Tây Nguyên kỳ thú - Vùng văn hóa đa bản sắc

01/07/2012

Tư liệu nhiều kỳ:
BBT Travellive: Tây Nguyên là xứ sở của những thiên sử thi đẫm chất huyền thoại, vùng đất của đại ngàn xanh thẳm, của không gian văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2005... Điều đó vẫn là chưa đủ để nói về Tây Nguyên. Những kỳ thú mà chúng ta chưa biết về vùng đất này sẽ được “giải mã” qua loạt bài viết thấm đẫm chất trải nghiệm của nhà báo Khắc Dũng - người có hơn 20 lặn lội, sống cùng và uống lấy bầu không khí văn hóa của các dân tộc thiểu số vùng đất Nam Tây Nguyên, và kể lại với chúng ta.

Kỳ I: VÙNG VĂN HÓA ĐA BẢN SẮC

Bài và ảnh: Khắc Dũng

Nói đến Lâm Đồng – Nam Tây Nguyên là nói đến một vùng văn hóa đa bản sắc của các tộc người thiểu số bản địa với những yếu tố đan xen, giao hòa giữa dòng văn hóa bản địa truyền thống với văn hóa đương đại.

Theo ghi nhận của các nhà khoa học, Nam Tây Nguyên trong lòng Tây Nguyên là vùng đất khá giàu có về văn hóa truyền thống của các tộc người bản địa, tạo nên dòng chảy xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Sự “giàu có” ấy được tạo hợp từ những đặc trưng văn hóa riêng của mỗi tộc người; và ngược lại, mỗi sắc dân lại giữ riêng cho mình nét đặc trưng văn hóa không trộn lẫn. Khi có con người sinh sống trên vùng đất Nam Tây Nguyên cũng chính là lúc bắt đầu quá trình hình thành và phát triển dòng văn hóa mang hình thức sơ khai của thời kỳ đồ đá cũ.

Dấu ấn thời kỳ đồ đá cũ

Gần đây nhất (4/2012), việc phát hiện những chiếc rìu đá (1) ở Đà Loan (Đức Trọng, Lâm Đồng) một lần nữa nhắc nhớ đến “nền văn minh đồ đá” của cổ dân Nam Tây Nguyên. Từ những nghiên cứu khoa học gần đây, các chuyên gia khảo cổ học đã ghi nhận ở Lâm Đồng một “nền văn minh đồ đá” tại các di chỉ khảo cổ học Đạ Đờng (huyện Lâm Hà), đồi Giàng (Bảo Lộc), Pró (Đơn Dương)… với không ít công cụ sản xuất và sinh hoạt bằng đá thô sơ phản ánh quá trình hoạt động văn hóa sơ khai của bình minh lịch sử Nam Tây Nguyên.

Dấu tích của những hoạt động khai phá vùng rừng núi Nam Tây Nguyên của người tiền sử qua các công cụ bằng đá đã được tìm thấy trên một địa bàn trải dài từ vùng núi cao Lạc Dương, Đơn Dương, Lâm Hà (trên 1.000m so với mực nước biển) đến khu vực có độ cao trung bình Di Linh, Bảo Lộc (trên 800m) và chạy xuôi xuống vùng thấp Đạ Tẻh, Cát Tiên (400m). Một trong những dấu tích tiêu biểu của những hoạt động đó là chiếc rìu được chế tác từ cuội vàng hình bầu dục lần đầu tiên được phát hiện tại khu vực Thung lũng Tình Yêu (Đà Lạt).

Không chỉ dụng cụ lao động và sinh hoạt bằng đá mà ở Lâm Đồng – Nam Tây Nguyên còn có những thạch cầm (goòng lú, đàn đá) rất có giá trị được các nhà khảo cổ học phát hiện trong khoảng hơn nửa thế kỷ qua. Trước tiên, phải kể đến bộ “đá kêu” Ndulieng Krat gồm 11 thanh được nhà dân tộc học người Pháp – GS. Georges Condominas –phát hiện vào năm 1949 tại vùng Đam Rông, Lâm Đồng (nay thuộc tỉnh Đắc Nông). “Goòng lú Ndulieng Krat là bộ đàn đá tiền sử đầu tiên trên thế giới được tìm thấy tại Nam Tây Nguyên của Việt Nam” – GS. Trần Văn Khê khẳng định.

Không chỉ dụng cụ lao động và sinh hoạt bằng đá mà ở Lâm Đồng – Nam Tây Nguyên còn có những thạch cầm (goòng lú, đàn đá) rất có giá trị được các nhà khảo cổ học phát hiện trong khoảng hơn nửa thế kỷ qua. “Goòng lú Ndulieng Krat là bộ đàn đá tiền sử đầu tiên trên thế giới được tìm thấy tại Nam Tây Nguyên của Việt Nam” – GS. Trần Văn Khê khẳng định.

Cũng nằm trong “dòng chảy văn hóa đồ đá”, bất ngờ nối tiếp là một bí ẩn hiện đang được các nhà khoa học tìm cách giải mã: Những thanh “đá kêu” liên tiếp được phát hiện tại địa bàn huyện Di Linh (Lâm Đồng) trong những năm gần đây. Từ những phát hiện đó, các nhà khoa học đang đặt ra vấn đề có hay không một xưởng chế tác dụng cụ bằng đá tại vùng Di Linh? Đặt ra câu hỏi đó là bởi tại di chỉ đồi Tân Nghĩa (Di Linh), những thanh đàn đá được phát hiện cùng với hiện trường lại mang dáng dấp một di chỉ xưởng.

Thánh địa Cát Tiên

Khoa học khảo cổ trong những năm qua đã phần nào vén dần bức màn bí mật của cổ dân Nam Tây Nguyên thông qua các hoạt động khảo cổ trải dài trên một vùng rừng núi từ cao nguyên Langbian (Đà Lạt) đến thánh địa Cát Tiên. Nếu dòng chảy văn hóa của các cổ dân Nam Tây Nguyên từ cao nguyên Langbian đến vùng tương đối thấp là Di Linh và Bảo Lộc có nét tương đồng khá rõ thì bắt đầu từ Cát Tiên – vùng đất tiếp giáp với các dòng văn hóa Chăm – Chân Lạp – Khmer, dường như đã có một “cát cứ” văn hóa tương đối định hình và không trộn lẫn trong dòng văn hóa chung của Nam Tây Nguyên. Nói cách khác, đến khi phát hiện ra khu thánh địa Cát Tiên thì sự độc đáo về sáng tạo văn hóa của cư dân bản địa Nam Tây Nguyên đã thực sự thuyết phục các nhà khoa học bằng những ghi nhận khoa học. Và đây là sự ghi nhận ấy của các nhà khoa học: Tại khu thánh địa này, các nghệ nhân cổ xưa của cư dân bản địa Lâm Đồng đã thể hiện tài năng của mình một cách hết sức điêu luyện thông qua các công trình thuộc các lĩnh vực tôn giáo, kiến trúc, điêu khắc, lịch sử… bằng các hiện vật để lại như hình ảnh cầm thú, vũ nữ, thiên tiên, đền tháp…

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Cùng với một chiếc “thạch ấn”(2) trong dòng chảy văn hóa cổ thời đồ đá được tìm thấy tại đây, có thể “nhìn” dòng chảy văn hóa Nam Tây Nguyên được “định hình” ở thánh địa Cát Tiên từ góc độ tôn giáo, kiến trúc… Công trình kiến trúc tôn giáo của khu thánh địa Cát Tiên không chỉ là di tích thể hiện đời sống tâm linh của cư dân bản địa Nam Tây Nguyên mà còn là dấu ấn quan trọng thể hiện trình độ phát triển xã hội của họ trên các phương diện nghệ thuật, đời sống văn hóa và kinh tế.

Công trình kiến trúc tôn giáo của khu thánh địa Cát Tiên không chỉ là di tích thể hiện đời sống tâm linh của cư dân bản địa Nam Tây Nguyên mà còn là dấu ấn quan trọng thể hiện trình độ phát triển xã hội của họ trên các phương diện nghệ thuật, đời sống văn hóa và kinh tế.

Di chỉ khảo cổ học Cát Tiên là một loại hình kiến trúc tôn giáo cổ có những đặc trưng khác biệt so với các loại hình kiến trúc thông thường. Ở điểm khai quật DT gò 6A, các nhà khảo cổ và kiến trúc đã tìm thấy một đền thờ khá hoàn chỉnh với lối kiến trúc rất đặc trưng “Cát Tiên”. Ông Lương Nguyên Minh – Trưởng Ban quản lý Khu Di tích Cát Tiên – cho biết: “Nét đặc thù ở đền thờ này được thể hiện ở kiến trúc vuông bẻ góc nhiều lần trước mặt phía đông, và tiền điện được xây theo hình bán nguyệt. Còn ở gò số 7, người ta lại phát hiện ra một đền thờ được xây theo dạng hình vuông, nằm cân đối theo trục bắc – nam, và hoàn toàn không có dấu vết bậc cấp và dấu vết cửa”. Điều đáng quan tâm: Cũng tại đền thờ này, lần đầu tiên một “máng nước thiêng” trong di tích Cát Tiên đã được phát hiện; và cùng với máng nước thiêng ấy là hệ thống dẫn nước chạy dọc theo hướng đông – tây có chức năng phân phối nước thiêng đến các đền tháp trong khu vực.  

