Trái tim rực rỡ sắc màu của châu Phi

28/02/2019

Mang theo nhiệt huyết khám phá của tuổi trẻ, tôi đặt chân lên mảnh đất Burundi. Nếu ai hỏi rằng đến nơi nghèo đói bé nhỏ nhất của châu Phi cần những gì? Với tôi, thứ đầu tiên nên có chính là dũng khí. Sống tại Burundi giúp tôi có cơ hội tiếp xúc gần gũi với nền văn hóa đặc trưng châu Phi này, đồng thời cho tôi cái nhìn sâu sắc về đời sống sinh hoạt của người dân địa phương nơi đây. Không biết tự khi nào, Burundi trong mắt tôi là vùng trời lấp lánh đầy nhớ thương…

Burundi bé nhỏ nhưng giàu văn hóa truyền thống

Sự khác biệt quá lớn về văn hóa có thể sẽ làm bạn e dè khi ai đó nói về ý tưởng đi đến châu Phi. Nhưng những trải nghiệm trên cả tuyệt vời về vùng đất hoang dã này sẽ là món quà cho sự cam đảm của bạn. Châu Phi sẽ trở thành biểu tượng của một vùng đất hiền hòa bình dị khi bạn hình dung nó qua Burundi, một quốc gia tràn ngập nụ cười.

Tôi có thói quen khi đến quốc gia nào, sẽ tìm hiểu về lịch sử hình thành của quốc gia đó, Burundi cũng không ngoại lệ. Trước thế kỉ thứ XV, Burundi hợp nhất cùng Rwanda và Uganda làm một. Khoảng cuối thế kỷ XIX đến năm 1962, Burundi chịu sự cai trị của Đức và Bỉ. Hiện nay, nơi đây được gọi là Cộng hòa Burundi với dân số khoảng 11 triệu người trên diện tích 27.834 km2. Sau gần một trăm năm lịch sử bị cai trị bởi các quốc gia châu Âu, người Burundi dùng tiếng Pháp trong văn bản hành chính. Riêng tiếng địa phương Kirundi vẫn dùng trong giao tiếp hàng ngày.

Empty

Vì Burundi có thói quen phân biệt tộc người rất rõ ràng, nên khi đến đây tôi dễ dàng nhận ra họ có ba nhóm dân tộc chính: Tutsi, Hutu và Twa. Công việc chủ yếu của họ là nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi. Một số bộ phận giữ ngành nghề truyền thống như đồ mỹ nghệ, đan lát, làm đồ trang sức. Cũng là một quốc gia châu Phi, nhưng Burundi hầu như không có nhiều động vật hoang dã do sự xói mòn đất của rừng và đồi núi. Nền văn hóa phong phú của Burundi chủ yếu dựa vào phong tục địa phương và chịu ảnh hưởng của các nước láng giềng. Trên toàn lãnh thổ Burundi, người ta mặc nhiên thừa nhận văn hóa của thủ đô Bujumbura, tỉnh Gitega và Ngozi là các biến thể chính đại diện cho cả quốc gia. Do tỉ lệ người biết chữ rất thấp nên văn hóa kể chuyện, ngụ ngôn, thơ ca truyền miệng rất được khuyến khích. Ngoài ra, hình thức văn hóa chính đang được người Burundi cố gắng giữ gìn là múa trống và đồ mỹ nghệ.

Empty
Empty

Nghệ thuật biểu diễn múa trống hoàng gia

Ở Burundi không có trường dạy về văn hóa nghệ thuật, việc bảo tồn văn hóa được thực hiện theo lối cha truyền con nối, để lại cho thế hệ sau. Tôi có dịp đến thăm ngôi nhà cổ của nghệ nhân Baranshakaje, một tay trống hoàng gia cho vị vua cuối cùng của Burundi. Đứng trong túp lều tranh hình cây nấm trên đồi Gishora, tôi được người hướng dẫn giải thích về loại nhạc cụ trống gỗ mà người dân Burundi rất tự hào này. Là người của thế hệ trẻ hiện đại, tôi chìm đắm trong một không gian khác của thế giới mà mình rất đỗi xa lạ. Mọi thứ trở nên càng hấp dẫn hơn vì tôi là người yêu thích lịch sử và văn hóa. Tôi mường tượng được khung cảnh cổ xưa huy hoàng của vua chúa Burundi trong đám rước rực rỡ sắc màu kèm tiếng trống rền vang. Sau chuyến tham quan khu nhà bảo tồn trống truyền thống của Burundi, tôi có được một cái nhìn sâu sắc về văn hóa của đất nước này, cũng như của cả vùng đất lấy múa trống làm truyền thống nghệ thuật như Đông Phi.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Năm 2014, UNESCO công nhận múa trống của Burundi là Di sản Văn hóa Thế giới. Ông Baranshakaje được dân Burundi tôn vinh là nghệ nhân, người có công trong việc truyền nghề và bảo tồn văn hóa múa trống hoàng gia. Trên đồi Gishora, tôi cũng tận mắt nhìn thấy được cây D’umuvugangoma - tên gọi khác là Cordia Africana, được hiểu là “cây làm trống”. Người dân ở đây rất quý trọng loài cây này, vì đây là loại gỗ quý, chỉ riêng nó mới tạo ra được âm thanh hay cho trống biểu diễn. Cây D’umuvugangoma sống trong rừng sâu, đặc biệt tạo ra âm thanh hay và vang vọng, trống nào làm từ cây này cũng bảo quản được hơn trăm năm. Tôi phấn khích đứng cạnh một anh bạn địa phương để nghe về cách người dân đốn hạ cây và làm trống như thế nào. Người ta nói rằng các loài trăn lớn rất thích sống trong tán lá cây này. Bởi vậy, nếu muốn đốn hạ một cây D’umuvugangoma để làm trống, người ta phải phun một hợp chất tinh dầu thảo mộc đặc biệt để xua đuổi con trăn đi sau đó mới hạ thân cây xuống. Trải qua bao nhiêu công đoạn vất vả mới làm ra được một cái trống nên người dân nơi đây càng trân trọng hơn trong việc giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống này.

Empty
Empty

Ở Burundi, múa trống làm tăng thêm sự long trọng uy nghiêm trong lễ tiết Hoàng gia, lễ đăng quang, hoặc trong các dịp chào đón nguyên thủ quốc gia, cưới hỏi, sự kiện. Tùy theo từng quy mô, điều kiện mà đoàn vũ công nhiều hay ít người. Bài múa trống được bắt đầu khi một số người mang cây giáo và khiên trang trí dẫn đầu các đám rước, tập hợp tại khu vực sắp biểu diễn, hát và múa các điệu truyền thống. Sau đó nhóm vũ công chính xếp thành hình bán nguyệt, lấy một cái trống lớn nhất làm trung tâm. Múa trống mang đến một nhịp điệu cổ điển và hấp dẫn, tượng trưng cho sức mạnh và năng lượng vui vẻ. Xen lẫn không khí hào hùng, uy dũng ấy là sự thần bí, lôi cuốn của điệu nhảy chiến binh, từ trang phục cho đến những tiếng la lớn đều nhịp trong tiếng trống vang rền.

Empty
Empty

Xem xong màn biểu diễn múa trống trong một sự kiện có sự tham dự của tổng thống nước này, dù là một người ngoại tộc, tôi cũng hưởng lây cảm giác gắn kết, tinh thần hân hoan, đoàn kết dân tộc mà âm hưởng của tiết mục múa trống này mang lại. Xem múa trống, tôi chứng kiến được một cảnh tượng mạnh mẽ, đầy xúc động, đó là sự kết hợp đồng bộ từ nhảy múa, thơ ca, các bài hát truyền thống và âm thanh. Đoàn vũ công biểu diễn múa trống là các chàng trai trẻ khỏe mạnh, khoảng từ mười lăm người trở lên, số người luôn là số lẻ. Tôi không kìm nén được cảm xúc, lúc phải xuýt xoa, khi lại giật mình thon thót khi thấy vũ công đội đầu, tung hứng, nhảy múa điêu luyện với cái trống gỗ bọc da bò nặng khoảng 100 kg.

Nhìn đồ mỹ nghệ là thấy bản sắc Burundi

Tôi nghĩ văn hóa của một quốc gia thể hiện qua nhiều thứ khác nhau nhưng đơn giản nhất là quà lưu niệm mà quốc gia đó làm ra để gửi đến du khách. Khi mới đến Burundi, tôi thường nhầm lẫn các hình ảnh và đồ mỹ nghệ nói chung của Burundi với các nước châu Phi khác. Giống như văn hóa Việt Nam và Trung Quốc khi sang trời Tây, người không biết lại cho đó là như nhau. Nhưng sống ở Burundi rồi, tôi mới nhận ra sự riêng biệt về văn hóa của vùng đất này - vùng đất được mệnh danh là “trái tim của châu Phi” -với các nước châu Phi khác.

Empty
Empty

Tôi thích nhất là những lần dạo chợ thủ công mỹ nghệ, thể nào cũng mang được vài thứ xinh xinh về nhà. Trong số các đồ thủ công truyền thống, loại giỏ có nắp đậy do phụ nữ dân tộc Tutsi dệt được du khách yêu chuộng nhất. Chúng được làm từ rễ cây cói, cây sợi và cây chuối. Việc nhuộm màu cho loại giỏ này cũng khá phức tạp, đó là sự pha trộn màu sắc tự nhiên từ nhiều cây cỏ khác nhau. Chiếc giỏ trông rất xinh xắn, dùng để đựng thực phẩm, trái cây, gia vị. Bạn cũng có thể bắt gặp hình ảnh của chiếc giỏ này ở hầu hết các bức tranh vẽ phụ nữ Burundi trong sinh hoạt hằng ngày. Nhưng tại quốc gia nghèo nhất thế giới này, món đồ thủ công làm tôi xúc động nhất có lẽ là hang đá Giáng sinh được làm từ thân cây chuối. Ở đây, Noel không phải là dịp để phô trương các sản phẩm lấp lánh màu sắc được sản xuất theo kiểu công nghiệp tinh xảo mà thường chỉ là những hang đá đơn sơ làm từ bẹ chuối, lá chuối - loài cây phổ biến nhất Burundi.

Empty

Nếu bạn quan tâm đến nghệ thuật châu Phi, chợ thủ công trên đường Rue Rwagasore, Bujumbura sẽ không làm bạn thất vọng. Trong khu phức hợp có một số cửa hàng nhỏ bán tượng gỗ, mặt nạ, khiên che kiểu chiến binh, giỏ mây, giỏ cói…Một vài nhóm bán hoa tươi và cây kiểng cũng tụ họp tại đó. Bạn cũng có thể ghé các cửa hàng tại Văn phòng Du lịch Quốc gia, nằm dọc theo công viên “Tưởng niệm Hoàng tử” để ngắm các sản phẩm thủ công nghệ thuật.

Burundi là quốc gia nhỏ, rừng và cây cối thưa thớt. Ngoài chim và khỉ thì động vật hoang dã hầu như không có các loài thú lớn và hiếm. Riêng thủ đô của nước này có một phần giáp với hồ Tanganyika, trong hồ chỉ có một con cá sấu và một con hà mã. Từ đó, người ta thường dùng hình ảnh hai con vật này như một biểu tượng để điêu khắc trên đồ lưu niệm, in trên vải vóc và vẽ tranh.

Empty
Empty

Thông tin thêm

- Hành trình: Từ Việt Nam không có chuyến bay thẳng tới Burundi. Bạn nên đi hãng Kenya, sau khi đến Nairobi, hãng sẽ bay khoảng 30 phút trung chuyển đến sân bay Bujumbura - thủ đô của Burundi.

- Phương tiện di chuyển: phổ biến nhất là xe thuê tư nhân, taxi và xe bus. Tuy nhiên xe ở đây khá cũ, không được an toàn, lượng người nhồi nhét rất đông. Một lời khuyên cho bạn là không nên đi xe bus.

- Tiền tệ: Burundi dùng đồng tiền Franc Burundi (BIF), 1 USD đổi được khoảng 2.600 BIF.

- Visa: Hiện tại Việt Nam chưa có Đại sứ quán Burundi. Đến Burundi, bạn có thể xin visa du lịch ngay tại sân bay quốc tế Bujumbura (nước này chỉ có duy nhất một sân bay) với chi phí là 50 USD.Tuy nhiên ở Burundi, tình trạng “xin thêm” diễn ra thường xuyên, bạn chỉ cần vui vẻ từ chối là được.

- Thời tiết: Burundi có khí hậu đặc biệt tốt, nhiệt độ trung bình trong ngày vào khoảng 24-26 độ C, nắng ráo, mát mẻ, quanh năm mưa ít, mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 10. Cho dù bạn đến Burundi vào những ngày mưa cũng không đáng ngại. Các cơn mưa rào ở Burundi đến và đi rất nhanh, đất khô ráo, không có bùn lầy.

Empty

- Ẩm thực: Burundi có ẩm thực đa dạng và dễ ăn, giá cả phải chăng. Bạn có thể ghé qua nhà hàng của khách sạn Kiriri Garden nổi tiếng với view ngắm nhìn thành phố hay nhà hàng Ubuntu nổi tiếng với cừu nướng, sườn nướng và pizza Hawaii. Giá thức uống từ 5 USD, thức ăn từ 15 USD.

- Trang phục: Burundi là một quốc gia Thiên Chúa giáo, tư duy của người dân khá thoáng theo phong cách phương Tây nên bạn có thể mặc bất cứ thứ gì bạn muốn.

- Lưu ý

+ Vì Burundilà một quốc gia khá nhỏ nên bạn có thể kết hợp thăm Burundi và các nước Đông Phi khác như Tanzania, Kenya, Congo.

+ Burundi không công nhận mối quan hệ đồng giới. Luật lệ hà khắc của nước này đối với mối quan hệ đồng giới là bỏ tù hoặc tử hình.

Hoàng Mai Linh
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES