Ngày đổi gió
2/3 thời gian của mùa đông Bắc Bộ là chuỗi liên tiếp những đợt gió lạnh khô thổi xuống từ miền Viễn Đông nước Nga - kiểu thời tiết mà kéo theo là những đôi môi, làn da nứt nẻ. Bạn biết mùa đông đang tiến dần về cuối khi trạng thái nẻ này bỗng chuyển sang âm ẩm.
Đó là lúc, toàn tuyến xúc giác của con người đang tận hưởng hơi ấm dễ chịu dưới lớp áo dày, giữa cái lạnh mơn man thì bất chợt, những hạt mưa bụi li ti chạm vào da thịt. Mưa phùn, hình thành do khối khí lạnh cuối mùa yếu đi và chệch ra phía biển mang theo hơi ẩm vào đất liền, đã trở thành thương hiệu của giai đoạn giao mùa đông-xuân.
Với hầu hết mọi người thì kiểu thời tiết này khá phiền toái, lạnh thêm mưa là thêm buốt, nên mặc áo mưa hay là không, phơi quần áo bao giờ thì khô, lau nhà khi nào mới ráo… Nhưng, mưa cộng hưởng với sương mù vào sáng sớm cũng khoác cho đất trời một vẻ đẹp huyền ảo.
Nhìn dòng xe dưới mưa như có phần chậm lại, người người chậm rãi tản bộ trên những vỉa hè loang loáng bỗng thấy đời sao đầy thi vị. Đến đây người viết bất giác liên tưởng đến mấy câu thơ lứa đôi của Nguyễn Bính:
Hôm ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo, thôn Đoài hát tối nay…
Gần đây, một kẻ phá đám khó chịu mang tên "bụi mịn" đã xuất hiện, phá hỏng hết cả sự thưởng thức. Nhưng có sá gì - hẳn sẽ đến một ngày, chúng ta khiến bụi biến mất, chỉ còn sương và mưa, cứ đến và đi theo quy luật tự nhiên.
Những gam màu Tết
Âm thầm nhưng mạnh mẽ, cây bàng có thể coi là minh họa trực quan nhất của sự giao mùa. Tết là thời gian mà ta có thể chứng kiến cùng lúc ba hình hài của bàng. Nếu như góc này vẫn còn những tán bàng "lỡ thì" cháy một màu đỏ rực, thì góc kia lại có mấy cây bàng đã rụng hết lá trơ cành khẳng khiu, rồi một góc khác, cũng từ những cành trơ trọi, chồi bàng non xanh liên tiếp túa ra.
Từng chồi non xanh mơn man
Từng hạt mưa long lanh rơi
Mùa xuân
Cái màu xanh của chồi, của cỏ được tưới mướt bởi mưa phùn thật mang đến cho con người nhiều cảm hứng về sức sống căng tràn, tình yêu nảy nở.
Bên anh bên em đắm say trong hạnh phúc
Đôi môi em, anh ngỡ cánh đào
Nổi lên trên cái nền bàng bạc của sương giăng khói tỏa, những cành hoa đào với đủ sắc độ hồng đỏ như những ngọn lửa sưởi ấm thị giác. Chúng dẫn theo sau cả tập đoàn sắc màu hoa lá tỏa đi khắp các phố phường làng xóm.
Ở Hà Nội, sắc đào phổ biến nhất là đào thắm. Chỉ cần đi ven sông Hồng hay xa xa một chút ra các quận vùng ven như Tây Hồ, Thanh Trì, Nam Từ Liêm là có thể bắt gặp ngay những vườn trồng đào. Từ miền núi cao, những sắc đào rừng, đào phai cũng xuống hòa vào ngày hội. Đáp ứng mọi nhu cầu, đào được bán với đủ kiểu dáng từ to đến nhỏ, từ cành đến cây, từ nghiêng nghiêng dáng huyền đến khum khum dáng tròn.
Theo tín ngưỡng dân gian, đào là tinh hoa của Ngũ Hành, có sức mạnh trừ tà, trị quỷ; trải qua một mùa đông giá rét, khi chỉ vừa mới xuân sang lập tức nó đã ra đâm chồi khai hoa. Những cành đào lấm tấm nụ bên những cây quất sai trĩu quả là tượng trưng cho sự sinh sôi mạnh mẽ.
Sắc đỏ đằm thắm của đào dường như trở thành một cảm thức chung trong cách trang trí Tết miền Bắc. Những món đồ truyền thống nhất phải kể đến là câu đối và tranh Tết.
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Đôi câu đối hoặc chữ nho viết bằng mực tàu trên nền giấy đỏ được treo/dán trong nhà - ngoài cổng với ước vọng cầu may mắn, bình an, mong ước một năm mới vui vẻ, hạnh phúc, làm ăn phát đạt, thành công.
