Để đến được Na Hang, ta có thể đi xe khách hoặc ô tô riêng từ Hà Nội đến bến Thủy - Lâm Bình. Quãng đường dài 261 km tương đương với 6 tiếng đi xe.
Nếu đi ô tô riêng lên bến Thủy có thể đi qua Thái Nguyên và Bắc Kạn để ngắm cảnh. Quãng đường từ Bắc Kạn lên bến Thủy chủ yếu là đường đèo, cảnh sắc hai bên rất đẹp với nhiều cây xanh và núi rừng hoang vắng. Tuy nhiên vì là đường đèo nên sẽ khá mệt mỏi đối với người không quen đi xe đường dài. Có thể chọn tuyến đường đi thẳng từ Hà Nội đến Tuyên Quang theo lộ trình của các chuyến xe khách để tiết kiệm thời gian.
Sau khi có mặt tại bến Thủy, bạn đã có thể khám phá ngay hồ Na Hang. Hồ nước nơi đây xanh biếc một màu ngọc bích trải dài gây ấn tượng với các du khách đến lần đầu.
Trên hành trình khám phá lòng hồ và dọc hai bên, có rất nhiều điểm tham quan lý thú, bao gồm: núi Pác Tạ; thác Khuổi Nhi; hang Phia Vài và Hòn Cọc Vài.
Điểm tham quan đáng chú ý đầu tiên chính là núi Pác Tạ - còn có tên gọi khác là núi Voi. Địa danh này được người dân địa phương ví như "bầu sữa của trời". Ngọn núi nằm ngay bên trái bến Thuỷ, đứng tại bến cũng có thể nhìn thấy. Tuy nhiên núi Pác Tạ chỉ có thể quan sát từ xa, không được tới gần hay leo trèo.
Địa điểm tiếp theo rất nên trải nghiệm sau khi ngắm cảnh trên thuyền là thác Khuổi Nhi. Thác có hai tầng, tầng thứ nhất sau khi leo bộ tầm 100 m từ lòng hồ lên sẽ đến. Tầng này thác nhỏ, có một khoảng lòng chứa nước xanh biếc rộng khoảng 30-50 m2 đủ sâu để bơi lội và nghịch nước.
Đến thác bạn sẽ được trải nghiệm “dịch vụ mát-xa” với “nhân viên” là những chú cá suối tí hon. Những chú cá với kích cỡ bằng ngón tay út sẽ nhanh chóng bu vào khi thấy chân người và rỉa phần tế bào chết. Khi được hỏi đến, người dân nơi đây cũng không biết chúng là loại cá gì nên gọi chung là cá mát-xa.
Rời tầng thứ nhất để lên tầng thứ hai là tầng chính của thác, to hơn, hùng vĩ hơn, thích hợp để bơi lội chụp ảnh. Thời gian này xuất hiện rêu xanh nên khung cảnh suối rất đẹp.
Từ thác Khuổi Nhi di chuyển tầm 20 phút sẽ đến hang Phia Vài. Hang này khá nhỏ, một phần vì buổi chiều nước lên, nên thuyền không vào trong được, chỉ đậu mấp mé bên ngoài. Đây có thể là một điểm ăn trưa hợp lý sau ngày dài ngồi trên xe.
Sau khi ăn trưa bạn có thể bơi vào trong hang hoặc đi loanh quanh chụp hình. Một đặc điểm rất thú vị của hang này chính là có những dòng nước ngầm bên dưới, nên khi bơi trong hang phần trên của nước ấm nóng nhưng bên dưới lại mát lạnh. Chính do hai dòng đối lưu này gặp nhau nên khi bơi trong hang sẽ có khói bốc lên, cực kỳ lạ mắt. Bơi sâu vào bên trong tầm 15- 20 m đến một mạch nước ngầm nhỏ chảy từ trên núi xuống là hết hang.
Một điểm đáng đến ở hồ Na Hang là Hòn Cọc Vài. Đây là một cọc đá hình thành từ hàng ngàn năm về trước, đứng sừng sững trơ trọi giữa hồ. Điểm này chủ yếu phục vụ mọi người thưởng lãm, chụp ảnh.
Khi trời dần tối, ta sẽ đến Bãi Cọc Cháy để cắm trại. Bãi cọc cháy là một đồi cọ bỏ hoang do dân bản địa di cư đến vùng khác rồi để lại. Do nước thuỷ điện dâng cao nên rừng cọ nơi đây bị ngập úng và chết dần, chỉ còn trơ lại những thân gỗ cọ xơ xác. Cảnh tượng này trông ấn tượng và hút mắt vô cùng, tương tự như bến Cọc Bạch Đằng ở Hải Phòng vậy.
Tối đến du khách có thể hạ trại ăn uống, trò chuyện vui chơi và nghỉ ngơi để hồi sức, chuẩn bị cho ngày mai bởi những địa danh tiếp theo sẽ khó nhằn hơn rất nhiều.
Sáng sớm, bạn sẽ đi thuyền từ bãi cắm trại đến thác Nậm Me. Trước khi đi người dẫn đường sẽ khuyên các bạn để tư trang lại vì quá trình leo thác khá khó khăn.
Có hai cách để lên thác. Cách thứ nhất là đi theo đường rừng, tuy nhiên đường này dài, xa và nhiều vắt. Cách thứ hai là leo thẳng suối đi lên với sự chỉ dẫn của người bản địa. Thường các du khách ưa thử thách sẽ chọn leo thác.
Ngay những chặng leo đầu tiên đã toàn là đá tảng khó nhằn.
Tổng quãng đường leo thác khoảng 6 km, suối đá liên tục và có 3-4 điểm nhấn cực khó với vách thẳng đứng, cao tầm 10-15 m cộng thêm không có điểm bấu víu chắc chắn và rêu trơn, nên với ai không đủ kỹ năng và sức khoẻ thì tốt nhất không nên liều lĩnh chinh phục ngọn thác này.
Leo lên thác tuy mệt và tốn sức nhưng leo xuống lại khó khăn và nguy hiểm hơn. Những người mới nhập môn leo thác cần nghe kỹ và làm theo chỉ dẫn của những người có kinh nghiệm để có thể an toàn về đến nơi.
Lưu ý, con thác này chỉ nên leo khi thời tiết đẹp, nếu trước hôm leo vài ngày trời có mưa thì nên tạm hoãn kế hoạch lại để đảm bảo an toàn.
Đến đây là cuộc hành trình đã kết thúc. Nếu bạn có ý định chinh phục ngọn thác này thì hãy chuẩn bị sức khỏe và kỹ năng thật tốt nhé.