Năm 2024 sẽ đánh dấu sự hình thành tuyết phủ muộn nhất trên ngọn núi cao nhất và mang tính biểu tượng của đất nước Mặt Trời mọc kể từ khi dữ liệu bắt đầu ghi chép cách đây 130 năm. Kỷ lục tuyết đầu mùa rơi muộn nhất trước đó được ghi nhận là vào ngày 26/10/1955, sau đó lặp lại một lần nữa vào năm 2016.
Ngọn núi Phú Sĩ nổi tiếng ở Nhật Bản vẫn không có tuyết cho đến tận thời điểm này của năm. Đây là thời điểm muộn nhất trong năm mà đỉnh núi và sườn núi này vẫn chưa có tuyết, kể từ khi dữ liệu được ghi lại vào 130 năm trước, theo cơ quan khí tượng địa phương, được đăng trên trang AFP và The Japan News.
Trung bình hằng năm, tuyết bắt đầu phủ trên đỉnh núi Phú Sĩ từ ngày 2/10. Năm ngoái, thời điểm tuyết xuất hiện trên đỉnh núi đã muộn hơn một chút, là vào ngày 5/10. Nhưng vì thời tiết ấm áp ở Nhật, do ảnh hưởng của sự ấm lên trên toàn thế giới, năm nay tuyết vẫn chưa rơi trên đỉnh núi cao nhất Nhật Bản.
Đợt tuyết rơi đầu tiên trong năm ở núi Phú Sĩ thường báo hiệu mùa đông sắp đến. Theo Cơ quan Khí tượng địa phương Kofu, nhiệt độ cao hơn bình thường được cho là nguyên nhân khiến tuyết rơi muộn trên núi.
Hàng năm, các viên chức thời tiết xác nhận lượng tuyết rơi đầu tiên của mùa từ văn phòng khí tượng, cách ngọn núi khoảng 40 km. Hoạt động này bắt đầu vào năm 1894, khi đài quan sát trước đó được thành lập. Các quan chức cho biết thời tiết nhiều mây quanh núi hoặc trong thành phố có thể khiến họ khó xác định được sự hình thành của lớp tuyết phủ ngay cả khi tuyết đã rơi.
Mùa hè năm nay của Nhật Bản là mùa hè nóng nhất trong lịch sử - ngang bằng với mức nhiệt ghi nhận vào năm 2023 - khi các đợt nắng nóng khắc nghiệt do biến đổi khí hậu bao trùm nhiều khu vực trên toàn cầu. Trong mùa leo núi từ tháng 7 đến tháng 9, có hơn 220.000 du khách lội bộ lên những sườn núi đá dốc đứng. Nhiều người leo núi suốt đêm để ngắm bình minh từ đỉnh núi cao 3.776 mét.
Tuy nhiên, năm nay, số lượng người leo núi đến núi Phú Sĩ ít hơn sau khi chính quyền Nhật Bản áp dụng chính sách thu phí vào cửa và giới hạn số lượng người leo núi hằng ngày để hạn chế tình trạng du lịch quá mức.