Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận không ít các vụ tai nạn đường thủy đáng tiếc, gây thiệt hại về người và ảnh hưởng đến tâm lý du khách. Những sự cố này không chỉ để lại nỗi đau cho các gia đình mà còn đặt ra vấn đề cần quan tâm hơn đến công tác đảm bảo an toàn trên các tuyến đường thủy nội địa và ven biển. Bên cạnh yếu tố kỹ thuật, sự chủ quan của cả người điều khiển phương tiện và hành khách cũng là nguyên nhân dẫn đến những tình huống ngoài ý muốn.
Sau vụ chìm thuyền tại vịnh Hạ Long chiều 19/7 với 35 người tử nạn, 4 người mất tích đang khiến dư luận cả nước bàng hoàng, đau xót. Những sự kiện này một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức và kỹ năng sinh tồn dưới nước cho người dân, đặc biệt là những ai thường xuyên tham gia các chuyến du lịch đường thủy. Các chuyên gia đã liên tục đưa ra những khuyến cáo và hướng dẫn cụ thể nhằm tăng cường cơ hội sống sót nếu chẳng may đối mặt với tình huống khẩn cấp trên sông, biển.

Những tai nạn thương tâm là lời cảnh tỉnh cho người dân
Khi du lịch đường thủy cần lưu ý gì?
Luôn lắng nghe và ghi nhớ quy trình hướng dẫn an toàn
Trong ngành du lịch hàng hải, các công ty lớn đều tuân thủ những quy định an toàn nghiêm ngặt. Việc tổ chức các buổi hướng dẫn an toàn trước mỗi chuyến khởi hành không chỉ là một yêu cầu bắt buộc mà còn là minh chứng cho cam kết về sự an toàn của nhà cung cấp dịch vụ. Nếu không tuân thủ, họ sẽ phải đối mặt với những hình phạt nặng nề hoặc thậm chí là mất giấy phép hoạt động.

Du lịch bằng du thuyền có thể là hành trình nhẹ nhàng với những du khách có nhu cầu nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý tới những nguyên tắc dưới đây để đảm bảo chuyến đi suôn sẻ và an toàn
Một buổi hướng dẫn an toàn tiêu chuẩn thường bao gồm nhiều nội dung quan trọng. Du khách sẽ được giới thiệu quy trình ứng phó khi xảy ra sự cố, từ cách nhận biết tín hiệu khẩn cấp cho đến cách di chuyển và tập trung tại khu vực an toàn. Các vật dụng cứu hộ như áo phao, bè cứu sinh và thiết bị liên lạc cũng sẽ được hướng dẫn cụ thể về vị trí và cách sử dụng. Đặc biệt, hành khách sẽ được chỉ dẫn lối thoát hiểm gần nhất từ vị trí ngồi của mình, kèm theo các khẩu lệnh và âm thanh báo động cần lưu ý trong tình huống sơ tán. Dù hiếm khi phải dùng đến, những thông tin này lại có thể quyết định khả năng ứng cứu và tỷ lệ sống sót trong trường hợp khẩn cấp.
Chủ động quan sát và làm quen với môi trường xung quanh
Mỗi quy trình an toàn của các hãng vận tải đều được xây dựng từ kinh nghiệm thực tế và tiêu chuẩn quốc tế, vì thế không có hướng dẫn nào là thừa. Việc hành khách chủ động lắng nghe và hợp tác trong các buổi hướng dẫn là điều cần thiết. Trong những tình huống khẩn cấp dù hiếm khi xảy ra, cơ hội sống sót thường thuộc về những người đã chuẩn bị trước và biết rõ mình cần phải làm gì.

Du khách cần nắm rõ hành trình: đi trong bao lâu, tới những điểm nào và những lưu ý cần tránh
Bên cạnh việc lắng nghe, du khách cũng cần chủ động tự kiểm tra các vật dụng an toàn đã được hướng dẫn. Hãy đảm bảo rằng áo phao có sẵn ở vị trí dễ lấy và các thiết bị khác như phao cứu sinh (nếu có) đều trong tình trạng hoạt động tốt. Một thói quen hữu ích khác là xem bản đồ thoát hiểm ngay khi vừa đặt chân lên tàu. Tương tự như khi bước vào một khách sạn, chung cư mới hay lên máy bay, việc xác định lối thoát hiểm gần nhất và ghi nhớ đường đi sẽ giúp bạn phản ứng nhanh chóng và hiệu quả hơn nếu có bất kỳ sự cố nào xảy ra.
Luôn giữ áo phao bên mình
Áo phao là vật cứu sinh quan trọng nhất. Mỗi hành khách trên tàu đều được trang bị một chiếc áo phao. Dù không mặc trong suốt chuyến đi, hãy luôn giữ nó ở vị trí dễ lấy nhất. Ngay khi có bất kỳ dự cảm nào về sự cố, lập tức mặc áo phao đúng cách.

Luôn giữ áo phao ở gần mình khi du lịch bằng tàu thuyền
Xử lý vật nặng và di chuyển an toàn
Khi tàu thuyền có dấu hiệu gặp sự cố, hãy nhanh chóng bỏ bớt những vật nặng không cần thiết đặt chúng xuống sàn hoặc ném khỏi tàu nếu có thể để tránh gây thương tích khi tàu rung lắc. Tiếp đó, di chuyển chậm rãi về phía trung tâm thuyền, nơi thường ổn định và an toàn hơn.
Nếu nước bắt đầu tràn vào, hãy giữ bình tĩnh, phối hợp với mọi người dùng các vật dụng sẵn có để tát nước ra ngoài. Trong lúc đó, nên quỳ hoặc ngồi thấp để giữ vững trọng tâm, tránh làm mất thăng bằng. Đặc biệt, nếu có người hoảng loạn, tuyệt đối không nên vùng vẫy hay đứng dậy vì điều này có thể khiến tàu lật nhanh hơn.

Phải luôn bình tĩnh xử lý các vật nặng nếu thuyền có dấu hiệu chìm
Bám vào vật nổi và nhanh chóng rời khỏi vùng nguy hiểm
Khi tàu bắt đầu chìm, hãy nhanh chóng ném xuống nước tất cả các vật dụng có thể nổi như can nhựa, miếng xốp, thùng nhựa hoặc phao. Nếu tàu có hệ thống phao cứu sinh, hãy di chuyển theo hướng dẫn của thuyền viên và giữ trật tự; tuyệt đối không tự ý nhảy xuống nước hoặc lao xuống tầng dưới, vì điều này có thể gây nguy hiểm cho chính bạn và người khác.
Trong trường hợp không có phao cứu sinh, hãy bình tĩnh quan sát xung quanh để tìm những vật nổi có thể bám vào, sau đó nhảy về phía chúng. Nếu có nhiều xuồng cứu hộ, hãy cố gắng kết nối chúng lại bằng dây hoặc vải, cách làm này giúp tăng độ ổn định khi gặp sóng lớn, giữ được sự gắn kết giữa các nhóm người và giúp tàu cứu hộ dễ dàng phát hiện hơn.

Cố gắng tìm kiếm các vật nổi bám vào để đảm bảo an toàn cho bản thân
Một trong những điều quan trọng cần ghi nhớ là khi thuyền bắt đầu chìm, hiệu ứng chân không có thể kéo bạn theo. Vì vậy, nếu buộc phải nhảy khỏi thuyền, hãy dùng toàn bộ sức để nhảy càng xa càng tốt, đồng thời quan sát kỹ để tránh va chạm với người khác hoặc nhảy vào khu vực đã quá đông.
Khi đã tiếp nước, tuyệt đối không vùng vẫy trong hoảng loạn. Việc gắng sức không kiểm soát sẽ nhanh chóng khiến bạn kiệt sức và dễ bị chìm. Hãy cố gắng hít sâu, thả lỏng, nằm ngửa để cơ thể nổi trên mặt nước. Đây là kỹ thuật quan trọng giúp bạn giữ hơi thở, giữ bình tĩnh và tăng khả năng sống sót, ngay cả khi không biết bơi. Cứ như vậy, bạn có thể cầm cự cho đến khi đội cứu hộ tiếp cận.
Giữ sức và phát tín hiệu cầu cứu
Nếu phát hiện có vết dầu loang từ con tàu bị đắm, hãy lập tức tìm cách rời xa khu vực đó bởi nguy cơ cháy nổ từ dầu loang là rất cao. Trong trường hợp nhìn thấy máy bay hay tàu thuyền khác từ xa, hãy tận dụng mọi phương tiện để phát tín hiệu cầu cứu: đốt pháo sáng, tạo khói, vẫy quần áo có màu nổi bật hoặc tạo ra âm thanh lớn. Tuy nhiên, nếu tín hiệu chưa được nhận ra, đừng lãng phí quá nhiều sức, hãy giữ lại năng lượng cho những tình huống cấp thiết hơn.
Trong mọi hoàn cảnh, điều quan trọng nhất là bảo toàn sức lực. Hạn chế ăn uống nếu lương thực có hạn, chia khẩu phần hợp lý và ưu tiên giữ nước. Nếu trời mưa, hãy tận dụng túi nilon, mũ hoặc bất kỳ vật dụng nào có thể để hứng nước - nước ngọt là yếu tố sống còn. Tuyệt đối không uống nước biển, vì nó sẽ khiến bạn càng mất nước nhanh hơn. Rong biển, nếu tìm thấy, có thể là nguồn dinh dưỡng tạm thời giúp bạn cầm cự.

Nếu lênh đênh trên biển, bạn phải bình tĩnh xác định được hướng đất liền, tìm cách phát ra tín hiệu cầu cứu nếu thấy phương tiện nào đi qua
Khi lênh đênh trên biển, hãy cố gắng giữ bình tĩnh để quan sát và xác định hướng đất liền. Các loài chim biển thường bay về đất liền vào buổi chiều – nếu thấy chim, bạn có thể lần theo hướng bay của chúng. Khi có tín hiệu của đất liền, hãy tận dụng sức gió hoặc dòng chảy để tiếp cận hướng đó một cách an toàn nhất có thể.
Không ai mong rơi vào cảnh trôi dạt giữa biển khơi, nhưng nếu điều đó xảy ra, ngoài kỹ năng sinh tồn, bạn còn cần sức mạnh tinh thần để vượt qua nỗi sợ hãi và cả cơn hoảng loạn. Chính sự bình tĩnh và ý chí sống còn sẽ trở thành chiếc la bàn giúp bạn vượt qua nguy hiểm và tăng cơ hội được cứu.