Giấy đỏ cũng là chất liệu đặc trưng của dòng tranh dân gian Kim Hoàng, cùng với nhiều dòng tranh khác như Hàng Trống, Đông Hồ... thường có màu sắc tươi vui, mang thông điệp cầu chúc cho gia chủ những điều tốt đẹp theo từng chủ đề.
Đất nước hội nhập, văn hóa giao thoa, đồ trang trí Tết hiện giờ mang những sắc đỏ và vàng phô trương hơn. Đã có thời gian mà câu đối và tranh Tết gần như bị lãng quên. Nhưng thật may, nhiều nỗ lực của các tổ chức, cá nhân những năm gần đây đã phần nào đem hình ảnh của chúng trở lại với ngày Tết.
Nghi ngút khói hương
Giọt mưa nào rơi thật êm trên phố phường
Mùi hương nào thơm thật thơm trong gió thoảng…
Chút hương trầm được đốt đâu đó, lướt qua khứu giác trong một ngày trời lành lạnh bất kỳ, là nút công-tắc vừa đủ để khơi dậy trong ta hình ảnh ngày Tết.
Hương, còn gọi là nhang, là loại vật dụng không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân Á Đông. Và Tết chính là dịp mà ta có thể tiếp xúc với mùi hương một cách thường xuyên và nồng đậm nhất.
Hương phảng phất trên tay những đoàn người đi tảo mộ ngày cuối năm.
Hương thoảng thoảng xung quanh bàn thờ cúng gia tiên từ đêm Giao thừa.
Hương tỏa nghi ngút tôn thêm dáng vẻ cổ kính của chốn đình, chùa, đền, miếu - nơi con người gửi gắm những ước vọng đầu năm, nơi khai màn những lễ hội truyền thống chứa đựng những tâm tư tốt đẹp của cư dân xứ sở lúa nước…
Hương len lỏi khắp nơi, cả vào trong tiềm thức, trở thành một cầu nối cho ta ở hiện tại với quá khứ của chính mình, cho con cháu tới tổ tiên, cho dòng chảy văn hóa - lịch sử của đất nước, dân tộc.
Cùng với hương, mùi cháy của vàng mã được hóa, của gốc đào mới đốt, của củi đun bánh chưng, mùi thơm của món ăn ngày Tết đang thành hình trong những gian bếp lại gắn bó thật nhiều với khung cảnh sum họp gia đình.
Hương thơm của con gà ta mới luộc, của chõ xôi gấc mới đồ, mùi ngậy của chiếc nem rán trên chảo xèo xèo, cái nồng nàn ngai ngái của lọ dưa hành vừa mở nắp… nhờ Tết mà trở nên thật thiêng liêng. Quanh năm bận rộn, Tết là cơ hội để con người ta dành sự chăm chút, kỳ công nhất cho chuyện nấu nướng.
Hòa vào ẩm thực
Người Việt gắn Tết với động từ "ăn". Xưa kia vất vả, chỉ đến Tết người ta mới dám bỏ ra số tiền cả năm chắt chiu để yêu chiều cái vị giác của mình.
Con đường ẩm thực Tết có lẽ bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, ngày các gia đình làm mâm cúng tiễn Táo Quân lên chầu Ngọc Hoàng, vài ngày sau đó là những bữa tất niên rồi tân niên.
Để phục vụ cho chuỗi ăn linh đình này thì bên cạnh những món ăn nấu mới cũng không thể thiếu các món đặc biệt làm sẵn và dự trữ.
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
Bánh chưng là món ăn đã được mặc định. Khi những bó lá dong xanh mướt đầy đặn theo các đoàn xe tiến về các khu chợ, ấy là tín hiệu ngày hội gói bánh chưng đã đến. Gói bằng lá dong sẽ cho màu đẹp nhất, và chọn những lá bánh tẻ thì sẽ dễ thao tác nhất. Bánh không nhất thiết phải có dạng hình vuông, nhiều vùng xưa nay chỉ gói bánh chưng dạng dài, có nơi gọi là bánh tày. Thịt mỡ và đậu xanh cũng được lựa cẩn trọng để làm sao cho ra những chiếc bánh chắc dẻo với phần nhân bùi ngậy, thấm đẫm mỡ thịt tan ra trong miệng.
Một hôm đi chợ, chợt thấy bên cạnh những cọng hành lá thuôn dài hàng ngày, là hàng chồng những bó hành củ múp míp, ta biết khi ấy là khai mạc mùa muối dưa hành. Đây là ngôi sao trong lĩnh vực "chống ngấy", tuy mùi của nó không hẳn là "thân thiện" với nhiều người.
