Tấm thảm thần và dự án thiện nguyện đầu tiên ở tuổi 17
Nguyễn Thúy Ngân thường được biết đến với các danh xưng như: cô gái chuyên “săn” tài trợ của các tỷ phú Mỹ, một trong hai người Việt Nam nhận được 30.000 USD để thực hiện chuyến thiện nguyện vòng quanh thế giới từ quỹ của tỷ phú Thomas Watson, cô gái đem 7 kg hành lý đi năm châu... Còn Ngân tự gọi mình với cái tên Jasmine Nguyễn.
Chia sẻ về tên gọi này, Jasmine Nguyễn cho biết: "Một trong những điểm bứt phá trong đời đó là lần đầu xa nhà năm 17 tuổi, khi tôi nhận được học bổng đến Mỹ. Tôi nhận thấy đây là cơ hội để nâng cấp bản thân mình. Ở Mỹ, mọi người không biết tôi là ai, đã từng làm gì. Họ chỉ biết tôi của ngày hôm nay. Đó cũng là lý do vì sao tôi tự đặt cho mình cái tên Jasmine theo tên nàng công chúa của Disney từ truyện Aladdin. Tôi ấn tượng với bản lĩnh của Jasmine, khi cô ấy dám ngồi lên thảm bay thần kỳ để nhìn ngắm thế giới".
Năm 21 tuổi, Ngân biết đến quỹ học bổng của nhà từ thiện Kathryn Wasserman Davis. “Ước mơ của tôi lúc đó là muốn mang đến kiến thức và mở ra một thế giới mới cho các em có hoàn cảnh không may thông qua tiếng Anh và tin học”. Nghĩ là làm, Ngân đã dồn hết tâm sức để tham gia dự án và xuất sắc vượt qua các ứng viên, mang về giải thưởng trị giá 10.000 USD. Ngân chia sẻ: “10.000 USD với một cô gái 17 tuổi, thực sự tôi cảm nhận được trọng trách mình gánh trên vai. Làm thế nào để số tiền được sử dụng hợp lý và để dự án lan tỏa là điều tôi luôn suy nghĩ”.
Sau đó, Jasmine Nguyễn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Quỹ học bổng Phillips do vợ chồng tỷ phú Jay Phillips thành lập. Quỹ nhằm giúp phụ nữ, trẻ em nhập cư tại bang Minnesota, Mỹ xóa bỏ mặc cảm tự ti, rào cản văn hóa để hòa nhập và học tập. Cô được trao 16.000 USD để thử nghiệm những biện pháp khắc phục.
Với vai trò quản lý khu vực châu Á - Thái Bình Dương Tổ chức AngelHack - Tổ chức đổi mới thúc đẩy công nghệ, Jasmine đã tổ chức, tìm kiếm tài trợ cho 20 cuộc thi lập trình, trong đó có 4 cuộc thi tại Việt Nam.
Khi công việc đang trên đà phát triển và vận hành trơn tru, Jasmine Nguyễn đưa ra một quyết định táo bạo, “một cú nhảy không ai có thể hiểu nổi” theo nhận xét của những người xung quanh. Đó là rời công ty để trở thành người điều hành tổ chức Diviners, một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập với mục đích chữa lành những tâm hồn bị tổn thương bằng thiền định và nghệ thuật.
Từ "cô gái chuyên săn tài trợ" đến "đứa trẻ tìm lại chính mình"
Phóng viên (PV): Bước ngoặt nào đã đưa chị đến với việc hành thiền ạ?
Jasmine Nguyễn: Ngân là một trong hai người Việt Nam nhận được 30.000 USD để thực hiện chuyến thiện nguyện vòng quanh thế giới từ quỹ của tỷ phú Thomas Watson. Trong suốt một năm đó, Ngân đã đến Anh, Rwanda, Thái Lan, Bangladesh, Nepal, Singapore, Chile, ở với hơn 50 gia đình, kết nối với 300 doanh nghiệp xã hội. Và bản thân công việc quản lý khu vực châu Á Thái Bình Dương của AngelHack cũng mang đến cho mình cơ hội được đi đến rất nhiều nước, tìm hiểu, khám phá và tổ chức các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo ở các quốc gia khác nhau. Mình nhận ra: Tất cả những trải nghiệm đó đều hướng ra bên ngoài. Càng đi nhiều, mình càng được thôi thúc tìm về với thế giới bên trong mình.
