6 món ngon ở Cần Thơ dễ làm say lòng người

08/11/2014

Ốc bươu nướng tiêu, bánh cóng hay canh chua cá hú bông so đũa là những món sẽ làm du khách nhớ mãi khi ghé thăm xứ Tây Đô hiền hòa mến khách.

Dưới đây là các món ngon đậm chất miền Tây mà du khách khó lòng bỏ qua khi về Cần Thơ.

Lẩu mắm mùa nước nổi

Lẩu mắm ăn kèm với bông điên điển. Ảnh: Thanh Viên

Miền Tây là đất sản sinh món lẩu mắm. Thế nhưng yếu tố góp phần đưa món ăn bình dân này lên hàng đặc sản phải kể tới Cần Thơ. Món lẩu được nấu bằng mắm sặc là sự giao thoa hài hòa của nền ẩm thực người Khmer với lưu dân phương Nam khai khẩn. 

Ở miền Tây, bất cứ món ăn nào, từ kho, xào, canh…, đều nhất thiết phải có bông hay rau. Trong đó, lẩu mắm càng nhiều rau càng ngon, thường phải có đủ  loại như đọt, lá non và không thể thiếu bông. Danh sách bao gồm từ kèo nèo, rau muống, bông súng, so đũa tím, bông bí, đậu rồng, bông kim châm, rau nhút, bông chuối đến bông điên điển đặc trưng mùa nước nổi. 

Sài Gòn cũng bán lẩu mắm nhưng  ít nơi nào có loại bông chỉ trổ theo mùa nước nổi như miền Tây. Người miền Tây hay nói chơi rằng không có gì “mát rần trời” bằng chén lẩu mắm bỏ đầy ụ rau, tôm, thịt lươn, cá hú,… xì xụp húp trong những ngày mưa gió dầm dề.

Kho quẹt chấm tập tàng

Kho quẹt từng được coi là “món ăn nhà nghèo” của dân bản xứ. Những khi thiếu thốn, chỉ cần bắc chảo, rót chút nước mắm rồi “quẹt”, qua “quẹt” lại. Khi mắm cô đặc, bám vào thành chảo, thơm ngút trời là có thể dùng chan cháo trắng hay chấm rau ăn cơm. Cách chế biến kho quẹt được lấy làm tên đặt cho món này.

Càng nhiều loại rau, chấm kho quẹt càng ngon. Ảnh: Thanh Viên

Kho quẹt ngày nay vào nhà hàng, được cải tiến thêm bằng các nguyên liệu như tôm khô, thịt băm nhuyễn hay chỉ mắm kho với hành phi. Rắc thêm chút tiêu, món này còn làm gia vị cho đĩa rau tập tàng (nhiều loại rau luộc trong một đĩa).

Đặc biệt, ăn cùng kho quẹt không thể thiếu cơm cháy. Với miếng cơm cháy giòn giòn, gắp thêm vài cọng rau và để trên miếng kho quẹt, nhiều người dễ bâng khuâng thoảng nhớ vị quê nhà, thuở còn khốn khó.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Canh chua cá hú bông so đũa

Bữa ăn của người Nam Bộ hiếm khi thiếu canh chua. Trong đó, canh chua (hoặc lẩu) cá hú bông so đũa thường được nấu bằng nguyên liệu chính là cá hú hoặc đầu cá ngát.

Màu tím thẫm của bông so đũa làm nước lẩu trông lạ mắt. Ảnh: Thanh Viên

Mỗi nồi canh chua ăn kèm một rổ rau đầy ắp, gồm kèo nèo, rau nhút, rau đắng hay bông so đũa tím thường trồng ngay tại nhà hoặc gần đó. Mùi thơm các loại rau hòa cùng vị béo và ngọt ngào của da, thịt cá. Canh chua thường ăn với cơm hay bún. 

Cá rô đồng kho tộ

Do ngày một khan hiếm, cá rô đồng nay thường được nuôi, khi ăn có mùi cỏ, tạng cá dày, thịt bở. Trong những đợt tát đìa, mương, nếu may mắn, người dân mới trúng vài con cá rô đồng chính hiệu, nhỏ xíu nhưng nướng hay kho lại thơm nức mũi.

 

Cá rô kho dậy mùi tiêu xay. Ảnh: Thanh Viên

Đối với cá rô hay các loại cá đồng khác, ngoài nấu canh, ngon nhất vẫn là kho tộ. Quá trình chế biến gồm tẩm ướp cá sơ với nước mắm, ớt, tiêu, tỏi, hành phi, sau đó bắc lên kho. Cá muốn ngon và đậm đà phải kho trong tộ (nồi đất) để giữ nguyên độ ngọt, đồng thời nước sắc xuống vừa tới. Rắc chút tiêu xay lên bề mặt, cá rô kho tộ ăn kèm cơm cháy là đúng vị nhất.

Ốc bươu nướng tiêu

Ngoài cá rô, ốc cũng là sản vật thiên nhiên ban tặng cư dân xứ ruộng khắp mọi vùng, không riêng gì đất miền Tây. Khách gọi tới đâu, ốc được nướng tới đó vì rất nhanh chín.

Bạn đừng bỏ qua nước ốc khi dùng ốc bươu nướng tiêu. Ảnh: Thanh Viên

Ốc bỏ lên vỉ than nướng, sau khi thấm hơi nóng thì tách lớp mài. Lúc đó, người nấu có thể bỏ tiêu xay (hoặc muối tiêu), đến khi thấy nước ốc sôi là có thể gắp ăn. Trước khi nướng, một số nơi còn tẩm ướp sẵn ốc với gia vị giúp món ăn đậm đà hơn.

Bánh cóng

Một trong số đặc sản nổi bật nhất của miệt Tây Đô phải kể đến bánh cóng. Nguồn gốc bánh xuất phát từ người Khmer và hiện vẫn được bán dọc đường các tỉnh miền Tây. Món này có nguyên liệu và cách làm nôm na như bánh khọt nhưng dày và lớp nhân phóng khoáng hơn.

Tinh hoa ẩm thực Khmer gói ghém trong chiếc bánh cóng. Ảnh: Thanh Viên

Nhân bánh trộn từ bột đậu xanh với củ sắn, thịt bằm và đổ vào khuôn kích thước gần bằng chén. Tiếp theo, bánh được nhúng xuống chảo dầu, sau đó chiên tới khi chuyển màu vàng ngà là đặt thêm mấy con tép sông lên trên cùng.

Vị béo của bột mì cùng đậu xanh hòa quện đồng đều trong vị ngọt từ tép. Vỏ bánh giòn rụm, khi ăn không có cảm giác ngán. Bánh cóng có cách ăn tương tự bánh xèo, cuốn cùng các loại rau và chấm nước mắm tỏi ớt.

 

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES