Nhắc đến ẩm thực Tây Nguyên, người ta vẫn luôn nghĩ đến gà nướng, cơm lam, rượu cần. Nhưng với ẩm thực Gia Lai không chỉ dừng lại ở đó mà còn mang lại nhiều hấp dẫn bởi sự phong phú, đặc sắc của các món ăn từ nhà hàng sang trọng đến ẩm thực đường phố, tạo nét riêng của vùng đất bazan đầy nắng và gió.
Phở hai tô Gia Lai – vừa độc lạ vừa ngon
Nếu bún bò là đặc sản của xứ Huế, miến lươn nổi tiếng khắp Nghệ An, thì phở hai tô chính là món ăn làm nên thương hiệu cho ẩm thực phố núi Gia Lai, để lại nhiều ấn tượng khó quên trong lòng thực khách phương xa.
Tên gọi "Phở hai tô" xuất phát từ cách phục vụ độc đáo: một tô để đựng sợi phở khô và một tô khác để đựng nước lèo đặc biệt. Một điểm khác biệt dễ dàng nhận biết ngay từ cái tên. Thường thì món phở đều đi kèm với nước lèo, nhưng ở Gia Lai, người ta thích ăn phở khô, giống hơn với món phở trộn.
Bánh phở Gia Lai cũng độc đáo. Chúng được làm từ bột gạo, nhưng không được ép mỏng và mềm như bánh phở thông thường. Thay vào đó, chúng có sợi tròn, mảnh và khá dai. Khi đặt lên tô, bánh phở được thêm hành phi, giá trụng, tóp mỡ, thịt heo và thịt bò bằm. Bên cạnh đó, thực khách còn thấy một tô nước dùng ngọt thanh, được rắc thêm hành lá để tăng thêm hương thơm và độ tươi ngon.
Chủ quán phở Nữ - quán phở khô đã có tuổi đời 40 năm ở Gia Lai rất được lòng dân bản địa cho biết: "Tuy nhiên, linh hồn thực sự của món ăn này nằm ở tương trộn phở. Đây không phải là tương đen thông thường, mà là một loại tương béo ngậy, có vị bùi bùi, mằn mặn và ngọt ngọt độc đáo. Tương này được làm từ đậu tương giã nhuyễn, đem đi ủ, tạo thành một loại tương đặc biệt, khiến cho hương vị của món phở hai tô không thể nhầm lẫn với bất kỳ món ăn nào khác".
Bún mắm cua - hương vị lạ khó quên
Món ăn này có một mùi hương đặc trưng, mà khi ai mới tiếp xúc lần đầu, có lẽ sẽ cảm thấy khá thách thức. Đó cũng là lí do bún mắm cua còn được người dân địa phương gọi với cái tên "bún cua thối", cũng như một cách phân biệt với các loại bún riêu, bún cua khác.
Để làm nên món bún này không hề dễ chút nào. Cua đồng tươi ngon được lựa chọn với kích thước lớn, lấy phần thân của cua, loại bỏ phần khác, và sau đó giã nhỏ để lọc nước cua. Thịt cua được lọc ra và xay nhuyễn rồi ủ từ 1 - 2 ngày cho đến khi dậy mùi. Nước cua tươi cũng được người dân ủ lên men khoảng 1 ngày đến khi chuyển sang màu đen, có mùi nồng, hơi khó ngửi thì mới mang ra chế biến.
Cô Chi, chủ quán bún mắm cua nổi tiếng tại Pleiku bưng tô bún thành phẩm ra mời thực khách. Tô bún đầy ắp măng le, da heo chiên giòn, chả giò, nem chua được sắp xếp lên trên lớp bún tươi, cùng mùi mắm cua thơm lừng chan xâm xấp trong tô.
"Món ăn này phải ăn kèm với rau sống tươi, thêm một chút vị chanh và ớt tươi giã nhuyễn. Để bún cua thối có độ béo ngậy, thơm ngon hơn, hãy thưởng thức kèm trứng vịt được om trong nồi nước dùng. Quả trứng nhuộm màu đen sánh, thoang thoảng vị thịt cua lên men khá lạ miệng. Có những người đã ăn một hai tô mà vẫn còn đói đấy, bởi sự kết hợp độc đáo của hương vị này không dễ tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác", cô Chi chia sẻ.
Lụi nướng, bò nướng Gia Lai ăn mê quên lối về
Lụi nướng hay bò lá lốt nướng tại Pleiku là những món ăn vặt quyến rũ không chỉ làm say mê giới trẻ phố núi trong những cuộc dạo phố về đêm, mà còn khiến thực khách phương xa hoàn toàn đắm chìm trong hương vị độc đáo, quên lối về.
