Nếu đang tìm kiếm những điều lý thú liên quan đến nghệ thuật, lịch sử hay đơn giản chỉ là những con phố, quán cà phê trong thành phố, West End chính là khu vực lý tưởng nhất để bạn bắt đầu chuyến thám hiểm của mình. Các di tích, cửa hàng, rạp chiếu phim và nhà hàng tỏa ra từ Quảng trường Trafalgar; khung cảnh giải trí sống động trên những con phố đông đúc quanh khu vực Chinatown, Soho và Quảng trường Leicester; từ những ánh đèn rực rỡ của Rạp xiếc Piccadilly náo nhiệt cho đến Quảng trường Thánh James, West End bao trùm tất cả các khía cạnh của cuộc sống London và phù hợp với "hầu bao" dù ít hay nhiều của người đi du lịch.
khu vực Quảng trường Trafalgar
Là địa điểm chính của London cho các cuộc mít-tinh và cuộc họp công cộng ngoài trời, Quảng trường Trafalgar được hình thành và xây dựng vào những năm 30 của thế kỉ 19 bởi John Nash. Cây cột cao 50m (165ft) được xây dựng năm 1842 để tưởng nhớ Đô đốc Nelson, vị chúa biển nổi tiếng nhất nước Anh. Bốn con sư tử của Edwin Landseer được thêm vào 25 năm sau đó. Ngày nay quảng trường rất phổ biến với các khách du lịch.
Nằm trong khu vực quảng trường lớn này có Admiralty Arch được thiết kế vào năm 1911 mang không khí trang nghiêm và tách biệt khỏi Quảng trường Trafalgar ồn ào náo nhiệt. Đặc biệt, cổng trung tâm của nơi này chỉ được mở cho đám rước hoàng gia.
Ở phía bắc quảng trường là Phòng trưng bày Quốc gia (National Gallery) và tòa nhà Sainsbury Wing của nó. Ở góc đông bắc là nhà thờ St. Martin-in-the-Fields. Nhà thờ được xây vào thế kỉ thứ 18 bởi James Gibbs và trở thành mô hình mẫu cho phong cách xây dựng nhà thờ thuộc địa ở Mỹ.
Liền kề với Phòng trưng bày Quốc gia là Phòng trưng bày Chân dung Quốc gia, nơi mô tả lịch sử nước Anh thông qua các bức chân dung, ảnh và tượng điêu khắc. Các chủ đề ở đây rất đa dạng, từ Nữ hoàng Elizabeth I cho đến hình ảnh của các chính trị gia, diễn viên điện ảnh và ngôi sao nhạc rock.
Xa hơn về phía bắc là Quảng trường Leicester – trung tâm của khu giải trí West End với các rạp chiếu phim hàng đầu thành phố và các câu lạc bộ đêm sôi động, trong khi khu Chinatown của London thu hút một lượng lớn các thực khách và người mua sắm. Ngay cạnh đó là Đại lộ Shaftesbury – huyết mạch chính dẫn đến khu vực nhà hát ở London.
Piccadilly
Cái tên Piccadilly không chỉ nói đến con phố lớn nối công viên Hyde với Vòng xoay Piccadilly mà còn nói đến khu vực xung quanh. Ngày nay, Piccadilly có hai khuôn mặt tương phản: một khu thương mại sầm uất với đủ các dãy hiệu mua sắm, quán ăn và rạp chiếu phim với khu phía nam và phía kia là quảng trường Thánh James.
Vòng xoay Piccadilly tên chính xác là Piccadilly Circus. Cái tên này khiến nhiều người tưởng nhầm đây là một rạp xiếc, trong khi thực tế nơi này được xây vào thế kỉ thứ 19, là điểm giao giữa đường Piccadilly với đường John Nash's Regent. Thế nên trong ngữ cảnh này, phải hiểu chữ "circus" trong cái tên này là một chữ Latin, có nghĩa là "circle" trong tiếng Anh. Với ánh đèn neon rực rỡ, vòng xoay này là tâm điểm của West End.
Trong số nhiều điểm tham quan đáng chú ý dọc theo Piccadilly, Học viện Hoàng gia (Royal Academy) là một gợi ý không tồi. Học viện được thành lập năm 1768, là nơi cất giữ nhiều bộ sưu tập quý giá, bao gồm bức phù điêu “Madonna and Child” (1505) của Michelangelo. Triển lãm mùa hè hằng năm của Học viện nổi tiếng với cách sắp đặt các tác phẩm mới và cũ.
