Hạ giá dịch vụ
Với giá combo du lịch biển Đà Nẵng chỉ từ 2,3 triệu đồng, chị Nguyễn Thị Phương (đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch trên phố Hàng Bông, Hà Nội) cho biết, nếu như thời điểm dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 combo du lịch này sẽ có giá khoảng 3,5 triệu đồng thì hiện tại đơn vị đã hạ giá nhiều combo, tour du lịch nhằm kích cầu thị trường.
Theo chị Phương, bên cạnh những chính sách ưu đãi về giá cả, một số đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch thời điểm này đang tổ chức nhiều chương trình tặng voucher (phiếu đã trả tiền) để tăng khả năng tiếp cận khách hàng trong và ngoài nước khi các ngành nghề kinh tế, dịch vụ dần phục hồi trở lại.
“Ví dụ như với combo du lịch biển 2,3 triệu đồng, du khách sẽ được sử dụng các dịch vụ như khách sạn 3 sao mới xây nằm ở bờ biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), tặng buffet sáng hàng ngày, sử dụng hồ bơi cạnh biển miễn phí... Việc hạ giá thành các combo, tour du lịch này sẽ tác động rất lớn vào tâm lí khách hàng. Thậm chí nhiều đơn vị khác còn sẵn sàng giảm giá từ 10 - 30% với các đoàn khách đi theo nhóm, giảm 5% đối với khách đi lẻ” - chị Phương thông tin.
Tương tự, anh Phạm Tuấn Hưng (nhân viên Công ty du lịch - lữ hành tại phường Dương Nội, quận Hà Đông) cũng đăng tin rao bán nhiều combo du lịch với mức ưu đãi lớn. Anh Hưng nói, trong dịp nghỉ hè, rất nhiều khách hàng thường có tâm lí chọn mua combo, tour du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng với mức giá không quá đắt, phù hợp với thu nhập.
Hiện công ty của anh đang có một số combo du lịch nổi bật, được nhiều khách hàng trong nước lựa chọn như combo đi vịnh Hạ Long 3 ngày 2 đêm chỉ từ 1,6 triệu đồng. Với mức chi phí này, người mua combo sẽ được sử dụng những dịch vụ tổng hợp như khách sạn, buffet, sử dụng các tiện ích chung trên du thuyền khi đi ngắm vịnh Hạ Long.
Tăng ưu đãi để kích cầu thị trường
Số liệu mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy trong tháng 5.2023, ngành du lịch đã phục vụ 12,5 triệu lượt khách nội địa (trong đó có 8,3 triệu lượt khách có lưu trú). Cũng theo Tổng cục Thống kê trong 5 tháng qua, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 268,3 nghìn tỉ đồng, tăng 22,1%; du lịch lữ hành đạt 11,6 nghìn tỉ đồng, tăng 89,4% so với cùng kì năm trước do trong tháng có nhiều ngày nghỉ lễ.Công ty du lịch trực tuyến Agoda mới đây thông tin, trong số các điểm đến châu Á, du lịch trong thị trường nội địa Việt Nam chỉ đứng sau thị trường nội địa của Nhật Bản và Thái Lan. Như vậy, Việt Nam đã tăng được 2 bậc so với năm 2019 - thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát.
Đề cập đến nội dung này, ông Nguyễn Ngọc An - Phó Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Vietluxtour - phân tích, năm 2023, không chỉ thị trường trong nước, rất nhiều thị trường du lịch nước ngoài đã và đang có những chương trình kích cầu, thu hút khách du lịch Việt Nam. Do đó, bên cạnh nhu cầu đi nghỉ dưỡng trong nước cho gia đình, tour nước ngoài cũng là một ưu tiên lựa chọn của khách hàng.
Nhiều điểm đến như Thái Lan, Bali (Indonesia), Trung Quốc cũng đang “đua nhau” kích cầu, giảm giá nhằm kéo khách Việt Nam thì du lịch trong nước sẽ khó tránh bị cạnh tranh nếu không có chiến lược cụ thể.
Ông Nguyễn Ngọc An cũng định hướng, để du lịch trong nước không mất lợi thế, cần có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa hãng hàng không, công ty du lịch, các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch, Nhà nước cũng cần hỗ trợ những chính sách kích cầu quy mô lớn cho ngành du lịch.