Nói một chút về Vườn quốc gia Cát Tiên, đây là khu bảo tồn thiên nhiên nằm trên địa bàn 5 huyện: Tân Phú, Vĩnh Cửu (Đồng Nai), Cát Tiên, Bảo Lâm (Lâm Đồng) và Bù Đăng (Bình Phước). Khoảng 50% diện tích của Cát Tiên là rừng cây xanh, 40% là rừng tre, 10% là nông trại. Động vật đặc trưng có: tê giác Java một sừng, voi châu Á, bò tót, gấu chó, gấu ngựa, trâu rừng, hổ, báo hoa mai, báo gấm, nai... Các loài chim ở đây cũng phong phú đa dạng: đại bàng đen, vịt trời cánh trắng, chim mỏ sừng lớn... Ngoài lượng động vật phong phú, Cát Tiên còn là địa bàn của 62 loại lan. Cát Tiên cũng đã được UNESCO công nhận là "Khu dự trữ sinh quyển thế giới".
Nhân dịp Hội nghị xúc tiến du lịch Vườn quốc gia Cát Tiên 2019, đoàn chúng tôi di chuyển từ TP.HCM đến Vườn quốc gia Cát Tiên. Sau quãng thời gian di chuyển khoảng 4 tiếng đi ô tô, chúng tôi lên phà qua sông Đồng Nai, rồi được ban tổ chức đưa về phòng nghỉ của Khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia Cát Tiên bằng xe điện.
Cảnh quan nơi đây thật ấn tượng, từng khu nhà nghỉ một tầng nằm cách nhau chừng 50 mét, được đặt tên theo các loài thực vật, động vật quý hiếm trong Vườn quốc gia Cát Tiên như: Biệt thự Gấu, nhà Voi, nhà Giáng Hương, nhà Phong Lan...
Hội nghị xúc tiến du lịch Vườn quốc gia Cát Tiên 2019 có vẻ giống một buổi toạ đàm nhiều hơn với những chia sẻ hết sức thẳng thắn với mục tiêu chung là phát triển du lịch tại Vườn quốc gia Cát Tiên. Du lịch sinh thái không giống như tổ chức một kỳ nghỉ hè ở thành phố biển. Để giải quyết những vấn đề như: khai thác các tuyến rừng ra sao, tăng chiều dài các tuyến trekking, xây dựng các tuyến biking đảm bảo tính hoang dã (tránh bê tông hóa) như thế nào… không phải là câu chuyện một sớm một chiều và đòi hỏi sự chung tay góp sức của cả một hệ thống.
Chia sẻ với phóng viên tạp chí Travellive, ông Phạm Hồng Lượng, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên cho biết: “Vườn quốc gia Cát Tiên phát triển du lịch theo hướng liên kết, hợp tác phát triển du lịch một cách có trách nhiệm, tôn trọng tự nhiên, không có tác động tổn hại đến tự nhiên, đó là quan điểm nhất quán. Trong tương lai, chúng tôi sẽ phát triển du lịch Vườn quốc gia Cát Tiên nói chung và khu vực bầu Sấu nói riêng một cách hợp lý. Mô hình kết hợp với doanh nghiệp giống như Khu du lịch Sơn Đoòng với công ty Oxalis đang làm hiện nay cũng sẽ là một gợi ý để chúng tôi cân nhắc”.
Bàu Sấu nằm ở phía Nam của Vườn quốc gia Cát Tiên. Đây là quê nhà của cá sấu nước ngọt đặc trưng của Việt Nam. Khu vực Bàu Sấu còn tập trung rất nhiều loài động thực vật có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Cũng như nhiều vùng đặc hữu khác của Vườn quốc gia Cát Tiên, Bàu Sấu nằm trong diện bảo tồn nên được quản lý và giám sát rất chặt chẽ.
Một trong những trải nghiệm khó phai nhất trong chuyến công tác Vườn quốc gia Cát Tiên của đoàn chúng tôi là được đi xem các loài thú kiếm mồi vào ban đêm. Cảm giác ngồi trên chiếc xe tải lớn, mui trần đi xuyên rằng trong không khí trong lành thật thú vị. Thi thoảng, chúng tôi còn nghe được tiếng chân thú rừng khẽ giẫm trên bãi cỏ, bụi cây như chạy trốn tiếng động cơ ô tô.
Với sự chỉ dẫn tận tình của người hướng dẫn viên, chúng tôi được ngắm nhìn những con nai hiền lành cúi đầu gặm cỏ, những chú lợn rừng lặng lẽ di chuyển trong đêm hay được nghe tiếng chú chà vá chân đen gọi bạn lảnh lót khắp núi rừng... Đó đều là những hình ảnh đầy sức sống của những loài vật được sống trong môi trường tự do, hoang dã, chứ không hề não nề, èo uột như chúng tôi từng thấy trong những khu vườn bách thú ở khu phố thị.
Đêm Gala Dinner tại Vườn quốc gia Cát Tiên cũng mang lại những dấu ấn khó phai với các đại biểu. Chúng tôi được tiếp cận với văn hóa bản địa, được giao lưu giữa các thành viên trong đoàn với đơn vị tổ chức (Vườn quốc gia Cát Tiên) và cộng đồng người dân địa phương (những người tham gia biểu diễn). Tất cả cùng tham gia chương trình, biểu diễn những bài hát giới thiệu về Cát Tiên, những bài hát dân ca của người Mạ, những điệu múa cồng chiêng của đồng bào Mạ và Stiêng, múa sạp của người Thái…
Ngày thứ hai, chúng tôi đến thăm Bảo tàng Sinh vật, nơi lưu trữ phiên bản của vô vàn các loài bướm lạ đủ sắc màu cùng các loài như tê tê, cầy hương, chồn, gấu, tê giác, chim (họa mi, chèo bẻo, hồng hoàng), các loài linh trưởng… Ngoài ra, Ban tổ chức cũng đã đưa chúng tôi tham quan rất nhiều địa điểm thú vị khác như: Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Đảo Tiên, Trung tâm Cứu hộ Gấu, tham quan các tuyến điểm về hệ thực vật như: cây Tung cổ thụ, cây Gõ Bác Đồng, ghềnh Bến Cự, rừng Bằng Lăng Đạ Cộ; tham quan tìm hiểu khu lưu trú FFL…
Trong suốt thời gian ở Vườn quốc gia Cát Tiên, chúng tôi liên tục bắt gặp những vị khách nước ngoài nai nịt gọn gàng, máy ảnh cầm tay đi bộ trong rừng. Có lẽ họ là các nhà khoa học nghiên cứu các loài động thực vật vốn rất đa dạng ở Vườn quốc gia Nam Cát Tiên này. Đây cũng là điều mà Ban quản lý Vườn quốc gia Cát Tiên cần phải tính đến trong quá trình phát triển du lịch. Họ cần có sự chọn lọc du khách nhằm đáp ứng đúng nhu cầu, đúng đối tượng, cần quản lý về số lượng du khách trong từng thời điểm, từng địa điểm để đảm bảo không vượt sức chứa, tránh việc gây hại đến môi trường, tài nguyên du lịch dẫn đến gây ảnh hưởng xấu cho sự phát triển du lịch của Vườn quốc gia Cát Tiên.