Vốn dĩ là người rất khoái hải sản, trước khi lên đường sang Nhật, tôi đã dự định thử món siêu độc, siêu lạ này một lần trong đời xem nó thế nào. Vừa là thưởng thức, vừa để trải nghiệm một chuyến phiêu lưu cảm giác mạnh thuộc lĩnh vực ẩm thực. Vì ai cũng biết, cá nóc là một trong những sinh vật độc nhất Thế giới. Trên cơ thể cá nóc có chứa độc tố tetrodotoxin - dạng chất độc thần kinh cực mạnh, chỉ cần 01mg cũng đủ để một người trưởng thành phải chết trong đau đớn. Ở Việt Nam, không ít người đã bỏ mạng vì nhậu món này khi nó chưa được chế biến đúng quy cách và khử hết độc tố.
"Đạo cá nóc" của Nhật Bản
Nhật Bản là một trong số hai Dân tộc ít ỏi (bên cạnh Israel) mà tôi cực kỳ ngưỡng mộ. Dường như tất cả mọi thứ của họ đều được nâng lên mức quy chuẩn, cầu kỳ, gọi là “đạo” ở cái Đất nước sản sinh ra Thần đạo này: Võ sĩ đạo, Trà đạo, thậm chí trò “giao lưu hân hoan cùng các cô gái” cũng được họ gán một cái tên rất chi quyền quý mỹ miều: Geisha.
Vậy nên, các đầu bếp đủ tiêu chuẩn làm và chế biến món cá nóc (Fugu) phải trải qua một thời gian đào tạo khoảng 2 năm cùng 2 năm kinh nghiệm với những kỳ sát hạch ngặt nghèo chỉ-được-phép-đạt-điểm-tuyệt-đối, sau đó có Chứng chỉ của Chính phủ rồi mới được phép hành nghề. Vậy nên nghe nói cả nước Nhật gần 130 triệu dân mà số lượng đầu bếp Fugu chưa bao giờ vượt quá con số 20!
Rời bỏ những cửa hiệu siêu xa hoa ở con phố Ginza thần thánh (mỗi m2 đất ở đó có giá trung bình là 8 tỷ VNĐ), theo chỉ dẫn, chúng tôi len lỏi đến tiệm ăn chỉ để chén món Fugu này. Cả nhóm háo hức xen lẫn hồi hộp rồi trêu nhau: Thôi, nếu nhỡ có sao thì đi cả đội, xuống dưới kia có hội có nhóm cũng đỡ buồn, thi thoảng lại kéo nhau đi uống beer hơi Âm phủ.
Hơi chưng hửng khi mong muốn được xem đầu bếp biểu diễn công đoạn mổ, lóc và chế biến Fugu không được đáp ứng. Chúng tôi lên thẳng tầng 4 ngồi đợi để chén luôn. Tokyo tấc đất tấc vàng nên tôi có cảm tưởng căn hộ, ngôi nhà, cửa tiệm nào của họ cũng chật hẹp. Nhưng sạch, sạch như ly như lau. Sự sạch sẽ dường như không phải do quét dọn chăm sóc ngăn nắp… như Singapore hay Seoul mà có cảm giác nó toát ra từ bên trong, từ bản chất của cái xứ sở này. Họ tận dụng từng cm, không, từng mm không gian. Khi đã yên vị trong nhà, lúc chúng tôi hỏi phục vụ bàn chỗ treo áo khoác, khăn mũ ở đâu, họ chỉ xuống phía dưới chỗ ngồi: chiếc ghế hộp dài rỗng ruột được thiết kế để có thể nâng lên, đẩy xuống cho khách để đồ, bảo quản đồ: rất hữu dụng và an toàn, đúng kiểu Japanese!
Chế biến cá nóc bằng tất cả tinh hoa
Món chính, kiểu như nồi lẩu, hơi lạ là cá xắt miếng, rau và miến (mì) nhúng kèm được đặt trên một miếng như giấy xếp đều hình hoa cúc. Chắc là đây là miếng kim loại được dát mỏng chứ giấy đâu có dẫn nhiệt/tồn tại được dưới nhiệt lượng cao?
Những miếng cá nóc sống được sắt mỏng trong suốt, chấm Fugu-sashi (nước tương và súp dashi làm từ cá ngừ khô và rong biển được trộn thêm mỡ sống và trứng cá) cũng được xếp đều chằn chặn hình hoa cúc – loài hoa mang ý nghĩa biểu trưng cho sự trường thọ và những phẩm chất cao quý trong văn hóa Nhật, lần lượt được mang ra.
Ấn tượng nhất là bát da cá, cũng sống, được làm sạch, sắt mỏng, trộn với hành tây và hành lá sắt nhỏ. Nhìn bát da cá còn nguyên mầu hệt khi con cá nóc còn đang sống, cả nhóm ai cũng ngần ngại, nhưng khi cầm đũa chấm… thử… nhai… rồi xuýt xoa. Cậu bạn ngồi cạnh tôi lập cập rên rỉ y như khi nhìn thấy Hoa hậu Hoàn vũ mặc bikini sải bước trên phố đông người: Ngon… tụt lưỡi anh em ạ!
Thực sự là ngon, bữa ăn ngon nhất và đắt nhất tôi từng được thưởng thức. Mùi vị càng đầy đủ, phủ phê khi món cá chiên được đem ra và bát cơm được chan cùng nước lẩu áp chảo. Vốn là một đứa tương đối sành hải sản và “lợi khẩu” có thừa, nhưng tôi biết tả nó ra sao khi đang ngồi gõ những dòng này mà nước miếng vẫn tứa ra tràn trề vòm họng.
Thế mới biết, độc như cá nóc mà biết chế biến, trải qua bao gian nan cũng trở thành món ăn thượng thăng chốn nhân gian. Giống như Phụ nữ: đanh đá đáo để đến đâu mà biết tỉa đúng mạch rồi cũng sẽ hiền như “ma soeur” thôi nhỉ? “High risk, high return” nó là như vậy đấy!
Cuối cùng cũng đến lúc phải đi, mấy anh em vừa đi vừa ngắm cảnh vừa bảo nhau trông chừng xem có đứa nào trúng độc lảo đảo khuỵu xuống thì còn cùng nhau đỡ. Chả thấy ai làm sao, chỉ biết là cá nóc rất bổ, nhưng chắc cũng có tí độc, kiểu ai cũng bị nhiễm “độc hoa tình” rồi nên đứa nào trông cũng ngơ ngơ, cũng trót say mê Tokyo, say mê nước Nhật, ngay từ lần đầu tiên đặt chân tới xứ này rồi…
… Fugu ơi!