Việt Nam 48 ngày không lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng
Tại Việt Nam, tính đến 7h ngày 3/6, đã 48 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Tổng số ca nhiễm được ghi nhận đến nay là 328 người, trong đó, 298 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. 30 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, trong đó, 10 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1 lần trở lên.
Các nước Mỹ Latin nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội bất chấp nguy cơ
Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) bày tỏ lo ngại trước việc nhiều nước Mỹ Latinh bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn đà suy giảm kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19, bất chấp việc khu vực này đang trở thành một tâm điểm mới của bệnh dịch trong thời gian gần đây. Giám đốc PAHO Carissa Etienne cho biết, trong tuần trước, trên thế giới ghi nhận 732.000 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có hơn 250.000 trường hợp tại Mỹ Latinh và điều đó cho thấy các nước trong khu vực cần phải tăng cường nỗ lực nhằm ngăn chặn đại dịch nguy hiểm này.
PAHO cũng cảnh báo tình hình bệnh dịch tại Brazil hiện nay rất đáng lo ngại với việc các ca nhiễm mới và tử vong liên tục tăng cao trong những tuần gần đây. Trong 1 ngày qua, Brazil là nước ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất thế giới với 25.978 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 lên 555.383. Đây là lần thứ 3 Brazil ghi nhận số ca mắc mới trong ngày trên 25.000. Số người tử vong do Covid-19 ở Brazil hiện là 31.243 trường hợp, cao thứ 4 thế giới sau Mỹ, Anh và Italy, tăng 1.197 ca trong 24 giờ qua, là ngày có số ca tử vong cao nhất kể từ khi Brazil ghi nhận trường hợp thiệt mạng đầu tiên do dịch Covid-19. Mặc dù vậy, các biện pháp cách ly xã hội lại đang trở thành tâm điểm tranh cãi giữa chính quyền liên bang và các địa phương. Hiện nay, một số bang của Brazil bắt đầu nới lỏng các hạn chế nhằm đưa các hoạt động kinh tế xã hội quay trở lại bình thường. Tuy nhiên, PAHO cho rằng, quyết định này có thể khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn nếu không được triển khai một cách hợp lý và có trình tự.
Trong khi đó, một số nước khác như Mexico, Peru hay Ecuador cũng đã bắt đầu thực hiện các bước đi hướng tới việc dỡ bỏ lệnh cách ly xã hội bắt buộc. Thậm chí, Nicaragua chưa từng chính thức áp dụng biện pháp giãn cách xã hội cho dù số ca nhiễm bệnh và tử vong liên tục tăng trong những tuần qua.
Bà Etienne kêu gọi chính phủ các nước cần phải thận trọng, không nên đẩy quá nhanh lộ trình nối lại các hoạt động kinh tế xã hội nếu không muốn đối mặt với nguy cơ bùng phát trở lại của Covid-19 khiến cho những nỗ lực chống dịch trong những tháng vừa qua trở nên vô nghĩa.
WHO lại bị tố cung cấp sai số liệu Covid-19
Ngày 2/6, Chính phủ Guinea Xích đạo cáo buộc đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Triphonie Nkurunziza đã “làm sai số liệu về các trường hợp nhiễm Covid-19” tại quốc gia này. Trước đó, ngày 26/5, Bộ Ngoại giao Guinea Xích đạo đã có công hàm đề nghị văn phòng khu vực của WHO tại châu Phi “kết thúc nhiệm vụ” của bà Triphonie tại quốc gia này, đồng thời yêu cầu bà ngay lập tức rời khỏi thủ đô Malabo.
Nguồn tin văn phòng của WHO ở Malabo đã xác nhận yêu cầu của Chính phủ Guinea Xích đạo đối với bà Triphonie, nhưng không cung cấp các chi tiết liên quan. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, bà Triphonie vẫn đang ở thủ đô Malabo vì Guinea Xích đạo chưa mở lại các đường bay quốc tế.
Guinea Xích đạo là quốc gia ven biển Đại Tây Dương, giàu dầu mỏ. Đến nay, nước này đã ghi nhận 1.306 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong số 1,3 triệu dân. Số liệu liên quan các trường hợp lây nhiễm do WHO đưa ra thường cao hơn so với số liệu do cơ quan chức năng Guinea Xích đạo cung cấp.
Đức sẽ dỡ bỏ cảnh báo đi lại với các nước châu Âu
Ngày 2/6, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas thông báo, Chính phủ sẽ dỡ bỏ cảnh báo đi lại với các nước châu Âu trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đang tiếp tục nới lỏng giãn cách xã hội được áp đặt trong nỗ lực kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19.
Ngoại trưởng Maas nêu rõ: “Chúng tôi đang chuẩn bị một quyết định để đưa ra biểu quyết trong Nội các vào ngày 3/6.” Theo kế hoạch này, Đức sẽ dỡ bỏ cảnh báo đi lại và bắt đầu từ ngày 15/6 có thể nối lại việc đi lại ở ít nhất 31 nước châu Âu. Trước đó, hồi tháng 3, Chính phủ Đức đã đưa ra cảnh báo chính thức đối với việc đi lại ở châu Âu, biện pháp sẽ có hiệu lực cho đến ngày 14/6 tới.
Hồi tháng 4, ông Maas từng cho rằng, do tình hình dịch bệnh, khó có thể có một “mùa du lịch bình thường” trong mùa hè này. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh có những tiến triển tốt và nhiều nước đã nới lỏng giãn cách xã hội, Đức đã cân nhắc lại quyết định cảnh báo đi lại với các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) và một số nước châu Âu như Thụy Sỹ, Iceland và Na Uy.
Theo ông Maas, Đức sẽ thay thế cảnh báo đi lại bằng các hướng dẫn chi tiết, tập trung vào tình hình dịch bệnh ở từng nước. Đây sẽ là những thông tin giúp người dân có được quyết định phù hợp trong kế hoạch đi lại. Trong những tuần đầu của đại dịch, Đức đã hồi hương khoảng 240.000 công dân bị mắc kẹt ở nước ngoài khi các nước áp đặt những hạn chế về đi lại cũng như đóng cửa biên giới.
Trong khi đó, số bệnh nhân mắc Covid-19 được điều trị tích cực trong những tuần qua ở Đức đã giảm mạnh. Theo số liệu của giới chức Đức, đến ngày 2/6, chỉ còn 689 bệnh nhân được điều trị tích cực, trong đó một nửa số ca phải dùng máy trợ thở. Con số này giảm mạnh so với hồi giữa tháng 4/2020 khi có 2.900 ca được điều trị tích cực. Trong khi đó, số bệnh nhân thực tế bị nhiễm ở Đức hiện còn khoảng 7.100 người. Nhiều bang cuối tuần qua thông báo không ghi nhận thêm ca nhiễm mới.
Ai Cập có khả năng bùng phát dịch trong hai tuần tới
Ngày 2/6, Ai Cập đã ghi nhận thêm 1.152 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 lên đến 27.536 người. Theo Bộ Y tế Ai Cập, tính đến nay, tổng số bệnh nhân tử vong do Covid-19 hiện là 1.052 người sau khi có thêm 47 ca thiệt mạng được ghi nhận trong ngày 2/6. Bên cạnh đó, cũng đã có thêm 380 bệnh nhân mắc Covid-19 khỏi bệnh và được ra viện, qua đó nâng tổng số trường hợp đã bình phục hoàn toàn hiện là 6.827 người.
Trước đó, Thủ tướng Mostafa Madbouly cho hay, nước này có khả năng chứng kiến sự gia tăng của các trường hợp mắc Covid-19 trong hai tuần tới.
Trong khi đó, Bộ trưởng Giáo dục Đại học và Nghiên cứu Khoa học Khaled Abdel-Ghaffar cho rằng, hiện không thể loại bỏ khả năng mang tính khoa học là số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Ai Cập sẽ không lên tới 50.000 trường hợp trong đợt bùng phát dịch Covid-19 này.
Zimbabwe thắt chặt phong tỏa tại thủ đô Harare
Ngày 2/6, Quân đội và cảnh sát Zimbabwe đã thắt chặt lệnh phong tỏa ở thủ đô Harare, chặn nhiều ô tô và xe bus đi vào khu thương mại trung tâm khi số ca nhiễm Covid-19 gia tăng.
Tổng số ca nhiễm Covid-19 đã tăng gấp hơn 3 lần, lên đến 203 người trong vài ngày qua. Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa đã nới lỏng phong tỏa kể từ lần đầu tiên đất nước thực thi lệnh này vào cuối tháng 3.
Tuy nhiên, ngày 2/6, cảnh sát và binh sĩ đã ngăn chặn nhiều người đi lại và ô tô tại các điểm kiểm tra dẫn vào thị trấn, ngoại trừ các nhân viên quan trọng như nhân viên y tế cũng như nhân viên nhà nước.
Reuters đưa tin một nhóm binh sĩ và cảnh sát ở trung tâm thành phố Harare yêu cầu mọi người rời khỏi trung tâm thành phố và các cửa hàng để đóng cửa. Vào giờ ăn trưa, các doanh nghiệp ở trung tâm thành phố đã đóng cửa, nhưng tại một khu vực khác của thị trấn, một số doanh nghiệp, bao gồm siêu thị và ngân hàng vẫn mở cửa.
Ấn Độ cấp phép sử dụng Remdesivir trong điều trị Covid-19
Vào ngày 1/6, Chính phủ Ấn Độ cho biết đã cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc kháng virus Remdesivir trong điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19. Được điều chế ban đầu với mục đích điều trị virus Ebola, Remdesivir là một trong số các loại thuốc thử nghiệm đầu tiên trong phác đồ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 và là thuốc đầu tiên cho thấy sự cải thiện ở bệnh nhân mắc Covid-19 trong các thử nghiệm lâm sàng chính thức. Loại thuốc này đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp tháng trước và cũng được các cơ quan quản lý y tế Nhật Bản chấp thuận. Cơ quan Y tế Hàn Quốc hôm 29/5 cho biết sẽ yêu cầu nhập khẩu Remdesivir, nhiều nước châu Âu cũng đang cân nhắc sử dụng loại thuốc này.
Ấn Độ hiện là vùng dịch lớn thứ 7 trên thế giới với với 8.813 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân nhiễm Covid-19 lên 207.183, trong đó có 5.829 ca tử vong, tăng thêm 221 trường hợp trong 24 giờ qua. Trong khi tỉ lệ lây nhiễm virus đã bắt đầu giảm ở nhiều quốc gia, theo các nhà dịch tễ học, Ấn Độ chưa ghi nhận dấu hiệu "làm phẳng đường cong" như nhiều quốc gia. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước 1,3 tỉ dân đang "gồng gánh" quá nhiều áp lực.
Trường học mở cửa trở lại khi Singapore nới lỏng phong tỏa
Được kiểm tra thân nhiệt cũng như đeo khẩu trang và khử trùng tay, nhiều học sinh ở Singapore đã trở lại trường vào ngày 2/6 sau thời gian phong tỏa đất nước gần 2 tháng. Là một trong những quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất ở châu Á, Singapore cũng dần nới lỏng các hạn chế, cho phép một số doanh nghiệp hoạt động trở lại, trong đó có các cửa hàng thú cưng, từ ngày 2/6.
Những nghiên cứu ở một số nước châu Âu đã cho thấy các trường học mở cửa trở lại không dẫn đến sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19, trong khi các nghiên cứu khác cho thấy ít trường hợp mắc bệnh ở trẻ em so với người lớn.
Singapore đã ghi nhận hơn 35.000 trường hợp nhiễm Covid-19 và 24 ca tử vong. Hầu hết các trường hợp là người lao động nhập cư sống trong nhà ở tập thể.