Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội kéo dài 8,5 km (từ Depot Nhổn đến ga S8 - Cầu Giấy) đã hoàn thành thi công, lắp đặt, vận hành thử, công tác nghiệm thu cũng đã hoàn thành và được đánh giá đủ điều kiện để khai thác thương mại.
Toàn tuyến đường sắt đô thị metro Nhổn - Ga Hà Nội dài 12,5 km với tổng mức đầu tư 34.826 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA. Trong đó, đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5 km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4 km. Dự án khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015 nhưng sau nhiều lần lùi tiến độ, mốc hoàn thành mới toàn tuyến là năm 2027, đoạn trên cao dự kiến vận hành thương mại vào đầu tháng 8/2024.
Là đơn vị sẽ quản lý, khai thác và vận hành, lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội (HMC) cho biết đến nay, 353 lái tàu đã được đào tạo và toàn bộ nhân sự trực tiếp điều hành tuyến, dưới sự hỗ trợ của nhà thầu và tư vấn.
Theo thiết kế kỹ thuật tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao, mỗi đoàn tàu cấu tạo gồm 4 toa, mỗi toa chở được 236 hành khách, mỗi chuyến chở được 944 hành khách. HMC dự kiến vận hành 4-6 đoàn tàu, giãn cách chạy tàu giờ cao điểm 6 phút/chuyến (bình quân vào giờ cao điểm có 10 chuyến/giờ/hướng vào ga đón trả khách). Như vậy, năng lực vận chuyển của tuyến tối đa đạt mức 9.440 hành khách/giờ/hướng.
Dự kiến trong 15 ngày đầu khai thác, hành khách đi tàu sẽ được miễn phí. Giá vé tháng phổ thông là 200.000 đồng, vé ưu tiên giảm 50% cho hành khách là học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp; mua theo hình thức tập thể từ 30 người trở lên có giá 140.000 đồng. Vé ngày 24.000 đồng, có thể đi toàn tuyến trong ngày. Vé qua các ga dọc đường từ 8.000 - 12.000 đồng.
Khác với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, khách mua vé lượt sẽ được cấp vé dạng hình tròn, giống như đồng xu. Khi qua cửa soát vé, dùng vé quét để mở cổng, đến ga xuống thì nhét vào máy soát vé để mở cửa. Vé sau khi mua chỉ có giá trị trong 20 phút, nếu khách không lên tàu phải đến quầy vé để cập nhật lại.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), việc hoàn thành và đưa vào sử dụng đoạn trên cao tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội là một sự kiện quan trọng, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư vào tiềm năng phát triển hạ tầng giao thông của Thủ đô, thu hút nguồn vốn đầu tư cho các dự án tiếp theo.
Phương án tăng cường kết nối, trung chuyển hành khách bằng xe buýt cũng đã được Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội hoàn thiện. Theo đó, dọc trục tuyến metro có 36 tuyến buýt đang hoạt động. Hai điểm trung chuyển (Cầu Giấy và Nhổn) có 32 điểm dừng xe buýt (16 điểm có nhà chờ). Hiện 8 ga kết nối với điểm dừng xe buýt gần nhất với khoảng cách từ 0-50 m.