Từ di tích Cát Tiên(3), giáo sư Đào Duy Anh đã chỉ ra mối quan hệ giữa chủ nhân khu thánh địa với tiểu vương quốc Mạ (một trong những tộc người thiểu số của Lâm Đồng hiện tại) qua cuốn sách Đất nước Việt Nam qua các đời như sau: “Còn khối Sơ Ma (Stiêng và Mạ) thì từ xưa họ đã là một nước nhỏ chiếm ở miền rừng núi giữa Bình Thuận là đất Chiêm Thành và Biên Hòa là đất Chân Lạp. Sau khi chúa Nguyễn chiếm hết đất Chiêm Thành và bắt đầu chiếm đất Biên Hòa, Gia Định của Chân Lạp thì nước Sơ Ma không thể tồn tại độc lập được nữa ở ngay trên đường của người Việt Nam từ Khánh Hòa, Bình Thuận vào Biên Hòa, Gia Định. Thế là nước ấy suy tàn và các bộ lạc phải tản cư lên miền tây Bình Thuận và miền đông nước Cao Miên” (Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, nxb Thuận Hóa, Huế, 1994, tr. 212). Tuy sự tồn tại của vương quốc Mạ trong lịch sử là hạn hữu nhưng nhiều thành tố văn hóa quan trọng của cư dân bản địa Mạ lưu dấu trong lịch sử vẫn bền vững qua thời gian và không gian với nhiều biểu hiện qua các lễ hội, phong tục, tập quán… (hiện tượng này diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, điển hình là sự tàn lụi của nền văn hóa Crét - Myxen (Crete - Mycenae) Hy Lạp cổ đại).

Sự giao thoa giữa các “miền” văn hóa trên vùng đất Nam Tây Nguyên

Cùng với “chuẩn” văn hóa cự thạch và sự định hình của nền văn hóa cổ của cư dân Cát Tiên, trên vùng đất Nam Tây Nguyên – Lâm Đồng còn là nơi hội tụ của nhiều dòng văn hóa bản địa và cả ngoại lai khác trong quá khứ chảy dài đến hiện tại. Lịch sử tộc người chỉ ra rằng, Nam Tây Nguyên là vùng đất của cổ dân thiểu số bản địa thuộc ngữ hệ Môn - Khmer như người Mạ, người K’ho… Tiếp đến, trong chiến tranh Chăm – Việt, một bộ phận người Chăm ở Nam Trung Bộ đã dạt lên vùng đất Nam Tây Nguyên để định cư và lâu dần trở thành các tộc người bản địa với hai tên gọi chính là Churu và Raglai.

Với số dân khoảng 32.000 người, ở Lâm Đồng, người Mạ sống tập trung thành những bon (làng) nằm dọc theo sông Đồng Nai. Điểm khác biệt trước tiên và căn bản nhất so với các dân tộc cũng thuộc ngữ hệ Môn - Khmer khác ở Lâm Đồng như người K’ho, người Lạch, người Chil… là trong xã hội người Mạ đã xác lập chế độ phụ hệ khá vững chắc, nhất là trên lĩnh vực hôn nhân.

Lãnh thổ người Mạ trong lịch sử từng khá ổn định ở một vùng rộng lớn thuộc Nam Tây Nguyên khiến cho không ít tài liệu và nhất là các nhà nghiên cứu khoa học đã gọi đó là “xứ Mạ” hay “vương quốc Mạ”. Cùng với cộng đồng người Mạ (và người K’ho), trong dòng chảy văn hóa bản địa của cổ dân Nam Tây Nguyên còn có sự đóng góp đáng kể của “thành phần” văn hóa của các tộc người thuộc văn hóa Malayô – Pôlinêxia (Mã Lai Đa Đảo) như Churu, Raglai… Ở Lâm Đồng, hai tộc người đại diện cho dòng chảy văn hóa Malayô – Pôlinêxia là Churu và Raglai sống tập trung ở huyện Đơn Dương và một vài nhóm ở huyện Đức Trọng – địa bàn giáp với vùng văn hóa Chăm ở Nam Trung bộ. Nền văn hóa cổ truyền của hai tộc người tiêu biểu cho nhóm ngữ hệ Mã Lai Đa Đảo ấy ở Lâm Đồng là nền văn hóa khá phong phú và đa dạng với rất nhiều biểu hiện thông qua các lễ nghi nông nghiệp (nhất là văn hóa lúa nước và nghề làm gốm), tục thờ cúng, sinh hoạt xã hội… “Kho tàng” văn hóa cổ truyền ấy của người Churu và Raglai còn được thể hiện bằng những sinh hoạt văn hóa như các vũ điệu (đặc biệt là vũ điệu aria và tamja), sinh hoạt cồng chiêng, kho tàng truyện cổ...

