6 món chuẩn Nam bộ từ cá lóc

25/02/2014

Ngoài nướng trui, loại cá thịt trắng, dai mềm này còn chuyển mình vào hàng loạt các món ngon khác như bánh canh, cháo, lẩu cá…

Cá lóc nướng trui

Cá lóc nướng trui hay cá lóc chổng ngược là món ăn đặc trưng của Nam bộ. Món ăn này gắn với thời kỳ khẩn hoang vùng đất mới của người dân ở đây. Cá lóc nướng trui có cách chế biến không thể đơn giản hơn. Cá lóc sau khi bắt dưới mương, ruộng dùng cây xiên dọc thân cá rồi thui trực tiếp trên lửa hay rơm. Khi thân cá phủ một lớp cháy đen cũng là lúc cá chín. Lấy cá ra khỏi xiên, cạo lớp vỏ đen sẽ hiện ra phần thịt cá trắng non thơm lừng. Cá lóc nướng trui dùng kèm các loại rau trong vườn, mắm nêm và bánh tráng mỏng.

Cá lóc hấp bầu

Có cách ăn cuốn, chấm không khác cá lóc nướng trui nhưng công đoạn chế biến của cá lóc hấp bầu cầu kỳ và tốn thời gian hơn. Cá lóc sau khi làm sạch, ướp với gia vị khoảng 30 phút rồi hấp cách thủy. Khi cá chín tới, cho cá ra đĩa hình trái xoài, sắp bầu non giữ nguyên vỏ cắt khối xung quanh. Khi ăn, bật bếp cho cá nóng và bầu chín tới là dùng được.

Bún cá

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Ở Nam bộ, có hàng loạt các món bún có sự tham gia của cá lóc, nổi bật nhất có thể kể đến bún kèn, bún cá Sóc Trăng, bún cá Châu Đốc, bún cá Trà Vinh, bún mắm, bún thái… Dù tên gọi khác nhau, cách chế biến khác nhau song trong tất cả các món bún, cá lóc đều có cách chế biến như nhau. Cụ thể, cá lóc sau khi làm sạch, luộc chín, bóc lấy phần thịt cá để riêng hay xào cùng với nghệ. Nước luộc cá gia giảm thêm nước hầm xương, gia vị thành nước dùng.

Bánh canh

Ngoài những lát cá trắng phau, tươi ngọt, bánh canh cá lóc thu hút thực khách với nước dùng thanh ngọt, nấm rơm giòn mềm, cọng bánh to dai mịn, chén mắm nêm ẩn hiện những con cá cơm (mắm) chắc nụi, đậm vị kết đôi với rau đắng đất dân dã. Thanh mát, dễ ăn, dễ tiêu, bánh canh cá lóc có thể thưởng thức bất kỳ thời điểm nào trong ngày, bất kỳ mùa nào trong năm nhưng “đã” miệng nhất là những buổi sáng trời hơi se se lạnh.

Cháo cá lóc

Cháo cá lóc có khá nhiều điểm cộng. Đầu tiên là độ thanh mát, tiếp đến là cái ngon khó cưỡng của một chuỗi các nguyên liệu như nấm rơm, thịt băm. Để đạt đến độ mềm, mịn, tơi nhuyễn nhất định, cháo không được nấu bằng gạo mà bằng nếp. Cách nấu cũng không phải cho trực tiếp nếp sống vào nước dùng mà rang chín vàng với ít tiêu, muối, sau đó mới cho vào nấu cùng nước hầm. Khác với các món cháo khác, cháo cá lóc Nam bộ dùng kèm rau đắng và tương bần khiến những lát cá tươi hơn, thơm hơn và đậm vị hơn.

Lẩu cháo cá

Có thể nói lẩu cháo cá là cách phát triển trên diện rộng của món cháo cá với các thành phần của món cháo được nhân lên nhiều lần thích hợp cho món ăn chung hơn là món một người ăn. Lẩu cháo cá lóc mê hoặc thực khách với vị thơm mềm, nóng hổi của nồi cháo nếp, đậu xanh, thịt viên, nấm rơm, cái ngọt béo của cá lóc, tươi ngọt của lâu xanh, béo đậm của trứng vịt lộn hay tươi ngon của trứng gà. Đặc biệt, món lẩu này không chỉ thích hợp làm món ăn chơi mà còn có thể dùng như món ăn bồi dưỡng sức khỏe.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES