Hơn 340 công dân Việt Nam từ Nhật Bản về nước
Ngày 25/5, cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại đưa hơn 340 công dân Việt Nam từ Nhật Bản về nước an toàn.
Đây là những công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và có nguyện vọng về nước, trong đó có trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người ốm đau và có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người lao động hết hạn thị thực... Từ chiều bay đi, hãng Hàng không Quốc gia Vietnam Airlines cũng kết hợp chở lô hàng viện trợ khẩu trang y tế của Chính phủ Việt Nam cho Chính phủ và nhân dân Nhật Bản.
Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca mắc bệnh COVID-19 từ Pháp về nước, 8 trường hợp công bố khỏi bệnh
Chiều 25/5, Bộ Y tế thông báo phát hiện thêm 1 trường hợp mắc bệnh Covid-19 từ Pháp về, đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây ra cộng đồng. Được biết, bệnh nhân 326 là nữ du học sinh Pháp, 20 tuổi, đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.
Tính đến sáng ngày 26/05, tiểu Ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19 cho biết có thêm 8 bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh (3 Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Ương, 4 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu và 1 bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến số 2 Quảng Ninh). Đặc biệt, trong đó có bệnh nhân số 19 đã được xuất viện, sau 7 lần xét nghiệm âm tính. Các trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo. Như vậy, đến nay tại Việt Nam có 272 trường hợp mắc Covid-19 đã khỏi bệnh.
Số ca nhiễm mới tăng mạnh tại Bangladesh và Malaysia
Ngày 25/5, Bộ Y tế Bangladesh cho biết số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua tại nước này là 1.975, đây là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất kể từ ngày 8/3, đưa tổng số ca mắc Covid-19 tại Bangladesh lên 35.585. Ngoài ra, Bangladesh còn ghi nhận 21 ca tử vong mới và hiện tổng số ca tử vong do Covid-19 tại nước này đã lên 501 trường hợp.
Cùng ngày, số ca nhiễm Covid-19 mới ở Malaysia tăng gần gấp 3 lần so với hôm trước và là mức cao nhất trong 3 tuần qua. Bộ Y tế Malaysia đã ghi nhận 172 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới. Đây cũng là lần đầu tiên sau 21 ngày, số ca mắc Covid-19 ở Malaysia trở lại mức 3 con số. Trong số các ca nhiễm mới ngày 25/5, chỉ có 5 trường hợp từ nước ngoài về, 167 trường hợp là lây nhiễm trong nước, bao gồm 159 trường hợp không phải là công dân Malaysia. Đáng chú ý là trong số 159 ca nhiễm là người nước ngoài này có 112 ca phát hiện trong các trung tâm giam giữ của cơ quan nhập cư.
Ấn Độ ghi nhận gần 7.000 ca nhiễm mới trong ngày
Ngày 25/5, Ấn Độ ghi nhận số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trong ngày cao kỷ lục khiến nước này vào Top 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh.
Cụ thể, Ấn Độ đã ghi nhận thêm 6.977 ca - số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh xuất hiện trong nước, đưa tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 của Ấn Độ đã tăng lên 138.845 ca. Trong đó, số người tử vong là hơn 4.000 người. Số ca nhiễm bắt đầu gia tăng nhanh hơn khi nhiều hoạt động vận tải được nối lại tại Ấn Độ.
Nhật Bản công bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc
Ngày 25/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp do dịch bệnh Covid-19 tại 5 tỉnh, thành còn lại trên toàn quốc. Cụ thể, lệnh tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ nốt tại thủ đô Tokyo, các tỉnh Kanagawa, Chiba và Saitama và Hokkaido. Với thông báo mới này, chính phủ đã cho phép các công dân tự do đi lại và doanh nghiệp nối lại hoạt động trên cả nước.
Hàn Quốc công bố quy định mới đối với người nước ngoài tái nhập cảnh
Từ ngày 1/6 tới, người nước ngoài đang cư trú tại Hàn Quốc phải xuất trình giấy phép tái nhập cảnh và giấy khám sức khỏe khi nhập cảnh trở lại nước này. Đây là quy định mới nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 xâm nhập từ nước ngoài vào trong nước.
Cụ thể, trước khi xuất cảnh, người nước ngoài muốn quay lại Hàn Quốc phải xin giấy phép tái nhập cảnh tại các văn phòng xuất nhập cảnh trên toàn quốc. Ngoài giấy này, người nhập cảnh còn phải xuất trình giấy khám sức khỏe của cơ quan y tế có thẩm quyền, gồm các nội dung như thời điểm, người tiến hành và kết quả xét nghiệm Covid-19, cấp hai ngày trước khi nhập cảnh.
Hàn Quốc áp dụng hệ thống quét mã QR để tăng phòng dịch COVID-19
Do có nhiều ý kiến cho rằng công tác ghi danh sách người ra vào các địa điểm vui chơi không đảm bảo được tính chính xác, nên chính quyền các địa phương tại Hàn Quốc dự kiến sẽ ứng dụng hệ thống điện tử quét mã QR.
Cụ thể, chính quyền tại thủ đô Seoul, tỉnh Gyeonggi, thành phố Incheon, thành phố Daegu đã ban lệnh cấm người dân tụ tập tại các quán rượu, phòng karaoke và chuẩn bị ứng dụng hệ thống điện tử quét mã QR trên điện thoại để lưu danh sách người ra vào các địa điểm có nguy cơ cao mắc bệnh Covid-19. Cơ quan phòng dịch cho biết chỉ thu thập thông tin cá nhân tối thiểu cần thiết cho công tác điều tra dịch tễ và sẽ mã hóa và xóa tự động các thông tin này sau bốn tuần.
Iran cho phép hoạt động cầu nguyện tại một số đền thờ Hồi giáo lớn
Sau hơn hai tháng đóng cửa do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bùng phát, ngày 25/5, Iran đã nối lại hoạt động của một số đền thờ lớn của người Hồi giáo dòng Shiite trên khắp cả nước. Những đền này được phép mở cửa từ một giờ sau bình minh và cho tới một giờ trước hoàng hôn.
Ban quản lý các đền thờ này được yêu cầu phải đảm bảo các quy định về giãn cách xã hội và vệ sinh dịch tễ, các tín đồ phải đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt và mang theo các vật dụng cá nhân như thảm, cuốn kinh...
Châu Âu trở lại cuộc sống bình thường một cách chậm chạp
Trong ngày 25/5, Đan Mạch đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới với các nước khác ở tây bắc châu Âu và Đức, theo đó cho phép các cặp đôi có thể gặp lại nhau nếu chứng minh được họ có mối quan hệ với nhau trong ít nhất 6 tháng thông qua các tin nhắn, ảnh riêng tư hoặc thông tin cá nhân của nhau.
Tại Bỉ, người dân nước này bước vào phần tiếp theo của giai đoạn 2 nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Cụ thể, học sinh thuộc các cấp đã trở lại trường và việc đeo khẩu trang không còn là điều bắt buộc đối với trẻ dưới 12 tuổi. Bên cạnh đó, chính phủ cũng cho phép hoạt động thăm tù nhân nối lại với các điều kiện chặt chẽ như mỗi người chỉ được thăm 1 tù nhân và tần suất 1 lần/tuần. Hãng hàng không Brussels Airlines cũng thông báo sẽ nối lại các chuyến bay thương mại vào tháng tới với quy mô nhỏ hơn sau 3 tháng gián đoạn hoạt động do dịch bệnh.
Tại Iceland, chính phủ nước này cũng nới lỏng mức báo động quốc gia đối với dịch Covid-19 khi cho phép hoạt động tụ tập tới 200 người. Các phòng tập có thể mở cửa trở lại nhưng chỉ với 50% công suất, trong khi các quán bar và nhà hàng có thể phục vụ khách đến 23 giờ hàng ngày. Chính phủ Iceland cũng cho phép các hiệu làm tóc, viện bảo tàng và trường học hoạt động trở lại.
Brazil lần đầu có số ca tử vong vì COVID-19 trong ngày cao hơn Mỹ
Ngày 25/5, Bộ Y tế Brazil cho hay số ca tử vong vì Covid-19 trong 1 ngày ở quốc gia Nam Mỹ này lần đầu tiên vượt qua Mỹ. Brazil trong 24 giờ qua đã ghi nhận con số tử vong cao nhất từ trước đến nay - 807 ca tử vong vì Covid-19, trong khi con số này ở Mỹ chỉ là 620 người.
Brazil hiện là quốc gia bị ảnh hưởng bởi tình trạng dịch bệnh Covid-19 nghiêm trọng thứ hai sau Mỹ. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 được xác nhận ở quốc gia Nam Mỹ này hiện là 374.898 người.
Mỹ phát hiện ổ dịch COVID-19 ở hàng loạt nhà máy đóng gói thịt
Cơ quan chức năng Mỹ vừa phát hiện ổ dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tại 9 cơ sở sản xuất tại thành phố Vernon, miền Nam bang California. Sở Y tế hạt Los Angeles, bang California xác nhận: Trong số 9 cơ sở trên, có 5 cơ sở là nhà máy đóng gói thịt và ổ dịch lớn nhất là nhà máy Farmer John - nơi ghi nhận 153 trong tổng số 1.837 nhân công tại đây có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Chủ cơ sở đã đề nghị cơ quan y tế tiến hành xét nghiệm virus cho tất cả người lao động và Sở Y tế hạt Los Angeles đang hỗ trợ chính quyền thành phố Vernon triển khai các biện pháp ứng phó, khoanh vùng dịch bệnh, cũng như thực hiện các biện pháp cách ly và giãn cách xã hội.
WHO đình chỉ thử nghiệm hydroxychloroquine trong điều trị COVID-19
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã “tạm thời” đình chỉ các thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc chữa sốt rét hydroxychloroquine về khả năng điều trị bệnh Covid-19 tại một loạt quốc gia. Quyết định này được xem như một biện pháp đề phòng.
Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến ngày 25/5, Tổng Giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay quyết định đã được đưa ra sau khi tuần san y khoa Lancet công bố một nghiên cứu cho thấy việc sử dụng hydroxychloroquine điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 có thể làm gia tăng khả năng tử vong của những người này.