Đến thế kỷ XX, vùng đất Nam Tây Nguyên – Lâm Đồng thêm một lần có sự biến đổi rất quan trọng về văn hóa khi người Pháp đặt chân lên đây. Kể từ đó, đời sống văn hóa của các cư dân bản địa được bổ sung thêm nhiều chất tố mới, nhất là văn hóa Pháp. Cũng trong giai đoạn này, đời sống văn hóa các cư dân Lâm Đồng (lúc này, người Việt cộng cư đã khá đông) đã chuyển sang một thời kỳ phát triển mới thông qua cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân trong vùng và cả nước. Từ đây, hai yếu tố văn hóa Việt và văn hóa Pháp đã song hành phát triển bên cạnh yếu tố văn hóa của các tộc người bản địa.

Đến thế kỷ XX, vùng đất Nam Tây Nguyên – Lâm Đồng thêm một lần có sự biến đổi rất quan trọng về văn hóa khi người Pháp đặt chân lên đây. Kể từ đó, đời sống văn hóa của các cư dân bản địa được bổ sung thêm nhiều chất tố mới, nhất là văn hóa Pháp.

Những cứ liệu trên cho thấy rằng Nam Tây Nguyên – Lâm Đồng là vùng văn hóa đa bản sắc bởi sụ hiện diện của khá nhiều dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam anh em, trong đó đáng kể nhất là các dòng văn hóa của hai nhóm cư dân bản địa Môn - Khmer và Mã Lai Đa Đảo cùng với văn hóa người Việt và yếu tố văn hóa bên ngoài Việt Nam là văn hóa Pháp. Và, qua đó cũng có thể nói, hiểu được những giá trị văn hóa đa bản sắc của Lâm Đồng để phát huy nó trong công cuộc phát triển đất nước, xây dựng một nền văn hóa mới có tính kế thừa là một việc làm rất cần kíp trong giai đoạn hiện nay.

---------------------------------------------------

Chú thích:

(1): Tháng 4/2012, Bảo tàng Lâm Đồng đã tiếp nhận một bộ rìu đá 3 chiếc của một hộ dân trú tại thôn Ma Am, xã Đà Loan, huyện Đức Trọng trao tặng. Thông tin ban đầu cho biết: Ông Ya Canh (người Churu) trong lúc san đất làm vườn đã phát hiện bộ rìu đá 3 chiếc nói trên ngay trên mảnh đất mà mình đang canh tác. 3 chiếc rìu này có độ dài khoảng 10cm và chiều ngang gần 6cm; được mài nhẵn, có độ dày khoảng 4cm từ phía chuôi và mỏng dần về phía lưỡi. Hiện vẫn không có nhiều thông tin khoa học về ba chiếc rìu đá phát hiện mới nhất này ở Lâm Đồng. Xin xem bài viết riêng về đàn đá Tây Nguyên ở những kỳ sau.

(2): Theo mô tả tại hiện trường, chiếc “thạch ấn” được phát hiện trong di chỉ khảo cổ học Cát Tiên có dạng hình tròn dẹt, dày từ 2cm – 3cm, đường kính 11cm, phía trên có tay cầm quai tròn. Điều đặc biệt là mặt dưới của “con dấu” bằng đá này có khắc những hình thù, đường nét rất lạ mà các nhà khoa học hiện đang đặt câu hỏi rằng đó có phải là cổ tự của cư dân chủ nhân di tích Cát Tiên hay không. Một câu hỏi khác cũng được đặt ra: Đây có phải là “con triện” của “vương quốc” cư dân bản địa Cát Tiên? Và, thạch ấn này có liên quan gì đến hình ảnh mukha trên một chiếc linga?

(3): Thánh địa Cát Tiên thuộc địa phận huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng ngày nay), nằm trải dài bên tả ngạn sông Đồng Nai, được phát hiện vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước bởi hai nhà khoa học trẻ tuổi của Bảo tàng Lâm Đồng. Đó là một đô thị tôn giáo bị chôn vùi trong lòng đất từ hàng nghìn năm nay gây bất ngờ lớn cho các nhà khoa học bởi những di vật tìm thấy qua những lần khai quật khảo cổ. Di chỉ khảo cổ học Cát Tiên của Lâm Đồng đã được Bộ VHTT công nhận là di tích văn hóa – lịch sử - nghệ thuật vào năm 1997.

Đón đọc kỳ tới

Kỳ II: RỪNG VÀ CUỘC SỐNG Ở RỪNG

Với người thiểu số Tây Nguyên nói chung và Nam Tây Nguyên nói riêng, rừng không những là không gian sinh tồn dưới góc nhìn vật chất mà đó còn là nơi chốn để họ gửi gắm linh hồn của mình vào các thế lực siêu nhiên. Điều đặc biệt, cuộc sống của các cư dân bản địa luôn gắn với không gian thiêng của rừng nên rừng cũng có những “lý lẽ” riêng của nó trong quan niệm của người thiểu số.

RELATED ARTICLES