Những xiên lụi được xếp sạch sẽ lên vỉ nướng, đặt trên ngọn lửa than hồng, tỏa ra mùi thơm mê mẩn một góc phố. Mỗi xiên đều gồm 4 đến 5 miếng ram nhỏ, vừa được nướng vừa thoa đều lớp mỡ thơm béo. Âm thanh xèo xèo cùng hương thơm của lụi nướng đánh thức mọi giác quan. Lụi nướng ở đây luôn giòn rụm, khi cuốn chung với bánh tráng, rau sống và bún tươi, chấm ngập trong nước sốt me chua ngọt, tất cả hòa quyện làm nên hương vị không thể cưỡng lại.
Hà Vy (TP. Pleiku, Gia Lai) chia sẻ: "Đây là món ăn gắn với tuổi thơ của rất nhiều người, trong đó có mình. Những chiều muộn tan học, trời phố núi se lạnh, cả đám xúm xít ngồi bên hàng lụi nướng góc đường cạnh trường. Sẽ không thể tìm được ở đâu có lụi nướng ngon đậm vị đặc trưng như ở Gia Lai".
Không kém cạnh, bò nướng lá lốt cũng là một trải nghiệm vị giác tuyệt vời mà thực khách nên thử cho một đêm Pleiku trở lạnh. Thịt bò mềm, ngọt, được bọc bên ngoài bởi lá lốt thơm lừng, dai ngon. Cái đặc biệt nhất nằm ở nước chấm, như một "điểm nhấn" khiến mọi thứ trên bàn ăn trở nên hoàn hảo. Chén nước chấm với hương thơm đặc trưng, hấp dẫn, đa dạng hương vị chua, cay, mặn, ngọt càng làm tăng độ ngon cho món ăn này.
Bò một nắng chấm muối kiến vàng
Ghé thăm “chảo lửa” Krông Pa vào những ngày mùa hè oi ức, bạn sẽ được chứng kiến cảnh người dân địa phương làm đặc sản bò một nắng muối kiến vàng Gia Lai. Giữa cái nắng gắt ấy, những người phụ nữ địa phương vẫn miệt mài ngồi phơi những miếng thịt khổ lớn. Để tạo nên món này, người dân địa phương phải lựa chọn thịt bò chất lượng, được nuôi thả rông trên núi quanh năm, ăn tự nhiên từ cây cỏ.
Thịt bò được tẩm ướp kỹ lưỡng với các loại gia vị đặc biệt. Thịt bò khi ăn chỉ cần nướng sơ qua trên bếp than hoa để giữ cho thịt giữ được độ ngọt và độ dai tự nhiên. Điểm đặc biệt không thể thiếu của món ăn này chính là muối kiến vàng, được làm từ loài kiến vàng sống tự nhiên trong rừng. Muối này phải được pha chế theo bí quyết gia truyền của người đồng bào Krông Pa mới ngon.
Khi thưởng thức, thực khách sẽ cảm nhận ngay hương vị thơm ngon của sả, vị béo bùi, hấp dẫn từ kiến vàng, và mùi thơm đặc trưng từ lá é lan tỏa trong miệng. Đây là một trải nghiệm ẩm thực khiến bạn khó lòng quên được trong hành trình khám phá ẩm thực Gia Lai.
Bánh canh bột gạo - món ăn khác biệt của phố núi
Bánh canh Gia Lai quen mà lạ. Quen bởi tô bánh canh hầu như có thể tìm thấy ở bất cứ các tỉnh thành khác, nhưng lạ ở chỗ, bánh canh nơi đây lại mang một phong vị vô cùng đặc sắc, làm dậy nên hương vị của đại ngàn Gia Lai.
Tô bánh canh khi được nấu chín và mang ra dùng có màu sắc hài hòa giữa các nguyên liệu trong tô. Theo kinh nghiệm của cô chủ quán bánh canh O Hải (54 Nguyễn Đình Chiểu, TP. Pleiku): "Nước dùng ngon là nước có màu vàng ươm đẹp mắt. Hương vị của tô bánh canh lúc này càng trở nên độc đáo hơn bởi sự tổng hợp của các nguyên liệu được cho vào nồi bánh canh. Người Gia Lai ăn cay tốt, nên hầu như nồi bánh canh nào cũng the thé vị cay nồng của tiêu, ớt. Trên bàn lại có những lọ ớt xiêm ngâm nước mắm, nhờ vậy mà vị giác cũng như khứu giác của người thưởng thức mới thực sự bùng nổ vì độ thơm ngon, tròn vị của món ăn đặc biệt này".
Thường thì khi thưởng thức bánh canh Gia Lai, người ta thêm vào tô các loại rau sống như cải con, rau thơm và chút giá để làm cho món ăn thêm phong phú. Trên tô bánh canh, bạn cũng thường thấy tiêu và những sợi ngò được thái nhuyễn, làm cho món ăn trở nên đẹp mắt, hấp dẫn hơn.
Mặc dù có thể thấy các nguyên liệu có thể tương đồng với món bánh canh ở những nơi khác, nhưng có lẽ do cách nấu khác biệt, nên bánh canh Gia Lai cũng có vẻ lạ vị hơn, ăn một lần là nhớ mãi.