Hành trình hành hương đến Ấn Độ và tham gia khóa thiền tại Chennai trong suốt 10 ngày đã giúp mình chợt ngộ rằng: Mình chưa thực sự thấu hiểu chính mình. Nhờ trải nghiệm này, mình dám đối diện, kết nối sâu sắc với bản thân. Và đây chính là cơ duyên đã đưa mình đến với việc thực hành thiền định.
PV: Làm thế nào chị có thể chia sẻ với gia đình và những người xung quanh về quyết định của mình?
Jasmine Nguyễn: Mình đã từng có khoảng thời gian xuống tóc gieo duyên khi tham gia khóa tu ngắn tại một ngôi chùa ở Đồng Nai. Khi ấy, mẹ mình đã khóc rất nhiều và không đồng ý với mình. Bản thân mình cũng nhận thức rằng: Không thể dùng lời nói để thuyết phục mà cần phải chứng minh qua những thay đổi tích cực của bản thân.
Mình từng chạy trốn mối quan hệ xung khắc với mẹ bằng cách đi du học năm 17 tuổi, nhưng khoảng cách địa lý không phải là cách giải quyết vấn đề. Mình quyết định thuyết phục mẹ cùng tham gia chuyến nghỉ dưỡng chuyển hóa “Biến rác thành hoa” (Rác trong tâm hồn) do thiền sư người Ấn Ðộ Ojas Oneness tổ chức tại Vũng Tàu. Lần đầu tiên, mình thấy mẹ cười nhiều như thế, lần đầu tiên mình thấy bà nhảy múa hồn nhiên như một đứa trẻ. Sau chuyến đi, hai mẹ con trở nên thân thiết với nhau hơn. 5 ngày trôi qua mà mình cảm tưởng như đã làm được điều mà suốt 25 năm qua mình không thể bộc lộ với mẹ.
PV: Sau khi chị thực hành thiền kết hợp nghệ thuật, thân tâm trí của chị đã có những thay đổi rõ rệt nào ạ?
Jasmine Nguyễn: Thiền kết hợp với nghệ thuật cũng giống như sự kết hợp của âm và dương, động và tĩnh. Để tách bản thân khỏi sự vận động liên tục của cuộc sống, để trở nên tĩnh lặng sẽ khá khó khăn với một số người khi mới bắt đầu thực hành. Nhưng nhờ vào các hoạt động nghệ thuật như vẽ, nhảy múa sẽ giúp khơi thông sự tắc nghẽn bên trong. Mình có cơ hội quan sát những chuyển biến trên cơ thể, dành sự tập trung vào bản thân để rồi từ đó dần bước vào trạng thái thiền.
Sự kết hợp giữa thiền và nghệ thuật giúp cho nhiều người dễ tiếp cận với thiền định hơn bởi vốn dĩ ai cũng có tâm hồn nghệ thuật bên trong mình. Khi đã giải phóng những năng lượng bị tắc nghẽn bên trong, mình và mẹ đã cười nhiều hơn, hạnh phúc hơn khi được trở về là chính mình.
PV: Thiền định thường dễ bị hiểu lầm sẽ xa rời các giải trí thường thức như internet, phim ảnh, sách truyện. Chị có cảm thấy thực hành thiền định sẽ xung đột với các nội dung giải trí bình thường không?
Jasmine Nguyễn: Thiền định thường bị nhầm lẫn với việc thực hành tôn giáo, môn đồ hay đạo phái. Nhưng thực chất: Thiền là cách chúng ta luyện tập nhìn nhận các vấn đề một cách khách quan thay vì đánh giá dựa trên ý kiến chủ quan. Mình lấy ví dụ, cuộc sống của chúng ta giống như một dòng sông luôn chất chứa nhiều suy nghĩ. Tâm trí của chúng ta rất dễ bị cuốn theo các luồng suy nghĩ ấy. Thiền là cách để mỗi người tách mình khỏi dòng nước, để quan sát vấn đề một cách rõ ràng hơn, để không bị chìm đắm và cuốn đi trong những khó khăn, những tổn thương.
Vì thế, khi thực hành thiền áp dụng trong việc thưởng thức giải trí sẽ càng giúp chúng ta có những góc nhìn đa chiều hơn với phim ảnh, sách truyện hay âm nhạc. Mình sẽ trải nghiệm và học hỏi những khía cạnh tốt đẹp của những nội dung giải trí hoặc sẽ nhận biết những mặt chưa tốt của nội dung đó. Mình trở nên tỉnh thức hơn và không còn bị cuốn theo cảm xúc như trước nữa.
Làm chủ bản thân và tỉnh thức một cách thuần khiết
PV: Chủ nghĩa vật chất rất cao hiện nay ảnh hưởng đến chị như thế nào trong quá trình thiền định ạ?
Jasmine Nguyễn: Chủ nghĩa vật chất đúng là có ảnh hưởng rất nhiều đến việc thiền định. Nhưng bản thân mình lựa chọn thực hành thiền giữa đời thường và không tách rời vật chất. Đây là khó khăn nhưng cũng là cơ hội để mình học cách làm chủ bản thân, luôn giữ được sự tỉnh thức một cách thuần khiết. Ví dụ khi mình điều hành một tổ chức phi lợi nhuận, để có thể tiếp tục hoạt động tất nhiên mình phải cần có kinh phí. Vì thế, mình đã mở một nhà hàng chay với mong muốn tạo ra một nguồn lực hỗ trợ cho tổ chức.
Chúng ta đang sống trong một thế giới phát triển từ sự trao đổi, buôn bán, giao thương. Và không thể phủ nhận chúng ta là một phần của thế giới thương mại này, thử thách của mình lúc này chính là kinh doanh một cách tỉnh thức. Muốn vậy mình phải xác định rõ mục đích kinh doanh. Mình đang làm công việc vì cộng động, mình đang mở ra một cơ sở làm việc cho những người đang cần công việc để sống và phát triển bản thân. Điều này bắt buộc bản thân mình phải luôn giữ sự bình tĩnh, tập trung cao để tâm trí mình không bị giao động bởi thế giới vật chất. Đối với mình, đây thậm chí còn là hành trình tu tập ở mức độ cao hơn.
PV: Nhiều người cho thấy thiền định là phải thoải mái và dễ chịu, nhưng có nhiều người lại chia sẻ rằng để thực hành thiền định, họ sẽ phải trải qua những đau đớn và cả việc chiến đấu với chính mình. Còn kinh nghiệm của chị thì như thế nào ạ?
Jasmine Nguyễn: Đối với những người mới bắt đầu, việc hành thiền sẽ khó khăn bởi chúng ta chưa quen với thời gian thiền trong nhiều giờ. Và chúng ta cũng thường dễ bị xao nhãng bởi công việc, các mối quan hệ. Khi đối diện nỗi đau, mất mát hoặc tổn thương, con người sẽ luôn tìm kiếm những thú vui để xoa dịu những cảm giác đó. Nhưng khi thiền, điều duy nhất chúng ta có thể làm là đối diện với bản thân, với những nỗi đau đó.
Thiền giúp chúng ta nhận biết và hiểu sâu sắc về bản thân, từ đó phát triển khả năng quan sát thấu rõ. Khi đã hiểu về chữa lành, mọi tổn thương sẽ dần tan biến một cách phi nỗ lực.
PV: Hành hương đến những vùng đất thiêng giúp gì cho việc tu tập so với việc chỉ thực hành thiền định bình thường ạ?
Jasmine Nguyễn: Khi hành hương đến các vùng đất linh thiêng, mình luôn cảm thấy bản thân quá nhỏ bé trước vũ trụ. Ngoài ra, nguồn năng lượng của mẹ thiên nhiên dẫn dắt mình hướng vào bên trong một cách rất tự nhiên. Việc khám phá một vùng đất, một nền văn hóa mới là cách để chúng ta tiếp thu kiến thức. Nhưng để chuyển hóa những kiến thức thành trí tuệ lại là điều không dễ dàng. Bởi trí tuệ không dừng lại ở sự hiểu biết mà nó còn là sự thấu hiểu về ý nghĩa cuộc sống, làm sao để sống đẹp hơn mỗi ngày.
Chính vì thế, mình thường lựa chọn đi du lịch một mình theo xu hướng du lịch mạo hiểm như cách để có thể hướng trọn vẹn vào bên trong. Bên cạnh đó, mình cũng tham gia cùng cộng đồng thực hành thiền định. Gặp gỡ những con người tỉnh thức giúp bản thân mình học hỏi nhiều điều hay trong cuộc sống.
PV: Xin cảm ơn chị rất nhiều