Thịt đông cũng rất phổ biến, là món ăn thấm đượm cái rét mướt của dịp Tết. Người ta thường nấu thịt đông từ chân giò lợn, thịt lợn, bì lợn, cũng có thể nấu với thịt ngan, thịt vịt, cùng gia vị là mộc nhĩ và hạt tiêu, ninh lên rồi để nguội cho thời tiết làm nốt công đoạn cuối - đông lại (dĩ nhiên hiện tại mọi việc đã linh hoạt hơn với sự trợ giúp của tủ lạnh). Cái ngọt của nước thịt được lưu giữ nguyên vẹn trong phần keo đông và tan ra quyện với cơm nóng - cứ phải gọi là đã đời.
Giờ ít thấy nhà nào còn làm ruốc, giã giò. Hai món ấy dịp này cũng vô cùng đắt hàng. Nào ruốc lợn, ruốc gà, nào giò lợn, giò bò, giò me, giò thủ... ăn với xôi thì thuận miệng vô cùng.
Cỗ Tết thì muôn hình muôn vẻ. 4 bát 4 đĩa, 6 bát 6 đĩa, 6 bát 8 đĩa, 8 bát 8 đĩa... tùy quan niệm và mức sống của mỗi gia đình. Những món nóng thường xuất hiện nhất là xôi, gà luộc, nem rán, miến xào, canh măng... Gặp đúng cái Tết lạnh thì vị ngon phải nói là gấp bội, vừa ăn vừa xuýt xoa. Thật vậy, cách đây không lâu, có giai đoạn liên tiếp mấy năm Tết khá nóng, cái thú ăn uống cũng phai nhạt ít nhiều. Năm nay, Tết đã trở lại với mức nhiệt độ truyền thống, cả miền Bắc chìm trong giá rét, mưa phùn.
“Lắng nghe mùa xuân về”
Hòa vào tiếng chúc tụng đầu xuân bên ly rượu, mâm cỗ, âm nhạc như một thứ gia vị khiến cảm xúc con người thêm dạt dào.
Nhạc với chủ đề Tết thì rất nhiều, bản phối mới và sáng tác mới vẫn xuất hiện liên tục mỗi năm. Nhưng những bài hát thấm đẫm tiết xuân, mùa Tết Bắc Bộ nhất, có lẽ gắn liền với giọng ca của Mỹ Linh. Từng có thời, người ta hay nhắc đến cô với danh hiệu "Nữ hoàng nhạc xuân".
Kìa tiếng chim rộn hót xa vời
Cánh hoa đào bỗng như cười
Báo tin mùa xuân về
Từ rất sớm trong sự nghiệp đồ sộ của mình, Mỹ Linh đã cho ra mắt những bản thu âm các ca khúc về mùa xuân do Dương Thụ, Anh Quân, Huy Tuấn... sáng tác. Từ "Thì thầm mùa xuân", "Hoa cỏ mùa xuân", "Chiều xuân" cho tới "Lắng nghe mùa xuân về", "Hơi thở mùa xuân", "Khúc giao mùa", "Phút giao thừa lặng lẽ"... Nhạc xuân của Mỹ Linh luôn nồng nàn trong cảm thức chuyển mùa với cỏ cây đâm chồi, mưa xuống tốt tươi, giai điệu lãng đãng, bồng bềnh, vừa đắm say trong những tình cảm tươi mới, vừa gợi lại cảm giác bồi hồi, hoài niệm.
Lặng lẽ, mùa đông như câu hát cuối cùng
Những gì đã qua sẽ còn lại trong chúng ta
Lặng lẽ, mùa xuân như câu hát bắt đầu
Từ giây phút giao thừa, thì thầm bao ước ao...
Lại cũng có một ca khúc, không bằng tiếng Việt mà là tiếng Anh, đến với Việt Nam ở ngã rẽ của lịch sử. Chính là Happy New Year của ABBA.
ABBA là nhóm nhạc đến từ Thụy Điển, đất nước phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Từ năm 1969, người Thụy Điển đã viện trợ và sang giúp đỡ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xây dựng nhiều công trình. Bối cảnh đó đã mở đường để chúng ta đón nhận một số sản phẩm văn hóa của Thụy Điển du nhập vào, trong đó có bài hát với thông điệp chúc mừng năm mới.
Dù rằng lời bài hát thoáng có nét ảm đạm, u buồn nhưng giai điệu của nó đã đồng hành cùng người Việt từ thời gian khó đến tận bây giờ. Qua biết bao mùa Tết, bài hát đã vô tình được gắn bó với những ký ức đẹp và trở thành một phần của không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền.
Và như vậy, mùa xuân Bắc Bộ đã chạm vào da ta, rồi tới trước mắt, mũi, miệng, tai. Xuân vẫn luôn ở đó, chung thủy và dịu dàng, chờ con người tới ấp ôm, trân trọng.