50 bộ phim về du lịch hay nhất mọi thời đại (Phần 1)

01/04/2020

Từ 1/4/2020, Việt Nam thực hiện cách ly toàn xã hội để chống dịch nCoV. 50 bộ phim về du lịch được yêu thích nhất dựa trên bình chọn của Conde Nást Traveler từ trước đến nay sẽ giúp các tín đồ du lịch bớt cuồng chân và có thời gian cách ly thoải mái.

Hơn hết thảy những tác phẩm văn hoá đại chúng khác, các bộ phim có trong danh sách dưới đây luôn có sức mạnh tuyệt vời: chúng đưa bạn chu du khắp châu Âu (Trước lúc bình minh), dẫn bạn băng qua sa mạc châu Phi đầy nắng và cát (Xa mãi Phi châu), hay thậm chí mang đến cho bạn chuyến phiêu lưu tới vùng đất Thác Thiên đường chưa ai từng biết đến (Vút bay). 50 bộ phim kinh điển dưới đây là 50 câu chuyện được kể lại tài tình, hấp dẫn, chứa đựng vô vàn những điều kì diệu (hay thậm chí cả hiện thực khắc nghiệt) về hành trình du lịch, khám phá với những cảnh quay đẹp đến nghẹt thở, choáng ngợp mọi giác quan.

1. Kì nghỉ hè ở Rome (Roman holiday – 1953)

1

Làm sao có thể không yêu những thước phim đen trắng kinh điển này được đây? Nữ chính Audrey Hepburn, nam chính Gregory Peck và bối cảnh tại Rome, tất cả tạo nên một câu chuyện tình vừa kì quặc lại khôi hài. Hepburn trong vai nàng công chúa Ann yêu kiều với chuyến công du châu Âu, Peck thì trở thành một chàng nhà báo cho một văn phòng tin tức Mỹ. Tối nọ, anh nhà báo vô tình gặp một cô gái trẻ với trang phục sang trọng, phong thái tao nhã, nhưng lại nằm trên phố như một kẻ say rượu và chẳng có một xu dính túi. Anh đã cho cô ngủ nhờ trong căn hộ của mình và mãi đến sáng hôm sau, anh chàng mới nhận ra người con gái ấy là ai khi báo chí đưa tin lịch trình của công chúa sẽ bị huỷ vì nàng ngã bệnh - nàng chẳng ngã bệnh, chính nàng đang nằm trong nhà của anh đây! Và thế là chàng nhà báo Joe do Peck thủ vai đã nảy lên một ý tưởng, anh sẵn sàng đưa Ann đi tham quan thành Rome và trở thành hướng dẫn viên du lịch tình nguyện cho nàng. Công chúa Ann, vốn đã chán ngấy cuộc sống bó buộc và chỉ muốn rũ bỏ nghĩa vụ hoàng gia để tận hưởng chút tự do, chẳng chần chừ gì nhận lời ngay. Và một cuộc tình lãng mạn chớm nở đã dần hình thành trong chuyến du ngoạn thành Rome bất ngờ ấy.

2. Bắt trộm (To catch a Thief - 1955)

2

Cary Grant trong vai một tên trộm đã “giải nghệ” còn Grace Kelly thì sắm vai một cô gái trẻ giàu có. Dưới tài nghệ của đạo diễn Alfred Hitchcock, "Bắt trộm" không chỉ kể về quá trình tìm kiếm sự thật hòng lấy lại sự trong sạch của tên trộm lừng danh mà còn là một câu chuyện tình không được dự tính trước. Bộ phim lãng mạn thần bí với những thước phim tuyệt đẹp được quay tại Cannes và Nice (Pháp) này đã ghi lại trọn vẹn thời kì hoàng kim của du lịch mà chúng ta vẫn mơ về, cái thời mà khoác một tấm áo choàng vàng xuống bãi biển thì thật chẳng ra làm sao ấy.

3. Bác sĩ Zhivago (Doctor Zhivago - 1965)

3

Du lịch nước Nga giữa thời kì Cách mạng Liên Xô nghe có vẻ không phải là một ý tưởng hay cho lắm, nhưng những thước phim của đạo diễn David Lean đã khắc hoạ hoàn hảo vẻ đẹp ám ảnh của đất nước xinh đẹp này trong một thời sử thi lãng mạn. Thậm chí có người còn lầm tưởng bộ phim thực chất được quay ở Tây Ban Nha. Từ sự sang trọng nguy nga của Đế quốc Nga cho đến những cánh đồng đầy hoa tại Urals hay vùng lãnh nguyên Siberia lộng gió, máy quay của đạo diễn Lean đều bắt trọn được những khung cảnh tuyệt vời và chúng đẹp đến không thể diễn tả bằng lời.

