Đầu tháng 3/2020, Cục Hàng không đã có văn bản đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17/2019 của Bộ Giao thông Vận tải ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển về mức quy định năm 2014 (tăng trung bình 3,75% so với khung giá hiện hành). Theo đó, Cục đề xuất tăng giá trần đường bay có cự ly vận chuyển 500-850 km từ 2,2 triệu đồng lên 2,25 triệu đồng (tăng 2,27%).
Tuy nhiên, mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã có đề xuất Bộ Giao thông Vận tải tạm thời chưa xem xét việc điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa nhằm ổn định giá cả, hạn chế các tác động tiêu cực đến đời sống xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện vẫn còn diễn biến phức tạp.
Theo báo cáo của Cục Hàng không, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến vận tải hàng không khiến giá nhiên liệu Jet A1 giảm. “Trong giai đoạn thị trường phát triển ổn định (khi chưa có dịch), giá nhiên liệu cơ bản có xu hướng tăng cao. Do đó, việc xây dựng chính sách cần xem xét xu hướng tăng trở lại của giá nhiên liệu bay khi thị trường dần hồi phục” lãnh đạo Cục Hàng không cho hay.
Nhìn nhận giai đoạn hiện nay, với tác động nặng nề của dịch Covid-19, sản lượng hành khách, hệ số ghế sử dụng và doanh thu của các hãng sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, phía Cục Hàng không đánh giá hàng loạt chi phí khác lại gia tăng như chi phí bảo đảm an toàn phòng chống dịch, chi phí sân đậu tàu bay… khiến chi phí trên mỗi chuyến bay và trên hành khách tăng cao.
Theo Hãng Hàng không Quốc gia Vietnam Airlines, việc tăng trần giá vé không đồng nghĩa với việc tăng giá vé mà giúp Vietnam Airlines và các hãng hàng không Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, nâng cấp chất lượng dịch vụ cho đối tượng khách hàng có nhu cầu dịch vụ cao, có thêm các mức giá rẻ nhằm kích cầu, khuyến khích khách đi máy bay.