Tại Zanskar vào mùa đông, nhiệt độ giảm xuống đến -40 độ C. Nước sông đông cứng tạo lớp băng dày trên bề mặt, tạo ra một con đường giữa hẻm núi. Người bản địa gọi đó là Chadar, tấm chăn bằng băng tuyết. Theo CNN, Chadar được mệnh danh là “hành trình gian nan nhất thế giới”, với gần 150 km đường băng. Đây là đoạn sống núi lên đến đỉnh, cảnh quan tuyệt đẹp nhưng đường rất nguy hiểm, chỉ cần sơ suất nhỏ cũng có thể bị trượt ngã.
Trả lời Travellive, Thảo Trần, đại diện IntoWild, một nền tảng đặt chỗ trước các hoạt động du lịch mạo hiểm trong nước và quốc tế cho rằng trekking qua sông băng Zanskar là hành trình đặc biệt bởi 2 yếu tố. Đầu tiên, du khách sẽ được trải nghiệm mọi sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ, chơi đùa bên trên dòng sông đã đóng băng. Thứ hai, hiện tại trên thế giới chỉ có vùng Zanskar là xuất hiện con đường băng như trên và đây cũng là lối vào duy nhất khu vực này vào mùa đông. Bên cạnh đó, cung đường trekking Chadar có khả năng biến mất hoàn toàn trong tương lai bởi biến đổi khí hậu.
"Cung này chỉ có thể đi được trong vòng 1 tháng rưỡi vào mùa đông. Tuy nhiên, do thời tiết dần nóng lên nên thời gian bị rút ngắn còn 1 tháng", Thảo Trần nói.
Trải nghiệm đi bộ trên sông băng Zanskar
Khi đăng ký cung đường này, du khách sẽ dành 7 ngày trekking trên Zanskar, trong đó 5 ngày đến điểm đích và 2 ngày quay trở về nơi xuất phát. Từ New Delhi, du khách bay đến Leh và qua đêm tại khách sạn. Ngày đầu tiên, khách du lịch sẽ dành thời gian đi thăm những địa điểm ở Leh như cung điện Shey, Thiksey Gonpa, cung điện Stok. Đây cũng là khoảng thời gian thích hợp để làm quen với việc đi chậm, thở chậm và không khí lạnh.
"Cung này có số lượng porter rất hùng hậu, có thể là đội ngũ lớn nhất mình từng thấy. Chỉ 5 bạn đi trekking nhưng có tới 15 người đi theo hỗ trợ", Thảo Trần chia sẻ.
Trước khi khởi hành, chính phủ Ladakh yêu cầu mọi du khách đi cung này phải được kiểm tra sức khỏe. Bạn sẽ được kiểm tra sức khỏe tổng quát, đo huyết áp, thân nhiệt và đo nhịp tim. Đối với những du khách có chỉ số SP02 dưới 85, họ buộc phải ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ để đo tiếp vào hôm sau hoặc chuyển sang cung khác.
Ngày tiếp theo, du khách sẽ được trung chuyển tới nơi hợp lưu của sông Zanskar và Indus, từ đó rẽ trái và lái xe dọc theo sông Zanskar cho đến khi bạn đến Sumdou rồi đến Bakula Cave. Đây là ngày du khách được chính thức bước đi trên dòng sông băng. Các cung trekking ở Nepal hay Việt Nam đều có teahouse dọc đường để hỗ trợ nhu yếu phẩm hoặc thiết bị cần thiết. Đối với cung trekking Chadar, bạn dường như mang theo cả 1 ngôi làng bên mình, với rất nhiều porter cùng xe kéo chở hàng.
"Không khí ở điểm tập kết rất nhộn nhịp, ban đêm mọi người đàn hát nhộn nhịp khắp bờ sông. Có các bạn khách tây còn cao hứng nhảy xuống sông băng mà tắm", chị Thảo nói.
3 ngày tiếp theo, mỗi ngày du khách sẽ phải đi bộ trên mặt băng suốt 7-8 tiếng đồng hồ cho đến điểm cuối của cuộc hành trình là tu viện Lingshed. Hai ngày cuối cùng, bạn sẽ đi bộ cả ngày vòng trở lại điểm xuất phát theo cung đường trở lại từ Hotong đến Tsomo Do rồi quay trở về Leh.
Du khách cần chuẩn bị điều gì?
"Chúng tôi sẽ phải lọc khách đăng ký rất kĩ càng, cung này phù hợp với những người đã từng trải nghiệm độ cao trên 3000 m trước đó", Thảo Trần cho biết. Đặc biệt, hãng tour không nhận du khách có vấn đề về phổi, huyết áp, tim mạch vì nơi đây hoàn toàn không có phương tiện hỗ trợ y tế. Tuy nhiên, Chadar Trekk không đòi hỏi quá nhiều yêu cầu sức khỏe vì nó chỉ là 1 đường thẳng trên sông băng. Du khách không phải chịu đựng sự thay đổi độ cao đột ngột như những tour leo núi khác.
Trước chuyến khởi hành, du khách cần chuẩn bị mọi loại đồ ấm cần thiết để bao bọc hết cơ thể. Trong quá trình trekking, nhờ vào ánh nắng mặt trời và thân nhiệt tăng, bạn sẽ cảm thấy rất ấm áp. Nhưng, vào ban đêm, thời tiết âm 40 độ trở thành cái lạnh cắt da thịt. Để giúp mọi người ấm lên, các porter sẽ chia nhau những ly rượu rum và bắt đầu đàn hát.
"Mọi người đốt lửa rồi nhảy múa cùng nhau cho ấm người. Đi đợt đó về xong là cũng có nhiều anh chị thích nhạc Ấn Độ luôn", chị Thảo nói.
Đối với cung này, du khách có thể mang đôi ủng cao su bình thường là đủ, cần thiết hơn có thể dùng loại giày leo núi cao cấp. Khách du lịch chỉ đi bộ nhiều giờ trên địa hình bằng phẳng của sông băng nên không cần các loại phụ kiện hỗ trợ leo dốc tốt. Tuy nhiên, trang bị đế đinh cho giày là việc làm cần thiết vì mặt băng rất trơn trượt.
"Mùa đông ở Ladakh có tính chất lạnh khô, làm cho đầu ngón tay và đầu ngón chân bị buốt. Nên nếu dùng giày quá chật thì cảm giác như đang đâm kim vô chân. Vì thế, mình chuyển sang dùng đôi bốt đánh cá, vừa mềm mà có thể giữ ấm được", Thảo Trần cho hay. Chị khuyên du khách nên đem theo kính chống lóa để bảo vệ võng mạc. Đặc biệt, để chống bỏng lạnh du khách cần chuẩn bị 1 tuýp kem chống ẩm hoặc sử dụng mỡ bò của người Tây Tạng bản địa.