Udaipur – Venice phương đông trầm mặc giữa lòng Ấn Độ nhộn nhịp

19/11/2022

Bạn tôi hay đùa hỏi sao tôi có may mắn được thực tập dài ngày ở Udaipur.

Bạn tôi hay đùa hỏi sao tôi có may mắn được thực tập dài ngày ở Udaipur - một thành phố trong lòng Ấn Độ mà lại đẹp như trời Âu. Tôi nghĩ phần cũng vì cái duyên. Tôi chưa từng mường tượng ra sự đẹp đẽ run người của Udaipur trước khi đặt chân tới. Về sau, khi đọc thêm, nghe thêm nhiều câu chuyện về văn hóa, lịch sử, đi qua những thành phố khác nhau ở Ấn Độ, rồi đến khi quay lại thành phố này lần thứ 2, tôi mới có thể cảm nhận được nhiều hơn vẻ đẹp ẩn sâu của Udaipur.

Thành phố Udaipur được mệnh danh là “Venice của phương Đông”.

Thành phố Udaipur được mệnh danh là “Venice của phương Đông”.

Udaipur – Venice của phương đông

Tôi nghĩ phần lớn lý do là vì thời gian tôi ở lại thành phố này lâu hơn các nơi khác, nên tình cảm tôi dành cho vùng đất này cũng đong đầy hơn. Hoặc sâu thẳm bên trong là vì tôi vốn thích sự tĩnh mịch nên dễ bị chinh phục bởi không khí lãng mạn và tinh tế mà Udaipur mang lại. Với tôi, Udaipur có nhiều điều để nói chứ không đơn thuần được nhắc đến chỉ vì vẻ ngoài kiêu kỳ và thu hút như cách truyền thông gọi tên “Châu Âu của Ấn Độ” hay “Venice của phương Đông”.

Với tâm hồn của một người yêu trải nghiệm, tôi nghĩ mình còn bị chinh phục bởi sự dung dị của con người, sự trầm mặc của thiên nhiên và sự nghiêm trang của tôn giáo nơi đây. Một điều đặc biệt khác mà tôi luôn nghĩ về, đó là sự đối lập cần thiết của một Udaipur trong lòng nước Ấn. Thành phố này vẫn mang vẻ đẹp riêng của nó, nên thơ và lãng mạn, nhưng chưa bao giờ đánh mất đi những nét đặc trưng chỉ tìm kiếm được ở một quốc gia lạ kỳ như Ấn Độ. Tôi nghĩ để nhắc hay miêu tả về một thành phố, ta có thể dùng tên thành phố ấy như một tính từ. Điều đó thể hiện nét đặc trưng riêng, không thể trộn lẫn với bất cứ nơi nào khác.

Như cách ta nhìn một bức hình và nhận định là nhìn nó rất Hà Nội, rất Sài Gòn. Và để có thể sử dụng một tính từ như thế, tôi nghĩ mình cần nhiều thời gian để tâm hồn mình thực sự trần trụi, để nhịp sống của một vùng đất mới gột rửa con người mình, ném mình trong những trải nghiệm, những bài học ở những góc khuất khác nhau trong thành phố. Với tôi, sau những chuyến đi tới nhiều thành phố, các bang khác nhau ở Ấn, tôi có thể mạnh dạn nói rằng Udaipur hoàn toàn có thể được nhìn nhận như một tính từ. Udaipur là một thành phố xinh đẹp, dịu dàng và yêu kiều nằm ở bang Rajasthan - phía đông bắc Ấn Độ. Vùng Rajasthan nổi tiếng với thời tiết nắng nóng vì có nhiều hoang mạc trải dài. Udaipur cũng chẳng ngoại lệ, phần lớn diện tích nằm trong vùng sa mạc nên khí hậu nóng ẩm.

Một chiều hoàng hôn ngắm nhìn thành phố Udaipur giữa con sông từ trên cao.

Một chiều hoàng hôn ngắm nhìn thành phố Udaipur giữa con sông từ trên cao.

Tuy nhiên, vì được thiên nhiên ưu đãi, bao bọc bằng nhiều hồ nước và núi cao nên nhìn chung khí hậu ở đây không quá khắc nghiệt. Hệ thống hồ nước chằng chịt phức tạp đã khiến mọi người luôn nghĩ về Udaipur như là thành phố của những hồ nước. Mỗi cuối tuần, hay vào các dịp lễ, khi cùng đi chơi với bạn bè là tôi lại được dẫn đến những ngọn núi mới, hay được nhìn ngắm những hồ nước khác nhau từ những cái đền cao chót vót ở Udaipur như Fateh Sagar hay Pichola...

