Trở về không gian Tokyo những năm 1980 cùng quán pub Machibuse

05/08/2022

Machibuse không phải là một quán pub xô bồ, ồn ã hay quá đông khách.

Những quán pub Nhật Bản tại Việt Nam thường dành cho khách Nhật và mang không khí của xứ sở mặt trời mọc rất rõ nét. Những quán Machibuse lại có một không gian khác lạ với việc khắc họa lại chân dung Nhật Bản vào những năm 80 đầy phóng khoáng và Tây hóa. Cùng theo chân Travellive tìm hiểu về quán pub thú vị này nhé.

Machibuse - cái tên bắt nguồn từ một bài hát

Thập niên 80 tại Nhật Bản có thể coi là một trong những thời hoàng kim nhất của đất nước này từ sau Thế chiến II với sự bùng nổ của nền kinh tế (dù đó chỉ là nền kinh tế bong bóng). Văn hóa Tây phương du nhập rất nhanh chóng và khiến giới trẻ tại đây trở nên "ăn chơi" và đắm chìm vào những cuộc vui.

Không còn nhiều những nét Nhật cổ kính, giờ đây sự lấp lánh, xa xỉ của những ngọn đèn neon sáng choang bao phủ cả Tokyo. Người trẻ diện những chiếc váy dệt kim lấp lánh, những chiếc áo jacket... đưa nhau lên bar, pub và sẵn sàng thâu đêm suốt sáng cho tới khi chiếc xe taxi cuối cùng rời đường phố.

Một góc rất đặc trưng của Machibuse.

Một góc rất đặc trưng của Machibuse.

Nằm trong một con hẻm nhỏ trên phố Chùa Láng, quán pub Machibuse khiêm tốn với một gian nhỏ và chỉ có một tầng vỏn vẹn. Tuy không gian không quá rộng nhưng mọi thứ ở đây đều gây bất ngờ.

Machibuse treo rất nhiều đèn neon tím, dán banner/poster đầy tường, trên giá sách treo toàn những tạp chí (có cả tạp chí nude) khiến cho không gian quán riêng biệt và khác lạ. Vũ Minh (32 tuổi, sống tại Hà Nội), chủ quán chia sẻ: “Anh thích ca sĩ Ishikawa Hitomi nhất trong các ca sĩ thập niên 70 - 80 và Machibuse là tên một bài hát của cô ấy”.

Năm 80 thập kỷ trước cũng là thời kỳ đánh dấu sự giao thoa văn hóa, âm nhạc, văn học từ phương Tây sang Nhật Bản. Và chính trong chín năm hoàng kim (1980 - 1989) này, Nhật Bản đánh dấu sự bùng nổ của trào lưu thần tượng (Golden Age of Idols) với những ca sĩ tiêu biểu như Seiko Matsuda, Akina Nakamori, Kyōko Koizumi, Onyanko Club. Khái niệm Shōwa Idols (kết thúc vào năm 1989) chính là để chỉ những thần tượng được sinh ra trong thời Chiêu Hòa này với lối âm nhạc hoàn toàn mới mẻ, phóng khoáng, đậm dấu ấn riêng.

Vũ Minh xuất thân là một du học sinh Pháp khoa Lịch sử nhưng lại đem lòng yêu mến và say mê văn hóa Nhật Bản đầy màu sắc. Anh nói: "Anh chả biết gì về anime, manga như nhiều người nghĩ về một người thích văn hóa Nhật. Anh vô tình nghe nhạc Nhật Bản thập niên 80 và thích chúng. Sau khi tìm hiểu, anh còn thích rất nhiều thứ của Nhật và thật tình cờ là chúng trùng thời gian (thập niên 80) với nhau".

Một không gian treo đầy poster của các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng Nhật Bản thập niên 70 - 80.

Một không gian treo đầy poster của các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng Nhật Bản thập niên 70 - 80.

Quán pub của Minh mở cửa từ 7 giờ tối tới 2 giờ sáng. Machibuse bán rượu là chính - điều không có gì ngạc nhiên với một quán pub thông thường nhưng chủ quán tâm sự thêm: “Anh muốn kết hợp cả đồ ăn để biến quán thành một dạng pub - izakaya”. (Izakaya chính là một mô hình ăn nhậu nổi tiếng của Nhật Bản).

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Quán pub chỉ nghe nhạc từ đĩa than

Thông thường, các quán pub Nhật Bản khác thường làm theo mô hình rất đậm chất Nhật cho dù là Nhật truyền thống hay hiện đại với lối bài trí tối giản, vuông vức, kết hợp nhiều nội thất gỗ, cửa kéo ngang, rèm vải… thì Machibuse lại hoàn toàn khác hẳn.

Điều khiến cho quán trở nên ấn tượng, đấy là toàn bộ không gian được bao phủ bởi âm nhạc của đĩa than chứ không phải từ các thiết bị hiện đại như bây giờ. Đây cũng là một góc “sống ảo” đắt giá của các bạn trẻ ghé quán khi khu vực bày đĩa than còn tràn ngập các đĩa đơn/album siêu hiếm ngay cả với người Nhật Bản. Có thể thấy tình yêu Nhật Bản và sự đầu tư của vị chủ quán này với Machibuse.

Thông thường, các quán pub Nhật Bản khác thường làm theo mô hình rất đậm chất Nhật cho dù là Nhật truyền thống hay hiện đại với lối bài trí tối giản, vuông vức, kết hợp nhiều nội thất gỗ, cửa kéo ngang, rèm vải… thì Machibuse lại hoàn toàn khác hẳn.

Những đĩa đơn và album thuộc hàng hiếm. Ngay cả với người bản địa cũng rất khó mua.

Những đĩa đơn và album thuộc hàng hiếm. Ngay cả với người bản địa cũng rất khó mua.

Chủ quán cho biết thêm: “Anh mở quán này chủ yếu để các bạn cùng đam mê âm nhạc City Pop (âm nhạc thập niên 70 - 80) có chỗ lui tới thường xuyên, cùng nghe nhạc”.

Quán không chỉ có đĩa than đắt đỏ mà có hàng loạt những đồ lưu niệm quý giá như chiếc máy bào đá hình con khỉ sẽ phát ra tiếng khỉ kêu khi hoạt động hay chiếc điện thoại có ngoại hình là một lon Coca Cola… Quán cũng trưng bày khá nhiều đồ lưu niệm khác của Nhật Bản được sản xuất trong khoảng thời gian những năm 70 - 80 còn khá mới. Được biết, anh chủ quán đã mất công sức để sưu tầm và đưa các món đồ từ Nhật Bản về Việt Nam.

Khu vực trưng bày đồ lưu niệm của quán. Ngoài rượu ta có thể thấy xa xa một cuốn tạp chí Goro (tạp chí nude) hay khung tranh có chắp bút của các thần tượng.

Khu vực trưng bày đồ lưu niệm của quán. Ngoài rượu ta có thể thấy xa xa một cuốn tạp chí Goro (tạp chí nude) hay khung tranh có chắp bút của các thần tượng.

Ngồi nói chuyện với anh lâu hơn, nghe anh chia sẻ về văn hóa và không gian đậm chất City Pop thì cũng đã gần khuya, anh mời phóng viên Travellive một ly rượu có màu xanh lá cây và bên trên là bọt trắng như kem.

Anh nói: “Đây là món signature (đặc trưng) của quán tên là Midori Sour. Midori trong tiếng Nhật có nghĩa là màu xanh lá cây”.

Món đồ uống Midori Sour chua ngọt ngậy vị kem trứng của quán.

Món đồ uống Midori Sour chua ngọt ngậy vị kem trứng của quán.

Hương vị chua ngọt dịu nhẹ của phần nước màu xanh kết hợp với phần bọt trắng béo thơm khiến món đồ uống trở nên nhẹ nhàng và dễ uống. Nhưng đừng quên đây chính là rượu, nếu không uống được nhiều thì bạn nên dừng lại ở một ly.

Vũ Minh cũng chia sẻ là quán sẽ bán thêm các món nướng, món nhậu nhẹ nhàng bên cạnh đồ ăn vặt để thực khách có nhiều lựa chọn hơn.

Tự tay làm kính màu

Một điểm đặc biệt tại quán đó là quán có phần mặt kính tại quầy counter được chính chủ nhân của quán là Vũ Minh và một bạn nhân viên cùng làm thủ công. Phần kính in tên quán “Machibuse” được trải đều khắp mặt kính với đường nét mềm mại và đẹp mắt.

Quán còn có một khung kính màu in hình ca sĩ Ishikawa Hitomi - thần tượng của Vũ Minh cũng do chính tay anh làm. Phần kính in 09 hình ảnh của cô ca sĩ nổi tiếng này tượng trưng cho 09 bài hát làm nên tên tuổi và sự nghiệp của cô.

Bức tranh làm từ kính màu tóm tắt nhiều năm sự nghiệp của Ishikawa Hitomi.

Bức tranh làm từ kính màu tóm tắt nhiều năm sự nghiệp của Ishikawa Hitomi.

Có thể thấy, bất cứ một góc nhỏ nào trong quán cũng được anh chăm chút và biến chúng thành một điều độc đáo, khác biệt và lạ mắt nhất. Điều này khiến phóng viên liên tưởng đến tính cách đặc trưng của người Nhật Bản.

Một không gian khác của Machibuse.

Một không gian khác của Machibuse.

Machibuse không phải là một quán pub xô bồ, ồn ã hay quá đông khách. Đây chỉ là một quán pub dành cho những người yêu phong cách và âm nhạc City Pop, hoặc những vị khách muốn tìm một không gian mới mẻ. Vì thế nên quán có vị trí và không gian khiêm tốn, giản dị, mang đậm dấu ấn cá nhân của chủ quán.

Hy vọng với bài viết trên, độc giả của tạp chí Travellive sẽ có thêm nhiều địa điểm mới lạ và hấp dẫn cho những lựa chọn tối cuối tuần chưa biết đi đâu, làm gì.

Hà Chuu - Nguồn: Nhân vật
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES