Tín đồ du lịch đọc gì ngày đầu năm?

24/02/2021

Nếu bạn đã đọc nhuần nhuyễn những cuốn sách về du lịch "hot hit" trên thị trường, 5 cuốn sách dưới đây có thể là những cái tên lạ lẫm, song rất đáng để trải nghiệm trong những ngày đầu năm mới.

Hội hè miên man (Ernest Hemingway)

Paris từng là giấc mơ đẹp nhất của cuộc đời một nghệ sĩ trẻ vào những năm 1920 - một giấc mơ phù hoa của những nhà văn nghèo miệt mài viết lời tình tứ, những họa sĩ phải đổi tranh lấy bánh mì, những nhạc công theo đuổi ánh hào quang sân khấu đầy mê hoặc. Woody Allen đã làm phim Midnight in Paris để tái hiện lại những năm điên rồ và say đắm ấy, Charles Aznavour đã hát La Bohème như lời chào giã biệt một thời Paris lãng tử. Còn trong Hội hè miên man, Ernest Hemingway đã hồi tưởng những tháng năm thanh xuân đầy nhiệt huyết của mình tại Paris “thuở ban đầu, khi chúng tôi còn rất nghèo và hạnh phúc”.

t

Paris trong Hội hè miên man là một lát cắt ký ức sôi nổi và tươi đẹp thời tuổi trẻ của Hemingway, khi văn nghiệp của ông bắt đầu tỏa sáng. Paris là nơi Hemingway ngồi đàm luận nghệ thuật với bạn bè trên phố, hay lặng yên bên ly café au lait mà chuyên tâm sáng tác; là nơi ông đi dạo ở vườn hoa Luxembourg hay vào bảo tàng nghệ thuật với cái bụng rỗng, cùng vợ uống những ly vang rẻ tiền trong căn nhà thuê trên xưởng cưa. Paris còn là nơi những nghệ sĩ lớn nhất của “thế hệ mất mát” như F. Scott Fitzgerald, T.S. Eliot, James Joyce… tụ hội, tổ chức những buổi hội hè miên man, buông thả trong rượu mạnh và khói thuốc, trò chuyện về cuộc sống, về văn chương và âm nhạc, tạo nên một trang lịch sử huy hoàng của nghệ thuật thế kỷ XX.

ca94d51ffbbc17ba986f2786781b8a67

Vẫn là giọng văn súc tích, không hoa mỹ, cầu kỳ, những trang viết của Hemingway mang người đọc đi xuyên qua thời gian và không gian để dạo bước trên những góc nhỏ êm đềm của Paris, nơi có những người giao sữa đến gõ cửa nhà mỗi sáng, những người câu cá bên bờ sông Seine, những ổ bánh mì thơm phức, những phòng tranh nghệ thuật và những quầy sách nhỏ ven đường… Thành phố thơ mộng và dịu dàng này đã nuôi dưỡng tâm hồn những nghệ sĩ được may mắn sống tại đây trong thời trẻ; cũng chính thành phố phồn hoa và náo nhiệt này níu bước chân kẻ lãng tử, để ký ức về những năm tháng ở Paris luôn đi theo họ trong suốt cuộc đời.

Empty

“Không bao giờ có kết thúc với Paris và kỷ niệm của mỗi người, những ai từng sống trong thành phố này, không ai giống ai. Chúng ta luôn quay lại đó cho dù chúng ta có là ai, hay thành phố có đổi thay thế nào đi nữa. Paris luôn xứng đáng với điều đó, và ta được nhận đầy đủ cho những gì ta dâng tặng nó. Nhưng Paris đây là của thuở ban đầu, khi chúng tôi còn rất nghèo và hạnh phúc.”

Đại Đường Tây Vực ký (Huyền Trang)

Nếu phải kể đến một tác phẩm văn học cổ điển Trung Hoa có sức ảnh hướng lớn nhất, có lẽ Tây du ký sẽ đứng đầu bảng. Hình tượng Tôn Ngộ Không được cộng hưởng bởi thành công của bộ phim truyền hình cùng tên đã làm lu mờ đi khá nhiều sự vĩ đại của Trần Huyền Trang - nguyên mẫu Đường Tăng và tác phẩm du ký cực kỳ quan trọng của ông: Đại Đường Tây vực ký.

