10 lễ hội xuân độc đáo

15/02/2016

Trong số 7.966 lễ hội lớn nhỏ rải rác khắp mọi miền Tổ quốc, theo kết quả thống kê năm 2009, miền Bắc chiếm đa số. Hầu hết các lễ hội đều diễn ra vào mùa xuân, nhiều nhất là vào tháng Giêng. Dưới đây là 10 lễ hội xuân đáng chú ý nhất tại miền Bắc, được xếp theo thứ tự thời gian. Xuân về, hãy hòa vào dòng người trẩy hội để cảm nhận không khí tưng bừng náo nức và cầu mong một năm mới vạn sự như ý.

1. Hội rước pháo làng Đông Kỵ

Mùng 4 – 6 tháng Giêng

Hội rước pháo làng Đồng Kỵ (xã Đồng Quang, Từ Sơn, Bắc Ninh) để tưởng nhớ, tái hiện lại âm vang ngày Thánh Thiên Cương - vị tướng sau này được dân tôn thờ làm thành hoàng làng, người ra lệnh xuất quân đánh giặc. Mọi công việc cho Lễ rước pháo được chuẩn bị từ sáng sớm ngày mùng 4 nhưng phải đến đúng 9 giờ sáng, hai quả pháo lớn tượng trưng cho pháo Nhất, pháo Nhì được các thanh niên trai tráng trong làng rước từ nhà ông đám trưởng (Trưởng Ban Khánh tiết) ra đình cùng với đoàn tế hàng trăm người trong sự chứng kiến và háo hức của hàng nghìn khách thập phương. Tưng bừng nhất là màn rước pháo; các hoạt động văn hoá thể thao xung quanh khu vực diễn ra hội làng cũng không kém phần sôi nổi như hát quan họ, hát tuồng cùng các cuộc so tài môn cầu lông, bóng chuyền, cờ tướng, chọi gà…

2. Hội Cổ Loa

Từ mùng 6 đến 16 tháng Giêng Âm lịch

Lễ hội Cổ Loa là một trong những lễ hội tiêu biểu của đất nước, tưởng nhớ và suy tôn An Dương Vương Thục Phán, người có công dựng nước Âu Lạc và xây thành Cổ Loa. Lễ hội Cổ Loa diễn ra tại làng Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội, từ ngày 6 đến 16 tháng Giêng Âm lịch. Không chỉ có các nghi lễ tế, rước truyền thống, lễ hội Cổ Loa còn tưng bừng các trò chơi dân gian như bắn nỏ, đánh đu, đấu vật truyền thống, hát quan họ trên thuyền, bên giếng Ngọc trước cửa đền Thượng...

3. Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn

Mùng  05 - 07 tháng Giêng

Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam là một lễ hội mang ý nghĩa khuyến nông, là nét đẹp văn hóa trở về nguồn cội. Lần đầu tiên lễ hội được diễn ra vào thế kỷ X ở Hà Nam, trên quê hương vua Lê Đại Hành và được khôi phục sau nhiều năm thất truyền kể từ năm 2009.

Theo UBND huyên Duy Tiên, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2012 dự kiến tổ chức trong 3 ngày, từ 27 - 29/01/2012 (tức ngày 05 - 07 tháng Giêng năm Nhâm Thìn) tại khu vực chùa Đọi, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Lễ hội gồm: Phần lễ (lễ cáo yết xin Thành Hoàng cho mở lễ hội tại đình Đọi Tam; lễ rước nước lên chùa Đọi; lễ sái tịnh tại chùa Đọi; hội thi vẽ và trang trí trâu; lễ cầu an trên chùa Đọi; biểu diễn nghệ thuật và đốt cây bông, pháo thăng thiên; lễ rước kiệu của làng Đọi Tam đi đón vua; lễ rước kiệu vua từ trên chùa xuống núi Đọi; lễ tịch điền) và phần hội (tổ chức các gian hàng trưng bày sản phẩm, bán hàng lưu niệm; tổ chức giải vật Tịch điền Đọi Sơn và một số trò chơi dân gian, vui chơi giải trí).

 

4. Hội rước “ông” Lợn

13 tháng Giêng

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Hàng năm cứ vào ngày 13 tháng giêng âm lịch làng La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội lại tổ chức lễ hội rước “ông” lợn. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của làng. Tất cả các thôn xóm trong làng đều sửa lễ để ra đình cúng tế một vị thần hoàng làng, nguyên là một bộ tướng dưới thời vua Hùng có công dẹp giặc. Lễ vật của mỗi xóm là một “ông” lợn to và đẹp nhất, được mổ và để nguyên con sau đó trang trí thật đẹp mắt, được đưa vào đình cúng tế và dự thi. Lễ cúng bắt đầu từ 20h30 cho đến đêm. “Ông” lợn của xóm nào to và đẹp nhất sẽ đạt giải nhất. Như vậy là cả làng có đến hàng chục con lợn như thế lần lượt được rước ra đình, đi theo là các đội múa rồng, múa sư tử, đội nhạc lễ, và nhiều các đội múa khác tháp tùng lễ vật.

5. Đến hội Lim nghe hát quan họ

12 – 14 tháng Giêng

Hội Lim là một lễ hội lớn đầu xuân vùng Kinh Bắc được tổ chức từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Vào 8h sáng, hội Lim được mở đầu bằng lễ rước. Đoàn rước với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục ngày xưa, sặc sỡ sắc màu và cũng vô cùng cầu kì, đẹp mắt kéo dài tới cả gần cây số. Trong ngày lễ, có nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm. Đặc sắc hơn cả là phần hát hội. Hội thi hát được tổ chức theo hình thức du thuyền hát quan họ. Tại một hồ nước nhỏ sát bên cánh đồng làng Lim, chiếc thuyền hình rồng được sơn son thếp vàng rời bến trong những câu hát đậm đà nghĩa tình. Một bên thuyền là các liền chị, đối diện là những em nhỏ xúng xính trong những tà áo tứ thân. Các liền anh thì đứng hoặc ngồi sát hai phía đầu và cuối thuyền. Tối ngày 12 sẽ là đêm hội hát thi quan họ giữa các làng quan họ. Mỗi làng quan họ dựng một trại tại phần sân rộng của đồi Lim. Đây là phần hội hay nhất của cả lễ hội hội Lim.

6. Hội chọi trâu Hải Lựu

17 tháng Giêng

Lễ hội chọi trâu ở xã Hải Lựu, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc được mở hàng năm vào ngày 17 tháng Giêng, là lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất Việt Nam. Tương truyền, lễ hội này có từ thế kỷ 2 trước Công nguyên. Khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt của con cháu Triệu Đà, nhà Triệu tan rã, thừa tướng nước Triệu là Lữ Gia lui quân về vùng núi Hải Lựu, Sông Lô - Vĩnh Phúc để tổ chức đánh giặc. Sau mỗi trận thắng, Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để động viên quân sĩ, trâu sau khi chọi được giết để khao quân. Sau khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu thờ làm thành hoàng làng và lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu có từ đó.

7. Lễ hội xên bản xên mường

Mùng 5 tháng 2

Lễ hội Xên Mường (cúng Mường) là một trong những lễ hội lớn trong năm của người Thái nhằm tưởng nhớ đến các vị thần linh đã khai sáng ra mường, (cách gọi tên vùng đất nơi người Thái đang sinh sống), cầu mong cho người Thái được ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội Xên Mường của người Thái ở Mường Lò do ông Mo Nghè (Mo mường), người trông coi thần quyền cho Chủ mường và hội phụ lão đứng ra tổ chức. Lễ Xên mường phải có áo của con trai thuộc dòng dõi quý tộc gốc hay người đương chức làm vật tế. Ngày nay, chức danh quý tộc không còn nữa nên người Thái lấy áo của các vị lãnh đạo xã làm vật tế. Các trò chơi trong lễ hội Xên Mường thường là xoè vòng theo nhịp, ném còn…Trong hội Xên Mường còn tổ chức săn cá tập thể, một sinh hoạt khá lý thú.

8. Nhộn nhịp lễ cấm bản (Gạ ma thú)

Trung tuần tháng 2

Trong năm, người Hà Nhì ở bản Mé Gióng, xã Ka Lăng (Mường Tè, Lai Châu) có rất nhiều lễ tết, nhưng tưng bừng, nhộn nhịp hơn cả phải kể đến lễ Cấm bản (gạ ma thú), diễn ra vào trung tuần tháng 2. Trong thời gian 5 ngày, bà con thực hiện 14 lễ nghi. Sau các buỗi lễ, các gia đình đều nhiệt tình mời khách về gia đình mình thưởng thức rượu ngô nếp thơm lừng, cơm nếp đồ, bánh dầy. Theo quan niệm từ đời trước, gia đình nào có nhiều khách đến nhà chơi, năm đó làm ăn thuận lợi, gặp nhiều may mắn. Sau bữa ăn, mọi người vo tròn cơm nếp ném vào nhau với mong muốn năm sau thóc gạo dư thừa. Ai ném trúng vào người khác, năm đó không bị ốm đau, đi săn sẽ được con thú, đi làm nương sẽ có hạt thóc hạt ngô. Thanh niên thì ném nhau để tìm bạn tình, vợ chồng ném nhau sẽ gắn bó keo sơn, con đàn cháu đống.

9. Lễ hội cầu ngư

Trung tuần tháng 3 âm lịch

Đã từ bao đời nay, lễ hội Cá Ông (còn được gọi là lễ tế Cá Voi, lễ cầu ngư) là lễ hội lớn nhất của ngư dân thành phố Đà Nẵng. Thờ phượng Cá Ông ở đây không chỉ được xem là sự tôn kính thần linh mà còn gắn liền với sự hưng thịnh của cả làng cá. 'Ông' là tiếng gọi tôn kính của ngư dân dành riêng cho cá voi, loài cá thường giúp họ vượt nạn khi lênh đênh trên biển cả. Hàng năm, thường là sau khi ăn Tết xong, như dân tổ chức lễ tế cá Ông lồng ghép dưới hình thức Lễ hội Cầu ngư và lễ ra quân đánh bắt vụ cá nam. Lễ hội được diễn ra trong hai ngày vào trung tuần tháng 3 âm lịch. Bên cạnh phần lễ, phần hội với các trò lắc thúng, đua thuyền, bơi lội, kéo co, đá bong, hát tuồng, hát hò khoan…Lễ hội Cầu ngư bày tỏ khát vọng được bình yên trong cuộc sống của ngư dân, những con người luôn phải đối mặt với nhiều bất trắc khi lênh đênh trên biển cả.

10. Hội Gióng Phù Đổng

Từ mùng 6 - 12 tháng 4 Âm lịch

Hội Gióng Phù Đổng là hội làng truyền thống tưởng nhớ công đức của vị Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng), được tổ chức thường niên tại xã Phù Đổng, huỵện Gia Lâm, Hà Nội, nơi sinh ra người anh hùng huyền thoại “Phù Đổng Thiên Vương”. Đây là một lễ hội đặc sắc đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Hội Gióng Phù Đổng tái hiện cảnh đoàn quân Thánh Gióng xuất thân từ những người dân lam lũ đứng lên đánh giặc Ân đến từ phương Bắc, bảo vệ bờ cõi khi bị xâm lăng.

Bài: Lê Bích Ảnh: Lê Bích, Thành Công, Công Hoan

RELATED ARTICLES