ăn được dễ dàng.