Nhà thờ Thánh James được Sir Christopher Wren thiết kế vào năm 1684 và Nhà Spencer được xây dựng vào thế kỉ 18 cất giữ nhiều đồ nội thất và tranh vẽ. Cung điện Palladian này được xây dựng cho một vị tổ tiên của Công nương Diana.
Mua sắm quanh khu vực Piccadilly vô cùng đắt đỏ, đặc biệt là ở Phố Bond, nơi có nhiều cửa hiệu của các nhãn hàng nổi tiếng. Trên Piccadilly có Fortnum and Mason - một trong những cửa hàng đồ ăn uy tín nhất nước Anh, thành lập năm 1707, trong khi khách sạn Riz thì nổi tiếng với món trà chiều cho giới sành điệu. Đường Jermyn thì nổi danh với quần áo nam chất lượng cao.
Phía nam của Piccadilly là Quảng trường Thánh James, được xây dựng vào những năm 60 thế kỉ 17 và nổi bật bởi bức tượng của William III. Nơi đây từ lâu đã là địa điểm thời thượng của London. Trò chơi Pall Mall (cái tên này được dùng từ sau thế kỉ thứ 17, trước đó trò này được gọi là pallemaille – một trò chơi giao thoa giữa croque và golf) từng được chơi ở đây, với hàng dài các câu lạc bộ dành cho các quý ông và chỉ cho vào cửa những ai là thành viên hoặc khách mời của họ. Quảng trường này dẫn đến Cung điện Thánh James, được xây vào thế kỉ thứ 16 cho Henry VIII. Cung điện này vẫn là trụ sở chính thức của Tòa án Thánh James. Đối diện nó là Nhà nguyện Nữ hoàng (Queen’s Chapel) – nhà thờ cổ đầu tiên của nước Anh.
Convent Garden
Các quán cà phê ngoài trời náo nhiệt, buổi diễn đường phố và các khu chợ khiến Convent Garden trở thành thỏi nam châm thu hút khách du lịch. Tên này được bắt nguồn từ một khu vườn tu viện thời trung cổ, nơi cung cấp thực phẩm cho Tu viện Westminster.
Trung tâm của nó là Quảng trường (Piazza) được thiết kế là một quảng trường dân cư thanh lịch vào thế kỉ thứ 17 bởi kiến trúc sư Inigo Jones, lấy hình mẫu từ thị trấn Tuscan của Livorno. Có thời gian những ngôi nhà xung quanh Quảng trường trở nên đắt giá và được săn lùng gắt gao, nhưng bị sụt giảm nhanh chóng khi chợ trái cây và rau củ ăn nên làm ra. Năm 1973, khu chợ bị di dời đến địa điểm mới và Convent Garden được tân trang lại. Ngày nay công trình kiến trúc còn sót lại của Inigo Jones là Nhà thờ Thánh Paul. Samuel Pepys từng xem buổi biểu diễn Punch and Judy dưới cổng vòm năm 1662 và kể từ đó, giải trí đường phố trở thành một truyền thống ở đây.
Khu vực này có Nhà hát Opera Hoàng gia được thiết kế vào năm 1858 bởi E.M. Barry nhưng được cải tạo lại hoàn toàn vào khoảng thời gian 1997 - 1999. Đây là nhà của đoàn Opera Hoàng gia và Công ty Ballet Hoàng gia. Rất nhiều vũ công vĩ đại nhất thế giới đã biểu diễn trên sân khấu này.
Convent Garden có rất nhiều hiệp hội sân khấu. Địa điểm của Nhà hát Hoàng gia được hoàn thành vào năm 1812. Trước đó, từ năm 1663, nơi đây là Nhà hát Thánh Martin – nơi công diễn vở kịch dài nhất thế giới: The Mousetrap.
Các điểm tham quan nổi bật khác bao gồm Bảo tàng Vận tải London và khu các “thay thế” quanh Đường Neal và Sân Neal. Lamb and Flag trên Đường Hoa hồng (Rose Street) là một trong những quán pub lâu đời nhất ở London mà du khách nên ghé qua.