Dưới sự cai trị của đế quốc Đại Đường, Trung Hoa đạt đến đỉnh cao nhất của nền văn minh với sự phát triển tột bậc về quân sự, kinh tế, văn hóa và tôn giáo. Đó cũng là thời kỳ Phật giáo bắt đầu giành được chỗ đứng quan trọng tại đây, với hàng ngàn tín đồ ở kinh đô Trường An, chuyên chú vào các hoạt động nghiên cứu Phật pháp.

Empty

Huyền Trang sớm được hấp thụ giáo lý Phật giáo từ thời niên thiếu, dù vậy ông luôn cảm thấy những phần kinh văn được truyền bá vào Trung Quốc thời bấy giờ có những điểm mâu thuẫn khó lý giải. Sau nhiều năm nghiền ngẫm, ông tin rằng chỉ có tìm đến nơi cội nguồn của Phật pháp mới có thể thấu suốt được chân lý. Một mình đơn độc với một ý chí sắt đá, Huyền Trang bỏ ra nhiều năm trời vượt qua núi đèo hiểm trở, đặt chân đến những miền hoang sơ nhất về phía tây để sang Thiên Trúc - nơi phát tích của đạo Phật.

Đại Đường Tây vực ký là tổng hợp những ghi chép chi tiết của Huyền Trang về cảnh vật, điều kiện tự nhiên, phong tục, con người, nền văn hóa, chính trị, sản vật của hơn 100 quốc gia lớn nhỏ mà ông đã đi qua trong suốt 19 năm, trên hàng ngàn dặm đường hướng về đất Phật. Ông đã đi qua Con đường Tơ lụa của Tân Cương ngày nay ở phía tây bắc Trung Quốc, cũng như các khu vực lân cận ở Trung Á như Ba Tư, Tajikistan, Uzbekistan, Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh và Sri Lanka ngày nay. Cuốn sách là tư liệu tham khảo đặc biệt hữu ích về địa lý và lịch sử của giai đoạn mở đầu cho sự giao lưu văn hóa - kinh tế ở châu Á thời kỳ cổ đại.

Empty

Không chỉ vậy, bút ký của Huyền Trang cũng tái hiện sinh động một thời kỳ phát triển và truyền bá của đạo Phật từ Ấn Độ đến các quốc gia lân cận, bổ sung một nguồn sử liệu đáng kể về Phật giáo nguyên thủy. Xã hội Phật giáo của các quốc gia cổ đại được mô tả tương đối đầy đủ về nghi lễ, kiến trúc, cũng như quy mô ảnh hưởng của đạo Phật ở mỗi vùng miền. Những tư liệu này đặc biệt hữu ích cho các nhà sử học và khảo cổ trong việc tìm kiếm và xác định các phế tích của những quốc gia này.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Tôi, Charley và hành trình nước Mỹ (John Steinbeck)

Một chuyến road trip trên chiếc xe tự lái không phải là trào lưu du lịch mới mẻ. Từ 60 năm trước, nhà văn nổi tiếng John Steinbeck đã lái xe bán tải đi phượt xuyên Mỹ, mà ông đã hài hước tự mô tả, như “một chú rùa bình thường, gánh trên lưng cả ngôi nhà của mình”.

TOI - CHARLEY VA HANH TRINH NUOC MY - final version

Bạn đồng hành của ông là chú chó Charley già nhưng rất hào hoa và chiếc xe đầy đủ tiện nghi, có một cabin dã ngoại gắn bên trên, mà ông âu yếm gọi là Rocinante - theo tên con ngựa của Don Quixote. Hành trình đầ thời đại mà những xung động nội tại về văn hóa, sắc tộc, ý thức hệ của đất nước này lên đến đỉnh cao, từ nỗi sợ hãi Chiến tranh Lạnh cho đến những xung đột ngấm ngầm hay bạo lực công khai với người da màu và người nhập cư, như báo trước một thập niên 60 bùng nổ phong trào văn hóa phản kháng của giới trẻ.

Tôi, Charley và hành trình nước Mỹ cũng là một bút ký tỉ mỉ về địa lý, món ăn, ngôn ngữ, tập tục địa phương của nhiều vùng miền nước Mỹ, với mỗi tiểu bang giống như một vương quốc biệt lập. Nước Mỹ hiện lên với mùa thu lộng lẫy ở New England, những xe nhà di động, North Dakota tuyết phủ đầy buốt giá, những chú gấu cục súc ở Công viên Quốc gia Yellowstone, những làng mạc dần thu nhỏ và những thành phố bùng nổ dân số cũng như các tòa nhà chọc trời xám xịt, sa mạc Mojave nóng cháy như “bị mặt trời hành hung”, những trạm nghỉ bán những món ăn vô vị bọc nylon, Texas với những huyền thoại cao bồi từ ngày lập quốc…

Empty

Giọng văn tinh tế với sự quan sát sắc sảo của John Steinbeck tạo nên một cuốn phim tài liệu sống động về nước Mỹ ồn ào nhưng cũng sâu lắng và đầy chất thơ. Đồng thời, John Steinbeck cũng rất cẩn thận khi ghi chép lại cả những vấn đề tưởng như “tầm thường” mà nhiều người hay bỏ qua như chuyện tắm rửa, giặt giũ suốt hành trình gió bụi, những khó khăn bất ngờ như nổ lốp xe giữa nơi hẻo lánh, hay khi chú chó Charley đổ bệnh, thậm chí là nỗi nhớ nhà, đều là những lời khuyên quý báu cho các phượt thủ trước khi lên đường. Cuốn sách mang nhịp điệu chậm rãi, nhẹ nhàng nhưng rất dễ dàng kéo người đọc vào chuyến lãng du; cùng nét hài hước châm biếm ngấm ngầm đầy duyên dáng như chút brandy được rót thêm vào tách café nóng hổi trong một chiều đông lạnh lẽo.

Empty
Empty

“Tôi thấy trong mắt họ điều mà tôi thấy đi thấy lại nhiều lần ở mọi nơi trên đất nước này: một khát vọng cháy bỏng được ra đi, được di chuyển, được lên đường, đến bất cứ nơi đâu, miễn là xa khỏi cái Chốn Này của họ. Họ thì thầm với nhau rằng họ ước sẽ ra đi vào một ngày nào đó. Một cách tự do, không có gì níu giữ, không hướng về nơi nào mà là rời xa khỏi chốn nào. Tôi thấy những ánh mắt ấy và nghe những lời ao ước ấy ở bất cứ bang nào mà tôi đã đi qua.”

Biển (Alex Garland)

The Beach (Biển) là tác phẩm của nhà văn người Anh Alex Garland, xuất bản vào năm 1996. Nhân vật chính của câu chuyện - Richard, chàng du khách trẻ đặt chân đến Thái Lan với mong mỏi có được những trải nghiệm “đặc biệt”. Cầu được ước thấy, Richard tình cờ có được một tấm bản đồ vẽ tay, chỉ dẫn đường đến một bãi biển bí mật - nơi được mô tả như thiên đường có thật trên trần thế. Sau khi chia sẻ câu chuyện về tấm bản đồ cho một cặp đôi du khách người Pháp, Richard “kết nạp” được thêm hai người bạn vào hành trình của mình.

Một phân cảnh trong The Beach - bộ phim được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên

Một phân cảnh trong The Beach - bộ phim được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên

Trải qua quãng đường dài trèo đèo lội suối, Richard và hai người bạn thực sự tìm được “thiên đường”: một hòn đảo bí mật với khung cảnh hoang sơ, ngoạn mục, không có dấu vết của khách du lịch, của những sự tiện nghi hiện đại; ở đó chỉ có một cộng đồng nhỏ những con người “tự do”, ngày ngày quây quần đàn ca vui vẻ, đón nhận những tặng phẩm quý giá từ thiên nhiên. Những mối âu lo về tiền tài, vật chất, danh vọng hoàn toàn không tồn tại nơi đây. Ba người bạn nhanh chóng quyết định ở lại hòn đảo, trở thành những thành viên mới của cộng đồng kỳ lạ này và quên đi những câu hỏi về tương lai.

Empty

Một cách hết sức tự nhiên và thuyết phục, thiên đường dường như có thật trong The Beach, nhưng liệu thiên đường ấy có tồn tại mãi? Con người có thể sống thảnh thơi, vô lo vô nghĩ và chìm đắm trong cảnh đẹp đến suốt cuộc đời? Những cuộc vui cứ kéo dài từ ngày này sang tháng khác trên hòn đảo, cho đến khi một thành viên trong nhóm bị cá mập cắn dẫn đến bị thương nặng, cần trở về đất liền để nhập viện. Nhưng, những con người ở đây đã để mặc anh ta chết dần, thay vì đưa đi chữa trị, chỉ vì việc vào đất liền có thể gây nguy hại cho cộng đồng bí mật của họ. Kể từ đây, Richard nhận ra rằng dù ở bất cứ đâu, sự ích kỷ và xấu xa của con người vẫn luôn tồn tại. “Thiên đường” của Richard lúc này đã trở thành địa ngục.

Empty

Câu chuyện The Beach giống như cuốn triết lý sống mà mọi tín đồ xê dịch đều nên nằm lòng trước khi bắt đầu hành trình của mình. Bởi sẽ luôn có những cơ hội, những cảnh đẹp hiện ra và níu giữ ta trên chuyến đi - nhưng rất có thể, chúng chỉ là cám dỗ hay ảo ảnh. Và sẽ luôn có những người mơ về một thiên đường như trong The Beach, nơi chỉ có tự do và niềm vui, “nhưng nếu bạn không thể chấp nhận địa ngục, đừng ao ước thiên đường”.

Linh Sơn (Cao Hành Kiện)

Linh Sơn là một thế giới khác, khác hoàn toàn với những cuốn tiểu thuyết về "du lịch" lôi cuốn nhất trên thị trường. Trong Linh Sơn, yếu tố thời gian, không gian và con người hiện hữu hư hư ảo ảo, nhưng sự hư ảo ấy không làm câu chuyện trở nên phức tạp, khó hiểu - trái lại, nó vẽ ra một thế giới giản đơn vô cùng: nơi thời gian - không gian - con người hợp thành một dòng chảy nguyên sơ, uyển chuyển và vô hạn.

Empty

Linh Sơn được xem là tác phẩm tiêu biểu của Cao Hành Kiện, được nhà văn viết từ năm 1982 cho tới năm 1989 thì hoàn thành. Cuốn tiểu thuyết gồm 81 chương riêng biệt - nếu không muốn nói là rời rạc, đan xen giữa hai ngôi kể, một xưng mi, một xưng ta; cả hai đều lần lượt trải qua những hành trình lạ lùng, hướng về nơi bí ẩn có ngọn “núi hồn”. Hành trình đi tìm núi thần này thực chất là cuộc du hành xuyên qua thời gian, không gian để nhìn lại những vụn ký ức, biểu tượng, truyền thống văn hóa và lịch sử Trung Hoa. Các bối cảnh trải dài từ núi rừng hoang vu cho đến làng mạc, di tích có thực; từ những dấu mốc huyền thoại Nữ Oa, Phục Hy,… cho đến mốc thời gian xác địch của những thời kỳ Cách mạng Văn hóa, Ngũ Tứ…; từ nông thôn tiêu điều đến đô thị nhộn nhịp; tất cả đều đi vào Linh Sơn một cách nhịp nhàng, ma mị mà mê hoặc.

Empty

Một trong hai người kể, với hành trình đi qua những vụn vỡ huy hoàng của quá khứ, sẽ giúp người đọc được bước sâu vào hệ giá trị của Trung Hoa, chiêm ngưỡng những giai thoại, điển tích lịch sử hiện lên lần lượt như những nét chấm phá của một bức tranh thủy mặc khổng lồ. Và người kể còn lại, với sự kiên trì tìm kiếm núi thần đến cùng, anh ta tìm được… chính mình.

Empty

"Tôi nói, việc hiểu thế giới này là bất khả.

Anh ta phân bua rằng mình chỉ đang nói về sinh vật nửa cá-nửa chim, không phải thế giới.

Và tôi nói, chẳng có sự khác biệt nào giữa sinh vật nửa cá-nửa chim và thế giới này."

Hương Thảo, Nam Nguyễn, Lam Oanh
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES