Tổn hại nghiêm trọng vụ ngộ độc bánh mì Phượng không chỉ riêng với 100 thực khách

18/09/2023

Một phần ba trong số gần 100 thực khách bị ngộ độc do ăn bánh mì Phượng ở Hội An là du khách nước ngoài. Số còn lại, phần lớn cũng là khách du lịch trong nước. Hiện, chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân, nhưng tổn hại của vụ việc là hết sức nghiêm trọng...

Tính đến chiều 14/9, đã có gần 100 thực khách bị ngộ độc do ăn bánh mì Phượng. Trong đó 34 người là du khách nước ngoài. Cơ quan chức năng Quảng Nam đang chờ phân tích mẫu từ Viện Pasteur Nha Trang để xác định nguyên nhân.

Bánh mì Phượng vốn chỉ là tủ xe bán rong vỉa hè, trong chợ, rồi trở thành thương hiệu ẩm thực nổi tiếng của Hội An, phát triển hơn 30 năm nay, được nhiều khách trong và ngoài nước yêu thích.

Cơ may của bánh mì Phượng là đã "gặp" đầu bếp đẳng cấp thế giới - Anthony Bourdain (Mỹ).

Năm 2009, ông Anthony Bourdain cùng êkíp truyền hình làm chương trình “Anthony Bourdain: No Reservations” trên kênh Travel Channel. Trong gần 2 phút ghi hình bánh mì Phượng, Anthony Bourdain gọi đây là "loại bánh ngon nhất thế giới".

Sau đó, một kênh truyền hình Hàn Quốc cũng chọn bánh mì Phượng là điểm ghi hình cho chương trình khám phá ẩm thực.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Hiệu ứng của những chương trình truyền hình này khiến bánh mì Phượng đã phát triển nhảy vọt, trở thành thương hiệu ẩm thực được ưu thích đối với nhiều du khách. Website Tripadvisor.com, nền tảng du lịch lớn nhất thế giới với 490 triệu lượt người dùng mỗi tháng, có gần 4.000 đánh giá về trải nghiệm, chất lượng của bánh mì Phượng và xếp hạng 4,5/5 điểm...

Mỗi ngày bánh mì Phượng bán 1.000 - 2.000 ổ, giá từ 20 nghìn - 35 nghìn/ổ. Doanh số 1 tỉ đồng mỗi tháng là con số "mơ ước" của nhiều doanh nghiệp. Sự phát triển, thịnh vượng của hộ tư thương như bánh mì Phượng còn góp phần quan trọng tô điểm cho ẩm thực Hội An, làm "thơm lây" thương hiệu du lịch trải nghiệm cho phố cổ.

Những giá trị này lẽ ra cần phải được nâng niu, vun đắp, nhân rộng. Cả doanh nghiệp, ngành y tế dự phòng, cơ quan quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản và chính quyền Hội An lẽ ra phải có trách nhiệm trong việc siết chặt quản lý chất lượng, đảm bảo tốt nhất về chất lượng sản phẩm; thường xuyên kiểm tra, đảm bảo an toàn thực phẩm là góp phần giúp họ bảo vệ thương hiệu nổi tiếng thế giới này.

Có ít nhất 34 người nước ngoài bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng, Hội An, Quảng Nam.

Có ít nhất 34 người nước ngoài bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng, Hội An, Quảng Nam.

Biết rằng ngộ độc thực phẩm là bất khả kháng, chẳng ai muốn. Nó giống như tai nạn giao thông, có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở đâu, với bất kỳ ai. Nhưng luật giao thông cũng có nhiều quy định nghiêm ngặt về tốc độ, kỹ thuật, phương tiện, hành vi chấp hành luật của con người... "Bánh mì ngon nhất thế giới" thì càng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Quy trình bảo quản, chế biến, sử dụng an toàn.

Vụ ngộ độc bánh mì Phượng gây hại trực tiếp cho 100 thực khách, tất nhiên trách nhiệm đầu tiên, trước mắt là chủ cửa hàng. Nhưng còn có phần thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, ngành y tế, du lịch và cả chính quyền Hội An, Quảng Nam.

Tổn hại về sức khỏe của các thực khách này sẽ sớm phục hồi, nhưng niềm tin yêu của du khách với bánh mì Phượng nói riêng, với ẩm thực đường phố Hội An, Việt Nam nói chung sẽ bị giảm sút.

Ẩm thực - một hợp phần quan trọng của nền kinh tế du lịch, vì vậy, vụ việc này là hồi chuông cảnh báo cho công tác kiểm tra, giám sát, quản lý ẩm thực, nhất là những đặc sản phục vụ du lịch ở các đô thị, điểm du lịch nổi tiếng của cả nước.

- Nguồn: Lao Động
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES