Viếng thăm chùa Bà Thiên Hậu, cổ tự lâu đời của người Hoa tại Sài Gòn

08/07/2023

Ngôi thờ tự cổ nhất của cộng đồng người Hoa tại Sài Gòn, chất chứa nhiều câu chuyện tâm linh đặc sắc. Hơn hết, du khách còn bị cuốn hút bởi vẻ trầm mặc, nét kiến trúc độc đáo và nhiều cổ vật tại địa danh này.

Chùa Bà Thiên Hậu, còn được biết đến với tên Hội quán Tuệ Thành hay Miếu Bà Thiên Hậu, tọa lạc tại số 710 đường Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một công trình kiến trúc được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII, bởi những người Hoa gốc phủ Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, khi họ di cư sang Việt Nam để buôn bán, lập nghiệp.

Nằm giữa Chợ Lớn tấp nập, chùa Bà Thiên Hậu vẫn giữ được nét trầm mặc của riêng mình

Nằm giữa Chợ Lớn tấp nập, chùa Bà Thiên Hậu vẫn giữ được nét trầm mặc của riêng mình

Hội quán này không chỉ đóng vai trò như một nơi hội họp, mà còn là địa điểm để thờ cúng bà Thiên Hậu - một người phụ nữ vĩ đại sống vào thế kỷ X. Bà được biết đến với khả năng siêu nhiên của mình, có thể nhìn thấy trước tương lai và cứu giúp những người gặp hoạn nạn.

Chùa Bà Thiên Hậu, với niên đại gần 256 năm, được coi là ngôi chùa cổ nhất của người Hoa tại Sài Gòn. Xây dựng từ năm 1760, trải qua nhiều lần trùng tu và sửa chữa, chùa vẫn giữ được những dấu ấn kiến trúc độc đáo cũng như mang tầm ảnh hưởng rất lớn với đời sống văn hóa của người Hoa đang sinh sống tại địa phương.

Kiến trúc ấn tượng của ngôi chùa

Chùa Bà Thiên Hậu được xây dựng dưới dạng một ngôi nhà khung gỗ, mái ngói âm dương, với kích thước dài 65m, rộng 27m. Không gian bố trí từ ngoài vào, gồm sân, cửa chính, tiền điện, thiên tỉnh, trung điện, nhà hương và chính điện. Đặc biệt, chùa được trang trí bởi những tác phẩm phù điêu gốm trên tường và mái ngói, hiện thị các chủ đề đa dạng như Lưỡng long tranh châu, Tây du ký, Bao Công xử án, Hán Sở tranh hùng...

Từ ngoài nhìn vào

Từ ngoài nhìn vào

Ngay khi bước chân qua cổng, du khách sẽ chìm đắm trong không gian trầm lắng, yên bình của chùa. Mọi thứ đều được nhuốm màu thời gian khiến cho không gian càng cô tịnh. Vượt qua cánh cổng nhỏ, du khách sẽ lạc vào một thế giới đầy bí ẩn nhưng cũng mang một sự gần gũi, thân thuộc. Suốt chiều dọc ngôi chùa là phần kiến trúc chính, nơi tổ chức các hoạt động tín ngưỡng. Ở giữa có một khoảng không như giếng trời vừa để lấy ánh sáng vừa để cho hương nhang theo đó bay lên cao. Hai bên lối đi được phân chia rõ ràng, giúp du khách di chuyển dễ dàng, đặc biệt vào những ngày rằm.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Một thế giới đầy bí ẩn nhưng cũng mang một sự gần gũi, thân thuộc

Một thế giới đầy bí ẩn nhưng cũng mang một sự gần gũi, thân thuộc

Ở trung tâm chính điện, tượng bà Thiên Hậu được đặt chính giữa. Xung quanh, ánh sáng vàng đỏ làm chủ đạo, kết hợp với những bức gỗ màu đen cùng ánh nến lấp lánh càng huyễn hoặc người nhìn. Dù chỉ đến một lần, du khách cũng sẽ ấn tượng sâu sắc, khó quên với sự huyền bí, tĩnh lặng của nơi này.

Gian thờ cúng bên trong chính điện

Gian thờ cúng bên trong chính điện

Phần mái được trang trí với nhiều bức tượng mang đa dạng hình thù, kích thước. Dù vậy, tất cả đều hài hòa, đẹp mắt đến lạ. Nếu tinh mắt quan sát từng đường nét, bạn sẽ hiểu được sự tinh tế, kì công trong thiết kế.

Phần mái được trang trí ấn tượng với các phù điêu, tượng nhỏ, đa dạng hình thù

Phần mái được trang trí ấn tượng với các phù điêu, tượng nhỏ, đa dạng hình thù

Đi giữa trầm mặc khói hương

Điểm nhấn của ngôi chùa Bà Thiên Hậu ở không gian có những chiếc vòng nhang treo trên cao, đặc trưng của các ngôi chùa người Hoa. Du khách có thể mua những chiếc vòng nhang này, viết lên những lời chúc, tâm nguyện của mình trên tờ giấy. Sau đó, treo vòng nhang có chứa tờ giấy ấy lên, để cầu nguyện và xin ơn từ bà Thiên Hậu.

Những vòng nhang mang theo bao lời cầu nguyện

Những vòng nhang mang theo bao lời cầu nguyện

Điều đặc biệt của ngôi chùa này là toàn bộ vật liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc. Từ cây gỗ quý đến bát lưu hương, từ những bức phù điêu đến các tượng nhỏ... Điều này cho thấy sự quan trọng đặc biệt của chùa Bà Thiên Hậu trong cuộc sống của cộng đồng người Hoa tại Sài Gòn.

Bức tường gạch phủ đầy những tấm sớ màu hồng khá độc lạ hiếm có ở những địa điểm du lịch tâm linh khác

Bức tường gạch phủ đầy những tấm sớ màu hồng khá độc lạ hiếm có ở những địa điểm du lịch tâm linh khác

Có những người đến đây cầu lộc, cầu duyên, cầu tài, trong khi những người khác cầu xin bình an, hạnh phúc trong cuộc sống gia đình. Vì thế lư hương lúc nào cũng nghi ngút khói nhang. Mùi hương thơm thoảng trong không gian, bay lượn cùng làn gió, mang theo những ước nguyện từ tận đáy lòng.

Nơi đây luôn nghi ngút khói hương và du khách viếng thăm

Nơi đây luôn nghi ngút khói hương và du khách viếng thăm

Lễ hội "vía Bà" lớn nhất Sài Gòn

Ngoài ra, vào ngày 22 – 24/3 âm lịch sẽ là lễ vía Bà Thiên Hậu – lễ hội lớn nhất hằng năm của chùa Bà. Vào những ngày này, người dân sẽ tới chùa cúng lễ rất đông. Bên cạnh những nghi thức truyền thống, du khách còn được chứng kiến cảnh người dân rước kiệu Bà Thiên Mẫu đi xung quanh chùa. Đồng thời, một số các hoạt động khác như: múa lân sư rồng, biểu diễn nghệ thuật cũng được tổ chức tạo nên không khí vô cùng sôi động và náo nhiệt.

Chùa Bà Thiên Hậu không những nổi tiếng linh thiêng cầu được ước thấy mà còn được giới trẻ truyền tai nhau việc đoán biết được những vấn đề trong tương lai qua xin xăm và gieo quẻ

Chùa Bà Thiên Hậu không những nổi tiếng linh thiêng cầu được ước thấy mà còn được giới trẻ truyền tai nhau việc đoán biết được những vấn đề trong tương lai qua xin xăm và gieo quẻ

Đến chùa Bà Thiên Hậu không chỉ để cầu nguyện mà còn là cơ hội để du khách tìm hiểu lịch sử, kiến trúc và văn hóa của ngôi chùa cổ. Lòng dù chơi vơi ở đâu vẫn tìm được sự cân bằng, thanh thản mỗi khi ghé thăm chùa bà Thiên Hậu.

Bài và ảnh: Hà Mai Trinh
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES