Tại sao văn học thiếu nhi Hàn Quốc lại có xu hướng khai thác những chủ đề này, việc giáo dục con trẻ ở xứ sở kim chi có tương đồng và khác biệt gì với Việt Nam, nên hay không nên để trẻ em tiếp xúc với những tác phẩm văn học thiếu nhi của Hàn… là những câu hỏi sẽ được đặt ra trong tọa đàm mang tên Văn học thiếu nhi Hàn, quen hay lạ?, cũng là số đầu tiên trong chuỗi chương trình Trò chuyện về văn học Hàn Quốc, nơi những người yêu thích nền văn học từ xứ sở kim chi có thể lắng nghe và trao đổi cùng nhau những suy nghĩ, cảm xúc của mình.
Tọa đàm sẽ được tổ chức vào 9h30 ngày 2/10, tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, 49 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội với sự tham dự của các khách mời: dịch giả Nguyễn Thị Thu Vân, Biên tập viên Nguyễn Hà Linh, MC Nguyễn Minh Trang.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Vân là dịch giả của một số tác phẩm văn học hiện đại Hàn Quốc: Cô gà mái xổng chuồng, Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi, Cá gai (sắp phát hành) v.v... Cô có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, xã hội Hàn Quốc. Hiện cô đang là giảng viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội.
Biên tập viên Hà Linh từng theo học Đại học nữ Duksung ở Hàn Quốc, trước khi làm việc ở vị trí biên tập viên ban Hán ngữ của công ty Nhã Nam; cô đã biên tập và dịch một số tác phẩm thiếu nhi, thanh thiếu niên của Hàn Quốc như: Cá voi đỉnh núi, Yêu con như nắng xuân, Cá hồi, Tôi đã chết vào một ngày nào đó...
MC Minh Trang, không chỉ được công chúng biết đến như một gương mặt quen thuộc trên truyền hình, cô còn là một người mẹ rất quan tâm đến việc giáo dục con cái thông qua sách văn học, đặc biệt là văn học thiếu nhi.