Vì sao những chuyến đi thảm hoạ lại tuyệt vời?

15/08/2022

Những chuyến đi thảm hoạ thường mang đến những câu chuyện tuyệt vời nhất. Chúng có thể tác động khiến chúng ta thay đổi, chúng đáng nhớ hơn những chuyến đi được cho là "hoàn hảo", và thực ra lại khiến ta hạnh phúc hơn.

Hành trình thảm hoạ mang lại trải nghiệm khó quên

Cái danh "thảm hoạ" bao hàm rất nhiều điều. Hành trình có thể chỉ sai lệch một chút thôi: lỡ chuyến hay tham gia diễu hành vào đúng ngày mưa, là tất cả bị dán nhãn "thảm hoạ". Cũng có những chuyến đi tồi tệ và sai kế hoạch kinh khủng đến mức chúng trở nên nổi tiếng. Sự khủng khiếp của chuyến thám hiểm Terra Nova diễn ra năm 1910 tới Nam Cực đã được Apsley Cherry-Garrard kể lại sống động trong cuốn hồi ký "The Worst Journey in the World" (tạm dịch: Chuyến hành trình tồi tệ nhất thế giới). Và cuốn sách đã biến một sự thất bại thành một tác phẩm kinh điển của thể loại văn học phiêu lưu.

Một hành trình thảm hoạ thì tất nhiên là tồi tệ, nhưng định nghĩa “tồi tệ” của mỗi người lại một khác. Đối với tiểu thuyết gia, ký giả người Mỹ Martha Gellhorn, không gì tồi tệ hơn một chuyến đi nhàm chán và không gì nhàm chán hơn một cuộc du ngoạn trên biển. “Mới nghĩ đến chuyến đi như thế là tôi đã thấy chán chường” - bà nói. Năm 1944, bà có mặt trên một con tàu chở thuốc nổ của Na Uy băng qua Đại Tây Dương. Hầm tàu chứa đầy chất dễ gây cháy nổ, đồ ăn quá mức khủng khiếp, đồ uống là một thứ xa xỉ, thuỷ thủ đoàn thì không biết cười là gì. Cũng chẳng có lấy một chiếc thuyền cứu sinh. Khi con tàu cập bến cảng Liverpool an toàn, Martha cảm thấy nhẹ nhõm, nhưng đồng thời bà cũng có cảm giác nuối tiếc lạ kỳ. Bà rất thích chuyến đi tồi tệ đó. “Nếu phải chọn giữa du thuyền và tàu chở thuốc nổ, thì quá rõ ràng là tôi biết mình sẽ chọn cái nào”.

Theodore Roosevelt (bên phải) và Cândido Mariano da Silva Rondon (bên phải Roosevelt) nghỉ ngơi cùng các thành viên đoàn thám hiểm trong chuyến đi xuyên rừng Amazon thảm hoạ năm 1913-1914. Ảnh: Kermit Roosevelt, Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ

Theodore Roosevelt (bên phải) và Cândido Mariano da Silva Rondon (bên phải Roosevelt) nghỉ ngơi cùng các thành viên đoàn thám hiểm trong chuyến đi xuyên rừng Amazon thảm hoạ năm 1913-1914. Ảnh: Kermit Roosevelt, Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ

Hay cũng có những người lạc quan một cách cố chấp như Jan Morris - nữ nhà văn du lịch người Anh. Jan Morris tuyên bố rằng, không một khó khăn hay trở ngại nào có thể khiến bà mất vui. Để chứng minh, bà đã nêu một trải nghiệm ví dụ. Nếu tất cả những xui rủi xảy đến suốt cả cuộc đời bà cùng kéo đến trong một chuyến đi duy nhất thì sao? Nếu “cả hộ chiếu và vé máy bay của tôi đều bị cướp mất, hành lý bị thất lạc trên chuyến bay, tôi còn bị tiêu chảy và thiếu nước nghiêm trọng giữa đợt nắng nóng cao điểm mùa hè, nơi tôi đến thậm chí không có nguồn điện và dịch vụ điện thoại vì bị ảnh hưởng bởi những lùm xùm chính trị”, thì sao?

Quả là một chuyến đi khủng khiếp, phải không? “Không” - Jan nói, “Tại sao ư? Vì nếu chuyện xảy ra như vậy, tôi sẽ tự nhủ rằng, may mắn làm sao trời lại không mưa ấy chứ”. Đối với Jan Morris, một chuyến đi tồi tệ chỉ là ngoại lệ, là những khúc khuỷu và gập ghềnh để bà trân trọng hơn những đoạn đường bằng phẳng và suôn sẻ.

Những chuyến hành trình thảm hoạ còn thử thách sự bền chặt và gắn kết của một mối quan hệ (dù cũ hay mới) hơn bất kỳ điều gì khác. Điều này cũng giải thích vì sao “The Worst Journey in the World" lại có sự hấp dẫn và nâng cao tinh thần độc giả như vậy. Câu chuyện kể lại chi tiết về hành trình một nhà động vật học cùng các nhà thám hiểm đi tìm kiếm những quả trứng chim cánh cụt hoàng đế. Chuyến đi ấy là một thử thách khó lòng tưởng tượng nổi: khẩu phần ăn đạm bạc, cái lạnh dữ dội (nhiệt độ xuống tới -77 độ C) và bóng tối không ngừng. Nhưng những con người này chưa bao giờ mất hy vọng, và vẫn duy trì một tình bạn ấm áp.

Theo ghi chép ngày 4/6/1882 từ tạp chí L\'Illustrazione Italiana, hình ảnh trên là Wilson Danenhower và các thuỷ thủ đoàn còn sống đang quay trở lại Irkustk, Nga sau vụ đắm tàu USS Jeannette - một chuyến hành trình đúng nghĩa thảm hoạ. Ảnh: Dea/Biblioteca Ambrosiana/Getty Images

Theo ghi chép ngày 4/6/1882 từ tạp chí L\'Illustrazione Italiana, hình ảnh trên là Wilson Danenhower và các thuỷ thủ đoàn còn sống đang quay trở lại Irkustk, Nga sau vụ đắm tàu USS Jeannette - một chuyến hành trình đúng nghĩa thảm hoạ. Ảnh: Dea/Biblioteca Ambrosiana/Getty Images

Nhưng không nhất thiết phải có sự kiện nào xảy ra để chuyến đi trở nên tồi tệ. Đối với du khách, một hành trình kéo dài lâu đến mức khiến ai nấy đều mệt lử cũng đã đủ để trở thành “trải nghiệm tồi tệ nhất thế giới”.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Suốt hàng thập kỷ qua, các nhà khoa học xã hội đã tìm tòi và dò dẫm tâm lý con người, hòng kiếm cho ra bí mật của hạnh phúc và những nơi chốn dẫn đến niềm hạnh phúc. Và có một phát hiện nhất quán thế này: Con người không giỏi trong việc dự đoán điều gì sẽ khiến ta hạnh phúc, điều gì không.

Chúng ta nghĩ rằng cóp nhặt càng nhiều thì càng tốt. Vậy nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra: Chính những trải nghiệm là điều mang lại sự mãn nguyện to lớn nhất - chứ không phải của cải vật chất. Tương tự, du khách thường nghĩ một chuyến đi suôn sẻ từ đầu đến cuối thì rất hạnh phúc. Kinh nghiệm thực tế lại cho thấy rằng gặp một chút gian truân sẽ khiến hành trình trở nên đáng nhớ hơn.

Phải chăng, lý do thực sự mà chúng ta du lịch là để vươn mình, thử thách và khám phá những khả năng của bản thân mà ta chưa hề biết. Những chuyến đi tồi tệ xây dựng nên cuộc hành trình của vị anh hùng, trong các câu chuyện phiêu lưu từ xưa đến nay đã thế.

Một con bò rừng và đàn bò con mới sinh nghênh ngang đi trên đường trong Vườn quốc gia Yellowstone (Hoa Kỳ). Rất nhiều du khách đã bị chúng tấn công và hiện đây vẫn là mối nguy hiểm cho những chuyến đi đến Yellowstone. Ảnh: William Campbell, Getty Images

Một con bò rừng và đàn bò con mới sinh nghênh ngang đi trên đường trong Vườn quốc gia Yellowstone (Hoa Kỳ). Rất nhiều du khách đã bị chúng tấn công và hiện đây vẫn là mối nguy hiểm cho những chuyến đi đến Yellowstone. Ảnh: William Campbell, Getty Images

Bản chất của du lịch là những ký ức đọng lại

Những chuyến đi suôn sẻ đến rồi đi. Chuyến đi nào tồi tệ thì ở lại mãi mãi. Chẳng có gì mờ nhạt hơn một chuyến hành trình đúng kế hoạch. Lựa chọn giữa hai chuyến đi - một thảm hoạ và một tốt đẹp - nói lên rất nhiều điều về bản chất con người, về cách chúng ta ghi nhớ thông tin, và về lý do vốn dĩ vì sao ta lại đi du lịch.

Chúng ta thường nghĩ, ký ức là những bức ảnh hay bản ghi kỹ thuật số mà ta có thể hồi tưởng theo ý muốn. Thực tế, trí nhớ linh hoạt và phức tạp hơn thế nhiều, chúng không được khôi phục, mà được hình thành và xây dựng nên. Nói cách khác, ký ức giống như một toà nhà của nhận thức, nó có thể uốn cong và thay đổi theo thời gian.

Và trí nhớ không chỉ đơn thuần là nhận thức. Cảm xúc của chúng ta đóng một vai trò lớn trong việc giúp ta nhớ lại sự việc, ở mức độ chi tiết ra sao. Cảm xúc mãnh liệt thì ký ức thêm rõ ràng. Khi chúng ta kể lại những chuyến hành trình cũng thế. Con cá bạn câu được lại lớn dần thêm một chút mỗi khi bạn kể lại câu chuyện. Và những phiên bản được “sửa đổi” này cũng dẫn đến viêc ký ức bị sửa đổi. Bạn không chỉ hào hứng kể lại rằng con cá đó “có kích thước bằng cả một chiếc xe”, mà bạn còn thực sự tin điều đó. Bạn nhớ là như thế mà.

Các chuyến đi tồi tệ đôi khi lại là kỷ niệm đáng nhớ - Ảnh: Getty Images

Các chuyến đi tồi tệ đôi khi lại là kỷ niệm đáng nhớ - Ảnh: Getty Images

Nghiên cứu cũng cho thấy, những sự kiện tiêu cực tạo ấn tượng sâu sắc hơn những sự kiện tích cực. Nó được gọi là “thiên kiến tiêu cực”. Tuy nhiên, thiên kiến tiêu cực lại được cân bằng bởi một tâm lý khác, gọi là “thiên kiến hiệu ứng làm mờ”. Nói một cách đơn giản, theo thời gian trôi, chúng ta quên đi những điều tồi tệ và nhớ về những điều tốt đẹp. Tâm trí của ta xóa bỏ những ký ức tiêu cực và lưu giữ những ký ức tích cực. Càng lớn, xu hướng này lại càng phát triển rõ rệt hơn.

Tất cả những nghiên cứu này chỉ ra một sự thật: Bản chất của du lịch không chỉ là một hoạt động thể chất và nhận thức mà còn là một hoạt động sáng tạo. Một lộ trình đầy đủ không quan trọng bằng trí tưởng tượng phong phú, vì bản thân chuyến đi không hề đáng nhớ. Cái cách bạn nhớ lại chúng mới khiến cuộc hành trình trở nên khó quên.

Nói cách khác, chuyến đi của bạn, dù tốt hay xấu, sẽ không kết thúc khi bạn trở về nhà. Theo một nghĩa rất thực, nó chỉ mới bắt đầu mà thôi.

An dịch - Nguồn: Eric Weiner/National Geographic
RELATED ARTICLES