4. The Endless Summer (1966)

4

Bộ phim tài liệu về đề tài lướt sóng này của đạo diễn Bruce Brown khiến ta không khỏi nhớ tới câu hát kinh điển của ban nhạc The Beach Boys: “Bắt lấy con sóng vỗ và bạn sẽ thấy mình như đang ngồi trên đỉnh thế giới”. "The Endless Summer" kể về cuộc hành trình theo chân hai người bạn, Mike Hynson và Robert August, trong một chuyến đi lướt sóng vòng quanh thế giới, đưa người xem đến những bờ cát trải dài tận Hawaii, hay những bãi biển hoang sơ ở New Zealand và Nam Phi. Bộ phim đã có tác động rất lớn tới văn hoá lướt sóng cũng như du lịch, mà một phần không nhỏ là nhờ vào kĩ xảo điện ảnh khéo léo của Bruce Brown và những nhà lướt sóng đại tài.

5. Two for the Road (1967)

5

Du lịch là chủ đề xuyên suốt của bộ phim hài kịch lãng mạn này, kể về đôi vợ chồng nọ do Albert Finney và Aubrey Hepburn thủ vai. Mở đầu bộ phim đơn giản chỉ là chuyến đi đến Saint-Tropez, nhưng đoạn đường tới miền Nam nước Pháp ấy đã khơi ngợi lại những xúc cảm của hai vợ chồng với nhiều xung đột, những khúc mắc chưa được giải tỏa.

6. Tay lái nổi loạn (Easy Rider - 1969)

6

1969 đúng là năm diễn ra lễ hội Woodstock - một sự kiện được coi là lớn nhất của phong trào phản văn hoá vào thập niên 60 - có lẽ chẳng còn thời điểm nào tốt hơn thế nữa để ra mắt "Easy Rider". Câu chuyện của bộ phim là một chuyến du lịch bằng xe máy của Wyatt (Peter Fonda) và Billy (Dennis Hopper) trong hành trình từ Mexico qua Los Angeles rồi đến New Orleans. Được quay với ngân sách eo hẹp, thước phim trong Tay lái nổi loạn là những khung cảnh cát bụi của sa mạc và những vùng quê, thị trấn, mô tả một nước Mỹ với những góc tối tăm và đầy bất an.

7. Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông (Murder on the Orient Express - 1974)

7

Mặc dù bản làm lại năm 2017 có chất lượng hình ảnh đẹp hơn hẳn, nhưng ta phải thừa nhận rằng bản gốc năm 1974 mới thật sự thành công. Trước hết, bộ phim có một dàn diễn viên xuất sắc khó có thể thay thế. Albert Finney trong vai thám tử người Bỉ Hercule Poirot – nhân vật kinh điển của nhà văn trinh thám nổi tiếng Agatha Christie. Poirot đã đồng ý điều tra vụ giết người giữa đêm trong khoang hạng nhất của một chuyến tàu với đầy đủ các nhân vật, từ nàng công chúa Nga đến nữ bá tước trẻ tuổi xinh đẹp. Và cũng trong những thước phim ấy, cảnh tượng từ khung cửa sổ tàu hoả trông ra miền quê Nam Tư đầy tuyết trắng chưa bao giờ quyến rũ đến thế.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

8. Indiana Jones và Chiếc rương thánh tích (Raiders of the Lost Ark - 1981)

8

"Raiders of the Lost Ark" là sự hợp tác mang quy mô khổng lồ giữa hai đạo diễn phim bom tấn lớn nhất thế giới lúc bấy giờ: Steven Spielberg (với phim Jaws), người trực tiếp chỉ đạo và George Lucas (với phim Star Wars), tham gia điều hành sản xuất. Bộ phim kể về cuộc hành trình theo chân nhà thám hiểm Indiana Jones (do Harrison Ford thủ vai) vòng quanh trái đất với nhiệm vụ truy tìm Chiếc rương thánh tích huyền thoại. Với địa điểm quay phim được đặt tại Pháp và Tunisia (đại diện cho Ai Cập), đây được coi là một trong những bộ phim có nhiều cảnh quay tự nhiên mãn nhãn nhất trong lịch sử phim bom tấn.

9. Kì nghỉ Giáng sinh (National Lampoon’s Vacation - 1983)

9

Đây là một bộ phim hài đường bộ Mỹ năm 1983 do Harold Ramis đạo diễn với sự tham gia của Chevy Chase (trong vai ông bố Clark). Theo chuyến du lịch đường dài của gia đình Griswold, khán giả sẽ được ghé thăm những địa điểm có thật ở Mỹ như Thung lũng Chết, Hẻm núi lớn, và cả những nơi chỉ là giả tưởng như công viên giải trí Walley World. Với sự tham gia diễn xuất của Christie Brinkley và bài hát chủ đề nổi tiếng Holiday Road, đây chắc chắn là một bộ phim mà những ai yêu thích du lịch nên xem ít nhất một lần trong đời.

10. Câu chuyện ngọc lục bảo (Romancing the Stone - 1984)

10

Những năm 80 là thời kì nở rộ của phim hành động, tuy nhiên "Câu chuyện ngọc lục bảo" dường như đã đánh bay mọi bộ phim khác và chễm chệ ở một trong những vị trí nổi bật nhất thời kì này, nó như một sự kết hợp mượt mà giữa Indiana Jones và thể loại tiểu thuyết lãng mạn nhẹ nhàng vậy. Câu chuyện bắt đầu khi Joan Wilder (Turner thủ vai), vốn là một tiểu thuyết gia nhút nhát, buộc phải lên đường tới Colombia để giải cứu người em gái bị bắt cóc… Bộ phim đã khiến khán giả vô cùng thích thú với những địa điểm hoang sơ và kỳ bí của Mexico, Vườn quốc gia Zion hay đô thị Jalapa…

11. Xa mãi Phi châu (Out of Africa - 1985)

11

Hai ngôi sao điện ảnh Meryl Streep và Robert Redford cùng góp vai trong bộ phim về câu chuyện tình yêu bi thảm, khi một nam tước phu nhân với cuộc hôn nhau tan vỡ rơi vào lưới tình với một người thợ săn cừ khôi. Đây là bộ phim được chuyển thể dựa trên cuốn tự truyện của Isak Dinesen, trở thành một trong những bộ phim phóng tác hiếm hoi thành công cả về doanh thu lẫn nghệ thuật. "Xa mãi Phi châu" còn đặc biệt ở những khung hình thiên nhiên châu Phi hùng vĩ và khung cảnh tuyệt vời của Đông Phi thời thuộc địa.

12. Cặp đôi bất đắc dĩ (Planes, Trains and Automobiles - 1987)

12

Bộ phim lấy bối cảnh vào Lễ Tạ ơn, tái hiện lại cơn sốt du lịch trong những ngày nghỉ lễ nhộn nhịp. Trong phim, Steve Martin đóng vai Neal Page, một người đàn ông đang phải đối mặt với những cơn ác mộng khi phải đi đây đi đó liên tục trong chuyến hành trình từ New York tới Chicago trước ngày lễ chính thức.

13. Withnail và tôi (Withnail & I - 1987)

13

“Chuyến du lịch này đúng là một sai lầm!”, câu than thở tuyệt vọng của Withnail (Richard E. Grant thủ vai) đã trở thành điểm nhất hài hước của cả bộ phim hài nước Anh này. Bộ phim kể về câu chuyện của hai diễn viên nghiện rượu, thất nghiệp đang cố thoát khỏi nỗi kinh hoàng của sự nghèo khó giữa London bằng một chuyến đi đến vùng nông thôn. Ấy nhưng vùng nông thôn hoá ra lại còn tồi tệ hơn nữa. Những thước phim của "Withnail và tôi" đã khắc hoạ tuyệt vời vẻ đẹp hoang vắng của vùng Cumbria lộng gió. Khung cảnh miền bắc nước Anh thật là bối cảnh hoàn hảo cho chuyện đời sóng gió buồn bực của hai nhân vật chính trong phim.

14. Câu chuyện về Thelma và Louise (Thelma & Louise - 1991)

14

"Thelma và Louise" có lẽ chính là bộ phim khởi đầu cho ý tưởng làm phim về đề tài bạn thân với diễn viên chính là hai người phụ nữ với những cuộc phiêu lưu của riêng họ, thoát khỏi lối mòn phim hay phải có nam nhân vật chính. Lần đầu tiên, phụ nữ trở thành trung tâm của màn ảnh, đánh dấu kỷ nguyên đầu tiên về một bộ phim có chủ nghĩa nữ quyền.

15. The Adventures of Priscilla, Queen of the Desert (1994)

15

Với bộ phim đặc biệt này, Stephan Elliott chọn cho các nhân vật mình một số phận hay ho: những drag-queen (đàn ông ăn mặc như phụ nữ), người chuyển giới… với sự góp mặt của các ngôi sao Guy Pearce, Hugo Weaving, và Terence Stamp. Ba người có một tour diễn bốn tuần trên chiếc xe bus cỡ lớn được đặt tên là Priscilla. Tính trào phúng và cung bậc cảm xúc vừa hân hoan, vừa trần trụi của tác phẩm góp phần giới thiệu điện ảnh Úc châu đến với công chúng toàn cầu, đặc biệt trở thành tác phẩm “đinh” của giới LGBT. Ca khúc “I Will Survive” cũng đã trở nên bất hủ cùng bộ phim.

16. Trước lúc bình minh (Before Sunrise - 1995)

16

Richard Linklater đã biến những cuộc dạo chơi và trò chuyện đơn giản thành một tác phẩm nghệ thuật bằng bộ phim kinh điển này, mở đầu cho bộ ba phim điện ảnh chậm của mình. Phong cách đáng yêu, yên bình được hai diễn viên Ethan Hawke và Julie Delpy khắc hoạ rất thành công với câu chuyện nhẹ nhàng xen lẫn chút mộng mơ. "Trước lúc bình minh" chỉ đơn giản là cuộc gặp gỡ tình cờ của hai nhân vật chính, là những bước chân lang thang trên con đường lát đá cuội ở thành phố. Vienna dường như đã trở thành nhân vật thứ ba trong một chuyện tình lãng mạn, cũng như Paris chín năm sau trong bộ phim "Trước lúc hoàng hôn", hay Messenia và Greece chín năm sau đó nữa của "Trước lúc nửa đêm". Cả ba tác phẩm nghệ thuật này đều là những minh chứng rõ ràng rằng, đôi khi du lịch là cơ hội để ta sắp xếp lại cuộc sống và tìm về với chính bản thân mình.

17. Bệnh nhân người Anh (The English Patient - 1996)

17

"Bệnh nhân người Anh" là một bộ phim tình cảm chiến tranh lãng mạn sử thi của Mỹ năm dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên đạt giải Booker của Michael Ondaatje. Với cốt truyện được phân chia giữa hai bối cảnh: Ai Cập trước chiến tranh và Ý sau chiến tranh, đạo diễn Anthony Minghella đã mang đến cho chúng ta những cái nhìn nghệ thuật được chế tác khéo léo của cả hai nơi trên. Tình yêu với tất cả sự đẹp đẽ, đau đớn khi được đặt trong khung cảnh đổ nát, hoang tàn của chiến tranh đã đem tới những cảm xúc mãnh liệt cho hàng triệu người xem.

18. Ngài Ripley tài ba (The Talented Mr. Ripley - 1999)

18

Đây là một trong những tác phẩm điện ảnh có các cảnh quay đẹp nhất về Ý được ghi lại trên phim. Lấy bối cảnh vào những năm 1950, bộ phim kể về một nhóm những người trẻ tuổi đang hưởng thụ một kì nghỉ xa hoa kinh người, từ những bãi biển hoang sơ ở Lazio đến các khách sạn sang trọng ở Lazio Venice. Phim có cốt truyện đơn giản với những khoảng trầm miêu tả khung cảnh đẹp đến nao lòng.

19. Hòn đảo thiên đường (The beach - 2000)

19

Trong phim, Richard (do Leonardo DiCaprio hồi trẻ thủ vai) đã tới Thái Lan để tìm cảm giác mới lạ, bỏ sau lưng cuộc sống hiện đại đầy căng thẳng, ngột ngạt. Trên chuyến đi, Richard tình cờ biết được câu chuyện bí ẩn về một hòn đảo thiên đường thực sự tại nơi đây. Bãi biển Maya Bay của đảo Phi Phi Leh ở Thái Lan chính là hòn đảo “thiên đường” trong "The Beach" với làn nước trong xanh, bãi cát trắng mịn, bầu trời đêm lấp lánh hàng triệu vì sao - một nơi tuyệt đẹp mà bất kỳ khán giả nào khi xem phim cũng đều mong muốn được đặt chân tới. Điều đáng tiếc là nơi đây đã trở nên quá nổi tiếng sau khi bộ phim được công chiếu, dẫn đến việc quá tải khách du lịch và bãi biển xinh đẹp chẳng mấy đã ngập đầy rác, để rồi cuối cùng người ta đã phải cho đóng cửa Maya Bay.

20. Vào đời (Y Tu Mamá También - 2001)

20

"Vào đời" là hành trình du lịch của hai chàng bạn thân và một người phụ nữ trưởng thành đầy quyến rũ. Họ băng qua Mexico để tìm kiếm một bãi biển huyền diệu với cái tên Miệng Thiên Đường. Đạo diễn Alfonso Cuarón đã ghi lại những khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp, tràn đầy sức sống vùng Oaxaca, đồng thời cũng cho ta một cái nhìn thoáng qua về cảnh sống nghèo khó ở Mexico lúc bấy giờ.

Phương Anh - Nguồn: Conde Nást Traveler
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES