Kể từ ngày 11/8, dịch vụ xe đạp công cộng TNGo xuất hiện tại 6 quận nội thành Hà Nội, với 1.000 xe đạp trong vòng 12 tháng. Đây chính là đề án xe đạp công cộng tại Hà Nội do chính quyền thành phố kết hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam thực hiện – đơn vị đang vận hành các hệ thống cho thuê xe đạp công cộng tương tự tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Vũng Tàu và TP.HCM từ năm 2022.
Đề án xe đạp công cộng của thành phố Hà Nội nằm trong dự án Xe đạp đô thị, chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất kéo dài 12 tháng kể từ thời điểm bắt đầu dịch vụ. Trong giai đoạn này, dự kiến Tập đoàn Trí Nam sẽ cung cấp 500 xe đạp cơ và 500 xe đạp điện tại 79 trạm cho thuê xe rải rác khắp địa bàn 6 quận trung tâm Hà Nội: Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng. Mỗi trạm được bố trí từ 10-20 chiếc xe đạp công cộng để người dân tới thử nghiệm. Giai đoạn hai dự kiến triển khai vào năm 2024 với nâng số xe lên khoảng 3.000 xe tại 350 điểm, với mục tiêu mở rộng dịch vụ ra các quận trung tâm khác và các vùng lân cận.
Dù đặt mục tiêu đưa 1.000 xe vào vận hành, nhưng con số xe thực tế ở thời điểm hiện tại mới chỉ là 600, với 500 xe đạp cơ. Trong thời gian tới, khi thành phố Hà Nội tiếp nhận 400 chiếc còn lại, toàn thành phố sẽ có tổng cộng 94 tới 100 trạm xe.
Chia sẻ với Travellive, Cúc Nguyễn (26 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết: "Các thao tác khá đơn giản để thuê xe, loại hình này vừa giúp bảo vệ môi trường, rèn luyện sức khoẻ mà chi phí rất rẻ. Là người thích đạp xe, thay vì trước đây mình phải ra tận cửa hàng để thuê xe đạp đi thể dục, thì nay mình có thể dễ dàng đến bất cứ địa điểm nào. Trong thời gian tới, mình chắc chắn sẽ thường xuyên sử dụng dịch vụ này”.
Để thuê xe đạp công cộng, người dân cần sử dụng điện thoại thông minh, tải app TNGo, nạp tiền vào tài khoản thông qua các cổng thanh toán trực tuyến. Khi sử dụng, người dùng sẽ phải quét mã QR gắn trên thân xe. Phần khóa bánh xe được trang bị công nghệ nhận dạng tín hiệu RFID, do vậy sau khi quét mã thanh toán, khóa xe mới được mở.
Đối với xe đạp, chi phí cho mỗi lượt thuê xe 30 phút với 5.000 đồng và 10.000 đồng đối với xe đạp điện. Ngoài ra, còn có thể mua vé ngày và vé tháng nếu khách hàng có nhu cầu sử dụng. Trong quá trình thuê xe, khách hành có thể dừng đỗ ở nhiều nơi song cần lưu ý khóa và bảo quản xe cẩn thận. Sẽ có nhân viên vận hành hỗ trợ liên tục và gọi điện nếu phát hiện tình trạng bất thường, ví dụ như dừng đỗ xe quá lâu trong tình trạng không khóa.
Khi hoàn tất chuyến đi, người dùng có thể trả xe tại trạm bất kỳ mà không cần quay lại vị trí trạm ban đầu. Mỗi xe đạp cũng có hệ thống GPS tích hợp với app để ghi lại hành trình di chuyển của người dùng.
Đây là một dự án nhằm đa dạng hóa vận tải hành khách công cộng, kết nối giữa bến xe buýt, nhà ga đường sắt, các khu đô thị, mua sắm… giúp người dân di chuyển thuận tiện trong nội đô Hà Nội và thúc đẩy phát triển du lịch.
Hải Yến (22 tuổi, Ba Đình) cho hay: "Mình lựa chọn xe đạp công cộng để đạp quanh vòng Hồ Tây với 3 tiếng đồng hồ, chi phí chỉ với 30.000 đồng. Sử dụng dịch vụ này mình thấy rất tiện lợi, nhất là việc không cần trả đúng trạm ban đầu mình thuê".
Sau khi đưa dịch vụ xe đạp công cộng vào sử dụng đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân Thủ đô. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng xe đạp rất đông đảo, đặc biệt là trong nhóm đối tượng học sinh, sinh viên và khách du lịch.