Tôi vẫn thường hay thắc mắc về về sự bình yên, trầm mặc của Udaipur khi đặt trong một vùng hoang mạc khô cằn như Rajasthan, nơi mà cách đó hàng trăm năm, người ta phải chiến đấu để được sinh tồn. Vậy mà giờ đây, khi nhìn ngắm Udaipur bình yên đó, chẳng có câu trả lời nào xác đáng hơn khi nghĩ rằng nó thực sự là một đặc ân của tạo hóa.

Có truyền thuyết kể rằng vùng đất này khô cằn và khắc nghiệt vì ngày xưa, có một nhà hiền triết đi ngang qua. Sau khi thiền xong, ông tìm một ít nước để uống và ông hỏi thăm những người xung quanh. Nhưng họ đều từ chối và đối xử thô lỗ với ông. Thế là ông đã nguyền rủa vùng đất này. Bởi vì nơi này đã từng chối cho ông nước, nên nó sẽ không bao giờ có đủ nước để uống và sẽ gặp rất nhiều khó khăn để tìm kiếm nó. Và kể từ đó, cả vùng Rajasthan trở nên khô hạn và trở thành sa mạc, trả giá cho hành động lỗ mãng trước đó.

Nơi trầm mặc giữa sự nhộn nhịp xứ Ấn

Udaipur còn được coi là thành phố của những cung điện. Ở thành phố cũ vẫn còn lưu lại những dấu tích của một thời kì hoàng kim khi Udaipur là thủ đô của vương quốc Mewar. Hầu hết chuỗi cung điện, lâu đài ở Udaipur hay các công trình kiến trúc cũ ở thành phố này đều bị ảnh hưởng bởi lối kiến trúc của tầng lớp chiến binh Rajput ở miền Tây Bắc Ấn Độ nên đều giữ được vẻ sang trọng, quyền quý.

Udaipur là thành phố của những cung điện cổ xưa.

Udaipur là thành phố của những cung điện cổ xưa.

Thời xưa, cả vùng Rajasthan là nơi nằm dưới sự quản lý của những chiến binh Rajput, tên cũ của vùng Rajasthan là Rajputana, nghĩa là vùng đất của người Rajput. Tầng lớp chiến binh Rajput cùng với nhóm giáo sĩ Bà La Môn, cùng các gia đình hoàng gia còn sót lại là những người nắm giữ nhiều tài sản, của cải ở Udaipur, đến tận ngày nay. Ngoài ra, đây còn là thủ phủ của những pháo đài lịch sử, bảo tàng, phòng trưng bày, đền kiến trúc cũng như là quê hương của nhiều lễ hội, hội chợ truyền thống. Đi dọc về phía ngoại ô của Udaipur là các pháo đài sừng sững, là dấu tích của vương quốc Mewar cũng như những chiến binh Rajput. Đến khi về nước, điều tôi luôn khắc khoải trong lòng là trong suốt hơn hai tháng ở Udaipur, tôi không dành nhiều thời gian hơn để khám phá sự dày đặc của vùng đất này về văn hóa, con người, lịch sử.

Một trong những địa điểm ưa thích của tôi ở Udaipur là bờ hồ Pichola, còn gọi là Gangor ghat (Ghat có nghĩa là bờ). Từ phía bờ hồ, mở tầm mắt nhìn ngắm phía bên kia bờ sông sẽ thấy những khách sạn, cung điện xưa, dấu vết của một vùng đất Rajasthan từng là nơi trị vì của rất nhiều vị vua lừng danh. Ngoài ra, bờ hồ cũng là nơi mà người dân Udaipur ưa chuộng vào những ngày không có mưa. Khi đó, nước gần bờ hồ sẽ rút, để lại những bậc thang để mọi người ngồi hàn huyên với nhau và nhìn ngắm khung cảnh trữ tình xung quanh.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Người dân và du khách tản bộ trên bờ hồ Pichola

Người dân và du khách tản bộ trên bờ hồ Pichola

Tôi và người hướng dẫn của mình từng ngồi trò chuyện cả buổi chiều ở đó, gợi nhớ về khung cảnh những bậc thang tri thức trong bức họa trường học ở Athens thời Phục Hưng. Có lần đi một mình, tôi lặng yên đứng nhìn đàn chim bay ngang bờ hồ mà ngỡ ngàng vì khung cảnh lúc này chẳng khác gì với những thước phim về Châu Âu mà tôi từng thấy trước kia trên phim ảnh.

Vùng đất của tâm linh và tín ngưỡng cổ xưa

Đền Jagdish đằng sau bờ sông cũng là một địa điểm thu hút sự tò mò của tôi. Đây là ngôi đền cổ của đạo Hindu, lớn và nổi tiếng nhất ở Udaipur, thờ thần Vishnu do nhà vua MAHARANA Jagat Singh I xây từ thế kỷ 17. Nếu tình cờ đi dọc các con đường hoặc thấy bạn bè nào tên có họ là Singh thì có thể đó là dòng dõi của vua. Đền có 3 tầng, và các lầu tháp đặc sắc. Đây là một công trình kiến trúc tiêu biểu cho phong cách của người Indo-Aryan với từng cây cột, từng bức tường, trần nhà đều được lấp đầy những chạm khắc tinh xảo với hình ảnh voi, ngựa, vũ công, nhạc công, nhạc khí,... mỗi loại thú tượng trưng cho một vị thần khác nhau.

Mỗi lần đến đền, tôi thường chọn cách ngồi vào một góc nhìn mọi người cúng tế, làm lễ. Tôi cứ thử không làm gì, cứ nhìn mọi thứ, cứ để mọi thứ thu hết vào mắt mình mà không phản ứng lại. Tôi cũng chẳng hình dung được rằng sau đó nó đã trở thành thói quen của tôi vào mỗi thứ 7 cuối tuần.

Khu đền Jagdish cổ kính và linh thiêng trong văn hóa Ấn Độ

Khu đền Jagdish cổ kính và linh thiêng trong văn hóa Ấn Độ

Sau khi kết thúc công việc của mình, từ chỗ làm, tôi lại đi bộ ra ngã tư Fatehpura Circle, chờ chiếc tuktuk đi ngang, nói địa điểm dừng chân là chợ trung tâm, trả đúng 10 rupee, cười tươi với những người ngồi trên xe (vì tôi biết họ đang tò mò về tôi) và khoan thai nhìn ngắm thành phố. Tới bến xe, tôi lại đi bộ dọc theo những con dốc nhỏ nhộn nhịp, rồi leo qua mấy bậc thang lên đền, ngồi ở đó từ chiều cho đến tối muộn. Tôi nghe những âm thanh xa lạ từ tiếng người, tiếng đồ vật, tiếng hát và có thể là tiếng của cả thần linh đâu đó. Tôi nhận bất kì đồ ăn nào mà người ta cho, như một mẩu bánh vừa cúng xong, hay một ít dừa khô vừa được mọi người hạ xuống, hoặc một trái ổi dập.

Tôi ngồi đó, đón từng dòng khách đi ngang qua lại, nhìn được cả sự rối ren trong dòng người tấp nập và cả sự bình yên trong tâm hồn đến cùng một lúc. Đôi khi tôi quên đi cả ý niệm về thời gian vì đã tắt hết điện thoại trước khi vào đền. Có lần, tôi ngồi đến tối muộn, các bạn tôi phải dáo dác đi tìm và chỉ thở phào khi thấy tôi an toàn ngồi trong góc đền. Đền Hindu dễ tìm thấy ở những con đường ở Udaipur, ngoài ra có thể là đền của đạo Jain, một tôn giáo khác ở Ấn Độ.

Người dân Udaipur đi dạo ở hồ Fateh Sagar

Người dân Udaipur đi dạo ở hồ Fateh Sagar

Đó là khi một mình, còn khi đi chơi với bạn bè, thường tôi lại được rủ đến hồ Fateh Sagar, một nơi nhộn nhịp và đông đúc hơn. Tôi đi đến đây vào lúc sáng để thấy được cung điện, sông núi trong sự yên tĩnh hoặc có thể vào lúc chiều tối để thấy được sự náo nhiệt vì nhiều người hay đi dạo và ăn uống. Fateh Sagar được bao bọc bởi những đồi núi và mảnh rừng, nó cũng được nối với hồ Pichola bằng một con kênh nhỏ. Đây là một địa điểm quen thuộc của nhóm bạn của tôi ở Udaipur trong những dịp sinh nhật, hội họp, hay tranh luận.

Ngoài đi ngắm hồ, vào nhiều dịp cuối tuần, tôi cũng hay leo núi cùng bạn bè ở Udaipur. Núi ở Udaipur thì không khó lắm với tôi, nó không dốc và đòi hỏi nhiều sức như những ngọn núi tôi từng đi ở Việt Nam. Thường những buổi cuối tuần đi leo núi đơn thuần chỉ là dịp để gặp gỡ bạn bè, kết nối với thiên nhiên đơn thuần thôi chứ không mang tính thám hiểm nhiều.

Địa điểm quen thuộc khi leo núi là đỉnh hồ Badi, nó là một cái hồ nhân tạo khác được xây nên để làm giảm bớt tác động khắc nghiệt của hạn hán ở vùng Rajasthan. Đặc biệt là trong mùa hạn hán kỷ lục năm 1973, hồ Badi đã là ân nhân của hàng ngàn người ở Udaipur. Vượt ra khỏi lãnh thổ Udaipur, hồ Badi còn nổi tiếng trên khắp đất nước Ấn bởi sở hữu mặt nước xanh rì và trong vắt.

Thưởng thức bữa chiều trên đỉnh hồ Baldi.

Thưởng thức bữa chiều trên đỉnh hồ Baldi.

Ở Udaipur, còn có một sự đối lập khác là sự đối lập giữa truyền thống và hiện đại. Hầu hết những đền, bờ hồ, cung điện đều nằm về phía thành phố cổ, còn phần phát triển thì nằm về hướng Đông của thành phố. Tôi cũng hiếm hoi đi về phía bên kia thành phố, nơi mà những công viên công nghệ thông tin, trung tâm thương mại, hay các bệnh viện trường học đang dần được xây lên mỗi ngày. Hầu hết khách du lịch sẽ thường đến khu thành phố cũ, nơi nổi tiếng với khu chợ chuyên bán những mặt hàng đá cẩm thạch, đồ trang sức nổi tiếng cùng các danh lam thắng cảnh.

Có một điều thú vị là Udaipur còn được mệnh danh là thiên đường của bò. Các chuyên gia nghiên cứu tại Udaipur cũng thấy rằng bò, hay một vài loài động vật khác là cách biểu hiện của sự giàu có, dư dả ở thành phố này. Và việc mà con người và các loài động vật sống với nhau ngay cả trên đường phố và các khu dân cư, chia sẻ việc sử dụng những khu vực công cộng như đường phố, công viên, quảng trường, ngã tư thật sự là một điều vô cùng độc đáo ở Ấn Độ mà khó có thể tìm ở nơi nào trên thế giới. Chuyện về bò còn dài, lại hẹn trong một chương sử thi khác vậy.

Udaipur luôn giữ được vẻ thanh lịch chính là vì sự vừa vặn ấm cúng của nó.

Udaipur luôn giữ được vẻ thanh lịch chính là vì sự vừa vặn ấm cúng của nó.

Những ngày rong ruổi nơi đây lại cho tôi cảm nhận rằng điều khiến Udaipur luôn giữ được vẻ thanh lịch chính là vì sự vừa vặn ấm cúng của nó. Đây là một thành phố không quá đồ sộ và đông dân như những nơi khác ở Ấn Độ. Việc sống chậm dần trở nên quen thuộc trong những ngày tháng tôi ở Ấn Độ, và đòi hỏi sự thích nghi của bản thân tôi rất nhiều. Lúc đầu tôi cũng hơi khó chịu, nhưng rồi vì không có sự lựa chọn, tôi cũng học cách tìm niềm vui trong sự đợi chờ. Vậy là cứ khoan thai và chậm rãi, nhịp điệu của Udaipur đã hòa vào nhịp sống hối hả trước đó của tôi, để chúng tôi có thể thong dong đi cùng nhau những ngày ở đó.

Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết trong bài thơ Tiếng hát con tàu:

“ Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ

Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!”

Suy cho cùng, “Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?” Ít ai có thể nghĩ rằng, mảnh đất mà mình chỉ định cư nương nhờ trong một thời gian ngắn lại trở thành một phần lớn lao để thay đổi con người mình, để linh hồn mình được khám phá những chân trời diệu kỳ khác nhau. Quả thật, việc sống ở một thành phố, để những thứ vốn dĩ đã gắn chặt vào thành phố đó gột rửa con người mình, luôn là điều thú vị mà tôi luôn mong được trải qua trong những năm tháng chu du đó đây.

Thông tin thêm:

Di chuyển máy bay: Du khách có thể bay thẳng đến sân bay Delhi hoặc Mumbai sau đó bay đến sân bay Udaipur.

Trải nghiệm tàu thủy: Du khách đến Delhi hoặc Mumbai cũng có thể đặt vé tàu trực tuyến thông qua trang web đặt trực tuyến IRCTC. Ngoài ra, các cổng thông tin du lịch như Cleartrip.com; Makemytrip.com và Yatra.com hiện cũng cung cấp dịch vụ đặt vé tàu trực tuyến.

Visa: Đối với khách du lịch, loại visa phổ biến là Double Entry e-Tourist visa. Loại visa này cho phép nhập cảnh vào Ấn Độ không quá 2 lần. Thời hạn lưu trú tối đa cho mỗi lần nhập cảnh là 60 ngày với thủ tục không quá 3 ngày.

Mai Hiên
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES