Tiệc tết cổ truyền Nam Bộ

15/02/2016

Bàn tiệc ngày Tết của người miền Nam không chỉ đơn thuần là vấn đề ẩm thực. Nó còn thể hiện tính văn hóa đặc sắc của một vùng miền. Nhân dịp năm mới, nhắc đến cái hay, cái đẹp của món ăn ngày Tết để thêm yêu quí, trân trọng những giá trị truyền thống.

Ngày Tết ở vùng sông nước Nam bộ hầu như nhà nào cũng có ba món cơ bản là bánh tét, bánh tráng và nồi thịt kho tàu. Với người dân Nam bộ, bánh tét tượng trưng cho sự ấm no từ đời này qua đời khác. Khác với vùng miền khác, người Nam bộ có món bánh tét lá cẩm tím vừa thơm ngon lại vừa thẩm mỹ vì chỉ dành riêng cho những dịp lễ quan trọng của năm. Muốn có một đòn bánh tét lá cẩm ngon, trước hết, phải chọn được loại nếp mù u dẻo tròn, lá cẩm hái về rửa sạch rồi nấu lấy nước. Trước khi gói, nếp phải vo sạch, để ráo, đem xào với nước cốt dừa, dằn thêm tí muối, sau đó tiếp tục xào nếp với nước lá cẩm. Nhân bánh có thể là chuối, đậu xanh, thịt, mỡ, giò heo bắc thảo, trứng, đậu phộng, nấm đông cô... Khi bánh chín, mỗi lát bánh cắt ra có chút màu tím thẫm của chuối, chút màu vàng của đậu, màu trắng của mỡ, màu hồng của thịt nạc, màu đỏ cam của tròng đỏ trứng vịt muối. Bánh tét có ngon hay không còn tùy thuộc vào nếp, nếp dẻo, mềm, mà không lẫn gạo mới ngon và bùi.

 

Thịt kho tàu hay còn gọi là thịt kho trứng, thịt kho nước dừa và chỉ có người Nam bộ mới có cách nấu hấp dẫn không ai sánh bằng. Thịt ba rọi nửa nạc nửa mỡ, nước thịt trong ngần có lớp mỡ trong veo, miếng thịt thơm, mềm mà không bở… mới đúng là nồi thịt ngon. Người ta cắt thịt miếng to cỡ ba ngón tay, tẩm ướp với gia vị như tỏi, nước mắm… Sau khi thịt được nấu sôi với nước dừa, cho trứng đã luộc chín vào kho chung rồi nêm nếm lại. Trước khi kho, có người phơi nắng thịt cả ngày trước khi nấu để thịt ngon hơn hoặc có người thích kho với nước dừa nạo thay cho dừa tươi để nước thịt có vị ngọt, béo và thơm. Trứng vịt sau khi luộc chín, bóc vỏ cần xâm thủng xung quanh để nước thịt dễ thẩm thấu hoặc chiên sơ qua trứng để khi ăn vừa dòn lại vừa dai. Nồi thịt kho ngon để nửa tháng vẫn còn thơm lừng. Miếng thịt khi múc ra đĩa còn nguyên, không bể nát nhưng khi thưởng thức lại thật mềm, da cứng lại càng ngon. Nước thịt phải hơi sánh, vàng óng tự nhiên nhờ nước dừa. Món này thường ăn kèm dưa giá hoặc cơm trắng.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Một ăn quen thuộc khác trong bàn tiệc ngày Tết là món bánh tráng cuốn. Những cuốn bánh tráng trắng phau ngon lành cuốn tôm, thịt kho, cá nướng, thêm lạp xưởng với rau các loại hầu như nhà nào cũng có. Thức uống kèm thường có rượu gạo, loại rượu hảo hạng của người Nam bộ chính thống. Bánh tráng ngon nhất vẫn là bánh tự tráng ở quê. Nhà nào có lò tráng bánh thì lựa gạo ngon, ngâm qua đêm, xay bột tráng bánh.

Thêm vào đó, món canh khổ qua nhồi thịt được người Nam bộ chọn lựa cho bàn tiệc Tết nhờ vị đắng, nhưng mát bổ trong mấy ngày Xuân tiết thời oi bức. Vị đắng của khổ qua hòa lẫn vị ngọt của thịt, nước canh hơi đắng tạo thành món ăn vừa giải nhiệt lại vừa bổ dưỡng. Thử thiếu món canh này, bàn tiệc sẽ kém duyên ngay. Một số món ngọt phải kể đến từ đặc sản vườn nhà như mứt me, mứt dừa… cùng các loại hoa trái theo mùa. Ngoài ra, người miền Nam còn chuộng món chả lụa, tôm khô, củ kiệu chua…

Người Nam bộ luôn chăm chút cho bàn tiệc ngày Tết, với tất cả tấm lòng thành kính hướng về tổ tiên, ông bà. Một bàn tiệc sum họp đầm ấm bên người thân và gia đình vào những ngày đầu năm mới sẽ thêm nhiều ý nghĩa, để cảm nhận một cách trọn vẹn các vị mặn, ngọt, chua, cay và đắng trong từng món ăn, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng trong văn hóa ẩm thực Tết cổ truyền Việt Nam.

Bài: Dung Như

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES