Trong những năm trở lại đây, “going green” đã trở thành đề tài thu hút và được rất nhiều các nhà kinh doanh cũng như khách du lịch quan tâm. Trào lưu khách sạn xanh bằng các thiết kế thân thiện với môi trường và tạo ra văn hóa “xanh” trong phục vụ chính là mục tiêu mà các doanh nghiệp hướng đến.
Ảnh hưởng chung của các hoạt động trong khách sạn đến môi trường
Kinh doanh dịch vụ lưu trú khách sạn là một trong những lĩnh vực du lịch có tác động không nhỏ tới môi trường vì sử dụng rất nhiều tài nguyên. Các hoạt động chính của khách sạn như: các dịch vụ sưởi ấm, làm nóng nước, bể bơi... tiêu thụ rất nhiều năng lượng tự nhiên và tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Để giải quyết những vấn đề đó, trào lưu khách sạn xanh ra đời như một phương pháp để vừa đáp ứng nhu cầu du lịch, vừa cân bằng được hệ sinh thái tự nhiên.
Khách sạn xanh là gì?
Theo Liên minh Zero Waste, trào lưu khách sạn xanh được hiểu là “khách sạn cố gắng trở nên thân thiện với môi trường hơn thông qua việc sử dụng hợp lý năng lượng, nguồn nước và vật liệu trong khi vẫn đảm bảo cung cấp các dịch vụ chất lượng”. Mặc dù có rất nhiều định nghĩa khác nhau, tuy nhiên, tinh thần chung của các khách sạn này đều hướng đến việc giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường bằng việc tiết kiệm năng lượng và tạo ra văn hóa “xanh” trong phục vụ.
Xu hướng xanh trong khách sạn
Để tạo dấu ấn trong lòng khách hàng, tăng tính cạnh tranh và giảm thiểu tối đa tác hại đến môi trường tự nhiên, rất nhiều khách sạn đã chuyển sang hình thức “xanh” để phục vụ. Các yếu tố trong trào lưu khách sạn xanh này bao gồm từ thiết kế, hệ thống vận hành, cách thức phục vụ cho đến các hệ thống lưu trú đều được xây dựng thân thiện với môi trường và đặc biệt quan tâm đến vấn đề duy trì các tài nguyên tự nhiên khan hiếm.
- Quản lý năng lượng, nước, chất thải và không khí
Các hoạt động trong khách sạn xanh được thay đổi bằng việc xây dựng các hệ thống quản lý năng lượng, quản lý nước, chất thải và không khí tốt cho môi trường. Theo dõi hóa đơn thường xuyên, lắp đặt các thiết bị công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng các thiết bị tiết kiệm nước, phân loại rác thải hay khuyến khích du khách thuê xe đạp của khách sạn thay vì xe máy là những ưu điểm của loại hình khách sạn này.
- Các hoạt động liên quan đến phân phối dịch vụ
Ở một số khách sạn trong trào lưu "going green", các sản phẩm du lịch hữu hình được sử dụng thông thường cũng sẽ được đóng bằng bao bì giấy, dễ phân hủy và tốt cho môi trường. Đặc biệt, các khách sạn này nói không với việc sử dụng nguyên vật liệu từ các loài động vật quý hiếm. Tái chế lại được các sản phẩm để sử dụng cũng là yếu tố được ưa chuộng khi vận hành hoạt động của khách sạn xanh.
- Khích lệ sự tham gia của nhân viên
Trào lưu khách sạn xanh cũng khuyến khích sự tham gia của các nhân viên bằng cách tuyên truyền qua những buổi đào tạo, các chuyến tham quan hay các cuộc thi về vấn đề duy trì nhận thức trong văn hóa phục vụ. Đồng thời, các nhân viên quản lý cũng liên tiếp cung cấp thông tin trên trang điện tử của khách sạn, tạp chí hoặc các khu vực công cộng về du lịch xanh và lợi ích của nó trong môi trường tổ chức khách sạn.
Lợi ích của việc áp dụng "going green" vào khách sạn
Các khách sạn xanh thực hiện đầu tư vào thiết bị tiêu thụ năng lượng tự nhiên đều nhận được các phản hồi tích cực và tiết kiệm được tối đa chi phí. Mặc dù chi phí đầu vào để thực hành các hệ thống có lợi cho hoạt động kinh doanh và môi trường này tương đối cao, nhưng hiệu quả về lâu dài là không thể kể đến. Lợi ích này hoàn toàn xứng đáng với ngân sách bỏ ra ban đầu.
Ngoài ra, việc thực hiện các hoạt động thân thiện với môi trường và xã hội của trào lưu khách sạn xanh như mua hàng hóa và dịch vụ của địa phương đã tạo ra lợi thế đáng kể trong cạnh tranh. Du khách có xu hướng lựa chọn những khách sạn với thiết kế xanh, mang lại cảm giác đắm mình thực sự với thiên nhiên. Hơn hết, các yếu tố này hướng đến sức khỏe nên được người tiêu dùng cực kì ưa chuộng.
Các khách sạn xanh ở Việt Nam
Hiện nay, xu hướng “going green” đã rất quen thuộc ở Việt Nam và đang trở thành trào lưu được du khách rất ưa chuộng. Có thể kể đến những cơ sở lưu trú xanh nổi bật như: Atlas Hotel Hội An với thiết kế xanh và không gian yên tĩnh, Venue Hotel Nha Trang nổi bật nhờ công trình xanh vuông vắn, Condotel Babylon Garden Đà Nẵng cùng những dịch vụ đẳng cấp, Zannier Hotels Bãi San Hô được bao bọc giữa không gian hoang sơ của rừng nguyên sinh Phú Yên, Topas Ecolodge - viên ngọc xanh giữa Sa Pa thơ mộng, The Vedana Lagoon Resort & Spa ẩn mình giữa đầm Phú Lộc thanh bình, Six Senses Ninh Vân Bay với những villa gỗ vấn vương mùi thảo mộc, hay Amanoi Ninh Thuận với những trải nghiệm trị liệu sức khỏe cá nhân độc đáo.
Sử dụng những thiết kế gần gũi với thiên nhiên, hệ thống vận hành tốt cho môi trường và văn hóa phục vụ đỉnh cao là những ưu điểm mà loại hình khách sạn này mang đến. Các khách sạn xanh không chỉ là cách mà các cơ sở lưu trú dùng để quảng cáo mà nó đã thực sự trở thành phong cách sống.